Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sự sạch sẽ

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

SỰ SẠCH SẼ

 

Brunello Cucinelli nói: “Trật tự và ngăn nắp là luật đầu tiên của Thiên Đường.” Kịch tác gia Chekhov nói: “Tất cả những thứ thuộc về con người từ ngoại hình, trang phục cho đến linh hồn và tư tưởng đều phải thật gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ.” Một cuộc điều tra của trường Đại học Harvard thấy rằng nơi ở của người thành đạt và hạnh phúc đều rất sạch sẽ và ngăn nắp, còn nơi ở của người bất hạnh thì lộn xộn và bừa bãi.

 

Trật tự, gọn gàng và sạch sẽ liên quan với nhau – và có liên quan sức khỏe. Sạch sẽ là “bài học” vệ sinh người ta được học từ những năm đầu đời, thậm chí ngay khi còn nằm nôi. Đơn giản là chính “cô giáo” mẹ đã dạy chúng ta nên làm thế này, đừng làm thế kia. Vệ sinh là vấn đề giản dị mà quan trọng, liên quan nhiều vấn đề khác, thậm chí liên quan cả “chuyện sinh tử.” Câu “ăn bẩn sống lâu” là nói đùa hoặc biện hộ cho thói dơ bẩn mà thôi.

 

Người ta nhận thấy rằng khái niệm “vệ sinh” được sử dụng lần đầu trong tiếng Anh vào khoảng năm 1677. Chữ “vệ sinh” (hygiene) bắt nguồn từ tiếng Pháp “hygiène,” vốn là phiên bản của Tây phương từ Hy ngữ là ὑγιεινή (τέχνη) – hugieinē (technē), nghĩa là “nghệ thuật của sức khỏe.” Chữ ὑγιεινός (hugieinos) là “khỏe mạnh,” chữ ὑγιής (hugiēs) là “lành mạnh, có lợi.” Trong tôn giáo Hy Lạp cổ đại, Hygeia (Ὑγίεια) là nữ thần đại diện cho sức khỏe, sự sạch sẽ.

 

Sạch sẽ là vệ sinh, văn minh, có văn hóa, có ý thức. Nhưng vệ sinh không chỉ là tẩy sạch, làm hết bẩn, nếu vậy thì vẫn tiêu cực, mà phải giữ cho KHÔNG BẨN, đó mới là tích cực. Quy tắc giữ gìn sạch sẽ cơ bản nhất là vệ sinh cá nhân, rộng hơn là môi trường xung quanh, xa hơn nữa là môi trường chung mọi nơi. Giữ sạch sẽ để đề phòng dịch bệnh, bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Đừng thiển cận cho rằng một cọng rác nhỏ không đáng gì, cũng đừng tưởng cổng nhà mình sạch là được, cổng nhà người ta bẩn thì mặc kệ. Mọi thứ đều có tính liên đới!

 

Hằng ngày người ta phải tắm rửa hằng, ít là một lần, để loại bỏ vi khuẩn và chất bẩn – các tế bào chết đó được gọi là “ghét.” Đùng là đáng ghét thật. Việt ngữ cụ thể và độc đáo quá chừng! Không chỉ vậy, người ta còn phải giữ vệ sinh nhiều thứ khác như đánh răng, cạo râu, đi vệ sinh đúng chỗ, áo quần sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng,... Việc giữ vệ sinh được dạy từ đầu đời, điều đó dần dần trở thành một tập tính tốt. Người ăn ở không vệ sinh sẽ gây “dị ứng” với người khác, và còn nguy hiểm là mắc bệnh – tự làm khổ mình và ảnh hưởng người khác.

 

Giữ sạch sẽ cần được duy trì đa dạng: thân thể, nhà cửa, môi trường, xã hội, giáo dục, âm nhạc, văn chương, tâm lý, tinh thần, đặc biệt là linh hồn.

 

Trái ngược với sạch sẽ là dơ bẩn, mất vệ sinh. Tương tự, bẩn cũng có nhiều dạng và nhiều mức độ: Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm quản lý, ô nhiễm tư tưởng, ô nhiễm ánh mắt, ô nhiễm tai nghe, ô nhiễm ngôn ngữ, ô nhiễm lương tâm, ô nhiễm giáo dục, ô nhiễm âm nhạc, ô nhiễm văn chương, ô nhiễm ý thức,… Ô nhiễm nào cũng bẩn, cũng xấu, cũng độc hại!

 

Cần giữ sạch sẽ thể lý, thế giới hữu hình, môi trường chung về thiên nhiên; càng cần giữ sạch sẽ hơn đối với tinh thần, tâm hồn, và môi trường chung về tâm linh – giáo xứ, giáo phận, giáo hội.

 

Lạy Chúa, xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở. (Tv 17:8) Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con. (Tv 141:3)

 

TRẦM THIÊN THU