Chứng từ hùng hồn về sự khổ đau - Một phần trong cuộc sống
CHỨNG TỪ HÙNG HỒN VỀ SỰ KHỔ ĐAU
“Miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!”.
“Một số người đáng thương nhất trên thế giới là những người - giữa nghịch cảnh - buông thả bản thân, đắm mình trong cay đắng và tủi thân; đồng thời, vui vẻ đổ lỗi cho Chúa những vấn đề của họ!” - Billy Graham.
Kính thưa Anh Chị em,
Gioan Tẩy Giả không ‘vui vẻ’ đổ lỗi cho Chúa về cái chết của mình! Cuộc trảm quyết Gioan được kính nhớ hôm nay là một ‘chứng từ hùng hồn về sự khổ đau’, tiết lộ mầu nhiệm sự ác trong thế giới và ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài, một đôi khi, cho nó xảy ra.
Tại sao Thiên Chúa lại cho phép người ta chặt đầu một con người vĩ đại? Chúa Giêsu từng nói về sự vĩ đại của con người này, “Trong tất cả con cái người nữ sinh ra, không ai cao trọng hơn Gioan!”. Vậy mà Ngài vẫn để Gioan chịu một bất công lớn lao đến thế? Đúng vậy, rõ ràng, theo dòng lịch sử, Thiên Chúa đã cho phép những kẻ Ngài yêu thương chịu khổ đau suốt mọi thời. Điều này cho biết điều gì?
Trước hết, sự thật hiển nhiên là Chúa Cha đã để Chúa Con chịu khổ đau, bị sát hại một cách thảm khốc. Phải chăng điều này có nghĩa là Cha không yêu Con? Không! Thực tế, đau khổ không phải là dấu hiệu của sự ghét bỏ nơi Thiên Chúa. Nếu bạn đau khổ và xem ra không được đỡ nâng thì đó không phải là vì Chúa bỏ rơi bạn, không yêu bạn; ngược lại có lẽ đúng hơn. Ngài muốn bạn dùng sự đau khổ của mình để miệng bạn có thể “tường thuật ơn cứu độ Ngài ban”. Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc!
Trên thực tế, đau khổ của Gioan là bài giảng vĩ đại nhất mà Gioan có thể truyền đạt. Đó là chứng từ của một tình yêu bền vững đối với Thiên Chúa và sự cam kết hết lòng của một sứ giả đối với Đấng sai đi. Chứng từ hùng hồn của Gioan thật mạnh mẽ vì Gioan đã trung thành, bất chấp sự bách hại. Và theo quan điểm của Thiên Chúa, lòng trung thành đó có giá trị hơn nhiều so với cuộc sống thể xác mà Gioan có thể ‘tiếp tục’ kéo dài để chu toàn sứ vụ dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngần ấy đã là quá đủ!
Sai Giêrêmia đến với dân, Thiên Chúa cũng quyết đoán một cách tương tự, “Hãy thắt lưng. Hãy trỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi!” - bài đọc một. Giêrêmia bị dân chống đối, thậm chí có lần, người ta định chôn sống ông. Nhưng có Chúa ở cùng, Giêrêmia đã đi đến cùng, chu toàn sứ vụ một cách hùng hồn.
Anh Chị em,
“Miệng con sẽ tường thuật ơn cứu độ Ngài ban!”. Trong cuộc sống, trước những khổ đau, bạn có tường thuật ơn cứu độ của Chúa? Hay thay vào đó, gặp một thánh giá - không ít lần - bạn cầu xin Chúa cất nó đi? Dẫu hoàn cảnh nào, Chúa cũng sẽ nói với chúng ta, “Ơn Thầy đủ cho con!” và Ngài muốn chúng ta dùng sự khổ đau của mình để chứng tỏ lòng trung thành; đồng thời, tường thuật ơn cứu độ của Ngài. Vì thế, câu trả lời của Chúa Cha dành cho Chúa Con, dành cho Giêrêmia, cho Gioan và cho cả bạn và tôi là một lời mời gọi mỗi người bước vào mầu nhiệm thập giá của chính mình trong đức tin, niềm hy vọng và lòng trung thành.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con sẽ không vui vẻ đổ lỗi cho Chúa về thập giá của con. Với ơn Chúa, con sẽ ôm lấy nó, biến nó thành Bí tích cứu độ; cứu độ con, cứu độ anh em con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
****************
MỘT PHẦN TRONG CUỘC SỐNG
“Tôi bảo thật các người, tôi không biết các người là ai!”.
Một kẻ keo kiệt nổi tiếng được tổ chức từ thiện mời đến. “Thưa ông, hồ sơ cho thấy dù giàu có, nhưng ông chưa bao giờ đóng góp cho chiến dịch!”. “Hồ sơ của ngài có cho thấy tôi có một mẹ già không một xu dính túi khi cha tôi mất? Hồ sơ của ngài có cho thấy tôi có một anh trai tàn tật? Hồ sơ của ngài có cho thấy chị gái tôi goá chồng có mấy con nhỏ?”. “Không, thưa ông!”. “Vâng, tôi chưa giúp gì cho bất kỳ ai trong họ - một phần trong cuộc sống của tôi - vậy tại sao tôi phải quyên góp cho ngài?” - Landon Parvin.
Kính thưa Anh Chị em,
Dụ ngôn mười cô trinh nữ cảnh báo chúng ta phải tỉnh thức khi Chúa đến. Dầu cho đèn không chỉ là lòng bác ái nhưng còn là chính Chúa Kitô - Chàng Rể. Dầu đầy bình có nghĩa là ‘đầy Chúa Kitô’. Ngài là ‘một phần trong cuộc sống’ hằng ngày của chúng ta!
Tỉnh thức không chỉ là không ngủ mà còn là sẵn sàng. “Đèn” là biểu tượng của đức tin soi dẫn cuộc sống; “dầu” là biểu tượng của lòng bác ái nuôi dưỡng ánh sáng đức tin đó, làm cho nó sinh hoa trái và đáng tin cậy. Điều kiện để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô - Chàng Rể - không chỉ là đức tin, mà là đời sống tràn đầy tình yêu và lòng bác ái đối với tha nhân. Nếu để mình bị điều hướng bởi những gì có vẻ dễ chịu, thoải mái, bằng cách tìm kiếm lợi ích riêng, thì cuộc sống của chúng ta trở nên vô sinh, cằn cỗi, không có khả năng mang lại sự sống cho người khác. Và như thế, chúng ta không tích lũy được dầu dự trữ cho ngọn đèn đức tin của mình; và điều này - đức tin - sẽ bị dập tắt vào thời điểm Chúa đến, hoặc thậm chí trước đó.
Ngược lại, nếu tỉnh thức và tìm cách làm điều thiện bằng những hành động yêu thương, chúng ta có thể bình an trong khi chờ đợi Chàng Rể đến. Chúa có thể đến bất cứ lúc nào, và ngay cả cái chết cũng không làm sợ hãi, vì chúng ta đã có một nguồn dầu tích lũy qua những việc lành hằng ngày. Nói cách khác, tình yêu, lòng bác ái hay chính Chúa Kitô đã là ‘một phần trong cuộc sống’ của chúng ta.
Việc chuẩn bị và đáp trả này chỉ có thể thực hiện bởi mỗi người. Không ai khác có thể làm thay. Đây chính là ý nghĩa của việc những trinh nữ khôn ngoan từ chối chia sẻ dầu của họ cho ‘những ngọn đèn’ sắp tắt, “Các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”. Do đó, trách nhiệm của chúng ta trước Chúa là ‘cá nhân và không thể chuyển giao!’.
Anh Chị em,
“Tôi không biết các người là ai!”. Đừng để phải nghe những lời này sau một đời theo Chúa! Đừng đợi đến “ngày mai” - vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến - để chăm chút ngọn đèn tình yêu dành cho Chàng Rể! Hãy sống từng giây phút đời mình với tất cả niềm đam mê. “Hãy sống mỗi ngày trong cuộc đời bạn như thể đó là ngày đầu tiên của việc bạn tồn tại, như thể đó là ngày duy nhất bạn có, như thể đó là ngày cuối cùng đời bạn!”. Đó là một câu nói nổi tiếng nhưng bạn và tôi có thể làm mới lại cho mình như một lời kêu gọi thức tỉnh phải thực hiện để có một sự hoán cải ‘cần thiết và hợp lý!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho ‘đèn con’ luôn ‘đầy dầu’, ‘lòng con’ luôn ‘đầy Chúa!’. Chúa không chỉ là ‘một phần trong cuộc sống’ của con, Chúa còn là ‘toàn bộ cuộc sống’ con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: