Đạo đức xã hội
THỬ THÁCH VÀ LỢI ÍCH KHI CÓ CHA MẸ GIÀ SỐNG CHUNG HOẶC GỬI VÀO VIỆN DƯỠNG LÃO
Trần Mỹ Duyệt
Bạn tôi khi còn sống đã có lần nói rằng anh mong những thời gian cuối đời của anh được sống trong một viện dưỡng lão, hay một trung tâm chăm sóc người cao niên. Anh kể cho tôi nghe về một vài người bạn khác của anh đã cho anh biết sống trong viện dưỡng lão thoải mái, không bận tâm về vấn đề ăn uống, sức khỏe. Muốn ăn thì ăn, ngủ thì ngủ, khi bệnh có bác sỹ, y tá tận tình chữa chạy. Không phiền hà con cháu. Không sợ con rể, con dâu mặt nặng, mặt nhẹ làm khổ cho con cái mình.
Nhưng hình ảnh mà anh tả thật sự không giống những gì mà tôi đã từng chứng kiến mỗi khi thăm bệnh nhân cao tuổi tại các viện dưỡng lão hoặc trung tâm người cao niên. Có thể những lúc ấy các cụ không được khỏe, và cũng có thể các cụ đang mang những tâm sự buồn nên ít khi thấy các cụ vui. Cảm động nhất là trước lúc ra về, nhìn ánh mắt các cụ thấy như muốn nói với mình: “Sao mau về thế? Không nán lại ít phút được hay sao?” Những kinh nghiệm này, cũng đã được giải thích qua những tài liệu sau:
Một người sống bao lâu tại một viện dưỡng lão (nursing home)? Con số trung bình thời gian tại một viện dưỡng lão khoảng 13 tháng tới hơn 2 năm, tùy theo mỗi trường hợp. [1]
Thời gian kỳ vọng cho một người được săn sóc tại gia (care home residents) giữa năm 2021 và 2022 kéo dài khoảng 7 năm ở tuổi 65-69. 2,9 năm ở tuổi 90 hoặc lâu hơn đối với quí bà; và từ 6,3 năm ở tuổi 65-69 tuổi, 2, 2 năm ở tuổi 90 hoặc hơn cho quí ông. [2]
Phải chăng đó cũng là những băn khoăn, thao thức đối với người Việt cao niên ở Mỹ? Rất nhiều trường hợp đã và đang phải đối diện với những khó khăn đến từ hai phía cha mẹ, con cái và cả dâu/rể nữa. Nhiều cặp vợ chồng lục đục hay ly dị vì chuyện này. Vậy câu hỏi là liệu có nên đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, các trung tâm chăm sóc người cao niên hoặc săn sóc các cụ tại nhà? Có thì sao và không thì sao? Đâu là sự chọn lựa?
Những khó khăn săn sóc tại gia:
Đối diện với những khó khăn trong cuộc sống thực tế hiện nay, việc săn sóc người cao niên tại nhà không chỉ là một cố gắng, hy sinh mà còn là một vấn đề liên quan đến công ăn việc làm, khả năng chuyên môn, và mối tương quan của anh, chị, em trong gia đình.
-Khó khăn về thời gian. Thí dụ, thời gian dành cho vợ, cho chồng, cho con, và thời gian dành cho công việc. Một vài người đã hy sinh việc làm để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ. Nhưng đó là những trường hợp rất hiếm, và thường xảy ra đối với những người độc thân, hoặc phần nào ổn định về tài chính.
-Khó khăn do những hiểu lầm về tâm lý và bệnh lý. Theo tâm lý tự nhiên, người già, người cao niên luôn sống bằng hoài vọng, bằng quá khứ. Họ rất nhạy cảm và hay tủi thân. Và đây là một khó khăn cho lớp người trẻ, đặc biệt cho những con cháu lớn lên hoặc sinh ra tại Hoa Kỳ bao gồm những người con dâu, và những chàng rể. Họ thuộc lớp người trẻ lớn lên và hấp thụ nền văn hóa Tây Phương. Hiểu biết rất giới hạn về văn hóa cũng như cách thức giao tiếp, đối xử với những người cao niên theo truyền thống, văn hóa Đông Phương. Làm sao bây giờ, mỗi khi có những xích mích xảy ra, những hiểu lầm xảy ra thì người trong cuộc phải giải thích như thế nào? Bênh ai? Bỏ ai? Nghe ai? Ai đúng? Ai sai??? Thực tế này hết sức tế nhị nhưng thông thường khi có những cha mẹ già sống chung. Đó là chưa kể những rắc rối khác khi những đứa cháu đối xử với ông bà. Nhiều khi ông bà muốn tìm một tình cảm quyến luyến, một bầu khí ông cháu, bà cháu như trước đây hồi còn ở Việt Nam mà không được. Trước những tình cảnh này cả về phía người già lẫn người trẻ đều gặp khó khăn.
-Khó khăn về chuyên môn. Tuổi già cũng là thời gian của bệnh tật, của những khó khăn liên quan đến sức khỏe. Những bệnh lý trực tiếp liên quan đến tuổi già đó là bệnh lãng trí hay mất trí nhớ (Alzheimer's disease), run rẩy (Parkinson), hoặc tai biến gây bại liệt một phần hoặc toàn thân. Chăm sóc những trường hợp như thế này không những đòi hỏi khả năng y khoa, chuyên môn mà còn cần đến một sự hiểu biết về tâm lý, đặc biệt là tâm lý người cao niên. Sau đây chỉ là một trong số những tâm sự của người con săn sóc cho mẹ:
“Em ở với mẹ lo cho mẹ đến lúc trút hơi thở nên em biết nỗi buồn khổ của người già và em cũng biết luôn nỗi khổ của chính mình và đuối sức muốn gục ngã luôn vào những tháng cuối. Cũng may hai mẹ con ở với nhau nên em lo cho mẹ được toàn thời gian mình có. Có những lúc mệt mỏi quá nên cũng đâm gắt gỏng với mẹ. Nghĩ lại hối hận vô cùng!”
Đó cũng là lý do tại sao ít ai biết rằng có đến 30% những người chăm sóc cho người bệnh tại nhà chết trước người bệnh.[3]
-Khó khăn về những bất đồng, gây bất hòa giữa anh chị em. Nếu trong gia đình có 2, 3, 4, hoặc 5 anh chị em thường nảy sinh tâm lý đùn đẩy, bì tị và kết quả là thái độ vô trách nhiệm.
Ai trông coi cha mẹ? Quan niệm Á Đông là con trai cả hay con trai út. Nhưng khi trong gia đình không có con trai thì sao? Trong trường hợp này thường là: “Cha chung không ai khóc”, và nếu có con nào thương cha mẹ hoặc cha mẹ muốn được ở chung thì người đó hầu như sẽ gánh trách nhiệm suốt đời, và cũng rất ít được sự hợp tác của các anh, chị, em khác. Kết quả là những xào xáo, ghen tỵ, so sánh, và bất hòa. Anh, chị, em không lo cho cha mẹ thì cũng phải đóng góp với tôi chút đỉnh chứ? Sao lại khoán trắng cho vợ chồng tôi? Nhưng khi bàn đến của cải, tài sản cha mẹ để lại thì vấn đề lại khác!
Một điều mà thực tế đã diễn ra, đó là nhiều người khi cha mẹ còn sống đã không hề thăm hỏi, quà cáp, khi yếu đau cũng không thuốc thang, săn sóc, nhưng khi cha mẹ chết thì khóc lóc, vật vã, rồi lo ma chay linh đình. Họ giả hình, bôi bác như lời ca dao của ông bà để lại:
“Sống thì con chẳng cho ăn,
Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi.”
Gửi cha mẹ vào các viện dưỡng lão:
Đối với người Việt Nam và với truyền thống văn hóa Việt Nam, khó khăn lớn nhất là những người trong cuộc không không hiểu và ý thức được bổn phận, trách nhiệm cũng như vai trò của nhau. Đặc biệt với đạo lý đề cao chữ hiếu. Đôi khi sự hiểu biết này chỉ là hình thức, câu nệ và giả dối, nhưng lại rất dễ bị phê phán và đàm tiếu.
Đạo hiếu. Đây là ngãng trở và khó khăn nhất mỗi khi nghĩ đến việc gửi cha mẹ già vào một viện dưỡng lão. Ai cũng biết rằng sống trong các viện dưỡng lão, các trung tâm chăm sóc người cao niên thì chắc chắn không bằng sống ở nhà. Tình cảm gia đình, sự chăm sóc của con cái, những buổi xum họp gia đình tuy thưa thớt nhưng dầu sao vẫn là niềm vui, là động lực tinh thần cho tuổi già của cha mẹ.
Khi một người phải sống trong các viện dưỡng lão, các trung tâm chăm sóc người cao niên thì những tình cảm gia đình, bạn bè không còn nữa. Những lần thăm viếng của con cháu và người thân sẽ thưa thớt và giảm dần. Người già trong hoàn cảnh này sẽ rơi vào cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi và quên lãng. Với những người cao niên Việt Nam, những khó khăn ngôn ngữ, văn hóa và tuổi tác sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, tâm lý và thể lý của các vị. Cái cảm giác bị bỏ rơi và loại bỏ khỏi sinh hoạt xã hội sẽ làm cho những ngày tháng trở nên như tù tội. Một bệnh nhân mà tôi gặp trong một viện dưỡng lão đã khóc lóc, năn nỉ con cho mình được về nhà.
Làm sao dung hòa:
“Trẻ cậy cha, già cậy con”. Câu tục ngữ này thoạt nghe như không còn thích hợp với hoàn cảnh và quan niệm sống của con người thời đại. Nhưng bình tâm suy nghĩ, nó vẫn còn giá trị ngay trong vấn đề tâm lý tuổi già và cuộc sống xã hội của thời đại chúng ta. Tuổi trẻ, dù là tuổi trẻ của thời đại văn minh, tân tiến, tự do vẫn cần phải có cha mẹ, và sự nuôi nấng, dạy dỗ của cha mẹ. Một cách tương tự, tuổi già dù ở thời đại nào, nền văn minh nào cũng cần được sự săn sóc và nâng đỡ của con cháu. Đây là định luật tự nhiên và thiên phú.
-Không đâu bằng nhà: Để cha mẹ ở nhà tự chăm sóc là giải pháp đẹp nhất, tốt nhất cho cả hai phía. Cha mẹ già không phải buồn tủi vì sống xa con cháu. Con cái có dịp trả hiếu cho cha mẹ. Cũng có thể, anh chị em thay phiên nhau đón tiếp cha mẹ, và cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ người đã lãnh nhận lo phần chăm sóc cha mẹ.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Cha mẹ chắc không nghĩ đến chuyện này khi sinh thành, nuôi nấng và dưỡng dục con cái. Nhưng
“làm con phải hiếu”. Sống sao “cho tròn chữ hiếu”.
Ngoài ra, nếu hoàn cảnh tài chính cho phép chúng ta vẫn có thể thuê những người chăm sóc tại gia cho cha mẹ già. Hoặc xin những được người đến nhà giúp chúng ta tùy theo mỗi chương trình. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là khi săn sóc người thân tại nhà, đôi khi người bệnh vì quá yếu không tự ngồi dậy để tiểu tiện hay để tắm rửa được thì phải có người giúp đỡ mới làm được vì chính con cái cũng không đủ sức để đỡ nâng, bế bồng. Người đến giúp họ chỉ giúp vài tiếng ban ngày rồi về, thuê người đến làm việc thêm 8-10 tiếng 1 ngày thì đêm khuya lại ngủ khò ... Và như vậy, trong nhiều trường hợp lòng mình muốn lo và chăm sóc, nhưng sức mình yếu đuối nếu không khéo lại làm người bệnh té ngã, gây thương tích: “Lực bất tòng tâm”.
-Viện dưỡng lão: Khi cha mẹ già yếu quá luôn cần đến sự trợ giúp của y khoa. Hoặc để bảo vệ hạnh phúc gia đình, hạnh phúc hôn nhân thì cũng phải chấp nhận gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão. Dĩ nhiên là có sự giải thích cho các cụ và bàn tính với anh chị em trong gia đình. Đây là một chọn lựa cuối cùng khi không còn chọn lựa nào khác. Vì trường hợp cha mẹ không thể lo lắng được tại nhà, một trung tâm dưỡng lão với đội ngũ bác sỹ, y tá và nhân viên túc trực 24 giờ mỗi ngày là một chọn lựa. Tại đây người già ngoài việc săn sóc thuốc men, còn được huấn luyện, lo lắng về khả năng nói năng và những khả năng sinh hoạt cá nhân.
Đời sống con người luôn là một sự lựa chọn (dilemma). Việc chăm sóc cho cha mẹ tại nhà hay gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão cũng là một chọn lựa. Chỉ cần ta sống sao không thẹn với Trời, với lòng mình, và với người đã sinh thành, dưỡng dục và thương yêu mình.
_________
Tài liệu trích dẫn:
1.
myLifeSite
https://www.mylifesite.net › blog › post › so-ill-probably...
2.
Office for National Statistics
https://www.ons.gov.uk › lifeexpectancies › articles › life...
3.
WCVB
https://www.wcvb.com › article › more-americans-care...
- Tổng Hơp: