Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thiên Chúa nói với chúng ta như thế nào?

Tác giả: 
Lại Thế Lãng

 

 

Thiên Chúa nói với chúng ta như thế nào?

 

The Word Among Us – Lại Thế Lãng chuyển ngữ

 

Bạn nghĩ đến điều gì khi nghĩ về tiếng nói của Thiên Chúa? Bạn có thể tưởng tượng đến một người có giọng nam trung trầm, như James Earl Jones. Hoặc bạn có thể nghĩ đến một âm thanh thì thầm bí ẩn, như tiếng mà Êlia đã nghe (1V 19:12). Tất nhiên, không ai trong chúng ta biết "âm thanh" tiếng nói của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta biết rằng Ngài thích nói với dân của Ngài!

 

Từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, Thiên Chúa đã nói. Ngài gọi, Ngài ra lệnh, và Ngài đặt câu hỏi. Ngài dạy dỗ, hứa hẹn và ban phước lành. Ngài nói mọi lúc—và lời Ngài có sức mạnh.

 

Thiên Chúa tuyên bố, “Phải có . . . ,” và toàn thể vũ trụ đã hiện hữu (St 1:3-25). Ngài đã phán với Ađam và Evà trong vườn; Ngài bảo Nôê đóng một chiếc tàu và kêu gọi Ápram rời khỏi quê hương (1:28-30; 6:13-21; 12:1-3). Ngài đã nói với Môsê và các tiên tri. Ngài đã nói trọn vẹn nhất qua chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Và Ngài nói với chúng ta ngày nay qua Chúa Thánh Thần.

 

Thiên Chúa mong muốn nói chuyện với chúng ta vì Ngài muốn chúng ta biết Ngài và lắng nghe lời yêu thương của Ngài. Ngài là Cha chúng ta, và Ngài muốn dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta. Vì vậy chúng ta muốn khám phá cách Thiên Chúa nói và cách chúng ta có thể lắng nghe và đáp lại tiếng nói của Ngài. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem cách Thiên Chúa giao tiếp với dân Ngài trong Cựu Ước.

 

Lời mời gọi đến mối quan hệ. Sách Sáng thế cho chúng ta biết rằng tổ tiên đầu tiên của chúng ta đã tác động qua lại tự do với Thiên Chúa. Họ đã trải nghiệm lòng nhân từ của Ngài qua sự sáng tạo và tận hưởng sự hiệp thông không bị cản trở với Ngài (St 1:28-29; 2:15-20). Trước khi tội lỗi xâm nhập thế gian, họ đã nói và nghe trực tiếp từ Thiên Chúa; họ bày tỏ nhu cầu của mình một cách tự do và tin tưởng Ngài sẽ cung cấp cho họ. Họ không cảm thấy xấu hổ hay xa cách trong mối quan hệ của họ với Ngài, và họ háo hức lắng nghe Ngài và vâng theo lời Ngài.

 

Nhưng một giọng nói khác đã bước vào thế giới của Ađam và Evà: giọng nói của con rắn. Giọng nói này đã bóp méo những gì Thiên Chúa đã phán. Nó làm cho cặp đôi này bối rối và khiến họ nghi ngờ lời Thiên Chúa và bản chất yêu thương của Thiên Chúa: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?’(St 3:1). Thật đáng buồn là họ đã không bám chặt vào lời Thiên Chúa và lòng nhân từ của Ngài; thay vào đó, họ đã chọn lắng nghe tiếng nói của con rắn.

 

Kết quả là, họ đã mất đi sự đơn thuần và đánh mất mối quan hệ gần gũi và tin tưởng mà họ từng có với Thiên Chúa. Bây giờ họ nghe thấy tiếng nói của Ngài qua một bộ lọc của sự xấu hổ, điều này đã thúc đẩy họ tránh xa Thiên Chúa. Thay vì chạy đến với Ngài, họ đã ẩn náu (St 3:8-10). Tiếng nói dịu dàng của Thiên Chúa vốn đã từng mang lại sự khôn ngoan và tình yêu, giờ đây gợi lên nỗi sợ hãi và thái độ phòng thủ khi cặp đôi này tránh chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm (3:12-13). Nhưng thay vì kết án Ađam và Evà phải chịu cảnh lao động khổ sai vĩnh viễn, Thiên Chúa đã trục xuất họ khỏi vườn địa đàng (3:23). Bị cô lập bởi tội lỗi của mình, họ không còn có thể giao tiếp tự do với Đấng Tạo Hóa của họ nữa. Đây cũng là tình trạng của chúng ta. Vì tội lỗi nguyên tổ, chúng ta cũng trải qua sự cô lập, sợ hãi và không có khả năng nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa.

 

Tiếng nói của lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa không để Ađam và Evà tự xoay xở. Ngay cả khi Ngài tuyên bố hậu quả của sự bất tuân của họ, Ngài đã hứa một Đấng cứu chuộc sẽ chiến thắng quyền lực của tội lỗi (St 3:15). Người đã mặc quần áo cho họ, che đậy sự trần truồng và xấu hổ của họ (3:21). Ngài không để họ tuyệt vọng.

 

Trong lòng thương xót của Ngài, Thiên Chúa tiếp tục nói với con cháu của Ađam qua sự sáng tạo, qua các thiên thần, và trong các mặc khải và giấc mơ. Ngài nói với từng người, như Nôê, Ápram, Isaác và Giacop và lập giao ước với họ. Ngài đã cứu Lót và gia đình khỏi sự hủy diệt của thành Sôđôm (St 19:16-17). Ngài đã tỏ mình ra với Isaác và hứa sẽ ban phước cho ông và con cháu ông (26:24). Ngài thậm chí còn nói những lời thương xót với các con trai của Giacóp qua người anh trai là Giuse, người mà họ đã cố giết (44–45).

 

Trong mỗi thế hệ, Thiên Chúa đã kêu gọi dân của Ngài để đưa họ đến gần Ngài hơn. Họ không phải lúc nào cũng lắng nghe, nhưng vì tình yêu thương vĩ đại của Ngài, Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ. Ngài tiếp tục tìm cách để bày tỏ lòng thương xót của Ngài.

 

Lời mời gọi thánh thiêng. Sau bốn trăm năm làm nô lệ ở Ai Cập, dân Ítraen nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Nhưng Ngài đã nhìn thấy sự áp bức của họ và triệu tập Môsê để dẫn họ ra đi. Môsê dường như là một ứng cử viên không phù hợp cho một cuộc trò chuyện thánh thiêng, nhưng Chúa đã thu hút sự chú ý của ông qua bụi cây cháy. Trong khi Môsê đang chăn đàn gia súc của mình, Thiên Chúa đã mời gọi ông tham gia cứu dân tộc của ông bằng cách yêu cầu Pharaô thả người Ítraen (Xh 3:1-22).

 

Khi Chúa giao tiếp với dân Ngài, Ngài nói theo cách mà chúng ta có thể hiểu được. Ngài đã nói với Môsê khi ông đang chăm sóc đàn chiên của mình, cũng như Ngài nói với chúng ta giữa những công việc hằng ngày của chúng ta. Ngài thu hút sự chú ý của chúng ta và mở lòng chúng ta để lắng nghe Ngài. Và một khi Ngài đã thu hút được sự chú ý của chúng ta, Ngài cho thấy mong muốn đưa chúng ta—và tất cả dân Ngài—trở về với Ngài. Thiên Chúa luôn làm việc để cứu dân Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta, như Ngài đã làm với Môsê, cộng tác vào sứ mệnh giải cứu họ của Ngài.

 

Một giọng nói làm vững dạ. Quá choáng ngợp trước cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Môsê che mặt vì sợ hãi. Ông phản đối rằng mình không xứng đáng với lời kêu gọi như vậy, và ông bày tỏ mối lo ngại rằng dân chúng sẽ từ chối ông (Xh 3:6, 10-14). Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn lặp lại những thông điệp về lòng thành tín của Ngài: Ta sẽ ở với ngươi., Ta sẽ giúp ngươi, Ta sẽ ban cho ngươi những lời để nói (3:12, 14-22). Ngài thậm chí còn chứng minh rằng Ngài ở cùng ông thông qua người anh trai Aaron, người sẽ giúp ông nói, và bằng cách hứa những dấu hiệu mạnh mẽ để thuyết phục Pharaô.

 

Sự trấn an của Thiên Chúa đã thúc đẩy Môsê lấy hết can đảm và lên đường thực hiện sứ mệnh của mình, nhưng quan trọng hơn, thông điệp cứu rỗi của Thiên Chúa đã tìm thấy một ngôi nhà trong trái tim ông. Trong những năm tiếp theo, Môsê đã trở thành tiếng nói của Thiên Chúa cho dân tộc của mình khi ông nói những sự thật tương tự với họ: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta có thể tin cậy Ngài. Ngài sẽ không từ bỏ chúng ta (xem Ds 14:9; Dnl 1:29-32; 4:31).

 

Giống như Môsê, chúng ta có thể sợ tiếng Chúa và ngần ngại vâng lời Ngài. Nhưng cũng như Ngài đã kiên nhẫn với Môsê, Chúa cũng kiên nhẫn với chúng ta. Ngài nói những lời hy vọng với chúng ta: Ta ở cùng con—đừng sợ. Ta sẽ không bỏ rơi con hay gia đình con. Hãy đến với Ta; hãy tin cậy Ta. Ta trung tín. Nếu chúng ta dừng lại để lắng nghe, chúng ta sẽ nghe thấy tiếng Ngài, và tiếng đó sẽ an ủi chúng ta và cũng sẽ lấp đầy chúng ta bằng lòng can đảm.

 

Lời mời gọi lắng nghe và vâng phục. Trên núi Sinai,Thiên  Chúa đã ban cho Môsê Mười Điều Răn để dạy dân cách sống (Xh 20). Sau đó, Môsê nhắc nhở dân Ítraen rằng họ cũng đã nghe tiếng Chúa nhưng điều đó quá sức đối với họ (Đnl 5:4-5, 22-26). Thay vì nghe Chúa trực tiếp, họ chấp nhận Môsê là người phát ngôn của Ngài. Sau đó, khi đã nghe tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với họ, họ hứa sẽ làm theo những gì Ngài đã nói.

 

Ítraen đã cho thấy phản ứng thất thường của nhân loại trước tiếng nói của Chúa. Họ hứa sẽ vâng theo lời Chúa, nhưng họ đã không thực hiện. Lần này đến lần khác, Thiên Chúa đã chứng minh lòng thành tín của Ngài bằng cách cung cấp cho nhu cầu của họ (Xh 16). Mặc dù vậy, dân chúng vẫn vật lộn để nhớ lại lời Ngài và tin vào những gì Ngài đã phán.

 

Tại Massah và Meribah, họ đã thử thách Chúa, Đấng đã ban cho họ nước từ một tảng đá (Xh 17). Mặc dù Chúa đã rộng lượng trong sự việc này, nhưng nó vẫn tồn tại như một lời khiển trách đối với người Ítraen: Người đã phán, nhưng họ không tin. Tác giả thánh vịnh thậm chí đã dùng nó để cảnh báo Ítraen, “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! chớ cứng long (95:7-8).

 

Trong suốt lịch sử của dân Chúa, chúng ta thấy cùng một nghịch lý lặp lại. Và nó tiếp tục với chúng ta. Thiên Chúa muốn có mối quan hệ với chúng ta; chúng ta khao khát được nghe tiếng Ngài. Nhưng chúng ta vật lộn để nghe Ngài giữa tiếng kêu gào của nỗi sợ hãi, nhu cầu và ham muốn của chúng ta. Chúng ta cầu xin Ngài nói với chúng ta, hướng dẫn chúng ta và giúp đỡ chúng ta. Trong lòng thương xót của Ngài, Chúa nói, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng thích những gì Ngài nói. Đôi khi, chúng ta thậm chí còn cứng lòng với Ngài.

 

Tuy nhiên, Chúa vẫn tiếp tục nói những lời thương xót và cứu rỗi, những lời trấn an và ra lệnh. Ngài liên tục mời gọi chúng ta, mặc dù chúng ta vật lộn để hiểu lời Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài đã sai Chúa Giêsu, Lời hằng sống và tiếng nói thương xót của Ngài.