Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

  Đức Tin có hành động là đức tin sống

Tác giả: 
Lm Dương Trung Tín

 

 

CN 24 QN

  Đức Tin có hành động là đức tin sống

 

  “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”(Gc 2,17).

 

     “Ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có ích lợi gì. Đức Tin có thể cứu độ người ấy chăng?”(Gc 2,14). Chắc chắn câu trả lời là không rồi. Ai có đức tin mà không hành động theo những gì mình tin thì chẳng có ích lợi gì và đức tin đó không thể cứu độ người ấy được. Đức Tin không có hành động là đức tin chết mà. Đức Tin có hành động là đức tin sống. Chúng ta cùng tìm hiểu mối liên hệ giữa đức tin và hành động theo đức tin.

 

   Đức Tin không có hành động là Đức Tin có rồi để đó mà không dùng. Như chúng ta được rửa tội; chúng ta lãnh được đức tin; chúng ta có đức tin nhưng rửa tội rồi thôi, để đó, không có sống đức tin trong cuộc sống mình; không đến nhà thờ; không đọc kinh cầu nguyện; không tham dự Thánh Lễ. Thế thì Đức Tin đem lại ích lợi gì cho chúng ta; chúng ta chịu phép rửa để làm gì? Để làm cảnh à !!!

 

   Nó cũng giống như người có tiền mà không biết xài vậy. Có tiền rồi cất kỹ cho mới không dám xài khi cần thì có tiền để làm gì; nó cũng như tờ giấy thôi, không có giá trị gì cả. Có tiền là để mình trang trải cuộc sống; để mua những gì mình cần dùng chứ. Đồng tiền đó là đồng tiền chết. Cũng vậy, chúng ta nói là chúng ta có đức tin mà chúng ta không dùng thì cũng đâu mang ích lợi gì cho cuộc sống mình. Đức tin đó là đức tin chết. Người chết là người nằm bất động, không nhúc nhích; không hơi thở; không phát triển, người ta phải đem chôn hay hỏa thiêu thôi. Đồng tiền chết là đồng tiền được cất giữ trong bóp, trong tủ, để ngắm; để trưng bày thôi. Đức Tin chết là đức tin có rồi để đó, không hành động theo đức tin. Chỉ có tên trong sổ rửa tội, chứ không có tên trong sổ Nước Trời.

 

   Hành động có đức tin là sao?  Hành động có đức tin là hành động theo những gì mình tin. Như chúng ta tin chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, chứ không có Chúa nào khác, thì chúng ta sẽ không coi tiền của là Thiên Chúa của ta được. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa là trên hết; còn tiền của là thứ chúng ta cần dùng. Nên chúng ta không vì tiền của mà bất chấp; bất chấp làm những việc xấu xa hay gian ác để có tiền. Trái lại, chúng ta tôn thờ và yêu mến một mình Thiên Chúa mà thôi.

 

   Chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng xét xử công bằng, thì chúng ta sẽ không làm điều bất chính bất công; nếu chúng ta có bị vu khống, vu oan; bị thiệt thòi, mất mát, thì chúng ta sẽ không than trời trách đất, vì Thiên Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho chúng ta; Thiên Chúa sẽ bù lại những thiệt thòi; những mất mát mà chúng ta phải chịu, ngay ở đời này và nhất là ở đời sau.

 

   Chúng ta tin ngày sau chúng ta sẽ sống lại và được hưởng phúc thiên đàng, thì ngay đời này, chúng ta phải chuẩn bị thôi. Chúng ta phải nghe và sống Lời Chúa mỗi ngày, để chúng ta nên thánh nên thiện mỗi ngày một hơn; chứ không theo lời của người đời hay của ma quỉ nói ngon, nói ngọt. “Mật ngọt thì chết ruồi” mà chúng ta lại cứ khoái nghe những lời đường mật và thực hành thì chúng ta chết thôi. Đó là cái chết đời đời trong hỏa ngục đấy. Cái chết đời này cũng khổ rồi đây. Vì tin vào những lời đường mật mà đã có biết bao người bị lừa, bị gạt. Vì không chịu động não; không biết suy nghĩ lại tham lam, muốn ăn không của người khác. Nào có ai trên đời này đem tiền đi cho không ai bao giờ? Làm gì có “việc nhẹ mà lương cao”? Làm gì có “ngồi mát mà ăn bát vàng”? Đúng là “tham thì thâm” mà. Có bị lừa, bị gạt thì cũng đáng đời thôi.  Mình mà không tham lam của người khác thì đâu có bị lừa đâu?

 

  Chúng ta tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa; tin Ngài là Đấng cứu độ, thì chúng ta phải bắt chước Ngài và thực hành lời Ngài chỉ dạy; chứ đừng nghe và tin vào một ai khác, thì chúng ta sẽ có một cuộc sống an bình và hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Có những người nói rằng mình không tin có Thiên Chúa, vì nếu có Thiên Chúa thì những điều xấu xa, gian ác; đụng xe, rớt máy bay, vv...sẽ không xảy ra. Đó là một điều đòi hỏi không đúng. Những điều đó do con người làm ra chứ đâu phải Thiên Chúa làm ra đâu. Nếu biết động não mà suy nghĩ một chút thì họ phải nhận ra là “PHẢI CÓ THIÊN CHÚA” mới được. Vì không có Thiên Chúa thì cuộc sống của chúng ta ở đời này là vô nghĩa. Làm sao giải thích được sự mất mát hay thua thiệt của những người sống tốt lành và công chính? Ai sẽ trả lại sự công bằng cho những người bị đối xử cách bất công? Ai sẽ đền bù những thiệt hại; những mất mát mà bao người phải chịu? Ai sẽ trừng trị những người đã làm những việc xấu xa, gian ác, hại người? Và nếu chết là hết; chẳng có luật lệ hay xét xử gì thì người ta muốn làm gì thì làm sao? Cả thế giới có loạn lên không cơ chứ?

 

  Người ta có đặt ra hai giả thiết. Một là tin có xét xử ở đời sau; hai là không tin có xét xử gì hết. Người tin và không tin khác nhau thế nào? Nếu chết là hết thì mọi đều như nhau; sướng khổ cũng trên dưới 100 năm; giàu nghèo rồi cũng chết. Nếu chết mà chưa hết, thì người tin mà chuẩn bị vẫn hơn. Không những hơn ít mà còn hơn nhiều nữa. Vì sẽ bị xét xử. Nếu biết chuẩn bị ngay ở đời này, thì có “cơ may” lên thiên đàng sống mãi mãi hạnh phúc. Nếu không chuẩn bị, thì có “cơ rủi” xuống hỏa ngục bị trâm luân đời đời kiếp kiếp. Vậy thì ta chọn tin hay không tin đây bạn ?

 

   Hành động không có đức tin là sao? Là chúng ta làm vì thói quen; hay thấy việc gì tốt thì làm, hết. Chúng ta làm mà chúng ta không biết làm vì mục đích gì; cũng chẳng tin mình sẽ được gì. Cứ làm là biết làm vậy thôi. Như vậy, tin mà không hành động cũng không được. Mà hành động mà không có lòng tin cũng không xong, phải có cả hai mới có giá trị và đem lại kết quả mỹ mãn.

 

   Hình ảnh của Phê-rô trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy rõ điều đó. Phê-rô đã hăng hái tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, nhưng lại  không chấp nhận một Đấng Ki-tô chịu đau khổ và bị giết. Có nghĩa là Phê-rô tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, nhưng lòng tin đó không có hành động. Có hành động là phải chấp nhận một Đấng Ki-tô chịu đau khổ và bị giết.

 

   Đức Giê-su thì khác. Ngài biết rất rõ Ngài là Đấng Ki-tô và Ngài chấp nhận một Đấng Ki-tô là phải chịu đau khổ và bị giết. Nhưng bị giết chưa phải là hết, mà ngày thứ ba sẽ sống lại. Đức tin của chúng ta thế nào, sống hay chết? Nếu chúng ta tin Đức Giê-su, nhưng không chấp nhận khổ đau; không chấp nhận bị vu khống; không chấp nhận mệt nhọc vì lòng tin, thì đức tin của chúng ta chết. Nếu chúng ta tin Đức Giê-su và sẵn sàng chấp nhận mọi nỗi gian truân; chấp nhận mọi nỗi vất vả, để đền tội cho mình; để nên giống Chúa; để được cứu độ thì đức tin của ta sống.

 

    Vậy, chúng ta đã có đức tin khi chịu phép Rửa Tội, chúng ta hãy sống đức tin đó trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, để những gì xảy ra, chúng ta đều chấp nhận như là ân sủng Chúa ban, dù tốt hay xấu; dù mạnh khỏe hay bệnh tật; dù thành công hay thất bại, chúng ta sẽ luôn được bình an và hạnh phúc. Như thế là Đức Tin của chúng ta luôn luôn sống. Sống cho đến ngày chúng ta về trời. Đức Tin có hành động là đức tin sống đấy bạn !!!!

 

Lm. Bosco Dương Trung Tín