Không sợ sai lầm - Biểu tượng sự sống
KHÔNG SỢ SAI LẦM
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”.
Một người bạn nói với nhà truyền giáo A. Judson, “Một bài báo đã ví anh như một số tông đồ”. Judson trả lời, “Tôi không muốn giống Phaolô hay bất kỳ ai. Tôi muốn giống Chúa Kitô! Tôi muốn theo Ngài, uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân tôi vào dấu chân Ngài, sống và dạy lời Ngài mà không sợ sai lầm. Ồ, tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tôi muốn giống Chúa Kitô thôi!”. Phải chăng đây cũng là ý chí kiên định của Phaolô một khi ngài đã quyết tâm đánh đổi tất cả để nên giống Chúa Kitô, có Chúa Kitô, và muốn muôn dân biết Chúa Kitô! “Uống Thánh Linh của Ngài, đặt chân mình vào dấu chân Ngài, sống và dạy lời Ngài”, Phaolô đã can đảm bôn tẩu loan báo Chúa Kitô mà ‘không sợ sai lầm’.
Nhưng với chúng ta thì sao? Trước hết, bạn và tôi phải được nung nấu bởi tình yêu Chúa Kitô và hiểu biết Ngài; vì lẽ, “Người mù có thể dắt người mù được sao?” - Tin Mừng hôm nay. Nghĩa là, trước tiên, người rao giảng phải là người biết rõ, thấy rõ, mình đang đi đâu, trên con đường nào và sẽ dẫn tới đâu? Là người chỉ đường, chúng ta cần xác tín, ngoài con đường Giêsu, không có con đường nào khác! Hãy suy gẫm về tầm quan trọng này, đặt Chúa Kitô vào trung tâm cuộc sống và sứ vụ của mình; may ra, chúng ta mới có thể hướng dẫn người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.
Thứ đến, ‘đi trong’ Giáo Hội! Chúa Kitô không chỉ thiết lập Giáo Hội để tiếp tục sự dạy dỗ của Ngài, nhưng còn ban cho Giáo Hội ân sủng Thánh Thần để gìn giữ nó khỏi mọi sai lầm. Bạn không hề lẻ loi. Sự tự tin của chúng ta bắt nguồn từ sự hiểu biết “Tôi đang ở trong Giáo Hội, hợp nhất với Giáo Hội và thực hành giáo huấn của Giáo Hội!”.
Bên cạnh đó, học tập là một ‘tiến trình thường huấn’ kéo dài suốt đời, dẫu chúng ta thường coi nhẹ. Vì ‘coi nhẹ’, nên việc giảng dạy của chúng ta thường chỉ dừng lại ở cấp Vỡ Lòng hoặc Thêm Sức! Chúng ta tự mãn, ‘không biết mình nghèo’, nên những người chúng ta dạy dỗ ‘không bao giờ giàu’; hậu quả là không ít người lớn chỉ được đào tạo với những gì đủ cho một đứa trẻ! Vậy hãy học biết Chúa Kitô, đào sâu, suy tư, nghiên cứu, chiêm ngắm các mầu nhiệm của Ngài; đồng thời, cho phép ân điển Thánh Thần biến đổi cuộc sống. Được thế, bạn và tôi mới có thể nâng cao chiều kích đức tin, hâm nóng hồn tông đồ nơi mình và nơi những người chúng ta dẫn dắt mà ‘không sợ sai lầm’.
Anh Chị em,
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”. Chớ gì bạn và tôi có chung một thao thức của Phaolô! Bởi lẽ, chúng ta chỉ có thể rao giảng Chúa Kitô, dạy dỗ và giúp người khác đến với Ngài bằng những gì chúng ta học biết và nhận được từ Ngài. Ngài là vị Thầy, vị Hướng Đạo thông thái, Đức Hôn Phu tuyệt vời của Hiền Thê Giáo Hội, Mẹ Khôn Ngoan của chúng ta; Ngài là Thầy Thuốc đa khoa có thể chữa lành sự mù loà, đánh bại mọi tội lỗi, băng bó mọi thương tích, nâng đỡ bao yếu đuối và lấp đầy những nông nổi. Được thế, chúng ta mới có thể dẫn dắt người khác mà ‘không sợ sai lầm!’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin hạ thấp dãy núi tự mãn trong con, cho con biết mình ‘không giàu’ để ham học hỏi, đào sâu, chiêm ngắm; nhờ đó, những ai Chúa trao cho con ‘bớt nghèo!’”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
BIỂU TƯỢNG SỰ SỐNG
“Con Người phải được treo lên!”.
Sau Phục Sinh, cô Bitram tặng mỗi em một chiếc hộp hình trứng; cô yêu cầu mỗi em đặt vào đó một biểu tượng sự sống. Nửa giờ sau, từng chiếc hộp mở ra. Nào hoa, nào bướm, bọ, kiến… cả lớp sung sướng. Kìa, một chiếc hộp rỗng! Có tiếng la, “Ngốc!”. Philip, hội chứng Down, lên tiếng, “Của tôi!”. Bọn trẻ la to, “Ngốc!”; “Tôi đúng! Ngôi mộ trống!”. Cả lớp im lặng, trọng nể! Không lâu sau, cậu bé qua đời. Tại đám tang, lớp giáo lý tiến lên; mỗi em đặt trên quan tài một quả trứng rỗng - ‘biểu tượng sự sống!’.
Kính thưa Anh Chị em,
Nếu quả trứng rỗng, biểu tượng nói lên một điều gì đó quá vĩ đại - ‘biểu tượng sự sống’ - thì Thánh Giá Giáo Hội suy tôn hôm nay nói lên một điều gì đó vĩ đại hơn! Bởi lẽ, trên đó, Chúa Kitô, Đấng Cứu Sống nhân loại đã được treo lên.
Thật thú vị, nói đến việc Thiên Chúa cứu sống, Cựu Ước lẫn Tân Ước nói đến một ‘cái gì đó’, một ‘Ai đó’ phải được treo lên! Sách Dân Số tường thuật việc Israel nổi loạn, Chúa cho rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Môsê van xin; Chúa bảo, “Hãy làm một con rắn, treo lên một cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống!”. Rắn đồng là hình ảnh tiền trưng Chúa Kitô được treo lên, rồi đây, Ngài cứu sống cả nhân loại; cách riêng, những ai nhìn lên ‘biểu tượng sự sống’ đó và tin!
Nếu La Mã treo một tử tội bằng dây của giá treo cổ, cung thánh các nhà thờ sẽ trưng một chiếc thòng lọng; nếu La Mã chọn ném đá một tội nhân đến chết, cung thánh sẽ có một đống đá với thi thể một Giêusu bầm dập vô hồn sóng soài kề bên. Không, Ngài bị đóng đinh trên thập giá nên Giáo Hội đặt thánh giá giữa cung thánh, khắc lên bia mộ, đặt trên đỉnh nhà thờ và chiếu sáng nó về đêm. Giáo Hội đã thành công ‘cách ngoạn mục’ trong việc truyền đạt sự thật về cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. ‘Thành công’ đến nỗi qua bao thế kỷ, thế giới quên rằng, một thiết bị tra tấn chết chóc như thế lại trở nên biểu tượng lớn nhất của hy vọng, của cứu độ, của sự sống!
Chúa Kitô không như một thầy thuốc lạnh lùng chạm vào bệnh nhân rồi tắm mình trong thuốc sát trùng. Không, Ngài như một bác sĩ trước khi mổ, chỉ vào mình và nói, “Hãy xem vết sẹo của tôi!”; rồi chỉ vào vết thương hoang hoác trên ngực, Ngài nói, “Tôi cũng là nạn nhân của sự dữ!”. Ngài chấp nhận cái chết tàn khốc để có thể thấu cảm và đi sâu vào nỗi đau thập giá của từng con người; thánh hoá nó, lấy nó làm của mình, hầu biến nó thành niềm vui, ‘biểu tượng sự sống’, biểu tượng bình an và hy vọng!
Anh Chị em,
“Con Người phải được treo lên!”. Đức Phanxicô chia sẻ, “‘Con Rắn Cứu Độ’ nay đã đến giữa chúng ta! Chúa Kitô bị treo lên, không cho phép những con rắn độc giết chết chúng ta. Nếu chúng ta chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, nọc độc sự dữ không thể thắng được chúng ta!” Hãy chiêm ngắm Chúa Kitô, nhất là những lúc kiệt sức! Chúng ta sẽ múc lấy sự cảm thông, ủi an từ trái tim từ ái của Ngài. Nhờ đó, chúng ta đủ sức ôm lấy thập giá đời mình giao cho Ngài, Ngài sẽ gắn nó vào thánh giá Ngài! Và như thế, thập giá của mỗi người cũng là ‘biểu tượng sự sống’ cho bản thân và cho thế giới.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin làm rỗng con, tiễu trừ khỏi con mọi tính hư nết xấu; nhờ đó, con có thể sống, trở nên ‘biểu tượng sự sống’ cho anh chị em con và cho thế giới!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: