Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Làm dấu - Chúa cứu gia đình

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

LÀM DẤU

 

Người Công giáo thường làm Dấu Thánh Giá như một cử chỉ đẹp để bắt đầu và kết thúc lời cầu nguyện. Nhưng khi chúng ta học cách thực hiện hành động này một cách nghiêm túc, thường xuyên làm dấu với đức tin và lòng tôn kính, những kết quả đáng chú ý có thể diễn ra. Chúng ta thấy mình đang làm tốt hơn đáng kể trong cuộc sống Kitô hữu của mình: cầu nguyện với nhiều nhiệt huyết hơn, chống lại những khuynh hướng xấu một cách hiệu quả hơn và đối xử tử tế hơn với người khác.

 

Xét cho cùng, Dấu Thánh Giá không chỉ là một cử chỉ đạo đức, mà là một lời cầu nguyện mạnh mẽ, một bí tích của Giáo hội.

 

Kinh Thánh, các giáo phụ, các thánh, và giáo lý Công giáo đưa ra 6 điều về Dấu Thánh Giá, cho thấy lý do làm Dấu Thánh Giá mở ra cho chúng ta những ân sủng biến đổi cuộc sống. Khi nắm bắt được, chúng ta có thể thực hiện việc này với nhiều đức tin hơn và trải nghiệm những phúc lành tuyệt vời của Dấu Thánh Giá.

 

LÝ DO LÀM DẤU

 

1. KINH TIN KÍNH RÚT GỌN

 

Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa như Ngài đã mặc khải. Dấu Thánh Giá là hình thức rút gọn Kinh Tin Kính của các Tông Đồ.

 

Chạm vào trán, ngực và hai vai (trong một số nền văn hóa, chạm cả môi nữa), chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tuyên xưng đức tin vào những gì Thiên Chúa đã làm – việc tạo dựng muôn vật, sự cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, và việc thành lập Giáo hội, nơi đem đến sự sống mới cho tất cả mọi người. Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá trên mình, chúng ta đang nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa và mở lòng mình ra với hành động của Ngài trong cuộc đời chúng ta.

 

Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để biến đổi chúng ta về mặt tinh thần, phải không? Nhưng còn nhiều hơn thế.

 

2. LẶP LẠI LỜI HỨA RỬA TỘI

 

Thế kỷ I, các Kitô hữu bắt đầu làm Dấu Thánh Giá như một lời nhắc nhở và đổi mới về những gì đã xảy ra với họ khi được rửa tội, điều đó vẫn có tác dụng tương tự đối với chúng ta.

 

Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, chúng ta tuyên bố rằng trong Bí tích Rửa Tội, chúng ta đã chết theo bí tích với Chúa Kitô trên Thập Giá và sống lại với Ngài trong đời sống mới. (x. Rm 6:3-4; Gl 2:20) Chúng ta cầu xin Thiên Chúa đổi mới những ân sủng của Bí tích Rửa Tội trong chúng ta.

 

Chúng ta cũng công nhận rằng Phép Rửa đã kết nối chúng ta với Nhiệm Thể Đức Kitô và trang bị cho chúng ta vai trò cộng tác với Ngài trong công việc cứu mọi người khỏi tội lỗi và sự chết.

 

3. DẤU CHỈ MÔN ĐỆ

 

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa đã tuyên bố chúng ta là của riêng Ngài bằng cách đánh dấu chúng ta bằng Dấu Thánh Giá. Bây giờ, khi chúng ta tự làm dấu để xác định trung thành với Ngài. Bằng cách vẽ Dấu Thánh Giá trên thân thể, xác nhận chúng ta không thuộc về chính mình mà chỉ thuộc về một mình Ngài. (x. Lc 9:23)

 

Các giáo phụ đã dùng cùng một từ ngữ cho Dấu Thánh Giá mà thế giới cổ đại dùng để chỉ quyền sở hữu. Cùng một từ ngữ đặt tên cho dấu hiệu của người chăn chiên đối với đàn chiên, hình xăm của một vị tướng trên những người lính, dấu hiệu của người chủ gia đình trên những người hầu, và dấu hiệu của Thiên Chúa trên các môn đệ của Ngài.

 

Việc làm Dấu Thánh Giá trên mình chứng tỏ chúng ta là chiên của Chúa Kitô và có thể trông cậy vào sự chăm sóc của Ngài, là những người lính của Ngài, được giao nhiệm vụ làm việc với Ngài để mở rộng Vương Quốc của Ngài trên trái đất, và là những người hầu của Ngài, tận tụy làm bất cứ điều gì Ngài bảo chúng ta làm.

 

4. CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ

 

Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta rằng đau khổ sẽ là một phần bình thường trong cuộc sống của người môn đệ. (x. Lc 9:23-24) Vì vậy, khi chúng ta đánh dấu cơ thể mình bằng Dấu Thánh Giá là chúng ta chấp nhận bất kỳ nỗi đau nào đến như là hệ quả của đức tin mà chúng ta đặt vào Chúa Kitô. Làm Dấu Thánh Giá là chúng ta vác thập giá và theo Ngài. (x. Lc 9:23)

 

Tuy nhiên, đồng thời điều này cũng an ủi chúng ta khi nhận ra rằng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, giờ đây cùng chia sẻ đau khổ và nâng đỡ chúng ta.

 

Việc làm Dấu Thánh Giá cũng loan báo một sự thật quan trọng khác: cùng với Thánh Phaolô, chúng ta đang vui mừng rằng những đau khổ của chúng ta với tư cách là thành viên của Nhiệm Thể Chúa Kitô góp phần vào Công Trình Cứu Độ của Ngài là hoàn thiện Giáo hội trong sự thánh thiện. (x. Cl 1:24)

 

5. GƯƠM HAI LƯỠI CHỐNG MA QUỶ

 

Khi ma quỷ nhìn thấy Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, nó lầm tưởng nó đã giành được chiến thắng lớn lao. Nhưng Chúa Giêsu đã khiến nó ngạc nhiên với thất bại nhục nhã. (x. 1 Cr 2:8) Từ buổi sáng Phục Sinh đầu tiên cho đến hiện tại, Dấu Thánh Giá luôn khiến ma quỷ phải sợ hãi và bỏ chạy.

 

Ở mức độ nào đó, việc làm Dấu Thánh Giá là động thái phòng thủ, tuyên bố sự bất khả xâm phạm của chúng ta đối với ảnh hưởng của ma quỷ. Nhưng quan trọng hơn, Dấu Thánh Giá cũng là vũ khí tấn công, giúp chúng ta cùng với Chúa Kitô đòi lại tất cả những gì Satan đã làm mất trên Thập Giá. Dấu Thánh Giá tuyên bố sự hợp tác của chúng ta với Chúa Giêsu trong sự tiến triển bất khuất của Vương Quốc Thiên Chúa chống lại vương quốc bóng tối.

 

6. CHIẾN THẮNG XÁC THỊT

 

Trong Tân Ước, chữ “xác thịt” tóm tắt tất cả những khuynh hướng xấu của bản chất cũ tồn tại trong chúng ta ngay cả sau khi chúng ta chết với Chúa Kitô trong Bí tích Rửa Tội. (x. Gl 5:16-22) Việc làm Dấu Thánh Giá diễn tả quyết định đóng đinh những ham muốn của xác thịt và sống theo Chúa Thánh Thần.

 

Giống như việc cởi bỏ chiếc áo bẩn, việc làm Dấu Thánh Giá cho thấy chúng ta đang từ bỏ những khuynh hướng xấu và mặc lấy những hành vi của Chúa Kitô. (x. Cl 3:5-15)

 

Các giáo phụ dạy rằng Dấu Thánh Giá làm giảm sức mạnh của những cám dỗ mạnh mẽ như giận dữ và ham muốn. Vì vậy, bất kể chúng ta bị cám dỗ mạnh mẽ thế nào, chúng ta có thể sử dụng Dấu Thánh Giá để kích hoạt sự tự do của mình trong Chúa Kitô và chiến thắng ngay cả những tội lỗi đeo bám chúng ta.

 

THỰC HÀNH

 

Ngay bây giờ, bạn có thể khắc ghi trong tim mình 6 sự thật về Dấu Thánh Giá bằng cách thực hiện 6 lần, mỗi lần áp dụng một quan điều.

 

1. Hãy Dấu Thánh Giá để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa.

 

2. Hãy nhớ rằng bạn đã chết với Chúa Kitô trong Phép Rửa Tội.

 

3. Hãy làm Dấu Thánh Giá để xác nhận bạn thuộc về Chúa Kitô với tư cách là môn đệ của Ngài và vâng lời Ngài.

 

4. Hãy Dấu Thánh Giá để đón nhận bất kỳ đau khổ nào đến và kết hiệp đau khổ của bạn với đau khổ của Chúa Kitô.

 

5. Hãy làm Dấu Thánh Giá để chống lại ma quỷ và sự tấn công của Vương Quốc Thiên Chúa chống lại nó.

 

6. Hãy làm Dấu Thánh Giá để đóng đinh tính xác thịt của bạn, mặc lấy Chúa Kitô cùng với các hành vi của Ngài.

 

Hãy thường xuyên thực hiện 6 điều này trong lời cầu nguyện buổi sáng, và chờ xem ân sủng chảy qua bí tích này trong những ngày sắp tới.

 

BERT GHEZZI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

 

*********

 

CHÚA CỨU GIA ĐÌNH

 

“Hãy tin vào Chúa Giêsu thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” (Cv 16:31)

 

Chúng ta đều biết đến những gia đình Công giáo rất ngoan đạo, thể hiện sự thánh thiện và đức hạnh đáng chú ý. Hãy xem xét một gia đình như vậy, cha mẹ của họ, ông bà Louis và Zélie Martin là những vị thánh, năm người con gái của họ, những người con còn sống sót trong số chín người con, tất cả đều trở thành nữ tu, và một người trong số họ được công nhận là một trong những vị thánh vĩ đại nhất của thời hiện đại: Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu. Chắc chắn ở đây không chỉ có sự dạy dỗ tốt. Vì gia đình này, với tư cách là một khối thống nhất, được hưởng ân sủng nguyên thủy thường được Chúa ban cho các gia đình thông qua đức tin của một hoặc nhiều thành viên cụ thể, thường là cha mẹ – hoặc một trong hai người.

 

Tất nhiên là đúng rằng lòng đạo đức của những gia đình như vậy – được hướng dẫn bởi những bậc cha mẹ thực hành và cố ý dạy đức tin Công giáo – ít nhất một phần do ảnh hưởng mạnh mẽ của sự rèn luyện. Trong lĩnh vực tâm linh, sự thánh thiện được sống trong cộng đồng như vậy không thể giải thích đầy đủ bằng quá trình thấm nhuần tự nhiên. Như Thánh TS Tôma Aquinô đã nói: “Ân sủng hoàn thiện bản chất.” Ân sủng thuộc về một cấp độ khác cao hơn. Ân sủng được Thiên Chúa truyền đạt một cách siêu nhiên.

 

Mục đích của tôi ở đây là để thu hút sự chú ý và khuyến khích tin vào một thực tế cơ bản trong đời sống Công giáo của chúng ta: THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ CÁC GIA ĐÌNH.

 

Trước hết, chúng ta hãy công nhận chân lý căn bản rằng Chúa Giêsu cứu chúng ta về bản chất là những cá nhân, ban tặng đức tin cho mỗi người chúng ta để được tự do chấp nhận hoặc từ chối: “Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 6:40) Không một người hay nhóm người nào có thể tuyệt đối truyền đạt cho người khác về đức tin cứu độ như vậy, với các nhân đức và việc làm tốt đi kèm, nếu không có sự đồng ý và hợp tác tự nguyện của người đó.

 

Tuy nhiên, rõ ràng Thánh Thần Thiên Chúa ban ân sủng cứu độ và thánh hóa trong gia đình và qua gia đình. Không phải độc quyền, nhưng theo sở thích, tôi muốn đề xuất rằng Ngài cứu chuộc chúng ta như những gia đình và những cộng đồng gắn kết về mặt tâm linh khác, chẳng hạn như các dòng tu, cụ thể là thông qua đức tin và lòng sùng kính của những thành viên trong các gia đình đó, thường là người đứng đầu.

 

Xuất phát từ chân lý này, tôi khuyến khích chúng ta – những người Công giáo – hãy tin tưởng và chủ động trông cậy vào phương tiện bình thường nhưng thực sự hiệu quả này, qua đó chúng ta và những người thân yêu của chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa, được giải thoát khỏi tội lỗi và hậu quả tai hại của nó, được sống trọn vẹn trong Chúa Kitô, trong Giáo hội của Ngài và được đưa đến sự sống vĩnh cửu trong Chúa Ba Ngôi Chí Thánh – được cứu độ.

 

Một hình ảnh tiên tri nguyên thủy về phương thức chính yếu mà Thiên Chúa dùng để cứu chúng ta là câu chuyện về cách mà ông Nôê, nhờ trung thành với Thiên Chúa, vào thời điểm tội lỗi lan tràn và cố hữu, đã được giải cứu cùng với gia đình khỏi trận hồng thủy đã trừng phạt và hủy diệt nhân loại: “Đức Chúa phán bảo ông Nôê: Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này.” (St 7:1)

 

Khi lịch sử cứu độ của Kinh Thánh tiến triển, sự cứu chuộc toàn thể nhân loại được thực hiện bởi Chúa Cha Hằng Hữu thông qua một gia đình: gia đình ông Ápraham: “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12:3) – qua con trai của ông là Isaac và cháu trai là Giacóp, được gọi là Israel, đến Nhà Đavít và qua dòng dõi trực tiếp của hai mươi tám thế hệ đến “Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô.” (Mt 1:16)

 

Trong sách Công Vụ, Thánh Luca kể ba câu chuyện ám chỉ một sự việc trong đó toàn bộ gia đình được cứu độ nhờ đức tin của một thành viên, trong mỗi trường hợp là người chủ gia đình.

 

Trong câu chuyện quan trọng đầu tiên này, trong Cv 11:11-15, Phêrô có một mặc khải cho ông biết rằng luật ăn kiêng của Môsê không còn hiệu lực nữa, rằng sự cứu độ được ban cho cả Dân Ngoại lẫn Dân Do Thái. Ngay sau mặc khải này, Phêrô được triệu tập đến Xêdarê, đến nhà của Conêliô, một viên đại đội trưởng, một người công chính và kính sợ Thiên Chúa – một người ngoại đã được báo qua mặc khải rằng Phêrô sẽ công bố cho ông một sứ điệp mà nhờ đó ông và cả gia đình ông sẽ được cứu độ. Sau đó Phêrô về làm chứng điều này: “Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu.” Vì vậy, tất cả các thành viên trong gia đình của Conêliô đều được cứu độ theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho ông.

 

Tình tiết thứ hai như vậy xảy ra trong Cv 16:11-15, khi Phaolô và các bạn đồng hành của ông đến bờ sông ở Philíp để cầu nguyện. Ở đó, họ chia sẻ Phúc Âm với một số phụ nữ, trong số đó có bà Lyđia, một người “tôn thờ Thiên Chúa.” Thánh Luca làm chứng về bà: “Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói. Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa, bà mời chúng tôi: ‘Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa thì xin các ông đến ở nhà tôi.’ Và bà ép chúng tôi phải nhận lời.” Đó là hành động của đức tin, sự cải đạo của bà chủ một gia đình đã đem lại sự cứu độ cho tất cả những người sống với bà.

 

Trong Cv 16:28-34 có kể một câu chuyện khác, thậm chí còn kịch tính hơn về sự cải đạo của cộng đồng. Khi Phaolô và Sila được giải thoát một cách kỳ diệu, bởi một trận động đất lúc nửa đêm, khỏi xiềng xích trong tù, viên cai ngục tỉnh dậy và nghĩ rằng những tù nhân được giao cho mình giam giữ đã trốn thoát, nên y định tự tử. Tuy nhiên, Phaolô đã ngăn ông ta lại, và viên cai ngục run sợ, sấp mình xuống trước mặt Phaolô và Sila cầu xin: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?” Họ trả lời: “Hãy tin vào Chúa Giêsu thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” Khi viên cai ngục đưa họ về nhà mình, Phaolô và Sila đã nói lời Chúa cho ông và mọi người trong nhà ông, sau đó viên cai ngục cùng với cả gia đình tin Thiên Chúa và chịu phép rửa.

 

Còn có một sự việc tương tự khác chỉ được đề cập trong sách Công Vụ: “Ông Cơrítpô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Côrintô đã nghe ông Phaolô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa.” (Cv 18:8)

 

Chính Chúa Jesus, trong Luca 19:1-9, đã cứu cả một gia đình thông qua một thành viên trong gia đình đó: Dakêu là người thu thuế gian dối đang ngồi trên cây để nhìn rõ Chúa Giêsu đi ngang qua. Chúa Giêsu gọi: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ngay lập tức Dakêu ăn năn và cam kết: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Khi đó, Chúa Giêsu tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham.” Chúa Giêsu chứng minh sự cứu độ rõ ràng, không chỉ đến với Dakêu đã ăn năn mà còn đến với cả gia đình ông.

 

Điều đáng chú ý là sự kiện này chỉ được kể lại trong Phúc Âm Thánh Luca, tác giả sách Công Vụ, trong đó có bốn sự kiện tương tự được trích dẫn ở trên. Điều này có thể gợi ý rằng nhà truyền giáo được Chúa soi dẫn muốn đặc biệt chú ý đến tác động cứu độ đối với một gia đình có sự cam kết của người đứng đầu gia đình với Chúa Kitô hay không?

 

Giáo lý Công giáo nói rõ về ân sủng của sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt tinh thần: “Sự hiệp thông của các thánh là Giáo hội. Vì tất cả các tín hữu tạo thành một thân thể, nên lợi ích của mỗi người được truyền đạt cho những người khác… tất cả những điều tốt lành mà Giáo hội đã nhận được tất yếu trở thành quỹ chung.” (946-947) Giáo lý cũng thừa nhận bản chất tập thể của đời sống tinh thần trong “giáo hội tại gia” của chúng ta: “Ngay từ đầu, cốt lõi của Giáo hội thường được cấu thành bởi những người đã trở thành tín hữu cùng với cả gia đình họ.” (1655-1656)

 

Xét đến niềm tin đã được thiết lập của Giáo hội vào sự hiệp nhất thiết yếu của đời sống tâm linh của chúng ta – trong thực tế của một Kitô hữu gắn kết bởi huyết thống hoặc bởi một mối quan hệ nào khác để được đặc biệt chúc phúc như một thân thể – chẳng phải một gia đình, một giáo hội tại gia, thực sự được Chúa kêu gọi để hành động và cầu nguyện theo cách đặc biệt hy vọng cho sự cứu độ của nhau hay sao? Chẳng phải cha mẹ nên cầu nguyện một cách đầy hy vọng, tin tưởng, cho sự cứu độ và thánh hóa của những đứa con hư hỏng của mình, vợ chồng cầu nguyện cho người bạn đời vô tín của mình, con cái cầu nguyện cho người mẹ và người cha thờ ơ về mặt tâm linh, anh chị em cầu nguyện cho những anh chị em đã sa ngã, và ông bà cầu nguyện cho sự cứu độ của cả gia đình của họ – có đến hai, ba thế hệ trở lên hay sao?

 

Hãy tự tin. Hãy cầu nguyện với sự trông đợi. Hãy nhớ rằng Thánh Ambrôsiô đã từng nói với Thánh Monica trong nỗi thống khổ của bà về việc con trai Augustinô từ bỏ cuộc sống hoang đàng và chịu phép rửa: “Đứa con của những giọt nước mắt sẽ không bao giờ hư mất.”

 

ALFRED HANLEY

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)