Được viếng thăm - Đầy tội đầy tình
ĐƯỢC VIẾNG THĂM
“Tôi phải ví người thế hệ này với ai?”.
Không ít người phi thường bị coi là tầm thường trước khi được chấp nhận. Fulton Sheen - nhà giảng thuyết lừng danh những 40 năm của truyền hình, truyền thanh Mỹ, viết 73 cuốn sách - từng bị một giáo sư chê bai, “Anh là diễn giả tồi nhất mà tôi từng gặp!”. Ernest Hemingway - tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà báo bậc thầy của Hoa Kỳ - từng bị một giáo sư miệt thị, “Quên chuyện viết lách đi! Anh không đủ khả năng!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Như Fulton Sheen và Hemingway đã từng thất vọng vì những định kiến của các vị thầy, Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi thất vọng của Chúa Giêsu trước những định kiến của người đương thời. Họ không nhận ra Ngài, họ không biết mình ‘được viếng thăm!’.
Chúa Giêsu ví họ như lũ trẻ ngoài chợ vốn bất nhất, điều mà các nhà tâm lý gọi là ‘thái độ bạo chúa của trẻ lên hai’; họ gọi Gioan là “quỷ ám”, gọi Chúa Giêsu là “ăn nhậu!”. Thói quen thường xuyên sàng lọc thực tế ‘người mang sứ điệp’ thông qua định kiến, thành kiến có thể khiến chúng ta từ chối sứ giả Chúa sai đến và ngày giờ của Ngài. Thay vì để mình được định hình theo tiêu chí Thiên Chúa muốn, chúng ta lại khéo đặt Ngài ngay ngắn trong thế giới tự tạo và thiết định trước của mình.
Trong đời sống ơn gọi hay cả trong đời sống gia đình, chính sự ‘bất nhất tâm cảm’ dẫn chúng ta đến việc chối từ Thiên Chúa, chối từ tha nhân. Thành kiến khiến chúng ta mất kiên định, định kiến khiến chúng ta mất khả năng đi trọn con đường ‘ơn gọi riêng’. Chúng ta xa rời mục tiêu hoặc thậm chí, gãy gánh! Không quan trọng bạn đi con đường khổ chế của các môn đệ Gioan hay sự phóng khoáng của các môn đệ Chúa Giêsu; điều quan trọng là liệu bạn có đi trọn con đường Chúa định cho đấng bậc mình! Bao lâu chúng ta còn tiến tới, bấy lâu Thiên Chúa còn dẫn dắt; không dịch chuyển, Thiên Chúa không có gì để dẫn dắt! Trong thực tế, việc ngồi chờ một số “điều kiện hoàn hảo” - như thần thoại - chỉ tỏ lộ một sự bất nhất và thiếu cam kết.
Khôn ngoan là quà tặng của Chúa Thánh Thần; nhờ Thánh Thần, chúng ta phân định, phán đoán. Từ đó, đưa ra những quyết định đúng đắn và khiêm tốn đón nhận ân huệ Thiên Chúa gửi đến. Đó cũng là những gì Phaolô đề cập trong thư Côrintô hôm nay, “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất!”.
Anh Chị em,
“Tôi phải ví người thế hệ này với ai?”. Chúa Giêsu đau đớn vì sự cứng lòng của người đương thời, những kẻ không nhận ra vòng tay yêu thương của Thiên Chúa và giờ họ ‘được viếng thăm’. Đây không phải là một cảnh trong vở “Sứ Vụ Công Khai” của Chúa Giêsu; nhưng đây là bộ phim nhiều tập, bộ phim cuộc đời mỗi người! Bạn và tôi có thể tự hỏi, “Làm thế nào tôi nhận biết giờ tôi ‘được viếng thăm?’”, vì lẽ mỗi người chúng ta đều có thể dễ dàng rơi vào sự cứng lòng của các biệt phái. Mỗi ngày Chúa Giêsu đến thăm chúng ta, gõ cửa nhà chúng ta qua Thánh Lễ, qua các giờ cầu nguyện, qua các biến cố, qua những con người... Tôi có cảm nhận được lời mời nào, nguồn cảm hứng nào để gần Chúa Giêsu hơn, sống bác ái hơn hay để lắng nghe Ngài nhiều hơn?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ơn Chúa qua đi, không bao giờ trở lại. Đừng để con không múc được một ân huệ nào vào giờ Chúa ghé!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
************
ĐẦY TỘI, ĐẦY TÌNH
“Tội của chị đã được tha rồi!”.
“Vì người phụ nữ này - khi thấy những vết nhơ của sự xấu hổ - đã chạy đến rửa chúng tại nguồn nước thương xót, và không đỏ mặt khi nhìn thấy thực khách!” - Grêgôriô Cả.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay nói đến một phụ nữ ‘đầy tội’ nhưng không đỏ mặt. Cô đến với Chúa Giêsu, một người ‘đầy tình’. Ở đâu có tội, ở đó cần tình; ở đâu có tình, tội được giảm khinh! Biệt phái Simon nhìn cô như kẻ ‘có tội’; Chúa Giêsu nhìn cô như người ‘cần tình’.
Tin Mừng tường thuật những gì xảy ra tại nhà một biệt phái. Biết Chúa Giêsu dùng bữa ở đó, một phụ nữ đến, mang theo một bình dầu thơm, quỳ dưới chân Ngài, khóc nức nở; nước mắt cô ướt đẫm chân Ngài. Cô lấy tóc lau, xức dầu và hôn chân Chúa Giêsu. Simon tự nhủ, “Nếu quả ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi”. Là Ngôn Sứ của các ngôn sứ, Chúa Giêsu biết ai chạm vào Ngài, một người ‘đầy tội’, Ngài biết ở một mức độ lớn hơn nhiều so với những gì Simon biết. Vì lý do đó, Ngài đã đối xử với cô một cách ‘đầy tình’.
Simon không thể nhìn quá bề mặt, ông nhìn cô như một người ‘đầy tội’ và trách Chúa Giêsu sẽ ‘nhiễm uế’ vì cô ấy. Để mình ‘nhiễm uế’, Chúa Giêsu tiết lộ cho Simon một bài học. Đó là sự khác biệt giữa tội lỗi với người có tội. Ngài không chấp nhận tội lỗi, nhưng đón nhận tội nhân; không đồng tình với tội lỗi, nhưng xót thương tội nhân; không khoan nhượng với tội lỗi, nhưng khoan dung với tội nhân.
Vậy tại sao người phụ nữ ‘đầy tội’ này lại dám tỏ tình cách công khai với Chúa Giêsu giữa một thế giới của các đấng mày râu, điều mà truyền thống Do Thái không cho phép? Phải chăng cô đã khám phá một điều gì đó trong trái tim ‘đầy tình’ của con người này? Phải chăng con tim khô héo cần tình của cô nay đang ngụp lặn trong suối nguồn tươi mát từ trái tim ‘đầy tình’ của Ngài, và điều này khiến cô không đỏ mặt hay sợ hãi?
Khá trùng hợp, bài đọc Côrintô hôm nay tiết lộ, Phaolô tự coi mình là một người ‘đầy tội’, “Tôi đã ngược đãi Hội Thánh”; coi Chúa Giêsu là người ‘đầy tình’, “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta”. Ngài đã biến đổi Phaolô thành sứ giả của một Thiên Chúa Xót Thương. Thánh Vịnh đáp ca trào tràn niềm vui, “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ!”.
Anh Chị em,
“Tội của chị đã được tha rồi!”. Đức Phanxicô nói, “Lời tha thứ của Chúa Giêsu thúc giục mỗi người chúng ta không bao giờ dừng lại ở bề mặt của sự việc, đặc biệt là khi có một người trước mặt. Chúng ta được mời gọi nhìn xa hơn, tập trung vào trái tim để thấy ‘mức độ rộng lượng’ mà mọi người có thể có. Không ai bị loại khỏi lòng thương xót của Chúa. Với tình yêu bao la, Ngài chữa lành trái tim ‘đầy tội’ của chúng ta! Tội lỗi của chúng ta không bao giờ làm Ngài sợ hãi!”. Hãy để Ngài đi vào những giờ cầu nguyện của mình, Ngài sẽ tiết lộ tội lỗi và sự yếu đuối của mỗi người. Ngài sẽ làm điều đó với sự dịu dàng, xót thương, ‘đầy tình’, và nhen lên ở đó ngọn lửa thống hối. Và nếu biết đáp ứng, bạn và tôi cũng sẽ được Ngài chào đón như Ngài đã chào đón người phụ nữ.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con ‘đầy tội’, Chúa ‘đầy tình’. Đừng để con rơi vào cạm bẫy xét đoán, giúp con đối xử ‘thâm tình’ với anh em con như Chúa đã đối xử ‘thắm tình’ với con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: