Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Rạng rỡ - Mong thấy

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

RẠNG RỠ

 

“Để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng!”.

 

Rufus Jones vừa kết thúc buổi thuyết trình với chủ đề “Hãy Rạng Rỡ!”, một phụ nữ có khuôn mặt ‘rủi ro’ đến khó tin đón ông và hỏi, “Ông sẽ làm gì nếu có một khuôn mặt như tôi?”. Jones nói, “Tôi cũng có những rắc rối tương tự về loại này, nhưng tôi khám phá ra rằng, nếu bạn rạng rỡ từ bên trong, bất kỳ khuôn mặt nào cũng sẽ ngời sáng!”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Nếu bạn ‘rạng rỡ’ từ bên trong!”. Khám phá của Rufus Jones được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay khi Chúa Giêsu nói đến ánh lửa tâm hồn của các môn đệ Ngài vốn sẽ tự nhiên toả rạng ra bên ngoài.

 

Sách Châm Ngôn gọi ánh lửa ấy là những điều lành, “Khi có thể, con đừng từ chối làm điều lành!”; “Khi có thể cho ngay, thì con đừng có nói: ‘Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh!’” - bài đọc một. Điều lành ‘rạng rỡ’ ở đây là yêu thương, cảm thông, chia sẻ; là cầu thay nguyện giúp, trăn trở, xót thương… đó cũng là những phẩm tính của những ai ở trên núi Chúa, “Lạy Chúa, ai được ở trên núi thánh của Ngài?” - Thánh Vịnh đáp ca.

 

Chúa Giêsu gọi ánh lửa ấy là ánh sáng không thể che giấu mà mọi người cần “nhìn thấy!”. Điều này xảy ra khi những người khác nhận ra ánh sáng Chúa Kitô từ chúng ta. Nhen lên, thổi bùng lên ngọn lửa của Ngài trong lòng mình, chúng ta biết chắc một điều là ánh sáng đó sẽ toả rạng và những người khác được hưởng nhờ. Như vậy, không toả sáng Chúa Kitô, thì không phải vì bạn và tôi che giấu Ngài, mà là vì Ngài đã không thể thắp lên từ bên trong mỗi người ánh lửa của Ngài. Một khi Ngài thắp sáng nội tâm chúng ta, ánh sáng của Ngài không thể bị che khuất. Nó nhất định ‘rạng rỡ!’.

 

Sự thật này giúp chúng ta đánh giá đúng mức mối quan hệ của linh hồn mình với Chúa. Nếu Chúa Kitô đang sống trong chúng ta, nếu mối quan hệ giữa Ngài với chúng ta thực sự được sống, hiệu quả của mối quan hệ ‘Chúa và tôi’ đó nhất định sẽ tác động nơi người khác; họ sẽ dễ dàng nhận ra ánh sáng không thể che giấu đó. Trở thành Kitô hữu không phải là đạt đến một cấp độ nhất định và duy trì ở đó. Về căn bản, nó có nghĩa là liên tục phát triển và tăng trưởng - giữ nguyên trạng thái hoặc trì trệ có nghĩa là thụt lùi.

 

Anh Chị em,

 

“Nếu bạn rạng rỡ từ bên trong!”. Qua Bí tích Rửa Tội, Chúa Kitô thắp lên ánh lửa Phục Sinh của Ngài trong tim chúng ta. Đó là ánh sáng của tình yêu, hy vọng, niềm vui, lòng thương xót và thiện hảo. Ngài giao nhiệm vụ giữ gìn ánh sáng ấy cho Giáo Hội; cụ thể, cho giáo xứ và gia đình. Qua từng biến cố, từng phút giây, Chúa Thánh Thần không ngừng khơi lên ánh sáng này để nó ngày càng ‘rạng rỡ’. Và Chúa đặt mỗi người vào đúng “đế” của họ từ chức vụ, nơi chốn, hoàn cảnh… Như vậy, khi người khác không thấy được ánh sáng Chúa Kitô từ chúng ta; phải chăng ánh lửa của Ngài trong chúng ta đang leo lét! Vậy nếu tha nhân không được lôi kéo vào tình yêu của Chúa Kitô qua chúng ta, bạn và tôi hãy nhìn lại mình, nhìn lại cung cách lắng nghe và sống Lời Chúa!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để thế gian thắp sáng con từ bên ngoài, hãy thắp sáng con từ bên trong, khởi đi từ các việc lành con chắt chiu mỗi ngày!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

***********

 

MONG THẤY

 

“Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được”.

 

“Viên ngọc không thể bóng loáng mà không có ma sát, con người không thể hoàn thiện mà không có thử thách. Cũng thế, tình yêu không thể đích thực nếu không mong thấy và gặp gỡ người mình yêu!” - Anon.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Kể lại cuộc tìm thăm Chúa Giêsu của mẹ và anh em Ngài, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đánh giá mức độ yêu thương của mình đối với Chúa Giêsu. Bạn có ‘mong thấy’ Chúa Giêsu và gặp gỡ Ngài - người mình yêu - mỗi ngày?

 

Ngày nay, cũng như hai ngàn năm trước, nhân loại khao khát nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Giêsu. Mỗi người đều có lý do riêng! Một số cần được chữa lành - như Bartimê, người mù ở Giêricô đã hét lên phía sau Ngài cho đến khi Ngài xót thương và chữa lành anh; một số vì tò mò - như Giakêu, người đã trèo lên một cây sung để nhìn Ngài vì anh ta thấp bé; một số vì muốn nghe lời Ngài - như đám đông chen chúc quanh Ngài để nghe lời Chúa bên bờ hồ Gênêsareth; một số vì yêu thương, muốn chăm sóc Ngài - như Đức Trinh Nữ Maria và Maria Mađalêna. Vậy tại sao bạn và tôi ‘mong thấy’ Ngài?

 

Vậy mà, Chúa Kitô không dễ bị khuất phục, “Họ không làm sao lại gần được”. Cũng thế, một đôi khi rất khó để chúng ta tiếp cận Ngài. Mặc dù chúng ta có thể tìm kiếm Chúa Kitô với một ý định trong sáng nhất, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được mục tiêu của mình. Chắc chắn sẽ có những trở ngại trên đường đi mà bạn và tôi phải chuẩn bị chúng. Ma quỷ luôn tìm cách chia cắt chúng ta khỏi Chúa thông qua tội lỗi, thậm chí nó còn gieo rắc sợ hãi vào lòng chúng ta để chúng ta không nhận được ân sủng chữa lành; chẳng hạn nó làm hết sức để ngăn cản chúng ta đến với toà giải tội.

 

Thế gian cũng tìm cách giữ chúng ta càng xa Chúa càng tốt, nó đưa ra hàng ngàn chào mời và các thú vui làm xao lãng để dẫn chúng ta ra khỏi sự cầu nguyện, suy gẫm và hoán cải. Và tất nhiên, đôi khi chính chúng ta lại không có một khuynh hướng đạo đức, phục vụ người khác và một cuộc sống đức hạnh. Cũng có thể đó là sự lười biếng vốn khả dĩ đánh bại ngay cả những người tốt nhất. Chúng ta cần nói cho Chúa biết rằng, chúng ta đang tìm kiếm Ngài, ‘mong thấy’ Ngài!

 

William Law nói, “Nếu bạn dừng lại và tự hỏi tại sao bạn chưa nên thánh, thì chính trái tim bạn sẽ mách bảo rằng, đó không phải là do sự thiếu hiểu biết hay bất lực, mà hoàn toàn là do bạn chưa bao giờ thực sự có ý định như vậy!”.

 

Anh Chị em,

 

“Họ không làm sao lại gần được”. Và dẫu lại gần Chúa Giêsu, thì không phải lúc nào chúng ta cũng đương nhiên trở nên tốt hơn. Ngài có thể từ chối? Phải, điều quan trọng đối với Ngài là bạn và tôi phải là “những người lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành”. Điều này không loại trừ mẹ Ngài và những người thân của Ngài. Chúa Giêsu không hạ thấp ai nhưng thay vào đó, Ngài nâng chúng ta - và họ - lên một mức độ thân mật lớn hơn cả quan hệ huyết thống. Đây chính là vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa: Chúa Kitô kêu gọi chúng ta đến với phẩm giá và sự thân mật ngày càng lớn hơn với Ngài.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, con ‘mong thấy’ khuôn mặt Chúa trong mọi sự kiện và diễn biến của ngày hôm nay. Xin xua mọi kẻ thù, sự sợ hãi và sự nguội lạnh tinh thần trong con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)