Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Choáng Ngợp - Lần Lữa

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

CHOÁNG NGỢP

 

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.

 

“Đã nhiều lần, tôi buộc phải quỳ gối, bởi tôi biết, tôi không còn nơi nào khác để đi! Sự khôn ngoan của riêng tôi và tất cả những gì tôi có, dường như không đủ cho ngày khốn quẫn. Và rồi, tình yêu Ngài phủ lấp, tôi choáng ngợp!” - Abraham Lincoln.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Tình yêu Ngài phủ lấp, tôi ‘choáng ngợp!’”. Cùng với trải nghiệm của vị tổng thống - một sự trùng hợp đến thú vị - cả hai bài đọc hôm nay nói đến ‘choáng ngợp!’. Con người ‘choáng ngợp’ trước vũ trụ và càng ‘choáng ngợp’ hơn trước Đấng tạo thành nó!

 

Bài đọc Giảng Viên nói, “Thiên Chúa ban cho con người khả năng nhận thức về vũ trụ; tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết ý nghĩa”. Cuộc sống của nó như được chia đều giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hạnh phúc và bất hạnh! Vũ trụ của Thiên Chúa đơn giản là ‘quá lớn’ so với con người vốn ‘quá nhỏ’ để có thể nắm bắt. Thế giới đẹp đẽ nhưng ‘khá trêu ngươi’ của Thiên Chúa khiến nó ‘choáng ngợp’; vậy mà, sự thoả mãn vũ trụ cung cấp lại ‘quá ít!’. Đang khi con người được tạo ra cho vô biên, những thứ hữu biên làm sao có thể làm nó no thoả? “Ở đây không có thành phố lâu dài; chúng ta, những lữ khách đi tìm thành tương lai!”. Mục tiêu cuối cùng nằm ở chỗ khác, nơi Thiên Chúa! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu lắng, “Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn!”.

 

Với bài Tin Mừng, khi hỏi “Dân chúng bảo Thầy là ai?”, Chúa Giêsu không quan tâm xác suất mến mộ quần chúng dành cho Ngài; Ngài quan tâm đến phúc đáp của một câu hỏi khác, “Anh em bảo Thầy là ai?”. Ngài là Thiên Chúa, Vua Trời Đất, không xuất hiện trong uy nghi, oai hùng, nhưng trong hình hài một con người, lang thang trên những nẻo đường cho phàm nhân thấy được, sờ được. Vì muốn gần con người để có thể cứu lấy con người, Ngài trở nên bình dị, nếu không nói là bình thường!

 

Cũng thế, ngày nay, trong Thánh Thể, Ngài đợi chúng ta đến gặp Ngài, sờ đụng Ngài. Ngài mong chúng ta đừng khoá chặt Ngài trong nhà thờ, hoặc đặt Ngài nơi cao chỉ để cung kính. Ngài muốn ở cùng, nên một với chúng ta, hầu chúng ta được ‘choáng ngợp’ khi tình yêu Ngài phủ lấp. Và qua chúng ta - nhà tạm di động của Ngài - Ngài đến với những người khác, chia sẻ hoàn cảnh của mỗi người, hầu bổ sức và đồng hành với họ.

 

Anh Chị em,

 

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Đức Phanxicô nói, “Tại sao Chúa Giêsu đặt ra vấn đề này: Ngài là ai? “Bạn không thể biết Chúa Giêsu mà không gặp vấn đề!”. Bạn không thể biết Ngài bằng cách ngồi ở “khoang hạng nhất”, “trong sự an thân”; càng không thể biết Ngài “trong thư viện”. Chúng ta chỉ biết Chúa Giêsu trên con đường đời thường. Biết Ngài qua sách giáo lý, “chưa đủ”; phải biết Ngài bằng cách nói chuyện với Ngài trong “cầu nguyện” khi quỳ gối. Không cầu nguyện, bạn không biết Ngài. Cuối cùng, bằng cách “đi theo Ngài”, đi với Ngài trên con đường Ngài đi. Và đây là con đường mà mỗi người đều có một quyết định phải đưa ra. Như vậy, nếu biết Chúa Giêsu bằng ba ngôn ngữ này - lý trí, trái tim và hành động - bạn có thể nói, bạn biết Ngài. Bấy giờ, tình yêu Ngài phủ lấp và bạn choáng ngợp!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, đừng để con ‘choáng váng’ trước những mời mọc thế gian. Cho con ‘choáng ngợp’ trước tình yêu Chúa luôn phủ lấp và quan tâm đến từng chi tiết đời con!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

LẦN LỮA

 

“Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!”.

 

“Hêrôđê không thể vượt qua những lớp rào cản của trái tim mình. Tham vọng quyền lực, ích kỷ và niềm tin yếu đuối đã kìm hãm khả năng khám phá ra một Giêsu đã chịu đau khổ để cứu mình!” - Phanxicô.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tin Mừng hôm nay nói đến một người “không thể vượt qua những lớp rào cản của trái tim” - Hêrôđê! Ông đã thú nhận một sự thật khá trần trụi: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!”; nhưng tiếc thay, lời xưng thú của ông không khiến ông đau buồn mà hoán cải; nó chỉ khiến trái tim ông chai đá hơn! Vậy điều gì đã khiến cho Hêrôđê ‘lần lữa?’.

 

Hêrôđê mong gặp Chúa Giêsu, nhưng điều này không dựa trên đức tin hay động cơ sám hối. Và dẫu thời gian Gioan bị giam hẳn là một cơ hội mời gọi Hêrôđê ăn năn; nhưng, ông vẫn ‘lần lữa’. Tại sao? Như Đức Phanxicô nói, “Tham vọng quyền lực, ích kỷ và niềm tin yếu đuối đã kìm hãm ông”; nói cách khác, ông không vượt thắng những ‘noạ tính’ của thế gian và dục tình.

 

Điều này cũng có thể đang xảy ra nơi mỗi người chúng ta. Nói rằng, tôi vẫn ổn! Tôi tin Chúa Kitô là Chúa, là Đấng Cứu Rỗi; tôi đã được “rửa tội” là chưa đủ! Chúng ta cần sống một đời sống mới bằng việc nên thánh mỗi ngày. Tôi cần quyết tâm sửa đổi những điểm yếu, thiếu sót và sai lỗi sang một điều gì đó mà Chúa Kitô - Đấng đã chịu đau khổ để cứu tôi - mong chờ. Đó là sự thật giục giã tôi phải biến đổi mà không ‘lần lữa’.

 

Bạn có ổn không? Chúng ta cần can đảm để mục kích trực tiếp và tự hỏi, “Tôi đã làm gì với hồng ân Chúa?”. Với Hêrôđê, không phải tất cả mọi thứ đều ổn; một sự thật ông đã thấy rõ, ‘ông giết người!’. Và đây có thể là khởi điểm để ông bắt đầu một cuộc hoán cải hầu đón nhận lòng thương xót Chúa; ít nhất, ông đã nhận ra mình có tội. Hoán cải luôn bắt đầu bằng việc chúng ta chấp nhận thất bại khi đã nghiêng chiều về điều ác. Tiếc thay, Hêrôđê chỉ dừng lại ở đó khiến trái tim ông xơ cứng hơn! Bạn và tôi thì sao?

 

Anh Chị em,

 

“Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!”. Nhìn nhận mình có tội, dĩ nhiên, lương tâm Hêrôđê cắn rứt, nhưng ông không thay đổi! Điều này cho thấy, hoán cải là việc của ân sủng chứ không phải của sức người. Hãy cậy vào Chúa, đừng cậy sức mình! “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!” - Thánh Vịnh đáp ca.  Bắt chước Hêrôđê, bạn và tôi khởi sự bằng việc nhìn nhận tội lỗi đầu nậu của mình, đặt bàn chân mình vào khởi điểm của lộ trình hoán cải; nhưng đừng ‘lần lữa’ như ông. Hãy cầu nguyện, van xin, kết hợp với việc chay tịnh; quyết tâm đứng lên và đi tới. Được như thế, nhất định chúng ta sẽ gặp được lòng thương xót Chúa để bắt đầu một hành trình mới, một hành trình có tên “nên thánh!”. Bên cạnh đó, trải nghiệm sự khó khăn của việc thay đổi bản thân, chúng ta cảm thông với sự đổi thay cần có thời gian của tha nhân! Thiên Chúa kiên nhẫn đợi chờ tôi, sao tôi không nhẫn nhịn chờ đợi anh em tôi?

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con nhận ra ‘chân tướng’ của mình, đừng để con ‘lần lữa’ khiến Chúa hoài công. Xin ân sủng Chúa giúp con quyết tâm đứng lên và đi tới!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)