Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vĩ đại - Đóng cửa

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

VĨ ĐẠI

 

“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”.

 

“Khiêm tốn không phải là khom lưng cho đến khi bạn nhỏ hơn chính mình, nhưng là đứng ở ‘độ cao thực’ so với một tính cách cao hơn nào đó. Điều này cho thấy sự ít ỏi thực sự của cái được gọi là vĩ đại nơi bạn. Vậy mà, càng nên bé nhỏ, bạn càng vĩ đại!” - Phillip Brooks.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Tư tưởng của Brooks được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay, “Càng nên bé nhỏ, bạn càng vĩ đại!”. Ai ‘hạ mình’ trước Chúa, ai ‘nhún mình’ trước người; kẻ ấy ‘vĩ đại!’.

 

Như một em bé, Gióp hạ mình trước Chúa, Đấng đem Gióp ra khoe với Satan và đây là đầu dây mối nhợ của câu chuyện dài - bài đọc một. Chúa ném Gióp trước Satan, “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta? Chẳng ai trên đời này giống như nó: vẹn toàn, ngay thẳng, kính sợ Chúa và lánh xa điều ác!”. Satan dể duôi, “Ngài cứ thử đưa tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, hẳn nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”. Phóng lao theo lao, Chúa phó mọi tài sản của Gióp vào tay Satan, trừ mạng sống ông. Vậy là tai ương dồn dập ập xuống Gióp. Nhưng Gióp chẳng một lời trách móc; trái lại, thêm lòng cậy trông, “Xin Chúa lắng tai và nghe tiếng con cầu!” - Thánh Vịnh đáp ca. Hú hồn! Chúa toàn thắng. Ngài ban cho Gióp nhiều hơn trước. Gióp trở nên ‘vĩ đại!’.

 

Trong Tin Mừng hôm nay, biết các môn đệ nghĩ trong lòng ai là người lớn nhất, Chúa Giêsu đã thực hiện một cử chỉ ấn tượng - đặt một đứa trẻ bên cạnh mình. Đừng ngạc nhiên! Chúng ta không làm điều tương tự sao? Ham muốn địa vị, quyền lực luôn tiềm ẩn trong máu mỗi người. Ai lại không ấp ủ tham vọng trở thành một “ai đó”, được ngưỡng mộ, hơn là trở nên “không ai?”. Một đứa trẻ tiết lộ cho chúng ta nhiều điều. Trong thế giới cổ đại, trẻ em ở dưới cùng bậc thang xã hội, phục vụ người lớn như một tôi tớ; trẻ không có quyền, vị trí hoặc ưu tiên. Đặt một đứa trẻ bên cạnh mình cho thấy sự tôn trọng của Chúa Giêsu. Ngay cả ngày nay, chủ nhà vẫn để vị khách danh dự ngồi bên phải. Ai là người lớn nhất? Đó là kẻ mang thân phận của một tôi tớ!

 

Anh Chị em,

 

“Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy!”. Thật thú vị, sự ‘vĩ đại’ được tìm thấy ở đứa trẻ chứ không phải ở người ‘tiếp đón’ đứa trẻ! Đứa trẻ đại diện cho tất cả những ai dễ bị tổn thương, yếu đuối và bất lực. ‘Tiếp đón’ những người bé mọn như thế là đối xử với họ bằng sự tôn trọng phẩm giá cao nhất, chấp nhận họ và nâng đỡ họ. Trong mắt Chúa Giêsu, ai nhỏ bé như thế mới thực sự ‘vĩ đại’, họ là những người mà chúng ta có thể đặc biệt gặp Chúa Giêsu, yêu thương và phục vụ Ngài. Còn hơn thế, phục vụ Chúa Cha! Bản thân Chúa Giêsu sẽ đạt đến đỉnh cao ‘vĩ đại’ khi Ngài bị treo trên thập giá, hấp hối và bất lực. Đây là bài học mà các tông đồ sẽ học và chấp nhận theo thời gian. Chúng ta cũng phải tiếp tục thực hiện điều đó vốn không dễ dàng với bất kỳ ai. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở nên ‘vĩ đại!’.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cho con biết xấu hổ khi ‘nhón lên’ một tính cách cao hơn nào đó so với độ cao thực của con. Giúp con hiểu rằng, ‘vĩ đại’ hệ tại việc con biết xoá mình!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

**********

 

ĐÓNG CỬA

 

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”.

 

“Một con đại bàng ghen tị với một con khác bay tốt hơn mình. Ngày kia, nó nói với người thợ săn, “Ước gì anh có thể hạ con đại bàng kia!”. Thợ săn đáp, “Tôi chỉ bắn nó nếu có một số lông vũ làm mũi tên!”. Con đại bàng ghen tị đã nhổ một chiếc lông. Tên được bắn đi, nhưng không trúng. Nó tiếp tục nhổ một chiếc khác, rồi một chiếc nữa cho đến khi nó nó không bay lên được. Thợ săn quay lại, tóm cổ con chim ghen tỵ!” - Dwight L. Moody.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay có chung một bài học mà Moody, người kể câu chuyện trên muốn chỉ ra: “Nếu bạn ghen tị, người mà bạn sẽ làm tổn thương nhất là chính bạn!”. Lời Chúa nói đến sự tai hại của ‘độc quyền’; Đức Phanxicô gọi nó là ‘đóng cửa!’.

 

Giosuê sinh lòng ghen tức khi thấy những người khác nói tiên tri; Môsê kịp thời điều chỉnh, “Anh ghen dùm tôi làm chi?” - bài đọc một. Với bài Tin Mừng, Gioan tông đồ nói, “Chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”; Chúa Giêsu nhắc nhở, “Đừng ngăn cản người ta!”. Thiên Chúa biết những gì Ngài có thể làm và không thể làm. Đừng ai chỉ bảo Ngài!

 

Đức Phanxicô nói, “Cám dỗ ở đây là chúng ta chỉ muốn ‘đóng cửa’. Gioan và các tông đồ muốn ngăn cản một việc lành chỉ vì việc đó được thực hiện bởi một người không thuộc nhóm họ. Họ nghĩ rằng, họ ‘độc quyền’ đối với Chúa Giêsu; và rằng, họ là những người ‘duy nhất’ được phép làm việc cho Vương Quốc. Nhưng theo cách này, cuối cùng, họ cảm thấy họ được ưu tiên và coi người khác là người ngoài cuộc, đến mức trở nên thù địch. Mọi sự ‘đóng cửa’ thực ra có xu hướng khiến chúng ta xa cách với những người khác; đây chính là gốc rễ của nhiều tội ác lớn trong lịch sử nhân loại, tội ác của chủ nghĩa chuyên chế thường tạo ra chế độ độc tài và bạo lực lớn đối với những người khác biệt!”.

 

Gioan phản đối những người khác đang “trừ quỷ” nhân danh Chúa Kitô, nhưng tình yêu nhiệt thành của Gioan dành cho Thầy quá nặng ‘mùi thế tục’, một tình yêu chỉ muốn ‘đóng cửa’. Tình yêu này cần được thanh tẩy để trở nên cởi mở quân bình hơn. Chúa Giêsu mời Gioan cộng tác với những người khác và từ bỏ những ràng buộc về lãnh thổ cũng như đặc quyền của mình. Hãy nghe câu trả lời của Chúa Giêsu, “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”. Sao mà ôn hoà, khôn ngoan, cởi mở đến thế!

 

Anh Chị em,

 

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”. Đã bao nhiêu lần điều này đã xảy ra? Cho dù là trong giáo xứ hay trong các hội đoàn, các phong trào vốn xem ra đạo đức nhất. Chúng ta cần phải ‘mở cửa’ để cộng tác với những ai tin vào Chúa Kitô, thậm chí không tin vào Chúa Kitô. Chúng ta cần tìm ra điểm chung với mọi người - dù họ rất khác biệt - để cùng họ làm việc cho vinh quang Chúa. Gioan Phaolô II rất thích khi nói, “Toàn thể Giáo Hội xét cho cùng cũng chỉ là một phong trào vĩ đại, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, một dòng sông chảy qua lịch sử để tưới mát ân sủng của Thiên Chúa và làm cho cuộc sống Giáo Hội trở nên phong phú trong sự tốt lành, vẻ đẹp, công lý và hoà bình!”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, xin dạy con tôn trọng những khác biệt của anh chị em con vốn sẽ làm phong phú cho việc mở rộng Vương Quốc. Cất khỏi con não trạng ‘đóng cửa’, độc quyền!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)