Lý do vui mừng - Tạo nên nhân loại
LÝ DO VUI MỪNG
“Hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời!”.
John Wesley - nhà truyền giáo nước Anh - ngay trước khi qua đời ở tuổi 88, đã ngồi dậy, nhìn những người thân yêu bên giường bệnh và nói, “Sao lại khóc, hãy vui mừng chứ? Điều tuyệt vời nhất cũng là lý do vui mừng nhất là Chúa ở cùng chúng ta!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Nói rằng, “Chúa ở cùng chúng ta!” hay nói rằng, “Tên anh em đã được ghi trên trời!” có chung một ý nghĩa. Đó là những ‘lý do vui mừng’ đích thực mà cả Wesley và Chúa Giêsu nói với những người thân yêu.
Tin Mừng hôm nay cho biết, sau chuyến truyền giáo tốt đẹp, các môn đệ trở về, lòng đầy hân hoan. Họ bộc lộ với Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con!”. Tốt! Nhưng với Chúa Giêsu, còn có một điều gì đó hơn thế, Ngài tiết lộ cho họ một lý do căn bản hơn: tên họ được ghi trên trời!
Tự hào về công việc là điều tự nhiên, đặc biệt khi chúng ta cảm thấy đã làm tốt công việc đó. Chúa Giêsu không phủ nhận sự thành công của các môn đệ, nhưng Ngài tập trung vào một điều lớn hơn: mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Đây mới là nguồn vui đích thực! Chính mối quan hệ đó làm cho công việc của họ có kết quả. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu tiếp tục nói, “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!”.
Điều đáng mừng hơn cả là các môn đệ ‘đã thấy, đã nghe’ và nhất là nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Thầy mình. Họ đã cảm nhận một mối quan hệ đặc biệt của Ngài với Thiên Chúa và họ đã để mình ‘được lôi kéo’ vào mối quan hệ đó. Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng, sự chia sẻ của chúng ta trong mối quan hệ của Chúa Giêsu với Thiên Chúa mới là niềm vui và là kho tàng đích thực, và đó là ‘lý do vui mừng’ lớn nhất chứ không phải là sự thành công hay nói cách khác, những gì chúng ta làm.
Chính hồng ân chia sẻ mối quan hệ này cho phép chúng ta nhìn và nghe những điều mà nhiều tiên tri và vua chúa mong ước được thấy được nghe, đây là lý do thực sự để tạ ơn và vui mừng. Ngay cả khi công việc của chúng ta ngừng lại - thậm chí là thất bại - vì bất cứ lý do gì, dù là tuổi tác, sức khoẻ kém hay thiếu cơ hội… thì hồng ân chia sẻ mối quan hệ của chính Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha vẫn tồn tại.
Anh Chị em,
“Hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời!”. Chúa Giêsu không quan tâm những chiến thắng trước Satan. Điều quan trọng với Ngài là “Chúa ở cùng chúng ta” và “chúng ta ở cùng Chúa” trên thiên đàng. Kitô giáo không chỉ đơn thuần là đánh bại ma quỷ. Đức tin của chúng ta là đức tin cực kỳ tích cực, được thiết kế để giúp mỗi người phát triển tình yêu dành cho Thiên Chúa noi theo các nhân đức của Chúa Kitô. Đó là một bài tập về tình yêu. Đức tin này không có giới hạn, luôn mời gọi chúng ta ‘yêu mến Chúa’, làm nhiều hơn cho người khác và cho Chúa Kitô. Tình yêu không có giới hạn, vì vậy chúng ta không nên nghĩ rằng mình “đã đến đích”. Tôi có hiểu rằng tôi được kêu gọi để sống mối tương quan với Chúa và sống tình yêu của Ngài cho đến giây phút cuối đời?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, thành công của con trước hết và trên hết là sống thân tình mối tương quan giữa con với Chúa, mọi chuyện khác đều là phụ tuỳ!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
TẠO NÊN NHÂN LOẠI
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”.
“Ngay cả khi hôn nhân được định sẵn trên thiên đường, con người vẫn phải chịu trách nhiệm việc duy trì cuộc sống. Chính họ tạo nên nhân loại!” - John Graham.
Kính thưa Anh Chị em,
Tư tưởng của Graham được gặp lại trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Những người Pharisêu thử thách Chúa Giêsu; họ đặt ra vấn đề ly dị. Ngài cho biết, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”; vì lẽ, ý định của Thiên Chúa là những người phối ngẫu - nam và nữ - kết hợp với nhau để ‘tạo nên nhân loại!’.
Họ hỏi Chúa Giêsu, “Chồng có được phép rẫy vợ không?”. Thay vì đưa ra một câu trả lời chắc chắn, Ngài hỏi ngược lại họ, Thánh Kinh nói gì - và không chỉ trích luật Môsê - Ngài cho họ hiểu, luật đó là ‘hợp pháp’, nhưng chỉ mang tính ‘tạm thời’, “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó”.
Ngài nhắc cho họ lời sách Sáng Thế, từ lúc khởi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ - bài đọc một. Ngài nói đến sự hợp nhất ‘tạo nên nhân loại’. Hai con người tạo nên sự hợp nhất, không phải là một “sự kết hợp”. Và Ngài kết luận, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”.
Nếu coi hôn nhân là một sự kết hợp, thì không thể hiểu được tính bất khả phân ly của nó. Nếu hôn nhân chỉ là vấn đề lợi ích liên quan, thì chúng ta có thể hiểu rằng sự giải thể của nó có vẻ hợp pháp. Trong trường hợp này, nói về hôn nhân theo những thuật ngữ này là khinh thường nó, vì nó chỉ đơn thuần là sự kết hợp của hai người độc thân tìm cách làm cho cuộc sống của họ thú vị hơn. Khi nói về hôn nhân, Chúa Giêsu ám chỉ một điều gì đó ý nghĩa hơn: “Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân vốn được ban tặng vì nhiều lợi ích và mục đích khác nhau. Tất cả những điều này có tác động rất quyết định đến sự tiếp nối của loài người” - Vui mừng & Hy Vọng số 48.
Tiếp đến, Tin Mừng bất ngờ nói đến cảnh dịu dàng của Chúa Giêsu đối với trẻ em. Vậy mà, hai khoảnh khắc này có liên quan với nhau. Khoảnh khắc thứ hai giải thích cách thức hôn nhân có thể xảy ra. Vương Quốc của Thiên Chúa thuộc về những ai trở nên như trẻ em và đón nhận việc tạo ra một điều gì đó mới mẻ. Tương tự như vậy, hôn nhân, khi được hiểu đúng, là ‘rời xa, kết hợp và trở thành’. Hai người phối ngẫu sẽ rời xa cha mẹ, kết hợp với nhau để trở thành một và sinh sản… cho sự tiếp nối của loài người; họ ‘tạo nên nhân loại’.
Anh Chị em,
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”. Cả hôn nhân và độc thân đều là ơn gọi của Chúa để mỗi người sống một cuộc sống thánh hiến, tức là sống như những cặp vợ chồng đã kết hôn hoặc như những người độc thân không thuộc về chính họ mà thuộc về Chúa. Cuộc sống của chúng ta không phải của riêng chúng ta, nhưng chúng thuộc về Chúa. Ngài ban ân sủng và quyền năng cho những ai dõi theo con đường thánh thiện của Ngài trong trạng thái sống của họ. Bạn có tìm kiếm Chúa và ân sủng của Ngài trong trạng thái sống của mình không? Bạn có hạnh phúc không?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, con thuộc về Chúa. Giúp con luôn sẵn sàng làm điều Chúa muốn trong đấng bậc mình, và như thế, con sẽ nên thánh!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Chia sẻ Lời Chúa: