Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

PHÂN TÍCH: Thượng hội đồng về tính Đồng nghị tập trung vào các Giáo hội địa phương có phải là con ngựa thành Troy không?

Tác giả: 
Jos. Tú Nạc, NMS

PHÂN TÍCH: Thượng hội đồng về tính Đồng nghị tập trung vào các Giáo hội địa phương có phải là con ngựa thành Troy không?

 

 

Có gì hơn những gì mắt thấy trong việc định hình các cuộc thảo luận về quản trị giáo hội và mối quan hệ giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ — chủ đề chính của cuộc toạ đàm tại Thượng hội đồng về tính Đồng nghị trong tuần qua không?

 

Người ta có ấn tượng rằng nhiều người tham gia Thượng hội đồng coi chủ đề này như một loại ngựa thành Troy, một chủ đề có vẻ vô hại trên bề mặt nhưng có thể được triển khai để đưa các vấn đề bị gạt sang một bên như linh mục đã kết hôn và phó tế nữ trở lại chương trình nghị sự chính.

 

Chỉ riêng khả năng đây là những gì thực sự đang diễn ra đã khiến những người muốn giữ vững lập trường về cấu trúc quản trị và giáo lý đạo đức của Giáo hội phải cảnh giác cao độ.

 

Chủ đề đang được đề cập liên quan đến Phần 3 của Instrumentum laboris, hay tài liệu làm việc của hội đồng, trong đó “mời” dân Chúa “vượt qua tầm nhìn tĩnh tại về những nơi sắp xếp chúng theo các cấp độ hoặc bậc liên tiếp theo mô hình kim tự tháp (tức là giáo xứ, giáo hạt, giáo phận hoặc giáo phận đông phương; tỉnh hội; hội đồng giám mục hoặc cấu trúc phân cấp Đông phương; và Giáo hội hoàn vũ)”.

 

“Điếu này chưa bao giờ là tầm nhìn của chúng ta,” tài liệu tiếp tục nói. “Mạng lưới các mối quan hệ và trao đổi quà tặng giữa các Giáo hội luôn được đan xen như một mạng lưới các mối quan hệ chứ không phải được hình thành theo hình thức tuyến tính. Chúng được tập hợp trong mối dây liên kết thống nhất mà Đức Giáo hoàng Roma là nguyên tắc và nền tảng vĩnh cửu và hữu hình.”

 

Như Đức Hồng y Jean-ClaudeHollerich, Tổng giám mục Lục Xâm Bảo và là Tổng tường trình viên của hội đồng, đã nhấn mạnh trong tuần: “Ngay từ đầu, Giáo hội đã hướng đến thành phố, đến những nơi mà Giáo hội sinh sống, được giám mục hướng dẫn trong mối quan hệ chặt chẽ với lãnh thổ.”

 

Trong bối cảnh này, Đức Hồng y Leonardo Steiner của Manaus, Ba Tây, đã phát biểu trong một cuộc họp báo hàng ngày rằng “nhiều phụ nữ của chúng ta là ‘nữ phó tế’ thực sự” trong khi lập luận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “chưa khép lại vấn đề” về việc phong chức cho những người đàn ông đã kết hôn ở những nơi như Amazon. Ngài ủng hộ Giáo hội phải cởi mở “lắng nghe các nền văn hóa và tôn giáo” để Phúc Âm có thể được “hòa nhập văn hóa.”

 

Chính xác thì điều này có nghĩa là gì? Theo quan điểm của Steiner, nó cho phép khả năng một số hội đồng giám mục có thể nói “có” với các nữ phó tế và linh mục đã kết hôn, dựa trên những cân nhắc về văn hóa, trong khi những hội đồng khác có thể nói “không”. Theo lý luận đó, ngay cả con đường công đồng của Giáo hội Đức cũng có thể hợp lý, mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích và thậm chí chế giễu nó, khi đã nói đùa với một giám mục người Đức ở Bỉ: “Có Giáo hội Công giáo ở Đức không?”

 

Tại một diễn đàn mục vụ-thần học vào ngày 16 tháng Mười có chủ đề “Mối quan hệ hỗ tương giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ,” Đức Hồng y Robert F. Prevost, Tổng trưởng Bộ Giám mục, đã nhấn mạnh rằng các Giáo hội địa phương không chỉ là một phần của một cấu trúc lớn hơn mà còn thể hiện sự hiện diện thực sự của Giáo hội Chúa Kitô, đạt được sự hiệp nhất thông qua những biểu hiện địa phương đa dạng.”

 

Lặp lại chủ đề đó, một người tham gia diễn đàn khác, Miguel de Salis Amaral, một linh mục người Bồ Đào Nha và giáo sư thần học tại Đại học Giáo hoàng Thánh Giá, cho biết các Giáo hội địa phương được hình thành “theo hình ảnh” của Giáo hội hoàn vũ. Trích dẫn Lumen Gentium, Hiến chế tín lý về Giáo hội, ngài nhấn mạnh rằng “sức mạnh, sự phong phú của tất cả các ân sủng bí tích và thiêng liêng” nằm “trong mọi Giáo hội địa phương.”

 

Một diễn giả khác, Antonio Autiero, linh mục của Giáo phận Naples, Ý và là giáo sư danh dự về thần học luân lý tại Đại học Münster, đã nhấn mạnh rằng trải nghiệm của Giáo hội “hoàn toàn mang tính địa phương.” Ngài bày tỏ sự ủng hộ đối với “chức vụ lắng nghe” ở cấp cộng đồng địa phương, nơi thông qua “các yếu tố phân định” của mình có thể đưa ra những đề xuất cho Giáo hội địa phương.

 

Một ví dụ về các cơ quan địa phương định hình chính sách của Giáo hội được nêu bật trong biểu mẫu là Hội đồng toàn thể của Úc, được triệu tập nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của đất nước. Gồm 44 giám mục và 275 thành viên khác, hội đồng được Tòa Thánh cho phép đối thoại và đưa ra quyết định theo một đặc quyền.

 

Trong khi đó, trong hội trường của hội đồng, có sự đồng thuận về nhu cầu nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội,” theo Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông.

 

Tuy nhiên, vẫn chưa biết các đại biểu sẽ chọn cách diễn đạt sự đồng thuận đó như thế nào trong văn kiện cuối cùng của hội đồng vào cuối tháng.

 

Đức Hồng y tân cử Roberto Repole, Tổng giám mục Turin ở Ý, đã ra hiệu rằng văn kiện sẽ không thể hiện quan điểm của đa số và phe đối lập mà là sự đồng thuận.

 

“Chúng ta không phải là quốc hội; chúng ta cũng đang tìm kiếm tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua việc lắng nghe tiếng nói của anh chị em chúng ta. Ở đây, tôi thấy tính công giáo của Giáo hội,” ngài nói.

 

“Tính Đồng nghị là một trải nghiệm,” ngài nói thêm, “nhưng đòi hỏi phải phân tích sâu sắc những vấn đề thần học không thể bàng quan.”

 

Jos. Tú Nạc, Nguyễn Minh Sơn