Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mở cửa cho Chúa - Đúng giờ đúng lúc

Tác giả: 
Lm Minh Anh

MỞ CỬA CHO CHÚA

“Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”.

“Khi chúng ta lên thiên đàng; ở đó, sẽ có ba điều kỳ diệu: ai ở đó, ai không ở đó, và sự thật là tôi đang ở đó!” - John Newton.

 

Kính thưa Anh Chị em,

“Tôi đang ở đó!”. Câu nói của J. Newton đưa chúng ta về câu nói của Chúa Giêsu - như là điều kiện - cho việc có mặt trên thiên đàng, “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”. Thật vui mừng khi biết rằng, mặc dù không xứng đáng và là một tội nhân, nhưng chính tôi phải ‘mở cửa cho Chúa’, khi cuối cùng, Ngài đến!

 

Đúng vậy, lìa đời, tôi sẽ mở cửa thiên đàng hoặc tôi sẽ đóng nó lại; sẽ không có ai làm điều đó thay tôi. “Chúa sẽ yêu cầu chúng ta giải trình không chỉ về những việc đã làm, đã nói, mà còn về cách chúng ta dùng thời gian Ngài ban!” - Grêgôriô Nazian.

 

Việc tỉnh thức chờ đợi Chúa đến trước cửa khá đơn giản, và chắc chắn, tôi có thể làm được điều đó. Tôi không thể lơ là! Lơ là khiến chúng ta quên mất mục đích cuối cùng. Muốn lên thiên đàng nhưng không có ý chí hành động khác nào xây một toà nhà trên không; chẳng có một cam kết nào đáng giá hỗ trợ cho khát vọng của mình. Đeo tạp dề có nghĩa là vào bếp, chuẩn bị chu đáo cho mọi thứ sắp xảy ra. Một nông dân đã từng có một câu nói khá nổi tiếng, “Bạn không thể gieo hạt nếu đất “nổi giận”; để gieo hạt tốt, bạn phải thực sự đi trên cánh đồng và “vuốt ve” hạt giống!”.

 

Kitô hữu không bao giờ là những kẻ lạc đường. Họ biết mình đến từ đâu, sẽ đi đâu và làm thế nào để đến đó; họ biết đích đến, biết phương tiện để đến đó và những khó khăn gặp phải trên đường. Ghi nhớ những điều này sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, và sẵn sàng ‘mở cửa cho Chúa’ khi Ngài vừa gõ, cho dù Ngài thường gõ ‘rất sẽ’.

 

“Với những lời này, Chúa Giêsu nhắc nhở, cuộc sống là một hành trình hướng đến cõi vĩnh hằng. Theo quan điểm này, mọi khoảnh khắc đều quý giá; do đó, chúng ta phải sống và hành động trên trái đất này trong khi khao khát thiên đàng: đôi chân bước đi trên mặt đất, làm việc trên mặt đất, làm điều thiện trên mặt đất nhưng trái tim khao khát thiên đàng. Chúng ta không thể thực sự hiểu được niềm vui tối thượng này bao gồm những gì. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cho chúng ta cảm nhận điều đó bằng phép loại suy về người chủ - thấy những đầy tớ vẫn thức lúc ông trở về - “Ông sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” - Phanxicô. Đó là hồi kết có hậu tất yếu của việc ‘mở cửa cho Chúa!’.

 

Anh Chị em,

“Để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay!”. “Tôi sẽ mở cửa thiên đàng!”. Niềm vui vĩnh cửu được biểu lộ theo cách ‘đổi vai’, chúng ta sẽ không là những người hầu phục vụ Chúa, mà chính Chúa sẽ đặt mình phục vụ chúng ta. Chúa Giêsu đã và đang làm điều này ngay bây giờ. Ngài là người hầu của chúng ta khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta. Và đây sẽ là niềm vui cuối cùng: hợp hoan với Chúa Cha!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, sau một đời theo Chúa, ước gì ngạc nhiên lớn nhất của đời con là con có mặt ở đó - trên thiên đàng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)  

 

ĐÚNG GIỜ ĐÚNG LÚC

“Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”.

“Người ‘được gọi’ tự coi mình là người quản lý. Anh ta vâng lời hơn là tham vọng, tận tụy hơn là cạnh tranh, yêu mến hơn là lợi lộc. Đối với anh, không gì quan trọng hơn là làm hài lòng người đã gọi anh - đúng giờ đúng lúc - với bổn phận được trao!” - Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, xem ra Chúa Giêsu có ý nói đến những người có chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội. Họ là những người quản lý có trách nhiệm cung cấp cho những người trong gia đình của Ngài “phần thóc gạo ‘đúng giờ đúng lúc!’”.

 

“Thóc gạo” ở đây là cả của ăn vật chất lẫn tinh thần. Nếu họ lạm quyền, họ sẽ lãnh lấy hậu quả nghiêm trọng, “Ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín”. Trong thư Côrintô, Phaolô tuyên bố, “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa!”.

 

Với tư cách quản lý các mầu nhiệm, Phaolô đã chu toàn tuyệt vời bổn phận của mình, “Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” - bài đọc một. “Mầu nhiệm” này là kho tàng vô hạn, không bao giờ có thể cạn kiệt hoàn toàn ở phía bên này cõi vĩnh hằng. Mỗi chúng ta là người quản lý nó; cách riêng những ai có chức vụ. Chúng ta được yêu cầu coi trọng kho tàng này bằng cách chú ý đến ‘sự hiện diện của Chúa Kitô’ trong cuộc sống mình và trong cuộc sống người khác. Phải sẵn sàng cho sự xuất hiện của Ngài, không chỉ vào ngày tận thế hay ngày cuối đời mình, mà là sự xuất hiện hàng ngày của Ngài trong cuộc sống mình!

 

Tin Mừng nói đến hai phong cách quản lý: một loại “đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa”; loại kia “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Ai cũng muốn mình được tính vào số những người quản lý trung thành và khôn ngoan; tuy nhiên, đôi khi, trách nhiệm của chúng ta có vẻ nặng nề hơn mong muốn. Trong khi người quản lý xấu chiều theo các đam mê, thì người quản lý tốt có nguy cơ đầu hàng sự mệt mỏi và thiếu kiên nhẫn.

 

Sự thất vọng là một khả năng hiển nhiên khi nói đến việc giáo dục người khác. Nhưng nếu Chúa Giêsu đã chết một cái chết tàn khốc đến thế để cứu rỗi chúng ta, thì ai có thể đo lường được ‘giá trị của một linh hồn?’. Suy gẫm về tấm gương của Chúa Giêsu, chúng ta cần học cách gạt bỏ những phiền toái nhỏ nhặt gặp phải; và thay vào đó, là trung thành và khôn ngoan chu tất bổn phận mình ‘đúng giờ đúng lúc’.

 

Anh Chị em,

“Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan?”. Chúa đang mời gọi bạn và tôi - dù ở đấng bậc nào - nhận thức rõ hơn về ‘sự hiện diện liên tục’ của Ngài. Sự vắng mặt và ‘trì hoãn’ hay ‘về muộn’ của Ngài chỉ là bề ngoài. Ngài hiện diện rất sâu sắc với những ai muốn sống trách nhiệm với sự chính trực và đầy lòng yêu mến. Ân điển của Ngài luôn dành cho những ai sống trong sự hiện diện đó khi họ thi hành chức vụ để cấp phát của ăn ‘đúng giờ đúng lúc’ cho những ai Ngài trao.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con trở nên một quản lý tồi, chỉ biết làm vui lòng mình, gia đình mình hơn là làm vui lòng Chủ!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)