Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tại sao chúng ta lại chết ? - Thiên Chúa thấu suốt tâm can con người

Tác giả: 
Phạm Văn Trung

 

 

TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?

 

 

Nếu Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và dựng nên chúng ta để sống, thì tại sao Ngài lại bắt chúng ta phải chết thể lý và chịu mọi đau khổ khi mất người thân và phải chia ly?

 

Sophocles lưu ý trong tác phẩm Antigone của mình: “Có rất nhiều điều kỳ diệu trên thế giới, nhưng không có gì vĩ đại hơn con người... Mặc dù con người đã biết cách tưởng tượng ra nhiều phương thuốc chống lại những căn bệnh dai dẳng nhất, nhưng chỉ có cái chết là con người sẽ không bao giờ có thứ bùa ngải nào cho phép họ trốn thoát”. Thực vậy không gì rõ ràng hơn, cũng không gì phổ biến hơn cái chết.

 

Sự sống đời này không phải là tất cả. Cuộc sống trên trái đất này chỉ là buổi diễn tập trước khi biểu diễn thực sự. Người ta sẽ dành nhiều thời gian hơn sau khi chết ở cõi vĩnh hằng so với ở đây trên trần gian. Trần gian là một khóa học, một sự chuẩn bị, một sự huấn luyện cho cuộc sống vĩnh cửu. Đời này chuẩn bị cho đời sau.

 

Người ta nhiều lắm cũng chỉ sống được một trăm năm trên trần gian, nhưng sẽ sống phần còn lại ở cõi vĩnh hằng. Sự tồn tại trên trần gian của chúng ta, như cách nói của Thomas Browne, chỉ là “một dấu ngoặc đơn nho nhỏ trong một đoạn văn vĩnh hằng”. Chúng ta được dựng nên là để sống đời đời.

 

Kinh Thánh nói: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi” (Giảng viên 3.11) Bên trong chúng ta có một bản năng bẩm sinh khao khát sự bất tử. Đó là bởi vì Chúa đã tạo ra chúng ta theo hình ảnh của Ngài để sống mãi mãi. Mặc dù chúng ta biết rằng cuối cùng mọi người đều chết, cái chết vẫn có vẻ trái tự nhiên và bất công. Nếu chúng ta cảm thấy mình nên sống mãi, đó là vì Chúa đã đặt niềm khao khát đó vào tâm trí chúng ta!

 

Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo cho phép xem xét cái chết theo một cách khác, vì sự sống lại sau cái chết là nền tảng của sự sống đó. Tuy nhiên, nếu Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng “tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rm 6:23), thì Thánh Phêrô lại khẳng định rằng “Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 24 ).

 

  1. Tại sao vẫn đau khổ, vì cái chết?

 

Cái chết thân xác là một thử thách vì chúng ta được dựng nên để sống, tuy nhiên đó là điều kiện sine qua non - không thể không có - để bước vào cuộc sống vĩnh cửu vì không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không chết: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33, 20). Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có cái nhìn khác về cái chết thân xác mà tất cả chúng ta phải gánh chịu? Vì Thiên Chúa tạo dựng con người để sống đời đời, để sống vĩnh viễn “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, nên cái chết không phải là cách Thiên Chúa chuẩn bị cho Ơn Cứu Độ qua Lịch Sử sao? Điều này được minh họa cụ thể qua dụ ngôn về hạt lúa mì: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12:24-25). Thánh Phaolô cũng giải thich: “Vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5: 15).

 

Cái chết vẫn không kém phần đau lòng, chính vì con người được tạo ra để sống; không phải để chia ly, mà là để kết hợp. Chính Chúa Giêsu đã khóc khi đối mặt với cái chết của bạn mình là Ladarô. Những giọt nước mắt này không chỉ là bằng chứng về nhân tính của Ngài, mà còn chứng thực rằng Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, khóc khi đối mặt với cái chết vì Ngài không muốn điều đó. Hơn nữa, chính sự công phẫn lớn lao này, đã không biện minh được cho chính nó, mà lại còn minh chứng cho thuyết vô thần: làm thế nào để tin vào một Thiên Chúa Tình Yêu khi tôi biết rằng tôi sẽ chết và những mối liên kết mà tôi xây dựng với những người khác trong cuộc hành trình của tôi trên trần gian sẽ bị cái chết phá vỡ?

 

  1. Thay đổi quan niệm phàm nhân của mình về cái chết

 

Trong sách Sáng thế có hai cây: cây biết điều thiện và điều ác mà trái của nó bị cấm và cây sự sống, trái của nó được phép ăn, ban cho loài người sự sống vĩnh cửu. Đức Tổng Giám Mục Beau, giáo phận Bourges nói: “Vì vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống đời đời. Vậy thì, chúng ta phải thay đổi quan niệm của con người, vốn cho rằng tất cả chúng ta sẽ chết thì mới hiểu được con người dưới ánh sáng của những gì Đấng Tạo Hóa nói về con người: con người được tạo dựng để sống vĩnh cửu “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”. Khi rời Vườn địa đàng, phản ứng của con người là nghĩ rằng mình đang bị trừng phạt. Tuy nhiên, nếu cái chết không can thiệp, con người sẽ mãi mãi là tội nhân. Tuy nhiên, tất cả Lịch sử sau đó cho thấy rằng Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi Ngài đã đi xa đến mức xây dựng lại mối liên hệ với sự sống vĩnh cửu để trả lại cho con người trái cây mà họ đã đánh mất trong khu vườn”.

 

Cũng chính trong một khu vườn mà Chúa Kitô hiện ra với Maria Mađalêna, vào buổi sáng phục sinh, giống như một Vườn Địa Đàng mới, nơi con người, sau khi được cứu chuộc bằng cái chết của Chúa Giêsu, cuối cùng được tái sinh. Đây là điều mà Thánh Phaolô Tông đồ biện giải:

 

Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Chúa Kitô nhờ được chết như Ngài đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Ngài, nhờ được sống lại như Ngài đã sống lại” (Rm 6, 3-5).  

 

  1. Những hối tiếc phổ biến nhất được nghe trên giường bệnh:

 

  1. Những lần tôi nêu gương xấu cho mọi người làm theo.
  2. Sự thờ ơ của tôi trước sự đau khổ của người hàng xóm của tôi.
  3. Tôi đã không nói được bao nhiêu lời khen ngợi, công nhận và động viên với    những người xứng đáng hoặc cần đến.
  4. Tôi tự nhận những thành công của mình nhưng những thất bại của mình tôi lại đổ lỗi cho hoàn cảnh.  
  5. Tôi không tôn trọng sự vô tội của ai đó hoặc ngăn cản ước mơ của người khác.
  6. Tôi tiêu tiền vào những thứ không cần thiết mà tôi không bao giờ sử dụng.
  7. Tôi mất quá nhiều thời gian trước khi tha thứ và không đủ cố gắng để tha thứ.
  8. Tôi đã lợi dụng những người yêu thương tôi để đạt được điều ích kỷ.
  9. Tôi không hướng dẫn tốt những người mà lẽ ra tôi phải giáo dục tốt hơn, trước khi quá muộn.
  10.  Tôi không đến thăm hoặc không dành đủ thời gian cho hàng xóm của tôi, bởi vì tôi nghĩ rằng người ấy không thú vị đủ, không có học thức hoặc không hữu ích.
  11.  Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian vào những thứ vô ích... Đó là thời gian lãng phí mãi mãi.
  12.  Tôi  thích được tâng bốc ngay cả khi tôi biết điều đó là sai.
  13.  Tôi thường phàn nàn nhiều hơn là cảm ơn.
  14.  Tôi để cho những lời ác ý, thô tục hoặc lỗ mãng phát ra từ miệng tôi.
  15.  Tôi tham gia vào những cuộc trò chuyện chế giễu Chúa, đức tin hoặc Giáo hội.
  16.  Tôi chạy trốn thập giá quá nhiều lần.
  17.  Tôi đã không giữ những lời hứa của tôi.
  18.  Những lúc tôi có thể và nên cầu nguyện nhiều hơn, và trên hết, yêu thương nhiều hơn, nhưng tôi đã không làm như thế.
  19.  Tôi phớt lờ Chúa Giêsu.
  20.  Tôi đã làm tổn thương hàng xóm của tôi một cách nào đó.
  21.  Tôi đã thiếu tình yêu. Lẽ ra tôi phải yêu Chúa và người lân cận nhiều hơn nữa.

 

 

Phêrô Phạm Văn Trung

 

từ: https://imitationjesuschrist.forumactif.com

https://fr.aleteia.org

 

***************

 

 

THIÊN CHÚA THẤU SUỐT TÂM CAN CON NGƯỜI

 

 

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy nhận ra sự giàu có lớn nhất nơi chính sự nghèo khó tự nguyện. Để đi vào lý lẽ của Nước Trời, của sự giàu có đích thực, nhất là của cõi tâm linh trường tồn, thì sự buông bỏ bản thân, ngay cả những gì cần thiết cho bản thân, để hiến dâng cho Thiên Chúa và trao ban cho người khác những gì mình có, với tấm lòng đơn sơ và vui tươi, là một của lễ tốt lành hơn bất cứ loại hy sinh nào khác.

 

1. Giá trị của lễ dâng không hệ tại số lượng mà ở tấm lòng.

 

Chính một bà góa nghèo khó, trong Đền thờ, đã làm Chúa Giêsu chạnh lòng, không chỉ vì lòng thương xót đối với hoàn cảnh sống của bà, mà còn bởi sức mạnh của cử chỉ nhỏ bé của bà. “Chúa Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Ngài quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma” (Mc 12:41-42). Không ai nhận ra cử chỉ quá đỗi tầm thường của bà, nhưng chứa đựng một tấm lòng không hề nhỏ bé trước ánh nhìn của Thiên Chúa, và đó là điều chính yếu của một con người. Bà chỉ còn lại “hai đồng tiền kẽm” (Mc 12: 42), nhưng lại cho đi tất cả! Bà dâng hiến tất cả những gì mình có, tất cả cuộc sống và con người của mình, làm lễ vật dâng Chúa. Bà hào phóng hơn “lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền” (Mc 12: 41). Chính Chúa Giêsu nhận ra sự quảng đại lớn lao này và Ngài khẳng định rõ ràng: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12: 43-44).   

 

Chúa Giêsu so sánh thói phô trương nhân đức giả tạo của một số người với thái độ khiêm tốn chân thành của bà góa nghèo khổ. Đồng xu của người nghèo dâng cho Chúa có giá trị trước mặt Chúa hơn bất cứ thứ tiền dư bạc thừa của những người giàu có khoe khoang “lấy tiếng”, vì Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn, vào ý hướng của hành động chứ không nhìn vào số lượng bên ngoài nhưng không chứa đựng một thiện ý bên trong.

 

Nếu ai đó dâng cho nhà thờ một số tiền khổng lồ, hoặc thậm chí cả một khu đất giá chục tỉ, chỉ để người khác ghi nhớ tên tuổi của mình, thì trong ánh nhìn của Thiên Chúa, cũng không đáng giá bằng hai đồng tiền, một nải chuối hay vài trái trứng gà của một người nghèo đầy lòng khiêm nhường dâng Chúa. Thiên Chúa không quan tâm đến vẻ bề ngoài. Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về các ông kinh sư thường hay tạo ra những cảnh tượng nơi công cộng, trong đền thờ, để tất cả những người có mặt ở đó ngưỡng mộ họ: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mc 12: 38-40). Họ lấy của cải dư thừa của mình làm lễ vật dâng trong đền thờ và lớn tiếng về lễ vật của mình. Trước mặt Thiên Chúa, họ là những kẻ nghèo hèn nhưng họ hoàn toàn không nhận ra. Phải chăng điều này có nghĩa là Thiên Chúa không đón nhận lễ dâng của những người giàu có huênh hoang? Tất nhiên là không: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7: 6).

 

Không có của cải tiền bạc nào giúp chúng ta khỏi xuống mồ, không sớm thì muộn. Thậm chí, chúng ta sẽ bị chôn vùi với của cải vật chất của mình, và cùng với cơ thể, chúng tan rữa dần dần để nuôi các sinh vật dưới lòng đất. Thiên Chúa không phán xét chúng ta dựa trên sự giàu có hay nghèo khó của cải vật. Chúng ta không được cứu độ vì giàu có tiền của và cũng không mất ơn cứu độ chỉ vì nghèo nàn vật chất. Nếu cuộc sống chúng ta không dư dả, chỉ có chút ít để dâng cho Chúa thì đừng ngại. Khả năng Chúa cho chúng ta bao nhiêu thì dâng hiến cho Chúa bấy nhiêu, như bà góa. Việc dâng cho Chúa nhiều hay ít không quan trọng, miễn sao chúng ta dâng cho Chúa hết khả năng của mình, với tất cả tấm lòng chân thành. Chắc chắn Chúa sẽ chấp nhận của dâng giá trị đó.

 

2. Dâng Chúa với lòng khiêm hạ

 

Thái độ khiêm hạ luôn là điều đúng đắn trong bất cứ mối tương quan nào: gia đình, họ hàng, cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp...Điều này còn tuyệt đối đúng trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Kinh nghiệm sống nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không phải là chủ tể của mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới là Chúa: “Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Hs 11:9) và: “Đấng bắt muôn loài phải quy phục Ngài; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15:28). Đó là điểm khởi đầu cho tất cả những lời cầu nguyện khác: “Lạy Chúa, Ngài vĩ đại quyền năng, Ngài oai vệ, vinh quang, rực rỡ, vì mọi sự trên trời dưới đất thuộc về Ngài. Ngài nắm giữ vương quyền, lạy Chúa, và địa vị tối cao, vượt trên tất cả. Ngài cũng là nguồn phú quý vinh quang. Chính Chúa làm bá chủ muôn loài: nắm trong tay dũng lực quyền năng, nhờ tay Ngài, tất cả lớn lên và mạnh sức. Giờ đây, lạy Thiên Chúa chúng con thờ, xin dâng Ngài muôn câu cảm tạ và ca tụng Danh Thánh hiển vinh” (1 Biên niên sử 29:11-13).

 

Do đó, khi chúng ta dâng hiến cho Thiên Chúa trong sự khiêm hạ, chúng ta ý thức và nhận Ngài là Đấng điều khiển mọi sự. Chúng ta cầu xin sự giúp đỡ của Ngài trong mọi sự. Chúng ta nhận ra những điểm yếu, thất bại và tội lỗi của mình không phải với sự xấu hổ mà với sự tin tưởng rằng Ngài ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần để vượt qua những yếu kém đó. Chúng ta không thể tự mình làm bất cứ điều gì, nếu không có ơn trợ giúp của Chúa Kitô: “Sine me nihil potestis facere - không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5), nhưng “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Chúa Kitô, Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Philípphê 4,13).  

 

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục mời gọi chúng ta loại bỏ sự tự kiêu của mình. Ngài nói: “Thật vậy, kiêu ngạo là sự tự tôn, tự phụ, phù phiếm. Thuật ngữ này cũng xuất hiện trong loạt tật xấu mà Chúa Giêsu liệt kê để giải thích rằng cái ác luôn xuất phát từ trái tim con người (Mc 7:22). Người kiêu ngạo là người nghĩ rằng mình hơn hẳn so với thực tế; người lo lắng về việc được công nhận là vĩ đại hơn người khác, luôn muốn thấy công lao của mình được công nhận và coi thường người khác, coi người khác thấp kém hơn mình. Từ mô tả đầu tiên này, chúng ta thấy rằng tật xấu kiêu ngạo rất gần với tật phù phiếm...Tuy nhiên, nếu phù phiếm là một căn bệnh của bản ngã con người, thì nó vẫn là một căn bệnh trẻ con khi so sánh với sự tàn phá mà tính kiêu ngạo có thể gây ra…Người ta bắt đầu với những tội lỗi thô thiển nhất, chẳng hạn như thói tham ăn, rồi đến những con quái vật đáng sợ nhất. Trong tất cả các thói xấu, tính kiêu ngạo là nữ hoàng vĩ đại…Những ai đầu hàng thói xấu này thì xa Thiên Chúa, và việc sửa chữa điều xấu xa này đòi hỏi thời gian và nỗ lực, nhiều hơn bất cứ cuộc chiến nào khác mà người Kitô hữu được kêu gọi” (Buổi tiếp kiến ​​chung hàng tuần vào thứ Tư, ngày 6 tháng 3 năm 2024.)

 

Thật vậy, sự nghèo khó và giàu có mà Thiên Chúa nhìn tới chính là sự nghèo khó của tinh thần và sự giàu có của tâm hồn. Kẻ phô trương của cải để thu hút sự ngưỡng mộ của thiên hạ là kẻ kiêu ngạo: sẽ khó vào được Nước Thiên Chúa. Người ấy liều mất sự cứu độ của mình vì thứ vinh dự hão huyền, phù phiếm ở đời.

 

Chúa Giêsu tuyên bố người có tinh thần nghèo khó là hạnh phúc: Nước Trời thuộc về họ: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Chúa Giêsu rất nghiêm khắc chống lại những người giàu có coi khinh những kẻ hèn mọn. Ngài khiển trách tất cả những ai mang nặng sự dư thừa và cái tôi của họ, tích lũy cho mình, tỏ ra nổi bật và dùng tài sản của mình để đè bẹp và thống trị: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ… Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán. Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Amốt 8: 4, 6-7). Bất cứ ai cậy vào của cải của mình và phô trương chúng thay vì cố gắng làm từ thiện cách khiêm tốn, người đó là người nghèo nhất. Còn người nào không mong cầu nhiều tiền của và không gắn bó hay phô trương những gì mình có là người giàu nhất, ngay cả khi người ấy không sở hữu gì cả. Vì vậy, khiêm nhường trong bác ái là điều kiện thiết yếu để có một đức tin phong phú và một cuộc sống đẹp lòng Thiên Chúa.

 

Con đường đích thực là sự khiêm nhường trong tình yêu. Sự khiêm tốn giúp chúng ta ẩn giấu bản thân thay vì đóng vai người lãnh đạo vĩ đại sửa sai người khác. Con đường khiêm nhường bao gồm việc lắng nghe, thấu hiểu, phục vụ người lân cận, nhận ra yếu đuối và tội lỗi của mình và cần phải trở nên thánh thiện để đáp lại tình yêu Thiên Chúa. Con đường tình yêu này bà góa đã tìm thấy. Bà khiêm tốn đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Đây là một hành động đẹp đẽ của đức tin, đức cậy và đức mến! Không ai nhìn thấy nó ngoại trừ Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Khiêm Hạ: “đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta… đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người” (Hípri 9:24-28).

 

Phêrô Phạm Văn Trung