Cơ duyên - Linh hồn mọi Thánh Đường
CƠ DUYÊN
“Tôi nghe nói anh sao đó?”.
Một Kitô hữu đi qua ‘đường hầm tăm tối’ thường có xu hướng tập trung vào những thất bại của mình. Tuy nhiên, Chúa có thể sử dụng thời gian tăm tối này để mở rộng lòng biết ơn, sám hối, đối với ân sủng toàn vẹn của Ngài. Với Chúa, sa mạc sẽ nở hoa, linh hồn nguội lạnh có thể nên thánh. Thời khắc này có thể trở thành ‘cơ duyên!’.
Kính thưa Anh Chị em,
“Tôi nghe nói anh sao đó?” cũng là điều Chúa muốn nói với bạn và tôi khi chúng ta đặt mình vào vị trí người quản lý của dụ ngôn Tin Mừng. Vậy nếu nghiêm túc coi những lời này là lời của Chúa đang nói với mình, thì đây có thể cũng là ‘cơ duyên’ cho chúng ta. Thật thú vị, ‘cơ duyên’, “grace” - tiếng Anh - còn có nghĩa là “ân sủng!”.
“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Trên thực tế, Thiên Chúa không cần “nghe” bất cứ điều gì về bất cứ ai vì Ngài biết hết mọi sự, “Biết cả khi con đứng, con ngồi; tư tưởng con Chúa thấu suốt từ xa!”. Tuy nhiên, Ngài vẫn có thể hỏi chúng ta những lời đó khi Ngài xem lại ‘hồ sơ cuộc sống’ của mỗi người. Ngài nhắc cho chúng ta rằng, bạn và tôi phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi tự do của mình. Hãy nhìn vào Ngài - một người Cha - người đã hỏi, “Ta nghe nói con sao đó?”. Những lời này rồi cũng sẽ tiết lộ một vết thương nào đó trong tâm hồn chúng ta, một điều gì đó đã làm mất đi vẻ đẹp của hình ảnh mỗi người chúng ta với tư cách là con trai, con gái rất yêu dấu của Ngài!
Vâng, chúng ta sẽ cung cấp cho Ngài đầy đủ ‘hồ sơ cuộc sống’. Và nếu phải lập một danh sách tất cả những gì đã lãnh nhận, nó sẽ gồm những gì? Theo những cách nào, chúng ta biết mình đã tận dụng tối đa những gì Chúa ban? Bí tích Hoà Giải cho chúng ta cơ hội để đưa ra bản tường trình - từng phần một - như một chuẩn bị cho cuộc kiểm tra lần cuối. Thật là một dịp may, một ‘cơ duyên!’. Bạn có tận dụng nó? Chúa nhân lành có gọi bạn là kẻ phung phí? Dĩ nhiên, phung phí là sử dụng sai mục đích, sử dụng không khéo, lãng phí hoặc xa hoa.
Còn các ân sủng khác thì sao? Đức tin, Hội Thánh Công Giáo, các Bí tích, Lời Chúa, gương các thánh, kho tàng phong phú của truyền thống, những phương tiện đã được đặt trong tay; thời gian và những tài năng đã lãnh nhận? Chúng ta có là những kẻ phung phí? Làm thế nào tôi có thể đáp ứng tốt hơn với những ân huệ Chúa ban? Làm cách nào bạn và tôi có thể “đầu tư” tốt hơn cho Nước Trời? Hoặc nói như Phaolô, chúng ta có “sống đối nghịch với thập giá Đức Kitô” không? - bài đọc một.
Anh Chị em,
“Tôi nghe nói anh sao đó?”. Chớ gì Lời Chúa hôm nay là một ‘cơ duyên’ đánh thức bạn và tôi về những ân huệ của Chúa; nhờ đó, chúng ta biết sử dụng ơn Chúa cho vinh quang Ngài và cho lợi ích các linh hồn hơn! Ước gì, nhờ việc xét mình, điều chỉnh ‘hồ sơ cuộc sống’ - trong sự tha thứ của Đấng xót thương - bạn và tôi trở nên người quản lý tốt, hầu ngày kia, có thể đến với Chúa, tinh tuyền thánh khiết để tận hưởng ‘tiệc bất tận’, tiệc thiên đàng chính Ngài khoản đãi. Niềm vui phúc kiến đó được Thánh Vịnh đáp ca diễn tả một cách sâu sắc, “Tôi vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước gì thắc mắc của Chúa về ‘hồ sơ cuộc sống’ của con là một ‘cơ duyên’ giúp con biết hoán cải, hầu linh hồn nguội lạnh của con có thể nở hoa, nên thánh!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
***********
LINH HỒN MỌI THÁNH ĐƯỜNG
“Đền Thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người!”.
Một trong các triết gia ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là Victorinus - ông nổi tiếng đến nỗi được dựng tượng trong toà Rôma. Về già, ông đọc Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm Simplicianus, ông nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu!”. Simplicianus đáp, “Tôi sẽ không tin cho đến khi ông đến nhà thờ!”; “Tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó, học đạo, ông công khai trở lại!
Kính thưa Anh Chị em,
Đúng như Victorinus nhận định, “Những bức tường nhà thờ không làm cho người ta thành Kitô hữu!”. Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, một hình ảnh biểu tượng cho Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một đại giáo đường với các bức tường, nhưng tôn vinh Đấng ngự trong đó - Chúa Kitô - ‘linh hồn mọi thánh đường!’.
Dẫu không có toà nhà nào trên thế giới đủ lớn để chứa đựng sự bao la của Thiên Chúa; nhưng trong lịch sử, con người đã cảm thấy cần dành một số địa điểm nhất định cho các cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Ngài. Lúc đầu, nơi tụ tập của các tín hữu là nhà riêng của họ, các nhóm họp nhau để cầu nguyện và ‘bẻ bánh’ ở đó. Thời gian trôi qua, những cộng đoàn này đã xây dựng những ‘ngôi nhà’ dành riêng cho việc cầu nguyện, đọc Lời Chúa và cử hành phụng vụ. Và đây là cách Kitô giáo - từ những cuộc đàn áp đầu tiên cho đến ngày có tự do tôn giáo trong đế chế La Mã - bắt đầu xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ và các vương cung thánh đường; trong đó, quan trọng nhất vẫn là đại giáo đường thánh Gioan Latêranô ở Rôma.
“Latêranô” biểu trưng cho sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội hoàn vũ với Giáo Hội Rôma, và đây là lý do tại sao đại giáo đường này tự hào trưng bày trên hiên chính của mình danh hiệu “Mẹ và Đầu của tất cả các nhà thờ trong thành phố và trên thế giới”. Thậm chí nó còn quan trọng hơn Vương Cung Thánh Đường Phêrô, một đền thờ được xây trên mộ Phêrô và là ‘nơi ở’ hiện tại của Giáo Hoàng với tư cách Giám mục Rôma; dẫu thế, “Latêranô” vẫn là nhà thờ chánh toà của ngài. “Hôm nay, lễ Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, chúng ta hãy nhớ, Chúa Kitô muốn ngự trong mọi tâm hồn. Ngay cả khi chúng ta rời xa Ngài, Ngài vẫn tìm kiếm chúng ta; và dù chỉ ba ngày, cũng đủ cho Ngài xây dựng lại đền thờ Thiên Chúa trong linh hồn mỗi người!” - Phanxicô.
Anh Chị em,
“Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Đúng thế, chúng ta đừng bao giờ quên sự thật rằng, điểm gặp gỡ thực sự giữa con người và Thiên Chúa chính là Chúa Kitô Phục Sinh, nguồn mạch ân sủng, “Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy ra” - bài đọc một. Ngài là ‘linh hồn mọi thánh đường’. Đó là lý do tại sao Ngài được trao quyền dọn dẹp nhà cửa của Cha Ngài. Phaolô nhắc nhở, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy” - bài đọc hai. “Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi - Chúa có cảm thấy thoải mái trong cuộc sống của tôi không? Chúng ta có để Ngài ‘thanh tẩy’ trái tim và xua đuổi các ngẫu tượng, những thái độ tham lam, ghen tị, thế tục, đố kỵ, hận thù không? “Thưa Đức Thánh Cha, con sợ roi vọt!”. Dẫu thế, đừng quên, lòng thương xót là cách thanh tẩy của Ngài!” - Phanxicô.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, chớ gì đừng có một ‘ngẫu tượng’ nào ngấp nghé trong bốn bức tường linh hồn con - ngoài Ngài. Con sợ roi vọt!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: