Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tâm lý ảnh hưởng đến tuổi thọ

Tác giả: 
Trần Mỹ Duyệt

 

 

TÂM LÝ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TUỔI THỌ

 

Trần Mỹ Duyệt

 

 

Trên những cáo phó thường ghi người này hưởng dương, người kia hưởng thọ. Theo truyền thống văn hóa người Việt, những ai qua đời dưới 60 tuổi thì gọi là hưởng dương, và những ai qua đời khi được 60 trở lên gọi là hưởng thọ. Trong cái thọ ấy lại chia ra thất thập cổ lai hy, thượng thọ bát tuần, và đại thọ cửu tuần và 100 tuổi.

 

Nhưng sống lâu có phải là sống thọ không? Có những người ra vào bệnh viện như đi chợ. Cũng có những người mang các chứng bệnh như đau tim, cao máu, cao mỡ, tiểu đường kéo dài hàng chục năm. Người khác lại sống trong tuổi già đau khổ vì con cháu, hoặc  nằm liệt trên giường, lúc tỉnh, lúc mơ sống không bằng chết. Trong những trường hợp như vậy, sống lâu chưa chắc đã là sống thọ! Sự khác biệt không căn cứ theo thời gian, nhưng còn tùy vào ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.       

 

SỐNG LÂU VÀ SỐNG THỌ

 

Hưởng dương, thượng thọ, hay đại thọ chỉ là cái nhìn về năm tháng, ngày giờ mà một người đã đi qua trong cuộc đời.

 

Nhưng sống lâu thì sao? Có nhiều người phải trải dài 5 năm, 7 năm, hay 10 năm trên giường bệnh, hoặc những tháng ngày sống thực vật. Để kéo dài hơi thở, tất cả đều lệ thuộc vào thuốc, sự săn sóc của y khoa và của người thân. Tính đến năm 2022, trên thế giới ước tính có 32 triệu người mang hội chứng về trí nhớ (Alzheimer's disease dementia), 69 triệu phát hiện sớm bệnh mất trí nhớ (Alzheimer's disease), và 315 triệu với những triệu chứng bệnh tiền mất trí nhớ. [1] Nếu quan niệm sống thọ với những thành quả đạt được về tuổi tác, sức khỏe, bình an, hạnh phúc, vui vẻ bên con cháu, giúp người và giúp đời, thì ngược lại, những năm tháng trên giường bệnh, đau đớn thể xác, nặng nề tâm hồn, tạo gánh nặng cho con cháu và để lại những mất mát cho đời không hẳn là sống thọ.

 

SỐNG THỌ LÀ SỐNG CÓ Ý NGHĨA

 

Năm tháng sống của một người tùy thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là do trời ban cho, tiếp đến là do con người có biết trân quí nó, và có biết cách để sống hay không. Nhất là cuộc sống ấy có mang lại ý nghĩa cho mình và cho đời hay không?

 

Mỗi lần đi qua các ngã ba, ngã tư đường, hoặc băng qua những gầm cầu, góc tối của công viên, thường thấy xuất hiện những con người rất đáng thương. Họ sống lang thang, vất vưởng, dơ dáy và không tương lai. Nhiều người trong họ còn rất trẻ, khỏe mạnh, và trông bề ngoài có vẻ thông minh nữa. Điều gì đã khiến họ ra nông nỗi này. Thất nghiệp, thất tình, gia đình tan vỡ? Hay rơi vào cờ bạc, rượu chè, nghiện ngập, và trác táng bê tha? Dù gì đi nữa, sự lựa chọn của họ để dẫn đến tình trạng hiện tại cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu không có quyết định làm lại cuộc đời, thì tuổi đời càng tăng, ý nghĩa tuổi thọ của họ càng giảm.  

 

TÂM LÝ VÀ TUỔI THỌ

 

Theo kết quả khảo cứu cho biết 20% sức khỏe của chúng ta có liên quan đến sự săn sóc y tế; phần còn lại 80% lệ thuộc vào kinh tế xã hội, môi trường, và thái độ sống được xem như không liên quan gì đến thuốc men và y tế. [2]

 

Thái độ sống ấy, khoa học gia Elizabeth H. Blackburn, khôi nguyên giải Nobel về Sinh Học giải thích đó là sống lâu, sống thọ không phải do ăn uống hay vận động, mà là do cân bằng về tâm lý. Bà phân tích những yếu tố dẫn đến tuổi thọ gồm ăn uống chỉ chiếm 25%, vận động, tập luyện hay thuốc men chiếm 25%, còn lại 50% tùy thuộc vào sự cân bằng về tâm lý.   

 

Tại sao 50% tâm lý ổn định hoặc bất ổn ảnh hưởng tới tuổi thọ của một người?

 

Tương quan tâm sinh lý là điều chắc chắn và hiển nhiên. Chúng có những tác động qua lại lẫn nhau rất kỳ diệu và phức tạp. Đa số các trường hợp, yếu tố “nhân quả” thường thấy trong chiều hướng từ “tâm” qua “sinh”, như khi con người thấy sảng khoái thì lượng endorphins trong người tăng cao, nhưng không phải vì endorphins cao mà ta thấy sảng khoái. Nếu cả ngày bất an, hay cáu gắt, lo lắng, sẽ khiến áp lực kích thích tố luôn ở mức cao, hệ thống miễn dịch sẽ bị ngăn chặn và tiêu diệt, hệ thống máu huyết hoạt động quá nhiều dẫn đến mệt mỏi. Hậu quả của nó dễ làm cho người ta bị căng thẳng là nguyên nhân của tình trạng mập phì, tim mạch, lú lẫn (Alzheimer's disease), tiểu đường, trầm cảm và những chứng bệnh về tiêu hóa, ảnh hưởng đến tuổi thọ. 

 

Khi vui, não bộ tiết ra kích thích tố hưng phấn. Thế thì, trong cuộc sống, chúng ta nên làm cách để có được kích thích tố hưng phấn.

 

BỒI BỔ SỨC KHỎE TÂM LÝ

 

Năm 2019 theo Cơ Quan Y Tế Thế Giới (the World Health Organization), trung bình 1 trong 8 người hay 970 triệu người trên thế giới thường sống với một hội chứng tâm thần, lo âu, bồn chồn, lo lắng và trầm cảm. 

 

Cảm giác đạt mục tiêu càng mạnh càng giúp cơ thể khỏe khoắn. Bởi vì trong cuộc sống, đam mê quyết định tâm thái con người, quyết định trạng thái sống. Trạng thái thoải mái phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động của não, đẩy lùi tuổi già.

 

Người trung lão niên sau khi nghỉ hưu có thể dành giờ đọc sách, viết lách, nghiên cứu, hoặc học thêm một thú tiêu khiển như khiêu vũ, hội họa, âm nhạc, đi dạo để giúp não bộ luôn trong trạng thái hoạt động. Bác Sỹ Đỗ Hồng Ngọc trong bài nghiên cứu về tuổi già cho rằng tinh thần là thể năng của con người, nhưng trong cuộc sống bộn bề lo toan, áp lực tinh thần tự nhiên sẽ gia tăng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chỉ cần chúng ta giữ tinh thần thoải mái, thì sẽ không dễ mắc các chứng bệnh thông thường, ít mang trọng bệnh. Ngoài ra:

 

Vui vì giúp đỡ người khác:

 

Giúp đỡ người khác về vật chất có thể giảm tỷ lệ tử vong xuống 42%. Giúp ổn định tinh thần, có thể giảm tỷ lệ tử vong dưới 30%. Tốt với người khác và làm việc thiện sẽ tạo cảm giác vui tươi và tự tin, giảm kích thích tố áp lực, thúc đẩy kích thích tố hưng phấn. Theo các chuyên gia tâm lý và tâm thần, duy trì thói quen giúp đỡ người khác là phương pháp phòng và điều trị trầm cảm. Hãy nhớ luôn giữ nụ cười, cho đi niềm vui: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.”

 

Gia đình hòa thuận:

 

Đứng số 1 là “quan hệ người với người”. Đây là kết quả sau 20 năm nghiên cứu của hai nhà tâm lý học người Mỹ. Theo đó, quan hệ tình người là một trong số các nhân tố quyết định tuổi thọ. Liên hệ người với người không chỉ bao gồm bạn bè, mà còn bao gồm quan hệ gia đình. Kết luận: Gia đình hòa thuận, bạn bè tốt là một trong những yếu tố quyết định tuổi thọ con người.

 

Ăn uống điều độ:

 

Người già thường nghe nói về chế độ dinh dưỡng. Phải ăn gì, uống gì, ăn thứ này, kiêng thứ khác theo sách vở, người này, người kia mách bảo, hoặc do bác sỹ hướng dẫn. Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử.

 

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng ăn uống có chừng mực lại là điều cần phải lưu ý đối với sức khỏe. 

 

Tâm tĩnh thân an:

 

Sau cùng và cũng là điều quan trọng nhất để tăng tuổi thọ là dưỡng tâm, giữ cho tinh thần thoải mái, an nhiên. Rất nhiều bệnh nhân với những chứng như tiêu hóa, khó ngủ, hoặc viêm kinh niên, tất cả đều phát xuất từ sự bất an của tâm hồn. Theo Lm. Bình Phạm, Học Viện Phanxicô Thủ Đức, phải chăng đó cũng là phản ảnh chữ Hòa mà triết học Á Đông vẫn cổ võ: Thiên - Địa - Nhân? Khi đánh mất chữ Hòa thì nụ cười của tâm an, tường trí, và thiện hành cũng chẳng còn chỗ! Tóm lại, tâm phải tĩnh thì thân mới an, và khi tâm tĩnh thân an thì mới khỏe mạnh, sống vui.

 

Cũng theo khoa học gia Elizabeth H. Blackburn, giữ cho tâm tĩnh đây còn là một hình thức cầu nguyện, suy niệm hay thiền (meditation). Hãy dành nửa tiếng hoặc một giờ mỗi ngày cho riêng mình trong thinh lặng và chỉ riêng cho mình. Nhắm mắt lại, để lòng hướng về cõi bình an, hòa mình vào thiên nhiên, vào vũ trụ bao la, gạt bỏ tạp niệm, vui, buồn, hờn giận, tham sân si. Hít sâu thở dài. Những giây phút thư giãn tâm linh này chính là liều thuốc an thần vô giá kéo dài tuổi thọ. [3]

 

 

__________

 

Tài liệu tham khảo:

 

1.https://www.google.com/search?client=firefox-b-1-d&q=statistics+of+alzheimer%27s+disease+worldwide

2.https://www.commonwealthfund.org/blog/2023/lets-get-it-right-consistent-measurement-drivers-health

3.https://giadinhnazareth.org/thegioiquanhta/khoahoc/ba-cai-thieu-kinh-nien-cua-nguoi-gia/) – Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.