Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Được đền đáp - Được đem đi

Tác giả: 
Lm Minh Anh

 

 

ĐƯỢC ĐỀN ĐÁP

 

“Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?”.

 

“Hãy nhìn vào Isaac - “Đứa Con của Chúa” - con của một người mẹ vô sinh - để nuôi dưỡng đức tin của bạn bằng những lời hứa của Chúa! Với mỗi lần nhìn vào những khó khăn của bạn, hãy nhìn vào Chúa mười lần!” - F. B. Meyer.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Nói rằng “Hãy nhìn vào Chúa mười lần!” khác nào nói, “Hãy kiên trì cầu nguyện!”. Đó là bài học của Tin Mừng hôm nay khi sự bền bỉ của một bà goá hay quấy rầy đã ‘hạ gục’ một thẩm phán vô tâm! Qua đó, Chúa Giêsu bảo đảm rằng, lời cầu nguyện kiên trì của chúng ta sẽ ‘được đền đáp’, và điều này đặc biệt đúng đối với những ai có lòng tin! 

 

Chúng ta có thể trở nên mệt mỏi khi cầu nguyện vì không thấy kết quả. Điều này xảy ra khi chúng ta có một ý tưởng sai lệch về cầu nguyện, hoặc đã tiếp thu những quan điểm thế gian làm suy yếu giá trị thực của cầu nguyện, hoặc đơn giản vì chúng ta trải nghiệm những gì ‘có vẻ thất bại’ trong cầu nguyện. Đang khi cầu nguyện là món quà đến từ Chúa Thánh Thần, nó không phải là một cỗ máy hay một công thức kỳ diệu. Nó đòi hỏi nỗ lực từ phía chúng ta, vì nó là một hành động yêu thương, tự hiến. Đôi khi bạn và tôi không thấy hiệu quả nhưng nguyên việc tiếp tục tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện đã là hoa trái tốt nhất của cầu nguyện.

 

Nếu cầu nguyện là dâng hiến bản thân và phụ thuộc nhiều hơn vào Chúa, thì vấn đề trước nhất là, “Chúa là ai đối với tôi?”. Tôi chỉ phụ thuộc vào người tôi tin tưởng, và tôi chỉ tin tưởng vào người đã chứng minh tình yêu và khả năng họ hỗ trợ tôi. Tôi có thực sự tin Chúa là Đấng toàn thiện, toàn năng và toàn tâm? Tôi có tin Ngài chăm chút tôi? Với chúng ta, Chúa là một thẩm phán, nhưng còn hơn thế! Trước hết, Ngài là một người Cha yêu thương và là một Đấng cứu rỗi và là người yêu tận tụy, vô điều kiện. Ngài muốn chúng ta tin tưởng và phụ thuộc Ngài!

 

Thứ hai, “Tôi là ai đối với Chúa?”. Chúng ta không chỉ là những tạo vật đơn giản, vô giá trị, nhưng là những đứa con được yêu thương, những người mà Chúa Kitô đã chết và ban cho mọi thứ, những học giả thất vọng và những người yêu tan vỡ mà Chúa muốn nuôi dưỡng để chia sẻ chân lý và tình yêu vô hạn của Ngài. Chúng ta là những người được chọn cho Ngài để được hạnh phúc mãi mãi. Ngài giải thoát chúng ta khỏi bóng tối và sự nô lệ của tội lỗi để vinh quang Ngài toả sáng trong chúng ta. Bây giờ, nếu chúng ta là tất cả những điều này và hơn thế nữa đối với Chúa, tại sao chúng ta lại nghi ngờ khi cầu nguyện? Hãy đặt tất cả niềm tin vào Ngài, bạn và tôi sẽ ‘được đền đáp!’.

 

Anh Chị em,

 

“Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?”. Tấm gương tuyệt vời của sự kiên trì cầu nguyện là chính Chúa Giêsu. Bất chấp những bất công và điều ác gặp phải dưới nhiều hình thức, Ngài vẫn trung thành với Chúa Cha cho đến cùng. Bà goá là hình ảnh của chính Ngài. Như cô ấy, như Chúa Giêsu, chúng ta được kêu gọi để bền bỉ “nhìn vào Chúa mười lần”. Chớ gì mỗi ngày, chúng ta biết dâng hiến tình yêu, học cách yêu thương để gia tăng sự hiểu biết về tấm lòng của một Người Cha xót thương dành cho con cái!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, Đấng thường thích đùa dai khi con cầu nguyện. Cho con dám “nhìn vào Chúa mười lần” mỗi khi khó khăn!”.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

 

Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên, Năm Chẵn: https://tinyurl.com/2h7nb3kw

 

**************

 

 

ĐƯỢC ĐEM ĐI

 

“Một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại!”.

 

“Tôi từng là một kẻ xa lạ, bị ruồng bỏ, một tội nhân; nhưng đã được Thiên Chúa nhận làm con. Tên tôi được viết ra, kế thừa một dinh thự, một áo choàng, một vương miện; và vào ngày Ngài đến, tôi sẽ được đem đi!” - E. Buell.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

“Được đem đi!”, ý tưởng của E. Buell được gặp lại qua cảnh báo của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, “Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại!”. Như vậy, ngày Ngài đến sẽ rất bất chợt!

 

“Được đem đi” liên quan đến sự chuẩn bị của một niềm tin và sự đầu phục tuyệt đối của một con người vào Thiên Chúa. Về căn bản, nếu chúng ta tìm cách định hướng và định hình tương lai đời mình bằng những nỗ lực riêng, mọi thứ sẽ không diễn ra; và nếu có diễn ra, nó cũng không trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa. Để sau một đời vất vả, chúng ta bỏ lại tất cả và rời khỏi thế giới này với một sự mất mát nhất định. Kêu gọi chúng ta sống tỉnh thức, Chúa Giêsu muốn chúng ta chọn làm theo ý của Thiên Chúa, cho phép Ngài dẫn dắt và định hướng mọi sự theo ý Ngài. Sống trong tâm tình chờ đợi, chúng ta sẵn sàng buông bỏ ý riêng và cái tôi mỗi ngày.

 

Chúa Giêsu cảnh báo, nguy cơ là chúng ta có thể không ‘được đem đi’ khi không nhận ra ngày Ngài đến và không chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ngài. “Tôi sợ Chúa đi qua” - Augustinô, nghĩa là, tôi sợ rằng, Ngài sẽ đi qua và tôi không nhận ra Ngài! “Vào thời ông Nôê, thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả”. Cần chú ý: họ không nhận ra điều gì cả! Họ đắm chìm trong những thứ của riêng mình và không nhận biết hồng thuỷ sắp xảy ra. Chúa Giêsu nói, “Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại”. Theo nghĩa nào? Chỉ đơn giản là một người cảnh giác - anh đang chờ đợi - có khả năng nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống hàng ngày, trong khi người kia bị phân tâm, sống từng ngày, và không nhận thấy bất cứ điều gì.

 

Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Gioan cảnh báo sự lừa phỉnh của những “Phản Kitô!”, “Anh em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng của mình!”. Phần thưởng đó là gì nếu không phải là ‘được đem đi’, một phần thưởng dành cho những ai dám chọn Chúa, chọn sống theo luật Ngài, “Hạnh phúc thay người noi theo luật pháp Chúa Trời!” - Thánh Vịnh đáp ca.

 

Anh Chị em,

 

“Một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại!”. Bạn và tôi tự hỏi, “Tôi sẽ được đem đi hay tôi sẽ bị bỏ lại?”. Câu hỏi này liên quan đến việc tôi có nhận thức được những gì tôi đang sống, tôi có cảnh giác, tôi có tỉnh táo không? Tôi có cố gắng nhận ra sự hiện diện của Chúa trong anh chị em tôi, trong các tình huống hàng ngày không hay tôi đang bị phân tâm và hơi choáng ngợp bởi mọi thứ? Nếu không nhận ra việc Chúa Giêsu đến hôm nay, chúng ta cũng sẽ không chuẩn bị kịp khi Ngài đến vào ngày tận thế hay ít nữa, khoảnh khắc tận thế của chính mình!

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, cho con biết chắt chiu trân quý từng phút giây để nhận ra Chúa mỗi ngày, hầu chuẩn bị thật tốt cho ngày Chúa đến; nhờ đó - con sẽ không bị bỏ lại!”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)