Lỗi cha mẹ ảnh hưởng đến tương lai con cái
LỖI CỦA CHA MẸ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TƯƠNG LAI CON CÁI
Trần Mỹ Duyệt
Sau khi tham dự thánh lễ đưa chân về, tôi vẫn không ngừng suy nghĩ đến những gì đã, đang và sẽ xảy ra cho hai đứa trẻ. Theo tôi, chúng chỉ là nạn nhân của tệ nạn hôn nhân gia đình, và sự lơ là trách nhiệm giáo dục của cha mẹ.
Hoàn cảnh gây ra đổ vỡ cũng như ảnh hưởng của nó trên hai đứa trẻ có thể nói là do cha mẹ. Câu truyện khởi đầu rất êm đẹp. Anh về Việt Nam và trong một lần đi chơi với bạn bè đã làm quen được người thiếu nữ khiến trái tim anh thổn thức. Sau đó một năm, anh trở lại quê nhà cưới và đưa người yêu qua Mỹ. Họ đã có những thời gian hạnh phúc bên nhau. Hai đứa trẻ một gái, một trai lần lượt chào đời. Chúng lớn lên, thông minh, học hành tiến bộ. Nhìn vào ai cũng cho đây là một gia đình hạnh phúc.
Nhưng rồi người vợ đi làm. Tại môi trường nơi làm việc, nàng bắt đầu có những dấu hiệu không tốt: lơ là chồng con, bỏ bê gia đình, đi sớm về khuya, vợ chồng luôn tranh cãi, to tiếng. Anh đã sớm phát hiện những dấu hiệu bất trung của vợ, nhưng vẫn nhẫn nhịn tha thứ và có ý hàn gắn. Tuy nhiên mọi chuyện đã xảy ra ngoài ý muốn. Nàng đơn phương ly dị. Thảm cảnh gia đình bắt đầu từ đây.
Sau nhiều nỗ lực, chờ đợi, anh cũng đã có gia đình mới, còn nàng vẫn ở vậy với những mối tình khác nhau. Cuối cùng chết vì ung thư ở tuổi 54 để lại hai đứa trẻ bơ vơ, hụt hẫng, và không có tương lai. Chưa đứa nào ra trường, có công ăn việc làm. Trong thời gian ở với mẹ, chúng còn vướng vào tình cảm trai gái, ma túy, bỏ học, phải chữa trị tâm lý và tâm thần. Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nữa, là trước khi tòa ra phán quyết anh đã muốn hai đứa trẻ về ở với anh để anh săn sóc và lo lắng, nhưng chúng muốn được sống ngoài ảnh hưởng của anh, muốn tự do bên mẹ.
Bây giờ sau cuộc ly dị của cha mẹ, sau khi cha đã có gia đình mới, và sau cái chết của mẹ, tương lai của hai đứa trẻ là một câu hỏi lớn. Trách nhiệm thuộc về ai? Ai đó bên phía người mẹ? Người cha? Hay đó là sự lựa chọn của chúng? Câu trả lời thật sự không đơn giản. Nó cần phải được nhìn từ nhiều phía. Một điều chắc chắn là sự tan vỡ của bố mẹ, sự vô trách nhiệm của người mẹ, hoàn cảnh hiện tại của người cha, và thái độ ngang bướng, thiếu trưởng thành của cả hai đứa trẻ sẽ là những yếu tố ảnh hưởng đến tương lai của chúng.
Trong email trao đổi gần đây với một nữ tu đang phụ trách một chương trình truyền thông tại Việt Nam, vị nữ tu này có viết: “Các bạn trẻ ngày nay hành động rất kỳ lạ. Họ đối xử với nhau trong đời sống hôn nhân một cách hời hợt, thiếu tôn trọng, thiếu tinh thần trách nhiệm, và thiếu lòng chung thủy. Đụng chuyện một chút là đòi mang nhau ra tòa ly dị!” Nhận xét này khiến người ta hiểu thêm rằng, giới trẻ ngày nay không hiểu gì về giá trị và sự cần thiết của đời sống hôn nhân gia đình. Hậu quả là khi có con, họ cũng không quan tâm đến việc giáo dục. Họ không hiểu rằng những hành động của họ có ảnh hưởng quan trọng đến tương lai của con cái, và nhất là lòng chung thủy của họ đối với nhau chính là nền tảng của một gia đình hạnh phúc.
Những trường hợp như vậy của nhiều gia đình hiện nay xảy ra khi mà cha mẹ vì ích kỷ chỉ lo cho lợi ích cá nhân, chỉ lo tìm kiếm những thỏa mãn riêng cho mình. Người cha thì cờ bạc, rượu chè, trai gái, nghiện hút; còn người mẹ thì se xua, trang điểm, tìm cách lo làm đẹp bề ngoài, bỏ bê gia đình, bỏ bê vai trò làm vợ và làm mẹ. Ngoài những bổn phận có liên quan trực tiếp đến sự bền vững của đời sống hôn nhân, gia đình, nhiệm vụ giáo dục của cha mẹ là một trách nhiệm quan trọng và nặng nề nhất. Trong thời đại của AI (trí tuệ nhân tạo), của iphone, ipad, facebook, computer, internet, youtube phụ huynh ít ai biết rằng từ rất nhỏ, con cái của chúng ta đã được hướng dẫn bởi những quan niệm, triết lý sống vô thần, hiện sinh và duy vật. Ngay ở trong trường các em đã được học về phái tính, tình dục, phá thai, triệt sản, chuyển giới, đồng tính, hôn nhân đồng tính. Ngoài xã hội các em bị dụ dỗ vào những giao du xấu, nghiện hút, xì ke, rượu, tình cảm trai gái, hoặc bị dẫn dụ vào những đường dây buôn bán ma túy, mãi dâm. Tất cả những sức ép ấy, cộng thêm sự đổ vỡ gia đình giữa cha mẹ, anh chị em với nhau, thì tương lai gì đến tất sẽ đến với con cái.
Một điều hết sức sai lạc về tình yêu, hôn nhân và gia đình mà hầu như giới trẻ đang bị ảnh hưởng. Tuổi trẻ ngày nay không có ý niệm gì về một tình yêu chân thành, và chung thủy. Một số không còn tin vào tình yêu, nhưng nghĩ rằng tình yêu chỉ là một sự trao đổi tình cảm sòng phẳng, hoặc lợi dụng nhằm thỏa mãn dục vọng với nhau. Ở được thì ở, không ở được thì bỏ, coi nhau như bạn bè.
Sự thật rất khác biệt. Những cặp vợ chồng mà tôi có cơ hội hướng dẫn và giúp đỡ, khi họ chia tay nhau rất ít người coi nhau như bạn bè. Dường như không thấy có cặp nào coi nhau như bạn bè sau khi ly dị, ngược lại, hầu hết coi nhau như kẻ thù. Không những coi nhau là kẻ thù, họ còn tìm cách kéo theo con cái như cái cớ để làm khổ nhau, để chia rẽ tình cảm cha con, mẹ con. Đây là một kinh nghiệm rất đắng đót mà nhiều cặp vợ chồng không biết, hoặc không muốn hiểu cho đến khi họ chia tay.
Câu truyện của hai vợ chồng vừa được trích dẫn chỉ là một thí dụ, trong nhiều cặp vợ chồng hiện nay, đang gặp những trường hợp tương tự. Hoàn cảnh hai đứa con của họ cũng là một đề tài khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, phải quan tâm về đời sống hôn nhân, gia đình, cũng như bổn phận, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, làm chồng, và làm vợ. Riêng trong trường hợp hai đứa trẻ đã không nghe lời cha, nếu tương lai xảy ra không như chúng muốn thì cũng không hẳn hoàn toàn là do lỗi của cha mẹ. Chúng phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn lối sống của mình.
- Tổng Hơp: