Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bảy nỗi buồn của Mẹ

Tác giả: 
Thuỳ Linh

BẢY NỖI BUỒN CỦA MẸ

                                    Bài viết này tôi xin tặng các chị em phụ nữ, những người đã, đang và sẽ làm mẹ.

                                                                                                                                                ThuyLinh’2024

 

Mùa Giáng Sinh một lần nữa lại về với chúng ta.   Cũng hang đá, cũng giăng đèn Noel, cũng có Chúa Hài Đồng và các thánh Gia Thất trong máng cỏ đơn hèn của +2000 năm trước.  Nhưng không biết bao nhiêu lần nhìn về máng cỏ đêm Noel tôi muốn viết lên một tâm sự mà cứ lẫn tránh, cứ dần dà cho qua và cũng vì không dám soi mình nhìn lại cuộc đời với nhiều hồng ân và được Chúa gìn giữ bao nhiêu năm nay.

 

Cứ mỗi năm, tôi hướng mắt nhìn hang đá Bê Lem xưa nơi Chúa Hài Đồng sinh ra mà cứ nghĩ về Đức Mẹ.  Người phụ nữ đơn hèn của xã hội nhưng là một Nữ Vương trên trời dưới đất.  Được chúc tụng, ngơi khen, tôn vinh và được triều thần Thiên Quốc tung hô.

 

Mẹ Maria, một cung lòng thánh thiện đã được Chúa yêu thương chọn Mẹ.  Tay Mẹ ẵm Chúa như đang nắm hết cả quyền thế trời đất trong tay Mẹ.  Nhưng nhìn lại bước đường của Mẹ đã đi qua, hẳn ta cùng thử nhìn lại đoạn đường ấy.  Cũng là một con đường Thánh Giá riêng cho Mẹ, và ngay cả chúng ta đôi khi than trách khi cũng đi lại đoạn đường như Mẹ đã đi.  Một đoạn đường gai chông đầy thử thách.  Một đoạn đường chênh vênh, cô đơn, đầy nước mắt và dường như khó bước qua.  Con đường mà thế gian gọi tên bất hanh. Đối với Thiên Chúa là ân sủng.

Bởi đâu Mẹ được dư đầy ơn phúc?

Xin thưa: chính bởi niềm tin !

 

Xin được cùng bước đi để tìm về con đường cũ của Mẹ.  Con đường gian nan theo cách nhìn của con người.  Mẹ Maria cũng đã là con người như chúng ta, Mẹ cũng chịu cực chịu khổ thì Mẹ sẽ thương yêu và hiểu rỏ chúng ta hơn.  Mẹ đã không buồn khổ, Mẹ tin cậy vào Chúa.  Nhưng theo khía cạnh sống con người, tôi gọi nôm na là những nỗi khổ cuộc đời của Mẹ.  Con đường đó xin được gọi là “Con đường: Bảy Nỗi Buồn Của Mẹ”. 

 

Người viết xin được bộc lộ tâm tình của mình theo cách suy nghĩ và tâm niệm riêng gởi đến bạn đọc.  Để cùng với Mẹ, vì Mẹ và trong Mẹ, chúng ta được hoan hỉ và được Mẹ chở che khi chúng ta gặp một trong những bảy nỗi buồn như hành trình của Mẹ Maria xưa.

 

---o0o---

Nỗi buồn Thứ I:  Có con chưa chồng

“Khi Thiên Sứ báo tin, Mẹ sẽ mang thai và sẽ hạ sinh con Đấng tối cao.  Đó là Chúa Giesu, Ngôi Hai Thiên Chúa….”

Với một lòng tin son sắt và phó thác vào Thiên Chúa, Mẹ vui mừng và thưa hai tiếng Xin Vâng.

 

Xét về mặt xã hôi và gia đình:  Chúng ta cũng biết, luật Do Thái xưa không khác gì phong tục Việt Nam chúng ta trăm năm trước, mà còn hơn thế nữa.  Tất cả phụ nữ có con không chồng sẽ bị liệt kê vào hạn phụ nữ xấu, tội lỗi, có thể bị ném đá cho đến chết.  Gia đình cha mẹ người phụ nữ ấy sẽ đối mặt với xã hội gay gắt, bị xã hội nguyền rủa, bị lên án và có khi cô lập.  Người phụ nữ Do Thái không có chỗ đứng trong xã hội.  Mạng sống và con người phụ nữ Do Thái thời đó phụ thuộc hoàn toàn vào cha me, chồng và con cái. 

 

Đứng trước viễn cảnh của cuộc xãy ra, Mẹ Maria hiểu rỏ mình đang làm gì khi thưa hai tiếng Xin Vâng ấy.  Theo Kinh Thánh thì Mẹ Maria lúc đó khoản 16 tuổi.  Một lứa tuổi đủ khôn lớn để nhận biết luật lệ đời sống và gia đình.

 

Như chúng ta thấy Thiên Chúa lúc nào cũng nâng đở, chở che và bảo vệ những người trông cậy vào sự quan phòng của Chúa.  Mẹ Maria nào biết việc Thiên Chúa đã làm gì cho Mẹ trong tương lai? Mẹ thưa Xin Vâng là vì Mẹ phó thác vào Chúa cả hiện tại và hết tất niềm cậy trông của tương lai.  Và Chúa đã an bài mọi biến cố xãy ra theo trật tự thời gian để hoàn hảo công cuộc tay Chúa và để gìn giữ người biết phó thác cây trông nơi Ngài, bằng việc Thánh Giuse được báo mộng ngay sau đó, vì Chúa đã chuẩn bị, Thánh Giuse là bạn trăn năm, người sẽ nhận đem Mẹ Maria về nhà mình.

 

Liên tưởng đến con người chúng ta: Nếu như một người phụ nữ (vì thánh ý, vì đời vì người) chưa có chồng mà biết mình có con, câu hỏi trong lòng sẽ dẩy lên: tôi phải làm gì bây giờ với cái thai một ngày mỗi lớn?  Không phải chỉ có phụ nữ chưa chồng mới sợ câu hỏi này.  Phàm là phụ nữ, những chuyện mang thai đôi khi như đèn nhà ai nấy sáng.  Có ngừơi có chồng nhưng mang thai ngoài ý muốn của một mối tình vụng trộm, có người con cái đùm đề sợ lo không nỗi, bệnh hoạn, có người con sinh ra khuyết tật, có người bị hiếp đến mang thai, có người mang thai của con cái kẻ thù ba mẹ mình, hay ba mẹ không cho cưới, lén lúc rồi mang thai, có người mang thai kẻ loạn luân.  Tất cả tất cả là những ưu tư đè trên tâm hồn của người đang mang thai phải đối diện.

 

Nói đến đây, tôi thú nhận đã có hơn một lần tôi không muốn đón nhận đứa con tôi đang mang trong bụng.  Với nhiều lý do mà chỉ có Chúa hiểu.  Tôi đã van xin, tôi đã từ chối và tôi đã giận dữ khi Chúa không chấp nhận lời cầu xin của tôi.  Nhưng Chúa luôn mãi cho tôi cái hay cái tốt nhất không phải theo lời tôi cầu xin, nhưng vì Chúa thấy điều đó là tốt đối với tôi nên Chúa đã làm cho tôi.  Nào lúc đó tôi hiểu gì.  Nhưng tôi đã nhìn Mẹ Maria và dâng lên Mẹ những lời cầu xin bằng nước mắt của tôi mỗi đêm.  Tôi nói cùng Mẹ:  Mẹ ơi, Mẹ cũng là ngừơi phụ nữ, cũng làm mẹ, Mẹ cũng mang thai, Mẹ cũng đã đau đớn thân xác, Mẹ cũng sinh con, Mẹ cũng có những vấn nạn đau khổ, Mẹ cũng đối diện với dư luận xã hội và gia đình, Mẹ cũng có vui buồn sướng khổ như chúng con, xin Mẹ ban cho con ơn cậy trông như Mẹ.  Và cuối cùng tôi đã thắng được chinh mình.  Nói đúng là nhờ Mẹ, Chúa đã thắng sự ích kỷ trong con người tôi.

Nếu ngày nào đó bạn đang gặp vấn đề nan giải này, hãy nghĩ đến Nỗi Buồn Thứ I của Mẹ mà cầu xin với Mẹ.  Mẹ là ngừơi phụ nữ đã trải qua, Mẹ sẽ che chở và đở nâng tinh thần bạn, bạn nhé.

 

--o0o--

Nỗi Buồn Thứ II:  Sinh Con trong túng thiếu, đói nghèo

Theo Thánh Sử Luca, Thánh Giuse và Mẹ Maria trở về quê hương của Thánh Giuse, là dòng dõi Vua David theo chiếu chỉ kiểm tra dân số -  lệnh Hoàng Đế Caesar Augustus. Cũng là lúc mà Mẹ Maria tới ngày sinh.  Vì cả hai cũng nghèo khó và để làm sáng danh Chúa “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.  Chúa đã sinh ra trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.  Không có chỗ trong quán trọ, không nhà cửa nệm chăn, không có một chuẩn bị tiện nghi nào cả.  Là một hang đá ở ngoài thành Belem.  Ấy thế, Chúa đã làm như thế để đồng cảm và đồng hành với những người nghèo đói.  Những người chỉ có Chúa là gia nghiệp đời mình.  Và để thấy đựơc quyền năng Chúa.

 

Về mặt xã hội:  Do Thái cũng như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, cũng như Việt Nam.  Các tầng lớp xã hội tính theo sự giàu có về tiền bạc và sức mạnh của ngừơi có quyền.  Cấp bậc và tầng lớp con người trong xã hội được định đoạt ngày lúc mới sinh ra.  Cấp thượng lưu, trung lưu và hạ lưu cứ mãi truyền từ đời này qua đời khác.  Ngừơi giàu cứ mãi giảu và người nghèo cứ mãi nghèo.  Còn tầng lớp không ai muốn nhắc tới là tầng lớp “ổ chuột”.  Ở Do Thái hay Ấn Độ gọi tầng lớp này là tầng lớp ô uế, xã hội ruồng bỏ và không được sống chung trong thành với các tầng lớp kia. Khi cần đi vào thành, người của tầng lớp ô uế phải rung chuông cho ngừơi khác biết sự có mặt của mình.  Khi đi đứng, nếu đụng phải ngừơi khác, họ sẽ bị ném đá, bị tống giam hay bị trục xuất ném ra khỏi thành.  Người thượng lưu hay trung lưu đi đụng phải ngừơi ô uế họ sẽ tới các đền thờ của họ làm một nghi thức thanh tẩy như rửa tay thay áo cho ngừơi khác biết là họ sợ dơ bẩn đến mức nào. (Tin tức trên theo sách báo du lich.  Một số sách viết, áo quần dày dép mà mỗi tầng lớp xã hội xử dụng -   sẽ nói lên tầng lớp của họ).

 

Cho nên người nghèo rất sợ vào thành. Những thương gia họ cũng không muốn đón tiếp những người nghèo.  Vì mặt này hay mặt kia họ sẽ mất đi nguồn lợi tức vì các mối làm ăn không ai thích chung đụng hay có mặt người nghèo khó trong chỗ làm ăn của họ, sợ bị dơ bẩn hay các tầng lớp có tiền của trong xã hội sẽ lẫn tránh mà không tới chỗ của họ.

 

Mẹ Maria và Thánh Giuse là những người nghèo đã bị họ khước từ vì điều này.

 

Liên tưởng đến chúng ta:

Con người Việt Nam mình hay nói dí dỏm câu:

“Người ta đi biển có đôi

Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”

 

Không phụ nữ nào mang thai mà không nghĩ đến lúc mình sanh con thế nào.  Sát xuất cho thấy phụ nữ sinh con chết rất nhiều.  Nhiễm trùng, xuất huyết, bại liệt, sanh khó, kiệt sức…vân vân.  Trong 9 tháng mang thai (40 tuần) không phụ nữ nào mà không tìm cho mình một bác sĩ tài giỏi theo dỏi.  Tốn bao nhiêu cũng được, nếu có tiền; xa bao nhiêu cũng được, nếu có điều kiện.  Chỉ bảo đảm được mẹ tròn con vuông theo kiểu nói Việt Nam.

 

Dù nghèo, họ cũng âm thầm sắp xếp cho mình một chỗ ấm áp đủ cho hai mẹ con lúc nằm ổ, và một bà đở đẻ kinh nghiêm.

Nếu không may gặp phải lúc sa cơ thất thế, không có bảo hiểm, không có tiện nghi hay thai nhi có điều gì trục trặc không quả quyết được sự sống mà không tìm ra chỗ để sinh con.  Thai phụ chắc lo lắm.

 

Liên tưởng đến người xung quanh tôi, tôi có một người bạn.  Bị chồng bỏ hơn 2 tháng sau mới biết mình mang thai.  Khúc mắc quanh vấn đề chỉ là người mẹ chồng không thích cô con dâu do con trai bà cưới.  Bà đưa ra 2 điều kiện, một là bà sẽ bảo lảnh hai vợ chồng cả con trai và con dâu qua Mỹ, rồi ly dị ngay cho bà, hai là không cưới.  Vì đôi bạn quen nhau đã lâu nên họ chấp nhận điều kiện một để đưa người tình qua Mỹ. Éo le hơn là bà đã giấu hết giấy tờ cho cô ta không được đi đâu, ở nhà nấu nướng bán buôn với nhà như 1 ô sin, cho đến lúc nộp đơn ly dị xong.  Theo lời kể một chiều từ cô bạn, bà muốn con trai bà li dị vợ ngay thì cô con dâu sẽ bị về Việt Nam, nên bà muốn giữ giấy tờ cho cô ta không xoay sở được. Sau hơn 3 tháng, thừa lúc đi chợ mua hàng hoá.  Cô ta đã trốn một đoạn đường quá dài, từ Eastcoast qua tới Central.  Trãi qua nhiều chặn đường thật nan giải.   Chồng cô ta đã nộp đơn ly dị nhưng đứng về phía mẹ, --anh ta đứng ngoài cuộc không muốn giúp.  Tôi gặp cô ta với hoàn cảnh vừa thương và giận, vừa trách lại vừa tội nghiệp, và hàng ngàn câu hỏi về người đàn bà kia là ai mà mưu toan đến thế?  Không chồng, không nhà cửa, không tiền bạc, không một người thân trên đất Mỹ, không có giấy tờ tuỳ thân và đang mang thai.  Mỗi ngày nhìn cô ta khóc ròng héo úa, khám thai cũng không ai cho, muốn “phá thai” cũng không biết tìm ai.  Vậy mà bạn tin không? Chúa đã an bài mọi điều thật là trật tự.  Từ ngạc nhiên cho đến ngạc nhiên khác. Theo dự tính của cô ta (nếu bất quá), chỉ phá thai xong là cô ta sẽ làm lại từ đầu và quên đi ngừơi chồng cũ, không cần khám sức khoẻ hay giấy tờ gì cả, đi làm chui để ở lại Mỹ cũng được.  Nhưng mọi chuyện bước qua 1 hứơng mới.  Cô ta được khám thai với ngừơi bác sĩ 20 năm đầy kinh nghiệm, vẫn sinh con trong 1 bịnh viện sang trọng, tất cả không trả một đồng nào, dù không có giấy tờ đầy đủ. Chỉ cần cô ta nhớ số an ninh xã hội của mình, rồi như phép lạ, mọi chi nhánh xã hội về di trú thường dân…Bùm! Như phép lạ. Sở di trú cận lực giúp đở, chuyển các hồ sờ từ tiểu bang bà mẹ chồng ở tới cô ta, và giấy tờ được làm lại thoả đáng, cùng với sự tận tình giúp đở từ các tổ chức thiện nguyện.  Mọi chuyện tiếp diễn từ website này số phone kia, tìm người này biết thêm người nọ, sự giúp đở cho cô ta hết sứ dể dàng.   Chuyện đó nào ai hiểu được.  Tất cả điều là hồng ân.  Cô ta không phải là Công Giáo, chỉ bập bẹ đọc theo được Kinh Kính Mừng vì khi buồn nhìn tượng Đức Mẹ vì Mẹ đẹp. Một ơn lành Mẹ ban không chỉ là người Công Giáo, bạn nhé !

Đức Mẹ Maria ngày xưa chắc cũng có sự khó nhọc như chúng ta.  Nhưng Mẹ đã không nao núng sợ hải và không lo lắng kiểu băng khoăn như chúng ta hôm nay.  Bạn nhé; Nếu như có một ngày đó bạn găp phải những gánh nặng kinh tế: nhà dột, con khóc, nợ đòi.  Trước một sự kiện lấp bên này thiếu bên kia.  Hay gặp cảnh thiếu thốn cơ cực, rách rưởi, bần cùng, bất lực trước mọi thiếu thối.  Bạn đừng quên nhìn lên Mẹ Maria nhé bạn.  Ở đó Mẹ Maria cũng từng chẳng có gì trên tay ngoài chiếc khăn choàng cổ, lấy ra quấn cho con mình lúc mới sinh, rồi đặt con vào trong máng cỏ.  Mẹ Maria ở đó cũng thiếu thốn cũng chật vật như chúng ta.  Cái Mẹ có chỉ là một niềm tin vào Thiên Chúa và một sự phó thác tất cả.  Hay cả những lúc bị người khác khinh khi, ruồng rỏ vì nghèo túng, vì cơ cực.  Đừng mặc cảm lẻ loi.  Bạn nhé, hãy cầu xin cùng Mẹ.

 

--o0o---

 

Nỗi Buồn Thứ III: Sự tiên đoán về tương lai con

“Trẻ Giêsu con bà vừa là ơn lành cho người được ơn cứu rổi và cũng là căn cớ cho nhiều người vấp ngả.  Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ thâu qua lòng bà…” (Lc 2:35)

 

Bà mẹ nào mới có con lần đầu cũng sung sướng hạnh phúc ngập tràn như nhau.  Nhìn con ngủ, con cười, con chơi là bao nhiêu cực nhọc tan biến hết.  Mẹ Maria cũng đã có những cảm nghiệm yêu thương và hạnh phúc như chúng ta ngày nay.  Đặt biệt hơn, cung lòng Mẹ đã được thánh hiến và là đền thờ đầu tiên cho Chúa ngự hẳn nhiên Mẹ sẽ có nhiều hồng ân và diễm phúc cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa qua thân xác con người của Mẹ hơn tất cả những phục nữ thế gian này.  Mẹ có ân sủng vô song, thánh thiện và vẹn tuyền.  Nhưng sự hân hoan về tình mẫu tử chắc không khác lắm với thế gian của chúng ta.  Cũng hân hoan, cũng yêu thương, cũng ngập tràn hạnh phúc lần đầu tiên làm mẹ và mơ ước một tương lai con mình bình an hạnh phúc.

 

Nhưng lời tiên đoán của tiên tri Simeon về Mẹ và con Mẹ thế nào? đau khổ và buồn.  Mẹ đã đón nhận lời tiên tri với tâm tình: suy niệm trong lòng.

 

Về mặt xã hội: Người Do Thái nghe lời tiên tri chắc không giống như người Việt Nam nghe tin tử vi – coi bói đâu.  Tiên tri là ngừơi của Thiên Chúa, nói lời của Thiên Chúa và truyền đạt ý Chúa cho toàn dân.  Đâu phải tin vơ thờ quấy như người Việt Nam.  Do Thái giữ luật Moisen thời ấy, đưa con trẻ vào đền thờ để cắt bì là để dâng hiến con cho Thiên Chúa, để Chúa gìn giừ và chở che.  Điều này Thánh Giuse và Mẹ Maria thi hành theo luật.

 

Ngày dâng con vào đền Thờ ví như ngày mang con đến tận hiến để nhận biết Thiên Chúa và giới thiệu với mọi người xung quanh về niềm vui của mình.  Chính ngày ấy Mẹ Maria đã nhận thêm niềm đau chôn dấu chính thức bước vào đời mình.  Cùng đồng hành và cùng lớn lên cùng con mình.  Sự băn khoăn nghi ngờ về tương lai, về lời tiên đoán hẳn nhiên không xa lạ gì với con ngừơi như chúng ta.  Mẹ Maria đã thâu nhận lời ấy ngay ngày hạnh phúc, ngày tận hiến con mình là ngày bắt đầu sống với nước mắt với lời tiên tri ấy.  Mẹ Maria không chạy trốn, không chối bỏ, không lo sợ trước lời tiên đoán về đau khổ đời mình và con mình.  Mẹ Maria thinh lặng chấp nhận và suy niệm một mình.

 

Liên tưởng đến chúng ta: Tôi quen cặp vợ chồng hay đi Lễ chung Chủ Nhật.  Hai người nay xem ra rất hiểu biết về phong thuỷ và tử vi.  Sinh con năm nào tháng nào cho hợp tuổi cha mẹ, và để cha mẹ làm ăn đổ đạt.  Nhà xây hướng nào, cửa phía nào cho tốt.  Quẻ ra là họ làm liền.  Cái gì cũng như ý, riêng chuyện sinh con theo chọn lựa giới tính thì không được.  Ròng rả ép mình theo “ma quỷ” chỉ bày hơn 10 năm chọn lựa cái tốt đẹp nhất theo họ, cuối cùng không được gì hết.  Tiền mất sức tàn và đối diện với căn nhà xây không đúng tiên chuẩn bắt đầu sập, vợ chồng gây gổ nhau liên miên, biến cố này dẩn tới biến cố nọ và biến cố quan trọng là bệnh nan y của đứa con họ thương yêu hết đường cứu chửa.  Họ sực tỉnh và nhớ đến Chúa, nhưng hồi thức trong nghi ngờ sen lẫn với niềm cây trông mong manh.  Tột điểm là lúc đau khổ nhất, họ đã tự thú đó là hậu quà của tháng ngày xa lánh Chúa, làm mất lòng Chúa, và Chúa dùng sự hiểu biết “tử vi” nơi họ, nói cho họ biết: Không ai có quyền hơn Chúa. Nhìn bạn, tôi sợ cho chính mình.  Tôi sợ tôi cũng bị sa vào lưới cám dổ của ma quỷ.  Khi con bệnh, gia đình gặp trở ngại, công ăn vịêc làm bị đe doạ, gia đình bất hoà xào xáo mà gặp ngẩu nhiên một lời nói “tiên tri nhãm” về tương lai.  Phàm con người ai cũng sẽ lo áy áy không biết sự việc sẽ ra làm sao.  Tôi hiểu đó là lúc mà ma quỷ đang quấy rối tôi làm tôi sẽ ngả lòng tin vào Chúa.  Tôi sực tỉnh và trấn an mình rằng: tối nay gia đình tôi sẽ ăn những món gì họ còn chưa biết, làm sao họ có thể đoán ra năm bảy năm sau của gia đình tôi.  Nhưng những nghi ngờ đó cứ bám riết chưa buông ra.  Làm thế nào để tín thác vào Chúa và suy niệm đời mình?  Tôi không biết làm gì hơn là chia sẽ chuyện nghi ngờ này với Mẹ Maria, tôi cứ lẩm nhẩm: Mẹ ơi, họ nói con của con tương lai vậy đó, đừng để con lo sợ điều dữ sẽ xãy ra, chỉ nên lo sợ là làm mất lòng Chúa và không đủ nghị lực sống với niềm tin của mình.  Câu này đã giúp tôi lược bỏ được suy nghĩ vu vơ, và nhất định nhất định không tìm hiểu thêm.

 

Bạn ơi, nếu bạn cũng đã bị những lời tử vi bói toán về tương lai con mình, lời dèm pha cay cú độc địa cho gia đình mình làm chia trí hay đe doạ, thì bạn nên sực tỉnh nhận ra: bạn đang tự mở một cánh cửa “sự dữ” vào đời bạn.  Đó cũng chính là cách ganh tị của ma quỷ gieo hiềm thích vào mối dây liên kết của bạn với Chúa, làm cho bạn mất bình an, mất yêu thương và quay lưng với Chúa. Ngoài Chúa ra, không ai làm được cả. Tôi cũng yếu đuối như bạn và cũng đang cầu xin Mẹ Maria cầu bàu giúp tôi, bạn nhé chúng ta cùng nguyện cầu với Mẹ, phó thác đời sống gia đình mình, tin vào Thiên Chúa và suy niệm trong lòng như Mẹ.

 

--o0o--

Nỗi Buồn Thứ IV:  Mạng sống con mình bị đe doạ

“Khi nghe Thần Sứ loan báo cho Thánh Giuse, hãy đem Chúa Giesu và Mẹ Người trốn sang Ai Cập..”

Câu này thì ta nghe đã nhiều lần rồi. Đã là con người, Sinh – Lão - Bịnh – Tử ai cũng phải lo.  Cái chết đe doạ với chính mình hay với người mình yêu thương là một điều sợ hải.  Vì mạng sống con mình hay có sự đe doạ nào đó.  Không ai mà không nghĩ đến sự lẫn trốn hay tìm người giúp đở.  Với đức tin Công Giáo, chạy trốn cũng chưa hẳn là tốt.  Sức con ngừơi yếu đuối, có trốn chạy mà không có ơn Chúa (với người tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa) che chở giữ gìn vì biết chạy đi đâu cho thoát.  Mà người bắt bớ chính là vị vua cai quản xứ sở, Vua Herode.  Dân chạy trốn vua thì trốn làm sao?  Nhưng với bàn tay Thiên Chúa chỉ chẳng có gì mà không làm đươc. Nhưng đã là Chúa - Chúa Giesu mà cũng chạy trốn sự đe doạ tính mạng từ con người, thì không thể có….xét trên khía cạnh nhân loại, Thiên Chúa,Ngài đã hoà mình vào bản tính con người, cũng đầy dẩy sự mỏng dòn trong thân xác con người, cũng có sự yếu đuối và cũng có thể yếu đau và chết. Mặt khác, hai thánh Giuse và Maria cũng là con người như chúng ta, cũng khổ đau và cùng thông phần và thân xác nhân loại như mỗi con ngừơi chúng ta, thân xác sinh ra từ bùn đất và cũng phải chết.

 

Về mặt xã hội: Con đường từ làng Nazareth, thuộc nước Do Thái đi xuống miền Đông -Nam tới nước Egypt hơn 400 miles (khoảng 800km, theo mạng du lịch).  Phải đi qua sa mạc Gaza, Joppa và vược biển Mediterranean.  Đó là con đường du lịch ngày hôm nay.  Còn 2000 năm về trước, đường đi lên núi xuống đồi, vược biển ngăn sông và đi bằng đường bộ thì thật quả là khó khăn. Ở Trung Đông, đường đi rất khô cằn và nhiều đá sỏi.  Hai bên đường rất nhiều gai, xương rồng độc và không có bóng cây che nắng.  Núi đá và ô trọc tiếp nối nhau từ làng này qua làng khác, nước này qua nước kia. Lối đi không phải đường xá thanh thang gì mà là men theo vách núi người bước trước kẻ bước sau trở thành lối đi. Phải để ý rắn rít và có thú dữ.   Đi như thế mấy ngày, mấy tuần mới tới.  Hành trình ấy phải có đầy đủ sức mạnh của niềm tin cương quyết mới hầu vược qua.

 

Ngày nay nếu đi du lịch qua con đường này, không phải ai cũng dể dàng đi được.  Những người hành trình trên đoạn đường này phải tự mang ba lô đầy đủ đồ ăn nước uống cho mình, mang giày nệm, nón chống nắng và xuất phát từ sáng sớm và sẽ rỏ ràng mình dừng buổi đêm ở đâu.  Đó là 2000 năm sau người hành hương còn như vậy, bạn có nghĩ thuở đó, sức người phụ nữ trên tay ôm một bé thơ làm sao đi hết đoạn đường nói trên?

 

Sự trốn chạy nào cũng mang nhiều lo sợ.  Lo sợ bị giết chết hay lo sợ chưa bị giết chết lại sẽ bị chết bởi đuối sức, thú dữ, đói khát và bệnh hoạn.  Không biết chạy trốn là sống hay chạy trốn là chết?

 

Liên tưởng đến chúng ta:  Ai đã từng mang con dại đi chỗ này chỗ kia sẽ biết cực đến mức nào? Nào sữa tả, áo quần, giày dép, thuốc than…và hàng trăm ngàn thứ khác phải chuẩn bị.  Nhưng không đau khổ và nghẹn ngào cho bằng lời của bác sỉ phán một câu về bịnh tình của con mình trước sự cố có ảnh hưởng đến tính mạng.

 

Tôi may mắn đã sống và làm nhân chứng dưới một sự kiện hết sức quan trọng của đời mình.  Vị bác sĩ mỗi lần khám ông vừa giận vừa thương, vừa la lại vừa an ủi trước sự quyết định sống chết của đứa con mình mà ông là người bác sĩ trực tiếp săn sóc cho 2 mẹ con tôi.

 

Tôi không dám phô trương để vẻ vang sự yếu đuối của mình.  Đã rất nhiều lần tôi xuôi lòng chọn giải pháp đơn giản nhất, đau khổ nhất, hệ luỵ nhất mà có lẻ tốt nhất cho con và cả tôi lúc ấy, để chấm dứt mọi đau khổ.  Nhưng Chúa không để tôi như vậy.  Chúa muốn tôi trở thành khí cụ chứng nhân của Chúa, Chúa thách thức Y Khoa và thách thức niềm tin con người, và Chúa đã hoàn toàn thắng cuộc.  Dù bác sĩ nói tôi sẽ chết nhưng tôi vẫn sống, bác sĩ nói con tôi cũng sẽ chết nhưng bé sinh ra bình an. Một biến cố hết sức ngạc nhiên không những trong mắt của vị bác sĩ, y tá, của bệnh viện mà cả bạn bè người thân và gia đình tôi.  Đó là mọi ơn lành của Mẹ Maria mà mỗi đêm tôi tìm đến bên Mẹ qua chuổi kinh: Tuần Cửu Nhật: Kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

 

Tôi là người cứng lòng và yếu đuôi.  Nhưng mỗi lần nhìn lên Mẹ, tôi lại nghĩ đến đoạn đường gian khó hành trình từ Nazareth về Egyt của Mẹ, chạy trốn kẻ tìm giết con Mẹ.  Ôm con chạy trốn tìm đường sống cho con.  Nước mắt, đắng cay, cực nhọc và thiếu nghị lực sẽ làm người mẹ chùng chân và lo âu.

 

Nếu bạn cũng đang gặp trắc trở.  Các bạn nữ mình ơi, khi đã làm mẹ là cột thắt đời con vào cuộc đời mình, mạng sống con quý hơn mình. Con bệnh con buồn hay bất lực không biết con mình sẽ được sống tiếp hay sẽ mất là nỗi đau dày vò tim gan bất tận. Ước chừng sẽ chết được cho con sống.  Bạn nhé, cứ nhẩm câu: “Con xin gì thì Mẹ đã biết rồi, Lạy Mẹ dấu yêu, xin nhậm lời con khấn nguyện…”, bạn hãy vững lòng tin, Mẹ đang nghe lời bạn cầu xin đó bạn. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho con người được sống hay chết. Và cũng nhờ mẹ, trông Mẹ, Mẹ sẽ nâng đỡ mỗi bước chân bạn, dìu dắt bạn đến hạnh phúc !

 

--o0o—

 

Người viết xin khất 3 đoạn sau của bài viết qua mùa Chay 2025 cho đúng phụng vụ.

Nỗi Buồn Thứ V: Lạc mất con

Nỗi Buồn Thứ VI: Mẹ con chưa cảm thông nhau

Nỗi Buồn Thứ VII: Đau khổ bất lực nhìn con trước cái chết - Đoạn đường Thánh Giá