Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cát bụi tuyệt vời

Tác giả: 
Lm Nguyễn Hữu An

 

CÁT BỤI TUYỆT VỜI

 

Mùa Chay được khởi đầu bằng nghi thức xức tro trên đầu. Linh mục đọc "Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” và xức tro trên trán tín hữu. Đây là lời Thiên Chúa báo cho Ađam biết khi ông vừa phạm tội. Giáo Hội cũng sẽ lặp lại những lời ấy trong phần xức tro đễ nhắc nhở về thân phận cát bụi của con người.

Nghi thức xức tro bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của dân Do thái. Trong Cựu ước, mỗi khi muốn tỏ lòng ăn năn hối cải, người Do thái thường xức tro trên đầu, ngồi trên đống tro và mặc áo vải thô hoặc xé áo ra.

Việc xức tro và xé áo trước hết nói lên sự buồn phiền đau đớn vì đã phạm nhiều tội lỗi.

Việc xức tro và xé áo cũng làm cho tội nhân ý thức thân phận con người bọt bèo, cuộc đời mau chóng tàn phai như giấc mộng. Đời người như một nắm tro bụi, chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua đủ xoá sạch vết tích.

            Nhạc Trịnh Công Sơn rất triết lý. Mỗi Mùa Chay về, tôi thích nghe bài ca “Cát Bụi” :

 Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,để một mai vươn hình hài lớn dậy.

Ôi cát bụi tuyệt vời,mặt trời soi một kiếp rong chơi.

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi,để một mai tôi về làm cát bụi .

Ôi cát bụi mệt nhoài,tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người,chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy,cho trăm năm vào chết một ngày.

 

          Cát bụi,con người chỉ là cát bụi. Hạt bụi tuyệt vời khi hoá kiếp thân tôi. Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Khi dùng hình ảnh hạt bụi để nói về thân phận con người,Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy nguồn cảm hứng trong sách Sáng Thế: Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng Ađam. Sau khi Ađam phạm tội bất phục tùng,Thiên Chúa phạt ông và con cháu sẽ trở về với cát bụi. (x. St 1,26-3,24).

Nghĩ cho cùng,tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh,sớm muộn cũng sẽ tàn lụi với thời gian.Do đó nỗi khắc khoải ngàn đời của con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu,ý nghĩa của đau khổ,ý nghĩa của giải thoát,ý nghĩa của cuộc sống.Vấn nạn mà con người chưa tìm được câu trả lời chính là:

        Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi ?

        Hạt bụi nào hoá kiếp thân bạn ?

       Và Hạt bụi nào hoá kiếp thân xác chúng ta ?

 

Một vòng quay,một trăm năm,một kiếp người có là mấy!

Chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Không phải là trắng như bông, trắng như mây hay trắng như tuyết mà là như vôi đổ xuống huyệt mồ. Trịnh Công Sơn không bi quan,ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao,sự sống cao quý biết dường nào,nhưng nó cũng như “đoá hoa vô thường”. Xét cho cùng, đã là con người sinh ra trên đời, mặc dù có sống lâu trăm tuổi, có vẫy vùng ngang dọc cách mấy, từ bụi tro hóa kiếp nhân sinh, cuối cùng rồi cũng trở về bụi tro. Đó là một thực tế,nhìn nhận và đối diện với nó cách can đảm để có thể đưa tới một cuộc sống tốt đẹp hữu ích và có ý nghĩa.

          Mùa Chay muốn nhắc nhở chúng ta quay về với sự thật của thân phận con người “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro,một mai rồi sẽ trở về bụi tro…”.

          Phụng vụ Giáo Hội muốn diễn tả rằng: cuộc đời này mong manh vắn vỏi,bởi thế nó rất hệ trọng. Số phận đời đời của mỗi người được quyết định trong thời gian tạm bợ này. Người theo Đạo Phật tin vào sự đầu thai kiếp sau,luân hồi nghiệp báo. Đối với Kitô hữu thì vĩnh cữu được gieo mầm trong hiện tại. Không để thời gian trôi qua cách phung phí. Đời người chỉ có một lần. Được mất chỉ có một cơ hội.

          Thân phận mỏng dòn mà Phụng vụ Mùa Chay nhắc cho chúng ta đừng quên, không phải chỉ có liên quan đến phần xác hay chết của phận người mà còn cả về mặt tinh thần cũng mong manh yếu đuối.Thánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm đó trong thư Rôma: “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm,nhưng điều tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm…Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm,nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làmTôi khám phá ra luật này là khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Chúa,nhưng trong các chi thể của tôi,tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tôi…tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này ?” ( Rm 7,15.19.21-24) .

          Ý thức về sự yếu đuối và tội lỗi của mình,về khuynh hướng xấu,sự bất lực nơi bản thân để mỗi người nổ lực giải thoát khỏi sự thống trị khắc nghiệt của tội lỗi và đó là khởi đầu cho ơn hoán cải và ơn cứu độ .

          Mùa Chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu.Sa mạc là nơi hoang vu trơ trọi, mênh mông. Ở đó người ta mất hết mọi điểm tựa, không còn chi để “chia trí,lo ra”, chẳng hạn như ngoại cảnh ồn ào,các hoạt động, các thú vui, các quan hệ xã hội. Chỉ còn ta với ta và buộc ta phải quay về với mình trong sự đơn độc của chính mình.Trong sự quay về đó ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với chính lòng mình.

          Con người chúng ta thường sống hời hợt bên ngoài,tan loãng ra trong trăm thứ linh tinh hay phụ thuộc khác. Mùa Chay mời gọi chúng ta đi vào sa mạc, với thinh lặng của các giác quan của trí khôn và của cõi lòng, một sự rút lui vào trong tâm khảm mình để có thể phân định đâu là cái chính cái phụ, đâu là cái cùng đích và cái phương tiện. Đây chính là lúc hồi tâm.

          Biềt mình mỏng dòn, nhưng con người theo Phụng vụ Mùa Chay lại không phải là con người mềm yếu, uỷ mị, ngã nghiêng theo mọi lời mời mọc cám dỗ. Con người Mùa Chay dũng cảm chiến đấu. Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai đã vào sa mạc và tuyên chiến với Satan và Ngài đã chiến thắng.

          Người Kitô hữu là người biết nói không với tội lỗi, là người dám bơi ngược dòng “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ,anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” ( Pl 2,15). Người Kitô hữu không cố ý sống lập dị khác người, song đứng trước điều xấu, dù là khi cả xã hội đều làm điều xấu đó, họ vẫn không được ngã theo. Họ phải can đảm từ chối một cơ hội làm giàu bất chính, một liên minh bất công, một mối quan hệ tội lỗi….Dĩ nhiên điều đó không dễ chút nào nhưng đã là môn đệ Chúa Giêsu, họ không có chọn lựa nào khác .

          Con người theo Phụng vụ Mùa Chay biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi .

          Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng “Hạt bụi” là chúng ta,được tình yêu Thiên Chúa gọi vào hiện hữu và chia sẽ sự sống bất diệt của Người. Kiếp người cho dù có đau thương, có bi đát, đôi lúc tưởng chừng bóng tối lấn lướt ánh sáng, nhưng cuối cùng sự sống, chân lý, tình thương vẫn mạnh hơn tất cả.

          Ước gì mỗi người Kitô hữu đều có bản lãnh của Chúa Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của bản thân; luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa, sống Mùa Chay thánh thiện để đón nhận nhiều Ơn Phúc Chúa ban .

                                                                                

Lm Giuse Nguyễn Hữu An