Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Làm lại giao ước

Tác giả: 
Lm Phạm Quốc Hưng
 
 
 
 Làm lại giao ước  
 
 
(Chúa Nhật I Mùa Chay Feb. 26th, 2012)
 
 
Trong một bài suy niệm trích từ tác phẩm Quyển Sách Vàng, được xuất bản năm 1968 tại Việt Nam, tôn giáo nói chung và Kitô giáo được định nghĩa như sau:
 
 
“Tôn giáo là dây nối buộc nhân loại với Chúa Tể, mà là dây tình ái; nghĩa là Chúa Tể thì hạ cố, giúp đỡ, cứu vớt, nhân loại thì dâng lên Chúa Tể những tâm tình tôn thờ, biết ơn, tin cậy, yêu mến. Đó là tình ái tương giao.
 
 
“Đạo Cứu Thế hay Kitô giáo cũng là đạo thân giao giữa nhân loại và Chúa Tể, nhưng có Chúa Kitô ở giữa làm môi giới.
 
Chúa Kitô là nơi gặp nhau, là chỗ nối hai tình ái. Tình ái của Thiên Chúa xuống gặp nhân loại là Chúa Thánh Thần; tình ái nhân loại lên tiếp Thiên Chúa là Đức Mẹ, đại diện nhân loại. Hai tình ái ấy gặp nhau, kết hợp với nhau nơi Chúa Kitô. Quả vậy, mạc khải cho biết Ngôi Hai nhập thể để làm trung gian đưa nhân loại về với Thiên Chúa, và việc nhập thể đó do Chúa Thánh Thần chủ động và Đức Mẹ hợp tác.”
 
“Dây nối buộc” hay “tình ái tương giao” trên đây trong Thánh Kinh còn được gọi là “giao ước”.  Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã có những giao ước khác nhau với nhân loại. Trước hết với nguyên tổ Ađam và Evà qua việc dặn hai ông bà không được ăn trái cấm; và sau khi hai ông bà đã bất tuân Thiên Chúa lại hứa sẽ ban Đấng Cứu Độ. Kế đến, sau lụt đại hồng thủy, Thiên Chúa đã có giao ước với Nôe như được nói đến trong bài đọc một của Phụng Vụ hôm nay.
 
 
Sau đó, Thiên Chúa đã chọn Tổ Phụ Abraham và giao ước với ông qua phép cắt bì. Nổi bật nhất trong Cựu Ước là giao ước Thiên Chúa ký kết với dân Israel trên núi Sinai qua trung gian Môsê sau khi họ ra khỏi Aicập. Sứ mạng chính của các ngôn sứ trong Cựu Ước là nhắc dân Chúa nhớ lại giao ước của họ với Thiên Chúa, và kêu gọi họ trung tín với giao ước ấy để được sự chúc lành của Thiên Chúa.
 
 
Thực vậy, công trình cứu độ của Thiên Chúa mà  đỉnh cao là Hy Lễ Thánh Giá của Chúa Kitô được làm mới lại trong từng Thánh Lễ. Chúng ta được nghe linh mục long trọng đọc lời truyền phép rượu: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.
 
 
Toàn bộ Tân Ước cho thấy Chúa Giêsu chính là giao ước mới và vĩnh cửu Thiên Chúa ký kết với nhân loại trên Đồi Canvê, như được nói đến trong sấm ngôn của Isaia: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm lấy ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt ngươi làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước” (Is 42:6). Lời mời gọi “Sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15) của Chúa Kitô trong Phụng Vụ hôm nay là lời mời gọi chúng ta chấp nhận giao ước tình yêu với Thiên Chúa, cũng có nghĩa là đón nhận chính Chúa Kitô, sống theo Lời Người, có cùng tâm tư của Người và trở nên giống Người. Tất cả những người chấp nhận giao ước này làm thành một dân mới của Thiên Chúa. Đó chính là Hội Thánh. Bí Tích Rửa Tội do Chúa Giêsu thiết lập là để đánh dấu giao ước giữa Thiên Chúa và mỗi người chúng ta.
 
 
Mùa Chay là thời gian quý giá để chúng ta nhắc nhở chúng ta về giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa với chúng ta, giúp chúng ta canh tân giao ước giữa chúng ta với Người và sống trọn vẹn hơn với giao ước này. Hành trình 40 ngày của Mùa Chay đưa chúng ta đến việc long trọng lập lại giao ước tình yêu với Chúa trong Nghi Thức Lập Lại Lời Thề Ngày Chịu Phép Rửa Tội trong Đêm Phục Sinh.
 
 
Tin Mừng hôm nay tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng cả một chương trình giúp chúng ta canh tân và phát triển lòng tin của mình.
 
1.Trước hết, như Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa để chịu cám dỗ, chúng ta cũng phải nài xin Chúa ban cho chúng ta biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để xa lánh sự ồn ào và những cám dỗ của thế gian , để tìm kiếm cô tịnh và thinh lặng hầu có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tìm lại chính mình. Giảm bớt hay bỏ hẳn việc đọc sách báo, nghe radio hay CD, xem DVD, Tivi hay internet, những cuộc tiếp xúc nói chuyện không cần thiết để có thêm thời giờ thinh lặng và cầu nguyện là một phương thức rất hiệu quả giúp chúng ta canh tân đời sống nội tâm.
 
 
2.Kế đến, việc đọc, nghe, ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa được trình bày trong Thánh Kinh và Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo là cách tốt nhất giúp chúng ta hiểu biết đức tin cách đầy đủ đúng đắn, và gặp gỡ Thiên Chúa một cách thiết thân hơn. Đọc các sách tu đức và hạnh cách thánh cũng là một phương thế rất hiệu nghiệm giúp chúng ta bồi dưỡng tâm linh.
3.Từ việc am hiểu Lời Chúa và giáo lý, chúng ta sẽ sốt sắng chuyên chăm lãnh nhận các Bí Tích nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể là phương thế tuyệt hảo giúp chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và trở nên chi thể sống động của Nhiệm Thể Người là Hội Thánh.
 
 
4.Chúng ta cũng không thể bỏ qua việc thực hành khổ chế trong việc ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, tiêu xài và các sở thích cá nhân giúp chúng ta rèn luyện ý chí để chiến thắng chính mình. Một ý chí mạnh mẽ để cộng tác với ơn Chúa là điều không thể thiếu được trong đời sống tâm linh, trong nỗ lực sống thánh. Cái đói thể lý của chay tịnh vừa nhắc chúng ta nhớ đến cái đói của tâm linh, vừa giúp chúng ta biết cảm thông cảnh đói nghèo của những người túng cực. Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra nhu cầu phải bồi dưỡng tâm linh bằng những của ăn tinh thần và quảng đại hơn trong việc giúp đỡ những người túng cực. Một chiều kích cao hơn của việc hãm mình là vui lòng hay nhẫn nại chấp nhận và thánh hoá tất cả những đau khổ bệnh tật trái ý trong cuộc sống hằng ngày, khi kết hợp chúng với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.
 
 
5.Vì đức tin có chiều kích cộng đồng, chúng ta cần tích cực tham gia vào đời sống cộng đoàn hay giáo xứ. Đặc biệt, mỗi gia đình Công giáo cần có bữa cơm chung và buổi đọc kinh cầu nguyện chung mỗi ngày. Chính qua nhờ tham gia vào các  sinh hoạt chung như thế, chúng ta có cơ hội học hỏi và lớn lên trong tình yêu Kitô giáo. Đời sống cộng đoàn giúp chúng ta học biết yêu thương đích thực qua việc chấp nhận nhau, chịu đựng nhau, giúp đỡ nhau, phục vụ nhau và xây dựng cho nhau: “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”.
 
 
6.Cuối cùng, chúng ta cần gia tăng lòng sùng kính đích thực dành cho Mẹ Maria qua việc năng tưởng nhớ Mẹ, kêu cầu Mẹ và noi gương Mẹ. Vì Mẹ vừa là mẫu gương tuyệt hảo của lòng tin vừa là Mẹ sinh ra lòng tin nơi chúng ta. Chính Mẹ sẽ giúp chúng ta ghi nhớ và giữ trọn giao ước tình yêu với Chúa.
 
 
Để giúp chúng ta dễ xét mình và canh tân đức tin mỗi ngày, chúng ta có thể tự hỏi mình những câu hỏi được đặt ra cho các anh chị em dự tòng, trước khi họ được lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, qua lời khảo hạch của linh mục như sau: “Sự sống vĩnh cửu là anh chị em nhận biết Thiên Chúa thật và Đấng Người sai đến là Đức Giêsu Kitô. Vì chưng Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, đã được Thiên Chúa đặt làm nguồn mạch sự sống và Chúa Tể mọi loài hữu hình và vô hình. Sự sống ấy, hôm nay anh chị em đã không xin cùng với Bí Tích Rửa Tội, nếu anh chị em đã không biết Đức Kitô và không muốn trở nên môn đệ Người. Vậy, trước đây anh chị em đã nghe lời Người, đã muốn tuân giữ giới răn Người, đã sống tình huynh đệ và cầu nguyện chưa? Để trở thành Kitô hữu, anh chị em đã làm những điều ấy chưa?”
 
 
Chúng ta không phải đợi đến Lễ Vọng Phục Sinh mới làm lại giao ước tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa. Để được liên tục lớn lên trong đời sống đức tin, chúng ta phải làm lại giao ước này từng ngày, nhất là khi chúng ta tham dự Thánh Lễ. Thực vậy, công trình cứu độ của Thiên Chúa mà  đỉnh cao là Hy Lễ Thánh Giá của Chúa Kitô được làm mới lại trong từng Thánh Lễ. Chúng ta được nghe linh mục long trọng đọc lời truyền phép rượu: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.
 
 
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ân cần khuyên dặn chúng ta: “Lúc đọc hay nghe lời truyền phép mỗi ngày, với tất cả tâm hồn con làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu, giữa Chúa Giêsu với con, bằng máu con hòa trong Máu Chúa” (Đường Hy Vọng # 378).
 
 
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết canh tân giao ước tình yêu của chúng con với Chúa Giêsu Con Mẹ mỗi ngày. Xin giúp chúng con ghi nhớ và giữ trọn giao ước ấy hôm nay và mãi mãi. Amen.
 
 
 
Lm Phạm Quốc Hưng