Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chia sẻ mùa Chay!

Tác giả: 
Lâm Xuyên

 

 

Chia sẻ mùa Chay!

 

Mùa Chay là dịp thuận tiện để giúp tín hữu nhìn lại chính bản thân mình cách rõ ràng hơn, đồng thời cùng là mùa ân sủng giúp các tín hữu hăng say trong cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí.


Sám hối sửa mình, ăn chay cầu nguyện và làm phúc bố thí chính là điểm nòng cốt nhất của kitô hữu trong việc sống làm chứng cho Tin Mừng. Nếu như cái đẹp nhất, thiêng liêng nhất và cao quý nhất trong trái tim và tâm hồn người công giáo là Thiên Chúa – đối tượng duy nhất của lòng trí người tín hữu thì khía cạnh thứ hai không hơn không kém phần quan trọng đó chính là giới răn yêu thương. Hẳn trong mọi tín hữu không ai có thể quên được giáo huấn mà Thầy Giêsu đã để lại cho môn sinh của mình trước khi Ngài rời bỏ trần thế mà về cùng Cha: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12).


Lời Chúa là chân lý và là ánh sáng soi dẫn bước đường người tín hữu mỗi ngày trên hành trình đức tin của mình. Sách Công vụ Tông Đồ đã ghi lại: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20, 35). Đây không chỉ đơn thuần là một lời khuyên đạo đức, hay chỉ là một lệnh truyền đến với chúng ta từ bên ngoài. Đòi hỏi và nhu cầu trao ban là một khuynh hướng sẵn có trong sâu thẳm tâm hồn con người và chỉ khi con người chúng ta sẵn sàng trao ban chính mình cho kẻ khác khi đó chúng ta mới có thể đạt tới sự thành toàn.


Tâm tình mùa chay, Thiên Chúa muốn chúng ta lột bỏ con người cũ của mình và tiến bước theo Ngài trên hành trình mới. Đọc lại sách ngôn sứ Isaia ta thấy chính Thiên Chúa rất yêu thích việc làm bác ái, Ngài coi trọng việc bác ái còn hơn việc trai tịnh (Is 58, 1 -12); Còn đối chiếu với Tin Mừng Lu-ca ta thấy: Chúa đến với những người tội lỗi để giúp họ ăn năn sám hối (Lc 5, 27 -32). Đặc biệt, trong tình liên đới với tha nhân thì Thiên Chúa còn chỉ rõ cho những người tiến dâng lễ vật nhưng trong lòng mình hãy còn bất hòa, Ngài đã phán: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ vật”(Mt 9, 13; 12, 7); “hãy bỏ lễ vật đó về làm hòa với tha nhân trước rồi đến dâng lễ vật” (Mt 5,20-26).


Thật khủng khiếp, ngày hôm nay chúng ta lại chứng kiến sự đổ vỡ và xuống dốc trong tình liên đới giữa con người với nhau. Chính cuộc sống vì đồng tiền và vụ lợi đã cuốn hút con người đi vào trong vòng xoáy luẩn quẩn và chạy đua với lợi lộc vật chất mà quên đi căn tính và nhân phẩm của mình. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đã thống trị gần như toàn bộ xã hội loài người. Thêm vào đó kinh tế toàn cầu hóa đã thúc đẩy xã hội mọi nơi tha hồ du nhập lối tư tưởng tư do khoái lạc, hưởng thụ và chủ thuyết tương đối đã một mặt làm mất cân bằng trạng thái tâm lý cũng như bào mòn tư chất con người. Tuy nhiên, ta không thể phủ nhận được mặt tích cực của nó là đem lại cho xã hội có cơ hội tiếp cận được những thành tựu tiến bộ của khoa học công nghệ, con người có nhiều cơ hội trong việc làm và tiếp cận với thế giới bên ngoài cách nhanh chóng. Ta không thể phủ nhận lợi ích lớn lao mà khoa học công nghệ cũng như hiệu quả nền kinh tế toàn cầu đem lại. Nhưng chính những thứ đó một mặt cũng làm gia tăng khoảng cách cách biệt giữa giàu và nghèo mà ai cũng có thể thấy rõ. Bởi người giàu càng có cơ hội tiến xa hơn, nhanh hơn trên sự nghiệp làm giàu còn người nghèo lại càng trở nên thiếu thốn hơn.


Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến được sự phát triển đến chóng mặt các thành tựu khoa học kỷ thuật cũng những hệ lụy kèm theo của kinh tế, chính trị, quân sự như trong thời đại chúng ta bây giờ. Đáng lý ra nếu theo lẽ thường tình thì sự phát triển của khoa học kỷ thuật và công nghệ đưa đến những thành tựu lớn lao như vậy thì nó phải giúp cho con người chúng ta ngày nay có được cuộc sống sung túc và đầy đủ, không còn phải chứng kiến cảnh người nghèo đói chết lả đó đây. Thật là một nghịch lý, nhân loại càng tiến xa trên con đường chinh phục tự nhiên và thống lãnh tri thức, trí tuệ, đưa công nghệ phục vụ cho con người bằng muôn vàn cách thế thì đáng lý ra nó có thể khỏa lấp đi phần nào ranh giới phân biệt giữa người giàu và người nghèo, đàng này ta lại chứng kiến cảnh ngược lại một cách trớ trêu. Người giàu thì tiếp tục giàu và giàu lên không ngừng, còn người nghèo thì vẫn cứ nghèo và càng thêm nghèo hơn...


Theo thống kê của tổ chức nông lương quốc tế của Liên Hiệp Quốc (FAO), người ta đã tính được là hàng năm, có đến 15 triệu trẻ em phải chết vì đói do thiếu dinh dưỡng. Như vậy thì cứ mỗi ngày có đến 40 ngàn trẻ em phải từ giả cõi đời mà không phải vì bất cứ căn bệnh nào mà hoàn toàn do cái đói đã cướp đi tính mạng. Ngay trên đất nước Mỹ, một quốc gia hùng cường mà người ta còn thấy được là hàng năm vẫn còn rất nhiều người chết vì đói...trong khi đó hơn 80% người Mỹ hằng ngày phải đưa thức ăn dư thừa ra bãi rác.


Có nhiều nguyên nhân đưa đến cái nghèo đói: Có những nguyên nhân nằm trong chính sách kinh tế, chính trị, xã hội ... phần lớn là sự đối xử lệch lạc giữa các quốc gia lớn, giàu có áp đặt lên những quốc gia nhỏ bé kém phát triển như việc cấm vận, ... Hay ngay trong từng quốc gia việc điều chỉnh và chính sách kinh tệ không phù hợp đã đẩy đưa xã hội lún sâu trong tình trạng nghèo đói gia tăng... Tuy nhiên, xét cho cùng thì nguyên nhân sâu xa nhất hệ tại ở trong chính bản thân con người, đó là do sự ích kỷ hẹp hòi, thiếu quan tâm đến người khác.


Nếu như chỉ cần 1/10 những nhà tỷ phú giàu có trên thế giới chia sẻ một phần của cải của mình cho những người nghèo thì sẽ không còn một ai phải chết vì đói. Nếu mỗi quốc gia thay vì dùng tiền mua bong đạn, súng ống và các loại vũ khí mà mua lấy lương thực, thuốc men chu cấp cho người nghèo khổ thì cái bóng chết chóc do đói nghèo sẽ không còn tồn tại trên quốc gia họ nữa. Chúng ta thấy có nhiều nơi cuộc sống quá dư thừa, người ta phung phí thức ăn dư thừa cách thoải mái nhưng cũng không thiếu những nơi trẻ em phải chết đói chết lã trên những bãi hố rác.


Có những nơi con người tha hồ thỏa thích vui chơi trong những biệt thự sang trọng, ném tiền vào những trò chơi bất chính, đàng điếm, chích hút, cờ bạc, rượu chè say sưa... nhưng cũng không thiếu những cảnh đó đây những bệnh nhân đang phải quằn quại đơn đau, vật lộn chờ chết chỉ vì không có đủ tiền để chạy chữa bệnh tật... Ta hãy tự đặt câu hỏi: "Con người thực sự không biết đến chia sẻ hay là không muốn chia sẻ?"; Thái độ dửng dưng trước cảnh đói nghèo không phải là hiếm thấy, đôi khi chỉ với những đồng tiền lẻ trong túi của chúng ta cũng có thể nuôi sống một ai đó trong cảnh đói nghèo?
Sống trong một xã hội và thế giới như thế, người tín hữu cần nổ lực hơn bao giờ hết, là sống chứng tá cho Tin Mừng. Đặc biệt trong năm “Sống Đức Tin” này, tinh thần bác ái kitô giáo là một trong những cách thế tốt nhất để thể hiện lời chứng của mình. Thánh Phaolô khẳng định răng: “bác ái đó là mối giây liên kết tuyệt hảo” trổi vượt trên mọi đức tính (x. Cl3,14) và Ngài khuyên nhủ chúng ta hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, vì “lòng bác ái thì không được giả hình, giả bộ” (Rm 12,9). Bác ái ngay trong tư tưởng, trong lời ăn tiếng nói và nơi cung cách hành xử của chúng ta hằng ngày. Có rất nhiều người sống tâm tình Mùa Chay mới chỉ dừng lại ở điểm bề ngoài: Đọc kinh cầu nguyện lâu giờ; ăn chay nhiều ngày trong tuần nhưng môi miệng họ thì vẫn luôn chất chứa những điều tục tĩu và sẵn sàng nguyền rủa bất cứ ai đụng chạm tới mình. Cúng có nhiều người sẵn sàng rút tiến túi để bố thí cho kẻ khó nhưng ở ngoài chợ thì vẫn buôn gian bán lận … nhưng tất cả những thứ họ làm là vì ai? Chúa có mong muốn điều đó chăng?



Mùa Chay, Tin Mừng Chúa đòi hỏi mỗi chúng ta là biết chia sẽ và trao ban cho kẻ khác như chính Đức Kitô đã trao ban cho chúng ta.


Hãy nhìn vào cõi lòng mình xem, trong lồng ngực của mỗi chúng ta, ai cũng có một trái tim phải không? Đáng lý ra, mọi trái tim phải có chức năng giống nhau là khả năng để yêu thương và trao ban. Trái tim chính là một thứ quà tặng vô giá Thiên Chúa muốn dành cho ta để chúng ta biết dùng nó mà sống yêu thương sẻ chia, đồng cảm và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Trái tim nó không phải là món hàng để mua bán hay trao đổi mà phải là món quà dành để trao tặng nhau. Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết; Một trái tim không còn biết rung động trước những khổ đau, hoạn nạn của kẻ khác là một trái tim khô cằn sắt đá và đáng vứt đi. Cớ sao chúng ta không dùng chính trái tim là món quà quý giá nhất của tạo hóa để rồi chúng ta trao tặng nhau những niềm vui cuộc sống?


Tuy cuộc sống còn thì sự đói nghèo trong nhân loại không thể nào mất đi, nhưng đối với chúng ta và đối với cả nhân loại đều nhận thấy được là cái đói về thể lý chỉ là một phần nhỏ đáng sợ cho cuộc sống chúng ta, mà chính cái đói về tình yêu thương giữa con người cái đó mới khủng khiếp. Cái đói lớn lao nhất, đáng lưu tâm nhất đó chính là cái đói về "CHÂN - THIỆN - MỸ" và tình yêu giữa đồng loại với nhau. Một khi đói khát tình yêu thương giữa nhân loại không còn nữa thì mọi cái đói kèm sau đó ắt sẽ được giải quyết. Một lần nữa chúng ta lặp lại lời mà sách công vụ tông đồ đã nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.  Chúng ta hãy trao ban, hãy cho đi không chỉ của cải vật chất, mà cho đi cả những gì chúng ta có như là kiến thức, tài năng, khả năng yêu thương, hay ngay chính cả bản thân chúng ta và xa hơn nữa là cho đi ánh sáng Tin Mừng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã trao phó cho mỗi chúng ta khi chúng ta lãnh nhận Phép Thánh Tẩy. Để rồi Thiên Chúa là Cha chung nhân hậu, Đấng thấu suốt mọi nơi bí ẩn sẽ trả công cho chúng ta cách xứng đáng nhất. 



Joseph_lâm xuyên