Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tình Phụ Tử

Tác giả: 
Pt Đặng Phi Hùng

Tình Phụ Tử

 

                                                                                                    PT Phêrô Đặng Phi Hùng

 

          Nói tới tình cha con, người Việt-Nam chúng ta có câu: “Công Cha như núi Thái Sơn.” Ngụ ý tình thương và công lao của cha mình bao la hoành tráng lắm. Vì thương yêu con, người cha có thể làm bất cứ việc gì cần thiết để có thể bảo vệ mạng sống cho con mình.

 

            Trong cuốn phim nổi tiếng đã thắng nhiều giải thưởng quốc tế có tựa đề “Life Is Beautiful” (Đời đẹp lắm) vào năm 1998 nói về tình thương của hai cha con người Do Thái. Gia đình cha mẹ trẻ Guido và Dora đang sống yên lành hạnh phúc với đứa con trai tên Giosue 7 tuổi của mình thì bỗng dưng hai cha con bị đày vào trại tập trung trước khi bị đưa vào lò sát sinh trong thời độc tài Hitler. Ở trại tập trung, do sáng kiến từ tình thương, Guido đã tưởng tượng và tạo cho Giosue một thế giới ảo tưởng bằng một cuộc đi chơi nghỉ hè (vacation). Để tránh cho con nhìn thấy sự kinh hoàng lò thiêu sống của Đức Quốc Xã, anh đã gợi cho con là hai cha con sẽ cùng dự một cuộc thi mà giải thưởng sẽ là một cái xe tăng. Và để được thắng giải nầy, Guido bảo con phải đi trốn và đừng để công an Đức nhìn thấy nó. Hằng ngày Guido tìm cách lén dấu thức ăn và mang đến chỗ Giosue trốn để nuôi con. Anh còn tìm đủ mọi cách để bảo vệ con và diễn nhiều trò hề, kể nhiều chuyện tếu để con trai của anh vui, cười và quên chuyện tù ngục.

            Trước khi trại tập trung gần hỏa lò nơi hai cha con bị giam được giải phóng từ quân đội đồng minh, Guido đã bị giết nhưng Giosue con anh được sống sót. Sau đó Giosue được đoàn tụ với mẹ là Dora. Cuốn phim đã làm rơi lệ hằng triệu khán giả vì tình thương của một người cha đối với con mình.

 

            Bài đọc I hôm nay kể chuyện cha con ông Abraham và Isaac, một đứa con “cầu tự.” Bà Sarah và Abraham hiếm muộn, “lạy lục cúc bái” mãi đến lúc về già mới có đươc đứa con trai nầy. Bà Sarah vui mừng vì Chúa đã “cất đi niềm tủi nhục không con” nơi bà. Còn Abraham đinh ninh rằng Chúa đang thực hiện lời Ngài đã hứa với ông khi ban cho ông đứa con “nối dõi tông đường” Thời gian nầy cũng giống như anh Guido và chị Dora trong phim “Life Is Beautiful.” Họ chỉ có một con trai duy nhất và đang vui hưởng hạnh phúc thì bỗng nhiên Chúa ra lệnh cho Abraham phải giết con mình để làm của lễ hiến tế! Chúng ta hãy hình tượng tình cảnh của Abraham lúc bấy giờ. Chắc chắn lòng ông nổi lên nhiều câu hỏi, nhiều nghi vấn, nhiều hoài nghi về một lệnh truyền có vẻ “tàn nhẫn và độc đoán” của Chúa. Mâu thuẫn giữa một Thiên Chúa thử thách và một Thiên Chúa ban ơn, giữa một Thiên Chúa đòi buộc vâng lời tuyệt đồi và một Thiên Chúa nhân từ rộng rãi, giữa một Thiên Chúa đòi sự chết và một Thiên Chúa ban sự sống. Cuối cùng, lòng tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa đã thắng ý riêng của mình. Ông bằng lòng vâng lệnh Chúa.

 

            Thánh Phaolo qua bài đọc II tuyên xưng tình thương nầy trong thư gửi giáo đoàn Roma. Thánh nhân so sánh tình cha con của Abraham với tình thương của Chúa Cha dành cho Con Một của Ngài vô bờ bến. Thánh Phaolo đồng thời tiên báo tình thương bao la của Chúa Cha đối với nhân loại đến nỗi Ngài đã sai Con Một làm lễ hiến tế cho phần rỗi chúng ta.

            Hôm nay qua bài Tin Mừng, Thánh Matco cũng kể một câu chuyện khác về tình thương của một người Cha và một người Con khác trong câu chuyện biến hình trên núi. Sự liên hệ tình cảm của Cha Con trong bài Tin Mừng không chỉ dừng lại trong phạm vi Cha Con mà còn để mưu ích cho phần rỗi chúng ta. Tiếng phán từ đám mây nhận diện Con yêu dấu của mình trước sự chứng kiến của 3 môn đệ của Chúa Con. Người Con nầy rồi sẽ bị giết chết vì tội lỗi nhân loại, tội lỗi của những người mà Chúa Con gọi là bạn hữu thâm tình và cũng là con của cùng một Cha!

 

            Câu chuyện con người giữa Guido và Giosue, giữa Abraham và Isaac thì hai người con được sống sót và trở về sống cuộc đời bình thường của họ. Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha lại khác hẳn vì không dừng lại theo thời gian. Tình thương của Chúa Cha đối với nhân loại được thể hiện nơi lời nói và hành động trong con người Chúa Giêsu. Chúa thương con người vượt quá sự suy nghĩ và hiểu biết của nhân loại. Ai trong chúng ta có thể giải thích được tình thương đó khi nghĩ đến sự thương khó, cái chết và sống lại của Chúa Phục Sinh? Nhưng ai cũng biết được chính nhờ vậy mà chúng ta, những kẻ tin vào Con Một Ngài đều được gọi Chúa Cha là “Abba” nghĩa là Cha, và được hưởng gia sản Ngài như Thánh Phaolo viết trong thư gửi Galata.

 

            Bởi vì lòng tin tưởng của Abraham nơi Thiên Chúa mà ngày nay Abraham được xưng tụng là cha đẻ của đức tin và của những người tin trong các giáo phái lớn nhất thế giới: Công giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Judaism.

 

            Tuy nhiên là tín hữu chúng ta không thể chỉ muốn có một nửa liên hệ giữa Thiên Chúa và chúng ta. Không thể chỉ có muốn một Thiên Chúa ban ơn mà không chấp nhận một Thiên Chúa thử thách. Như Abraham chúng ta cũng phải hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa thử thách và tin tưởng rằng Ngài sẽ ban ơn vì có lúc Chúa cũng thử thách và ban ơn cho những kẻ có lòng tin.