Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng tin vâng phục

Tác giả: 
Lm Phạm Quốc Hưng
 
 
 
Lòng tin vâng phục  
    
 
(Chúa Nhật II Mùa Chay Mar. 4th, 2012)
 
 
Trong truyền thống của Do thái giáo và Kitô giáo, Tổ phụ Abraham luôn được xem như một gương mẫu của lòng tin. Bài đọc một trong Phụng Vụ hôm nay thuật về việc ông đã vượt qua thử thách lớn nhất về lòng tin của ông, khi ông đã vâng lời Thiên Chúa, chấp nhận đòi hỏi của Người, sẵn sàng sát tế Isaac, người con yêu quý duy nhất của ông mà chính Chúa đã ban cho ông. Đáp lại lòng tin của Abraham, Thiên Chúa đã sai thiên thần ngăn cản để ông khỏi giết Isaac, và đã chúc phúc cho ông với những lời sau: “Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi đã không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta.” (St 22:16-18)
 
 
Ở đây, chúng ta thấy rõ Chúa không cần của lễ nơi Abraham nhưng chỉ cần lòng tin được biểu lộ qua sự vâng phục của ông. Tổ phụ Abraham được chúc phúc vì đã vâng phục Lời Chúa. Điều này được gặp thấy trong lời Ngôn Sứ Samuel quở trách Vua Saulê vì nhà vua đã không vâng lời Chúa khi giữ lại những súc vật phải tru hiến với lý do để làm của lễ dâng Chúa: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn dâng mỡ cừu” (1Sm 15:22).
 
Như vậy, của lễ quý nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa chính là lòng tin vâng phục.
 
Lòng vâng phục tuyệt hảo nhất cũng như của lễ quý giá nhất mà Thiên Chúa gặp thấy và đón nhận từ nhận loại chính là lòng vâng phục của Chúa Giêsu được thể hiện cách trọn vẹn nơi Cuộc Khổ Nạn và được hoàn tất với cái chết trên Đồi Canvê của Người, mà Isaac và con cừu trong bài đọc một chỉ là tiên trưng.
 
Trong trình thuật về việc Chúa Giêsu biến hình trên núi trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta được nghe lời Chúa Cha phán với các môn đệ thân tín nhất của Chúa Kitô: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc 9:7)
 
Tại sao Chúa Cha yêu dấu Chúa Giêsu? Dĩ nhiên, Chúa Cha từ đời đời vẫn yêu mến Chúa Giêsu vì Chúa Giêsu cùng là Thiên Chúa và là Con Một được Chúa Cha sinh ra từ đời đời. Nhưng xét theo bản tính nhân loại, Chúa Giêsu được Chúa Cha yêu mến hơn tất cả mọi người vì Người có lòng yêu mến vâng phục trọn hảo nhất dành cho Chúa Cha. Ngài đã trở thành hiện thân và gương mẫu của đức vâng phục trọn hảo mà con người phải có đối với Thiên Chúa.
 
Thật vậy, tác giả thư gửi tín hữu Do thái viết: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xóa tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10:5-7). Đây chính là kim chỉ nam cho tất cả cuộc đời Chúa Giêsu.
 
Cuộc đời của Chúa Giêsu có thể được coi là một chuỗi ngày vâng phục liên lỉ.  Phúc Âm tóm gọn cuộc đời ẩn dật của Người tại Nazareth trong một câu ngắn gọn: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazareth và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51). Thi hành ý Chúa qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa là điểm then chốt trong lời giảng dậy của Chúa Giêsu. Khi rao giảng về Nước Trời, Chúa Giêsu đã đặt việc nghe và giữ lời Chúa là điều kiện căn bản để vào Nước Trời: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ nhũng ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Chúa Giêsu còn đặt việc vâng phục ý Chúa là điều kiện  để trở thành thân nghĩa với Người: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:35). Người dạy rằng những người thực sự có phúc là những người lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).  Hơn nữa, Chúa Giêsu còn đặt việc lắng nghe và tuân giữ lời Chúa còn là biểu hiện cụ thể của lòng yêu mến của chúng ta đối với Người, và là điều kiện để chúng ta được Chúa Cha và Chúa Giêsu ở trong mình: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến Người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23).
 
Lòng vâng phục của Chúa Giêsu được thể hiện cách tuyệt vời khi Người cầu nguyện với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu trước Cuộc Khổ Nạn: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22:40). Và cái chết đau thương trên thập giá của Người được xem như một hành vi vâng phục Chúa Cha: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8).
 
Hơn nữa, Thánh Phaolô còn cho thấy tính cách quyết định của lòng vâng phục trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi viết: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 6:19).
 
 Như vậy, khi phán dạy các môn đệ Chúa Giêsu phải nghe lời Chúa Giêsu, Chúa Cha muốn cho họ thấy đó là cách thức tuyệt hảo và duy nhất để họ được Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc, để được trở nên những người con yêu dấu của Thiên Chúa, nghĩa là được trở nên giống Chúa Giêsu, Đấng mà các môn đệ đã được chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Người. Vì Thiên Chúa đã phán dạy tất cả nơi Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người.
 
Lời Chúa hôm nay đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ tích cực hơn đối với Lời Chúa-Lời đã tác thành chúng ta, Lời đã cứu chuộc chúng ta, và Lời có sức biến đổi chúng ta nên giống Chúa Kitô, như đã từng biến đổi bao tín hữu trong lịch sử Hội Thánh. Vì Chúa Giêsu luôn kết hợp mật thiết với Hội Thánh là Nhiệm Thể và Hiền Thê của Người, nên việc vâng nghe lời Chúa Giêsu cũng có nghĩa là vâng nghe lời Hội Thánh.
 
Vì vậy, nếu chúng ta thực tâm muốn đạt đến cùng đích của đức tin Công giáo, nghĩa là  trở nên giống Chúa Kitô hay nên thánh, chúng ta phải hâm mộ chuyên chăm việc đọc, nghe, ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa, được trình bày trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, được giải thích qua giáo huấn của Hội Thánh-đặc biệt là nơi Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, và được minh họa cách sống động tuyệt vời nơi đời sống các thánh.
 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo của lòng tin vâng phục. Cuộc đời Mẹ là một lời “Xin Vâng” liên lỉ. Xin Mẹ dạy chúng con biết thành tâm lắng nghe và thực hành Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, để chúng con được trở nên giống Chúa Giêsu-Con Mẹ. Amen.
 
 
 
Lm Phạm Quốc Hưng
 
 
 
****************************************