Lên đường thương khó
LÊN ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ
Suy Niệm Lời Chúa CN II Mùa Chay B
Lên núi
Abraham và Sara lúc tuổi đời đương tận, Chúa đã ban cho ông bà một đứa con hồng phúc là Isaac. Isaac rạng ngời tuổi xuân xanh, lớn nhanh, xinh đẹp, khôn ngoan và thành tín. Đôi má thiếu niên như quả hồng ửng chín. Tiếng suối reo vui, thua kém nụ cười . Hạnh phúc tuổi già thêm thắm thêm tươi, nhờ giọng đùa vui êm đềm như khúc hát. Nhưng Thiên Chúa thử lòng tín thác:
“Ngươi hãy đem đứa con hồng phúc, đến đất Meriyah
Mà tế lễ thượng hiến cho Ta
Trên một quả núi Ta sẽ chỉ” (St 22,2)
Lòng Abraham quặn đau như cắt, khi phải tế lễ đứa con yêu. Nhưng vì niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, ông thưa: “Lạy Thiên Chúa, vâng Lời Ngài phán dạy.Tôi sẽ lên đường đi về nơi ấy, và bằng lòng tế lễ đứa con yêu.”
Hôm sau, trời sáng nhẹ, gió hiu hiu
Ông đưa con lên núi…
Khi ông vung gươm sát tế con mình, thiên thần Chúa xuất hiện: “Hãy nghe đây, đừng hại con trẻ nữa. Thiên Chúa đã biết ngươi, luôn tín thác nơi Người. Ngươi kính sợ Chúa, và vâng lời Thiên Chúa, bằng lòng tế lễ chính con một của mình”. Ông nói với con: “Con yêu của Cha, Hãy tạ ơn Thiên Chúa quyền linh. Kìa con cừu mắc sừng vào bụi rậm-thánh ý nhiệm mầu từ trời cao thẳm-sẽ thay con làm lễ tế Thiên Chúa chí cao”.
Chuyện xảy ra trên núi…Thiên Chúa đã ký Giao Ước với Abraham. Uy quyền của Thiên Chúa trở thành tình thương tuyệt đối dành cho người có lòng tin tuyệt đối.
Từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã hò hẹn với con người trên núi, để tỏ cho con người biết uy quyền, ý định, và tình thương của Ngài, như đã hò hẹn với Mô-sê ở núi Si-nai, với Elia ở Horeb, với Abraham trong câu chuyện St 22,1-2.9a.10-13.15-18.
Hình ảnh “con cừu mắc sừng vào bụi rậm” làm lễ tế thay cho Isaac là hình ảnh tiên báo cho “Con Chiên Thiên Chúa”, Đức Giêsu, chịu sát tế đền thay tội lỗi nhân loại.
Hôm nay, đã sắp đến giờ trọng đại ấy. Biết các tông đồ trong tình trạng khiếp sợ trước các thế lực chống đối, trước con đường thương khó sắp đến, trước giờ chịu sát tế, Chúa Giêsu đưa ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor, để các ông chứng kiến tận mắt thiên tính và sứ vụ của con người Giêsu mà các ông đang cộng sự.
Không có con đường lên núi nào dễ dàng cả; không ngoằn ngoèo, khúc khuỷu thì cũng sỏi đá, gai góc um tùm. Và tư thế đi lên bao giờ cũng bị sức hút của trái đất kéo xuống, làm bước chân thêm nặng.
Núi không chỉ mang duy nhất một nghĩa vật lý, mà còn là biểu trưng của một sự hướng thượng, hướng tâm lên cùng Thiên Chúa. Cũng vậy, không có sự hướng thượng nào mà không khỏi những kéo lôi của chiều hướng hạ.
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta cùng Ngài lên núi, bằng cách tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa uy quyền và đầy tình thương như lòng tin của Abraham, bằng một cuộc vươn lên khỏi những sức cuốn hút nặng nề của những điều xoàng thường hư hèn trong cuộc sống. Vì, cuộc chiến đấu trong mùa Chay, trong đời người, không dừng lại, không ngủ quên trên chiến thắng những cơn thử thách những cám dỗ trong hoang địa cuộc đời, mà còn phải cùng Đức Giêsu đi lên với Thiên Chúa, đi vào mầu nhiệm vinh hiển của Thiên Chúa, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.
Biến hình
Trên núi Tabor, Chúa Giêsu đã gặp gỡ Thiên Chúa, đã đàm đạo với Mô-sê và Elia. Không có một phóng viên nào, một hãng thông tấn nào có thể nắm được nội dung cuộc hội kín ấy. Chỉ có thể tường thuật điều đã trông thấy là thân xác sáng láng vinh hiển của Chúa Giêsu. Một sự thật huy hoàng vượt quá trí khôn trí hiểu của loài người, làm Phêrô choáng ngợp đến bộc phát cái cảm tính rất người của mình: "Thưa Thầy, chúng con ở đây thì sướng lắm. Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông E-li-a." ( Mc 9, 5)
Chúa Giêsu muốn cho các tông đồ hiểu rằng đang có một sự kết hợp toàn vẹn – toàn tâm toàn ý- giữa Cha và Con trong hào quang của Thánh Thần. Và, vinh quang của Thiên Chúa tỏ hiện ra nơi Đức Giêsu, người Con chí ái. Thân xác sáng láng tinh tuyền ấy, không phải là sự biến đổi, biến hình, nhưng là sự mạc khải, sự tỏ bày thiên tính hằng có của Ngôi Con Thiên Chúa trong Đức Giêsu.
Không nhất thiết vì câu nói đơn sơ của Phêrô, nhưng vì ý định mạc khải của Thiên Chúa, một tiếng vọng thần linh đã xé toang cả chín tầng mây dội xuống cho con người thấu hiểu mạc khải cách trọn vẹn: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người." (Mc 9, 7)
Vào mùa chay, với lời nhắc nhớ thân phận con người, mỏng manh hư hèn như một hạt bụi nhỏ nhoi trong trời đất. Nhưng quí hóa thay, Thần linh đã thổi vào hạt bụi vô danh ấy sự sống Thiên Chúa, làm cho con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Và hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta niềm xác tín vững chắc rằng chúng ta cũng sé có “một thân xác sáng láng tinh tuyền” khi “vâng nghe lời Chúa Giêsu” để cùng Ngài đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Chúa Giêsu không biến hình, nhưng Ngài làm cho mỗi chúng ta biến hình từ tình trạng hư hèn đến bền vững, từ tăm tối nên sáng láng, từ ngu muội xấu xa thành khôn ngoan tuyệt mỹ… với điều kiện, chúng ta có lòng tin tuyệt đối và chấp nhận lên núi với Ngài - ngọn núi sát tế trong chương trình cứu thế. Như thế, ngọn núi Tabor không chỉ là nơi ‘mạc khải thần tính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu’ mà còn mạc khải công trình phục sinh vinh hiển của Ngài bắt đầu từ cuộc thương khó mà các tông đồ sẽ tham dự. “Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lạ. iCác ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì”. (Mc 9,9-10)
Lên đường thương khó
Không ở lại trên núi với vinh quang mạc khải, nhưng để được vinh quang ấy, Đức Giêsu phải trải qua một đoạn đường đầy đắng cay tủi nhục. Thầy trò xuống núi. Và bắt đầu vào cuộc thương khó kinh khủng nhất của đời Người Cứu Thế: Chết để sống lại.
Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta, những ai muốn sáng láng vinh hiển với Người, hãy bắt đầu ngay cuộc xuống núi để lên đường thương khó, đau khổ và có thể tử nạn ấy.
Nhờ xác tín chịu đau khổ với Đức Giêsu, cùng chết với Chúa Giêsu, đồng nghĩa với niềm hy vọng vinh quang cùng Ngài, nên đã có biết bao con người dấn thân vào cuộc đời tăm tối:
-Cùng Chúa Giêsu đến với những người đau khổ. Có những người chấp nhận làm những người điên đến chia sẻ với người đầu đường xó chợ, những người khuyết tật, những người tâm thần, những người phung cùi trong cái túi của số phận suốt đời thua kém, những người chui rúc trong khu ổ chuột hôi thối, hay dưới các gầm cầu. Có những chuyến về Việt Nam đầy ý nghĩa của một số anh chị em hải ngoại: không phải về Việt Nam thăm quê hương, mà là thăm tất cả những con người cùng khốn trong đất nước! Thiết nghĩ họ không đi một mình, họ đi với Chúa Giêsu, với tấm lòng của Chúa Giêsu. Những con người ấy, cùng Chúa Giêsu đã làm cho đau khổ biến hình thành niềm vui cho đời.
-Cùng Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót những người sống trong mặc cảm xấu xa vì tội lỗi. Có những người mở rộng trái tim tha thứ và đón nhận bao con người lầm lỡ mà xã hội đòi ném đá, kết tội, loại trừ. Có những người hy sinh cả thời gian tiền bạc để xây dựng nơi ăn chốn ở cho những người lầm lỡ, tạo mọi điều kiện cho họ có công ăn việc làm chân chính và phục hồi nhân phẩm quí giá cho họ. Mặc cảm tội lỗi được biến hình thành niềm ủi an, hy vọng.
-Cùng Chúa Giêsu, góp phần xây dựng hạnh phúc cho người. Có những em bé, những gia đình, những giáo xứ đã bắt đầu chương trình “hủ pig Tabor” ngay từ đầu mùa Chay, để những đồng tiền hy sinh bớt phần ăn sáng, phần quà, phần chi tiêu cà phê thuốc lá, rượu chè, phần sắm sửa, thẩm mỹ… sẽ biến hình thành những căn nhà tình thương, thành cơm gạo, thành chiếu chăn mùng màn cho người nghèo trong giáo xứ vào ngày Chúa Phục Sinh. Thật đáng trân trọng.
-Cùng Chúa Giêsu thu hồi lại những công trình của Thiên Chúa mà con người cố tình hủy diệt. Có những người ngày đêm dày vò trăn trở, anh dũng lên tiếng bảo vệ sự sống trước tình trạng triệu triệu thai nhi không được sinh ra làm người, mà phải chết tức tưởi từ trong đạo luật, từ trong ý hướng khoái lạc vô trách nhiệm của con người, rồi ra đến bọc ny lon, ra đến thùng rác. Cũng có những người âm thầm lượm mót từng xác thai nhi, an táng rồi thắp nén hương xin chính vong hồn thơ bé ấy thứ tha cho người đã hóa ngợm từ lâu. Những nấm mồ thai nhi được biến hình thành lời cảnh tỉnh tội ác của con người.
-Cùng Chúa Giêsu đấu tranh cho sự thật cho công bằng “trả cho Cesar những gì của Cesar, trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Biết bao người đã hy sinh cả phẩm hàm chức vị, danh dự, chịu bao lời mai mỉa, kết án của cuộc đời, chịu dùi cui, chịu hơi cay, chịu đánh chịu đập đổ máu đầu máu mũi, chịu đứng trước vành móng ngựa nhận những oan sai, chịu ngồi tù, chịu lưu vong, chịu chết vì công lý. Biết bao người mạnh dạn đòi lại những quyền cơ bản của con người, không chỉ có ăn no mặc ấm, mà còn được tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã tác thành và dưỡng nuôi. Những mồ hôi máu lệ khổ đau ấy đã biến hình thành Tin Mừng của Thiên Chúa.
Cùng Chúa Giêsu Cứu Thế, đi vào mọi ngõ ngách của cuộc đời, đi vào mọi tâm hồn đau thương, kể cả phải anh dũng đi vào những tâm hồn chai đá chống đối Thiên Chúa, để đem họ trở về với Thiên Chúa.
Những người đang lên đường thương khó, là những người có lòng tin tuyệt đối như Abraham, là những người sống trước mầu nhiệm phục sinh nhờ tin chắc Chúa Giêsu sẽ biến hình cho mình, là những người muốn sống trong mầu nhiệm Thiên Chúa, là những người xác tín mạnh mẽ như Thánh Phaolô: “Thưa anh em, có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8,31b-34)
Có biết bao người cùng Chúa Giêsu lên đường thương khó. Nhưng, trong số đó, có thể, chưa có bạn, chưa có tôi!
Tham dự tiệc Lời Chúa chúa nhật II mùa chay, chúng ta có cơ hội hỏi lại lòng mình có thực sự muốn phục sinh vinh hiển với Chúa không; nếu có, chắc chắn chúng ta không thể làm người vô tình trước những công việc của Chúa Giêsu, mà ngược lại, khẩn trương cùng Ngài lên đường cho công cuộc cứu thế và cứu rỗi chính mình, nhất là mùa chay nầy: cơ hội thuận tiện.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con lên núi với Ngài, để đức tin vào ơn Phục Sinh của chúng con được củng cố, và xin cho chúng con cùng Ngài lên đường thương khó để mang lại cho cuộc đời niềm hạnh phúc an vui. A men.
PM. Cao Huy Hoàng
- Loại bài viết: