Hương vị yêu thương
Hương vị yêu thương
Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (Mt 9:36).
GP Ban Mê Thuột – Trong 2 ngày 10 và 11-3-2012, ban chấp hành Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) của TGP Saigon và một số “khách” cùng đi làm công tác từ thiện Mùa Chay. Đoàn gồm 24 người. Nơi đến là 4 buôn làng thuộc GP Ban Mê Thuột, thuộc tỉnh Daklak. Làm từ thiện là bác ái, một trong 3 điều cần thiết để sống Mùa Chay: Ăn chay, cầu nguyện, và bác ái.
4 giờ 30 sáng thứ Bảy, 10-3-2012, đoàn chúng tôi đến nữ tu viện Đức Maria Nữ vương Hòa bình (1), tọa lạc tại 254 Xô viết Nghệ tĩnh, TP Ban Mê Thuột, sát bên Nhà thờ Duy Linh. Các nữ tu dòng này là những người hướng dẫn đoàn từ thiện đến các “giáo điểm” tại xã Ea Quế, huyện Cư M’gar, thuộc GP Ban Mê Thuột. Đúng 7 giờ sáng, 3 nữ tu hướng dẫn đoàn từ thiện lên đường tới 4 “giáo điểm”, trong đó có 1 “điểm” nhỏ nhất và 1 “điểm” lớn nhất, thuộc Gx Quảng Nhiêu. Tổng cộng chuyến công tác này có gần 700 phần quà (mì tôm, muối, đường, bột ngọt, nước mắm,…), linh ảnh LCTX và sách kinh. Nghe nói GP Ban Mê Thuột có hơn 100 buôn làng.
“Điểm” nhỏ nhất là Giáo họ Xê-đăng (2), với hơn 100 giáo dân người Xê-đăng (35 trong 40 gia đình). Theo tiếng Xê-đăng, câu “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài” được phát âm là “Jêxu, ui m’nho”. Thấy nguyện đường của họ quá “đơn sơ” mà mủi lòng, nhưng lại thấy khâm phục vì niềm tin của họ vẫn mạnh mẽ. Chuyện trò thấy họ thật thà và đơn sơ qua giọng nói “lơ lớ”, đồng thời họ cũng rất hiền hòa và thân thiện. Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kèm theo nụ cười rất tự nhiên. Đúng như Chúa Giêsu dạy: “Hễ CÓ thì phải nói CÓ, mà KHÔNG thì phải nói KHÔNG. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Những món quà trao tay có giá trị vật chất “nhỏ”, nhưng niềm vui của họ thật “lớn”!
“Điểm” lớn nhất là Giáo họ Kon H’ring, với hơn 300 gia đình. “Kon” nghĩa là buôn (ấp, thôn, làng), nên cũng gọi là Buôn H’ring. Theo tiếng Ba-na, câu “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài” được phát âm là “Jêxu Yang, proọc ui”. Được biết, “Yang” hoặc “Yàng” là cách người dân tộc thiểu số tôn xưng chúa tể thần linh (tiếng Việt phát âm là Giàng), như người Kinh gọi là Thiên Chúa, ông Trời, Thượng đế, Ngọc hoàng.
Đoàn từ thiện cùng chia sẻ bữa trưa và nghỉ ngơi tại Gx Kon H’ring. Một trong các món đặc sản là cơm lam và muối mọi, giản dị mà ngon miệng. Được biết Giáo họ Kon H’ring là 1 trong 18 Giáo họ thuộc Gx Quảng Nhiêu (thành lập ngày 15-8-1957), mỗi nơi cách nhau hơn chục km. LM chính xứ hiện nay là Gioan Nguyễn Sơn. Gx Quảng Nhiêu vừa có LM phó là Giuse Trịnh Văn Kính (thụ phong tháng 10-2010).
Buổi chiều, 15 giờ 30 bắt đầu nguyện kinh LCTX; 16 giờ 30 bắt đầu thánh lễ do LM Giuse Trịnh Văn Kính cử hành. LM Kính giảng theo “phong cách” dân tộc nên dùng cách nói giản dị nhưng không kém phần sâu sắc, với lối “hỏi-đáp” để những con-chiên-chất-phác-hiền-hòa dễ tiếp thu. Và họ cũng thật thà trả lời rất hồn nhiên.
Nhà thờ còn dở dang, tứ bề trống trơn, nhưng giáo dân vẫn sốt sáng tham dự khá đông, ước tính có hơn 600 người tham dự. Thật bất ngờ! Hai bên cung thánh có 2 điều “nhắc nhở”. Bên trái ghi: “Giáo dục Kitô giáo: Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9), bên phải ghi: “Sống đạo hôm nay: Xây dựng Văn hóa Sự sống – Văn hóa Tình thương”. Đó là những điều thực sự cần thiết cho cuộc sống trong xã hội ngày nay. Một “điều lạ” nữa là có lẽ gia đình nào cũng đi lễ cả nhà, vì thấy có vài chục em còn nhỏ, chưa xưng tội lần đầu, nhưng các em tham dự phụng vụ rất nghiêm trang (không nói chuyện, không ngọ nguậy, không quay ngang quay dọc,…), mặc dù không có người “canh chừng”. Đây là điều chúng ta nên “học tập” những con người mà chúng ta tưởng là họ “đáng thương” như vậy!
Một “điều lạ” khác là bộ lễ được ca đoàn hát bằng tiếng Ba-na với giai điệu Tây nguyên độc đáo (nhạc của Ns Dominique Hun), hòa theo là tiếng cồng chiêng và tiếng đàn ghi-ta theo phong cách người dân tộc lại càng tăng thêm nét độc đáo. Người dân tộc vốn dĩ có chất “lửa” trong lòng nên họ hát thật chắc chắn và dứt khoát, người nghe như được tiếp “lửa”, đặc biệt là Kinh Tin Kính (Inh Lui). Tôi thấy những người xung quanh, kể cả người lớn tuổi, đều hát lớn tiếng và hát hết mình. Các trưởng gia đình tham dự thánh lễ với chiếc áo truyền thống, gọi là Tụ-ten, làm bằng thổ cẩm màu đen với các sọc màu và tua màu sặc sỡ. Loại áo này họ chỉ mặc những dịp trọng đại.
Ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Một “điều lạ” khác nữa là hầu như 100% các giáo dân người dân tộc đều rước lễ. Chắc chắn Chúa Giêsu rất hạnh phúc với những “chiên ngoan” như vậy!
Sau thánh lễ, LM Kính và 3 nữ tu cùng một số anh chị em dân tộc đồng múa điệu cồng chiêng – món “đặc sản” của người dân tộc. Không khí trang nghiêm khi tham dự thánh lễ rất nghiêm túc, nhưng đến khi nhảy múa thì họ cũng nhảy hết mình, toát lên sự đoàn kết yêu thương như Chúa Giêsu đã dạy: “Anh chị em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh chị em” (Ga 15:12). Yêu thương không phân biệt ai, nhất là theo cách yêu thương của Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Thầy là cây nho, anh chị em là cành” (Ga 15:5). Tình yêu ấy phải được phát triển, nảy nở và lan rộng tới mọi nơi, tận sâu thẳm lòng mỗi con người, những chi thể trong Nhiệm thể Đức Kitô.
Ban Mê Thuột là thủ phủ cà-phê. Mùa này hoa cà-phê nở trắng toát màu thanh khiết, trong trắng và đơn sơ như tâm hồn những người dân tộc vậy.
Cái đặc biệt của Tây nguyên là đất đỏ. Mưa thì dính nhơ nhớp, nắng thì bụi mù mịt. Nhưng màu đất đỏ ấy lại mang màu “máu yêu thương” của Đức Kitô. Buổi sáng, cái lạnh không buốt giá mà chỉ mát đủ để thấy khoan khoái. Buổi trưa, cái nắng không hiểu sao tự nhiên lại bớt gay gắt, chỉ nhè nhẹ đủ thấy bóng cây cà-phê soi mình trên nền đất đỏ. Tiếng ve râm ran vang ra từ những tán lá tạo thành “giai điệu mùa hè” kỳ diệu như muốn ru lòng khách phương xa. Tây nguyên có một “đặc sản” khác là gió. Gió không lồng lộng mà cũng không hiu hiu, gió có nhiều mức độ và đủ làm người ta cảm thấy dễ chịu, như nhắc nhở đến Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, là luồng gió mát và ban sự sống.
Một trong những “đặc sản” vùng Tây nguyên là những cánh bướm nhỏ màu vàng bay lượn nhởn nhơ, phải chăng đó là thể hiện sự hồn nhiên của người dân tộc?
Ly cà-phê Ban Mê trở thành ly cà-phê đậm đà “hương vị yêu thương”, ai đã nếm thử thì khó mà quên được. Thật vậy, tác giả Thánh vịnh đã cảm nghiệm nên mời gọi: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay ai ẩn náu bên Ngài!” (Tv 34:9). Những anh chị em dân tộc thiểu số là những người chất phác và hiền lành, nên được Chúa khen: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4).
Trước khi chia tay Ban Mê Thuột, đoàn chúng tôi đến kính viếng Đức Mẹ Giang Sơn. Đây là trung tâm hành hương của GP Ban Mê Thuột, được LM Giuse Nguyễn Hữu Nghị cho khởi công xây dựng từ năm 1961 và khánh thành ngày 15-8-1963. Tượng Đức Mẹ (cao 6,30 m) được đặt trên một đỉnh đồi nhỏ và khá cao (823m so với mặt nước biển), đường đi rất dốc, phải đi vòng, có chỗ cua gấp chữ U. ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản cho biết rằng ngày 15-8 hằng năm lễ rất lớn, có năm có tới 40.000 khách hành hương. Hai bên chân đài Đức Mẹ ghi:
▪ Nữ vương ban sự bình an – Cầu cho chúng con.
▪ Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa – Cầu cho chúng con.
Chà boọc! Xin chào những người anh em có cái bụng tốt!
TRẦM THIÊN THU
(1) Vị sáng lập dòng là ĐGM Paul Léon Seitz (Phaolô Kim, 1906–1984, Pháp quốc), thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP). Ngài thụ phong linh mục ngày 4-7-1937 và nhận bài sai đến Hà Nội. Ngài luôn sống khó nghèo, khiêm tốn, hiền lành, dễ mến. Nổi bật nơi ngài là lòng thương người, nhất là người nghèo khổ, bệnh tật, kém văn hóa, giới lao động và trẻ mồ côi. Người Hà Nội thường gọi ngài là Monsieur Vincent de Hà Nội (Ngài Vinh Sơn của Hà Nội). Ngày 19-6-1952, ngài được Đức giáo hoàng bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa GP Kontum và Giám mục hiệu tòa Catula. Ngài được tấn phong Giám mục tại Hà Nội ngày 3-10-1952 và đến Kontum ngày 2-11-1952. Ngày 24-11-1960, Hàng giáo phẩm Việt Nam được thành lập, ngài trở thành GM Chính tòa Kontum. Với châm ngôn sống “Xin làm cho con say mê thánh giá Chúa”, ngài luôn quên mình vì đoàn chiên, và luôn hiện diện ở nơi mà bổn phận đòi hỏi trong suốt cuộc sống yêu thương phục vụ của ngài. Ngày 1-9-1959, ngài khai sinh một Dòng nữ tại GP Kontum, lúc đầu được gọi là Mến Thánh Giá. Khi chuyển dòng về Ban Mê Thuột, năm 1966, ngài đã đổi tên dòng thành Nữ Vương Hòa Bình. Sau biến cố 30-4-1975, ngài về Pháp và qua đời. ĐGM Phêrô Nguyễn Huy Mai (1913–1990), với khẩu hiệu “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3:30), tiếp tục đường hướng của ĐGM Paul Léon Seitz, và đã dùng “hình chim bồ câu ngậm cành lá ô-liu” (St 8:11) làm biểu tượng của dòng. Linh đạo của dòng: “Noi gương Đức Mẹ trong công cuộc chinh phục hòa bình cho mình và cho người khác để tiến bước trên đường tu đức”, với sứ mạng “loan báo Tin Mừng hòa bình của Chúa Kitô cho mọi người qua các việc tông đồ”, chuyên phục vụ người cùi, người nghèo và người dân tộc. Bề trên đương nhiệm là nữ tu Maria Fiat Nguyễn Thị Lương.
(2) Dân tộc Xơ-đăng hay Xê-đăng, còn có tên gọi khác là Xơ-đeng, Ca-dong, Cà-dong, Tơ-dra, Hơ-đang, Mơ-nâm, Hà-lăng, Ka-râng, Bri-lateng, Con-lan. Tên của người Xơ Đăng không có họ kèm theo, nhưng có từ chỉ định giới tính: nam là A, nữ là Y (ví dụ: A Nhong, Y Hên). Trai gái lớn lên, sau khi đã cà răng theo phong tục (ngày nay ít người còn theo phong tục này), được phép tìm hiểu và yêu nhau. Lễ cưới xin đơn giản. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên.
(3) Người Ba-na cho phép tự do tìm hiểu và lựa chọn bạn đời, việc cưới xin đều theo cổ truyền. Vợ chồng trẻ ở luân phiên mỗi bên một thời gian, theo thỏa thuận giữa hai gia đình hai bên. Sau khi sinh con đầu lòng mới làm nhà riêng. Trẻ em luôn được yêu quý. Dân làng không đặt trùng tên nhau. Trường hợp có những người biết trùng tên nhau, họ làm lễ kết nghĩa, tùy tuổi tác mà xác lập quan hệ cha-con, mẹ-con, anh-em, chị-em,… Các con được thừa kế gia tài như nhau. Trong gia đình, mọi người sống hòa thuận bình đẳng.
- Loại bài viết: