Chuyện đau khổ
Chuyện đau khổ
“Đời là bể khổ”, hầu như đó là câu nói cửa miệng của chúng ta. Sinh ra mà ai cũng khóc, không ai cười. Đứa trẻ khóc thì thân nhân an tâm, đứa trẻ không khóc là “có vấn đề”, thân nhân không vui.
Đối với chúng ta, những người con của Chúa, cũng không thể tránh được những đau khổ trong cuộc đời mình, có những nỗi đau khổ như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn, vì chính Đức Kitô cũng đã phải qua đau khổ mới tới vinh quang và Ngài còn mệnh danh là “Người Tôi Tớ Đau Khổ”.
Vâng, Ngài không chỉ là người tôi tớ bình thường mà là người-tôi-tớ-đau-khổ!
ĐAU KHỔ CỦA ĐỨC MẸ
Đức Mẹ là người đồng cam cộng khổ với Con Trai Giêsu suốt đời. Ông già Simêôn đã nói tiên tri: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn chị” (Lc 2:35). Quả thật, cuộc đời Đức Mẹ là bản hùng ca Liên khúc Đau khổ, vì đau khổ này chồng lên đau khổ khác, nhưng Đức Mẹ vẫn một lòng chịu đau khổ mà không nửa lời than trách, chỉ “im lặng và suy niệm trong lòng”, vì thế mà Đức Mẹ được trở thành người đồng công cứu chuộc.
Ngay khi thụ thai đã bị người ta chê trách vì “không chồng mà chửa”. Đến ngày khai hoa mãn nguyệt thì lại bị người ta hất hủi, không có chỗ trọ nên đành ra hang chiên lừa hôi tanh ngoài cánh đồng tăm tối. Sinh con chưa được bao lâu lại phải chạy trốn sang Ai Cập vì vua Hê-rô-đê lùng sục để giết Con Trẻ. Rồi Đức Mẹ lại lạc mất con, có người mẹ nào có thể bình thản khi lạc mất con như vậy?
Tưởng đã yên ổn, nhưng một thời gian sau, Đức Mẹ lại phải chứng kiến Con Trai vác Thập giá, thấy Con thương tích đầy mình và té lên té xuống, đau khổ tột đỉnh là khi Đức Mẹ đứng chết lặng nhìn Con hấp hối trên Thập giá. Tiếp theo là chờ hạ xác Con, và cuối cùng là táng xác Con.
Những “lưỡi gươm” liên tục đâm thâu lòng Ðức Mẹ, nhưng Đức Mẹ vẫn âm thầm chịu đựng. Cuộc đời Đức Mẹ được dệt bằng “những sợi đau khổ” để thành “tấm thảm đau khổ”. Quả thật, Đức Mẹ đã tử đạo nhiều lần trong đời! Chắc hẳn chúng ta không thể nào cảm nhận hết nỗi đau khổ xé lòng mà Đức Mẹ đã chịu.
Danh họa Michelangelo Buonarroti (Ý, 6/3/1475–18/2/1564) có tác phẩm điêu khắc Pietà (1498–1499, kích cỡ 174 cm × 195 cm) nổi tiếng, bằng cẩm thạch, được đặt tại Đền thờ Thánh Phêrô. Theo tiếng Ý, Pietà nghĩa là “đau xót” hoặc “thương xót”, diễn ta nỗi đau khổ của Đức Mẹ.
Kiệt tác này vừa có giá trị nghệ thuật vừa có giá trị tinh thần, vì chính kiệt tác này có thể giúp chúng ta nhớ đến nỗi đau khổ của Đức Mẹ mà cố gắng vui chịu những đau khổ triền miên trên bước lữ hành trần gian này.
Đức Mẹ không chỉ đau khổ vì thương Con mình, mà còn đau khổ vì nhân loại, vì muốn cứu độ chúng ta. Đức Mẹ đau khổ vì tình yêu sâu thẳm dành cho nhân loại, biết rõ sự cần thiết của ơn cứu độ, vì: “Nếu người ta được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:26).
ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
Không ai thích đau khổ, nhưng dù muốn hay không thì đau khổ vẫn xuất hiện và luôn là điều bí ẩn. Xưa nay người ta không ngừng lý giải đau khổ nhưng vẫn không thể nào tìm ra đáp án. Cố học giả LM Thiên Phong Bửu Dưỡng (Dòng Đa Minh) đã viết một cuốn sách dày vài trăm trang có tựa đề là “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ”. Đó là một cách lý giải đau khổ để con người khả dĩ chấp nhận đau khổ và dùng nó làm bàn đạp để can đảm sống – theo kiểu nói ngày nay là “sống chung với lũ”.
Chúa Giêsu đã đến thế gian không để diệt trừ đau khổ mà để chia sẻ đau khổ với nhân loại, và Ngài “không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Phục vụ thì phải vất vả, vất vả là một dạng đau khổ.
Cuộc sống nhiêu khê, có lúc chúng ta tưởng như hoàn toàn bế tắc. Ai cũng có nhiều trăn trở, và chắc hẳn cũng có lúc chúng ta phải thốt lên: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì” (Is 49:4).
Đó là điều rất ư bình thường ở đời. Chúa Giêsu đã báo trước: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em” (Ga 15:20). Nghĩa là chúng ta cũng phải gặp nhiều thứ đau khổ, đủ kiểu đau khổ, đủ cỡ đau khổ: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”.
Chúa Giêsu vẫn thường nhắc nhở: “Ai có tai thì nghe” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43). Ai lại không có tai? Có tai sao lại không nghe? Vậy mà rất nhiều người trong chúng ta có tai mà vẫn không nghe! Nghe cho biết hoặc nghe cho vui tai thì cũng như không nghe, không lắng nghe thì không thể hiểu, không hiểu thì không muốn hành động, không đủ sức chịu đựng.
Chúng ta phải cố gắng có ý ngay lành đối với những đau khổ thường nhật. Chịu những đau khổ là noi gương Chúa, muốn làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa, về Lòng Thương Xót của Chúa, như thánh Phaolô nói: “Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng tôi” (2Cor 5,14).
Chấp nhậ đau khổ không chỉ ích lợi cho chính mình mà còn có thể cứu độ người khác, cứu độ các linh hồn. Nếu chúng ta muốn vào Nước Trời mà không kéo người khác cùng vào là chúng ta ích kỷ.
Để được như vậy, hằng ngày chúng ta dâng mọi thứ đau khổ của ta cho Đức Mẹ sầu bi, xin những đau khổ của Mẹ thanh luyện những đau khổ của ta. Bởi vì rất nhiều đau khổ của ta phát xuất từ tính kiêu ngạo, ghen tương, ham hố và ích kỷ muốn theo ý riêng mình.
Chúng ta thường có xu hướng quy trách người khác khi chúng ta gặp đau khổ, như chúng ta thường có kiểu nói: “Vì…, tại…, bởi…, nếu…, giá mà…”. Nếu quy trách người khác thì chúng ta lỗi đức ái, thiếu khiêm nhường. Thánh Tiến sĩ Augustinô có 3 lời khuyên này:
1. Chớ tự coi mình là quan toà xét xử người khác.
2. Xét đoán tội người khác thì phải khiêm tốn và tôn trọng sự thật. Rất nhiều lần chúng ta đổ cho người khác những lỗi lầm mà người ta thực sự không có.
3. Nếu người ta có tội, nên chấp nhận rằng người ta có thể cũng có nhiều công phúc, vừa công khai vừa âm thầm.
Lịch sử đạo và đời đều có những người can đảm chịu đựng đau khổ khiến chúng ta phải khâm phục. Chính Chân phước GH Gioan Phaolô II được mệnh danh là một “Nhân chứng Đau khổ”.
Nhân chứng Đau khổ vĩ đại nhất là Đức Mẹ. Người là Hiền Mẫu của chúng ta, chắc chắn Người cũng luôn đồng hành với chúng ta. Hãy cứ “nhõng nhẽo” với Mẹ để những đau khổ của Mẹ làm cho những đau khổ của chúng ta trở nên Nỗi-Đau-Ngọt-Ngào và chúng ta đủ sức “chơi” Thú-Đau-Thương cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Khi sinh ra, chúng ta đã khóc và mọi người đã cười, nhưng chúng ta phải cố gắng sống sao cho lúc chúng ta giã từ cõi đời này, chúng ta an tâm mỉm cười mà người ta phải khóc vì thương tiếc.
TRẦM THIÊN THU
Mùa Chay, 5-2-2012
- Loại bài viết: