Can đảm và hèn nhát
Can đảm và hèn nhát
Can đảm là một động thái anh hùng đáng khâm phục, nhưng thực hành thì không hề dễ chút nào. Học sinh đi thi có mấy người dám cương quyết chỉ cậy sức mình chứ không thèm quay cóp? Thấy người ta “chấm mút” của công, liệu mình có dám sống trong sạch? Chuyện hối lộ và tham nhũng xảy ra như cơm bữa, đủ mức độ khác nhau. Thấy người ta lọc lừa và xảo trá để ung dung tự tại, lắm tiền nhiều của, danh cao chức trọng, liệu mình có tìm cách “luồn lách” để tạo “vây cánh” cho mình? Thấy người ta hơn mình về lĩnh vực nào đó, liệu mình có chịu thua họ hay là dành cho họ những cái nhìn sắc như lưỡi lam hoặc mang hình viên đạn?
Rất nhiều và rất nhiều các trường hợp tương tự như vậy trong xã hội, nhưng người ta không dám tự nhận là mình hèn nhát, thậm chí ngay ở trong gia đình hoặc nhóm người “mang tiếng” là đạo đức! Ranh giới giữa can đảm và hèn nhát chỉ cách nhau một khoảng mong manh nhỏ như sợi chỉ. Nếu không đủ bản lĩnh tự tin và không thể quyết định “nhanh như chớp” thì người ta sẽ từ can đảm biến ngay thành hèn nhát.
“Dám” là can đảm. “Không dám” là hèn nhát. Có nhiều kiểu và nhiều mức độ hèn nhát. Trong cuộc sống thường nhật, có nhiều tình huống khiến người ta trở thành hèn nhát. Nói chung, người ta thường ám chỉ kẻ hèn nhát bằng cách nói: “Bỏ của chạy lấy người”. Ngày xưa người ta gọi đó là kẻ “giá áo, túi cơm” hoặc “tham sống, sợ chết”.
Phêrô là người “chống mũi, chịu sào”, là người đầu tàu, nói rất mạnh: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26:33). Chúa Giêsu báo trước rằng ông Phêrô sẽ chối Ngài 3 lần trước khi gà gáy, ông Phêrô vẫn cương quyết: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35). Thế nhưng chính con-người-nói-mạnh ấy đã ngang nhiên chối bỏ Thầy mình, không chỉ 1 lần mà tới 3 lần, chối phăng trước mặt các đầy tớ gái chứ nào phải đàn ông hay quân lính! Hai con ông Dêbêđê muốn được “ngồi bên trái và bên phải” Thầy mình (x. Mt 20:20-23; Mc 10:35-40), và Tôma, gọi là Điđymô, đi rỉ tai các đồng môn: “Chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16), tất cả các ông đều nói vậy. Nhưng rồi cũng chính tất cả các ông đều “chạy mất dép”, bỏ mặc Thầy mình đơn độc đối mặt với những kẻ thủ ác trong đêm tối. Sự thật quá phũ phàng!
Đức Giêsu bị điệu ra trước mặt tổng trấn Philatô. Tổng trấn thẩm vấn Ngài: “Ông là vua dân Do Thái sao?” (Mt 27:11a). Đức Giêsu trả lời: “Chính ngài nói đó” (Mt 27:11b). Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố khổ Ngài thì Ngài không trả lời câu nào. Chắc là thấy khó chịu nên ông Philatô hỏi: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?” (Mt 27:13). Nhưng Đức Giêsu vẫn im lặng, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên. Im lặng là vàng. Im lặng là cách nói nhiều và thâm thúy nhất.
Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý họ muốn. Khi ấy có một tử tù khét tiếng tên là Baraba. Lúc đám đông đã tụ họp lại, tổng trấn Philatô hỏi họ: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các ngươi đây? Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô?” (Mt 27:17). Vì ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.
Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, bà vợ sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy” (Mt 27:19). Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xách động dân chúng, xúi giục đám đông đòi tha Baraba mà giết Đức Giêsu. Tổng trấn lại hỏi họ: “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người?”. Họ thưa: “Baraba!” (Mt 27:21). Tổng trấn Philatô nói tiếp: “Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây?” (Mt 27:22a). Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:22b). Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?”, nhưng họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:23). Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông và nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!” (Mt 27:24). Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!” (Mt 27:25). Thế là tổng trấn ra lệnh phóng thích tên Baraba cho họ, còn Đức Giêsu thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Trong mắt mọi người, Chúa Giêsu không bằng tên tử tội khét tiếng Baraba!
Tính ghen tị khiến dân chúng hèn nhát. Mới mấy ngày trước họ cầm cành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: “Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Ítraen!” (Ga 12:13), và tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!” (Lc 19::38), thế mà chỉ mấy ngày sau họ “vuốt mặt không nể mũi” và thẳng thừng “lật mặt” ngay: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mc 15:13; Lc 23:21; Ga 19:6).
Philatô sợ mất “chiếc ghế quyền lực” mà hóa hèn nhát. Vợ của Philatô gọi Chúa Giêsu là “người công chính”, thế mà Philatô vẫn bỏ ngoài tai, chỉ lo cho chức vụ và quyền lực của mình, thậm chí còn “rửa tay” để chứng tỏ mình vô can. Ông giả câm giả điếc, dù vợ ông đã cảnh báo. Lương tâm của Philatô đã bị tiếng dân chúng lấn át. Đó là hèn nhát!
Chúng ta cũng vậy, chẳng hơn gì các tông đồ, chẳng hơn gì dân chúng, chẳng hơn gì Philatô. Chúng ta cũng đã từng có những lần hèn nhát như vậy, và rất có thể ngày mai chúng ta lại tiếp tục hèn nhát. Người “lớn” có kiểu hèn nhát của người “lớn”, người “nhỏ” có cách hèn nhát của người “nhỏ”. Do đó mà luôn phải cảnh giác và cầu nguyện liên lỉ, vì “không có Chúa thì chúng ta không thể làm được gì” (Ga 15:5).
Lạy Thiên Chúa, xin ban Thần Khí để chúng con dám tin chắc lời của Đức Kitô: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33), nhờ đó mà chúng con có thể sống can đảm, luôn là chính mình, và quyết tâm không hèn nhát. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay – 2012
- Loại bài viết: