Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hạt lúa mì

Tác giả: 
Lm Phạm Quốc Hưng

 

Hạt lúa mì   

         
(Chúa Nhật V Mùa Chay Mar. 25th, 2012)


Thập giá là hình ảnh được dùng nhiều hơn cả để nhắc chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu và tình yêu hy sinh tận tuyệt của Người, cũng như tinh thần mỗi Kitô hữu phải có trong đời sống của mình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh khác, dù rất đơn sơ bé nhỏ gần gũi nhưng lại giàu ý nghĩa, để diễn tả tâm tư và lối sống của Người. Chúa Giêsu còn chỉ ra đó tất cả một bí quyết hay một quy luật căn bản mà mỗi Kitô hữu phải theo để trở nên giống Người, để đạt đến ơn cứu độ và vinh quang đích thực.


Đó là hình ảnh hạt lúa mì.


Người nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trụi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống của mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12:23-25). Chúa Giêsu nói những lời này khi Người sắp bước vào Cuộc Thương Khó. Thật thích hợp khi Giáo Hội cho chúng ta được nghe những lời này một tuần trước Chúa Nhật Thương Khó.


Thánh Sử Gioan chia Tin Mừng của người thành hai phần: sách các dấu chỉ và sách vinh quang. Phần sách các dấu chỉ thuật lại các phép lạ của Chúa Giêsu, và phần sách vinh quang thuật về Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thánh nhân muốn cho mọi người nhận biết rất rõ rằng: với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu, vinh quang đích thực được thể hiện nơi tình yêu hy sinh phục vụ, tình yêu xả kỷ vị tha, tình yêu thí mạng vì người mình yêu. Và chỉ có tình yêu này mới đem lại sự sống thật, sự sống thần linh, sự sống đời đời.


Đây là một quan niệm khác hẳn lối suy tư tự nhiên của con người. Thật vậy, con người tự nhiên bao giờ cũng sống theo bản năng sinh tồn của mình. Với ảnh hưởng của tội tổ, con người nhiều khi sống theo bản năng rừng rú của mình, sống theo luật rừng: mạnh được yếu thua, mạnh dùng sức yếu dùng mưu, miễn sao đem lại ích lợi cho bản thân mình, miễn sao làm cho mình được sống sung sướng, giàu sang, quyền lực, bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp thiệt thòi của người khác.


Đây cũng là một quan niệm đi ngược với sự trông mong của người Do thái về “Con Người”, về Đấng Thiên Sai, Đấng Mêsia. Họ nghĩ Đấng Mêsia phải là một lãnh tụ chính trị đầy tài năng và quyền uy, và dùng tài năng và quyền uy của mình để đánh đuổi ngoại bang, chinh phục các dân tộc lân bang, đem lại vẻ vang cho dân tộc được tuyển chọn.


Trong Tin Mừng Gioan, mầu nhiệm nhập thể được đặt làm nền tảng cho toàn bộ công cuộc cứu độ. Sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính của Ngôi Lời Nhập Thể được diễn tả cách tuyệt vời: Cuộc Khổ Nạn với bao đau thương nhục nhã của Thập Giá bao giờ cũng gắn liền với Cuộc Phục Sinh đầy ánh sáng vinh quang. Vì vậy, khi Chúa Giêsu bắt đầu bước vào Cuộc Khổ Nạn, thì cũng là lúc Người bắt đầu bước vào Vinh Quang hay bắt đầu bày tỏ vinh quang đích thực của Người.


Với Chúa Giêsu, giờ của Chúa là giờ của Cuộc Thương Khó, giây phút vinh quang là giây phút chịu khổ nạn trên thập giá. Với thế gian, thập giá là hình cụ ghê sợ và nhục nhã nhất để trừng phạt những người tử tội. Chúa Giêsu đã biến thập giá thành Thánh Giá, và Thập Giá của Chúa Giêsu chính là Ngôi Báu của Người. Điều này đã được xác định khi Chúa Quan Phòng định cho Philatô ghi trên thập giá hàng chữ: “Giêsu Nazareth-Vua Dân Do Thái”. Giây phút Chúa Giêsu được treo trên thập giá là giây phút Người bước lên Ngôi Báu của Người.


Không phải Chúa Giêsu chỉ chịu đau khổ vì yêu thương khi bắt đầu bước vào Cuộc Khổ Nạn, nhưng đó luôn là đặc nét chính trong cuộc đời Chúa Giêsu. Tác giả Thư gửi tín hữu Do thái trong bài đọc hai đã xác định điều này trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay: “Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người đã chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5:7-9).


Thánh Anphong Liguori thuật rằng có một nữ tu đau đớn bệnh tật rất nhiều năm. Một hôm đau đớn quá, Chị kêu trách Chúa Giêsu: “Xưa Chúa chỉ phải vác thánh giá và hấp hối mấy giờ trên thánh giá, nay sao Chúa để con đau đớn lâu năm thế?” Chúa Giêsu liền hiện ra quở trách Chị: “Con nói sao? Cha chỉ có đau khổ ít giờ mà thôi ư? Cha đã bắt đầu đau khổ từ giây phút nhập thể!” Thánh nhân nói rằng vì có linh hồn hoàn bị, Chúa Giêsu từ giây phút nhập thể đã nhìn thấy và cảm nhận truớc nơi linh hồn Người những đau khổ Người sẽ phải chịu trên thân xác sau này. 


Vì vậy, Đức Cha Fulton J Sheen hay nói mọi người sinh ra trên đời để sống, nhưng Chúa Giêsu vốn là Thiên Chúa và là Sự Sống Đời Đời sinh ra trên trần gian để chịu đau khổ và chịu chết để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Vì vậy, cả đời Chúa Giêsu đều hướng về Đồi Canvê, đều hướng về Thánh Giá. Là một nhà giảng thuyết thời danh, Đức Cha còn xác quyết rằng bài giảng nào càng hướng về Thập Giá bài giảng ấy càng có tính thần thiêng.


Liền sau khi nói về quy luật chết để sống, mất để được, Chúa Giêsu liền nói về thân phận của những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Người: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó” (Ga 12:26). Ở đây, Chúa Giêsu cho thấy các môn đệ đích thực của Người, những ai thực sự phụng sự Người, phải là những người cùng bước theo Người trên con đường thập giá, là con đường chính Người đã đi trước. Và chỉ có những người này, những người cùng ở trên thập giá với Người, mới được cùng ở với Người trên Nước Trời để chia sẻ vinh quang đích thực vì cùng được Chúa Cha tôn vinh.


Chính Thánh Thể nơi Bánh Thánh và Rượu Thánh-trung tâm đời sống Công giáo cũng không ngừng nhắc chúng ta về quy luật thần thiêng này. Để trở nên tấm bánh, những hạt lúa mì phải chấp nhận chịu nghiền tán và hòa trộn với nước rồi chịu nướng trong lò lửa. Để hóa thành rượu nho, những trái nho chín phải chịu vắt trong bồn đạp nho và trải qua thời lên men. Vì vậy, cùng với cầu nguyện, việc hy sinh hãm mình là yếu tố không thể thiếu được trong đời sống Kitô hữu. Một trong những lý do chính đem lại sự suy đồi trong đời sống đức tin của nhiều tín hữu ngày nay là sự khước từ sự khôn ngoan của thập giá, sự chối bỏ tinh thần hy sinh hãm mình và vâng phục.


Bài thánh ca “Thân Lúa Miến” của Mi Trầm được dùng trong phần tiến lễ có giá trị  tuyệt vời vì nhắc nhớ chúng ta về lý tưởng hy sinh bác ái, xả kỷ vị tha của đời người Công giáo đích thực. 


Thánh Giuse-Maria Escriva đã giúp chúng ta sống Tin Mừng hôm nay với những lời sau: “Nếu hạt lúa không chết đi, nó không sinh hoa trái. Bạn có muốn trở thành hạt lúa miến phải chết đi bằng những hy sinh hãm  mình, để đem lại một mùa lúa phong phú không? Xin Chúa Giêsu chúc lành cho ruộng lúa của bạn”.


Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Chúa Giêsu, trở nên như hạt  lúa mì, chết đi cho ý riêng và những đam mê trần thế, để sống cho Chúa và tha nhân qua việc quảng đại hy sinh hãm mình và yêu thương phục vụ. Amen.

 

Lm Phạm Quốc Hưng