Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hạt lúa mì mục nát

Tác giả: 
Thiên Phúc

 

Hạt lúa mì mục nát
CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY-B
 

Cha Dieudonné Bourgignon, người Bỉ, đã từng bị Ðức Quốc Xã bắt giam trong trại tập trung Dachau thời Ðệ Nhị Thế Chiến kể lại:

 

Vào một đêm cuối tháng bảy, một tù nhân khu trại 4 thuộc trại giam Auschwitz đã trốn thoát. Phòng hơi ngạt của trại này đã từng thủ tiêu 6 triệu người Do thái; 1/3 dân Do thái trước Thế Chiến. Sáng hôm sau, viên sĩ quan hằn học tuyên bố: "Tất cả những người có mặt phải đứng nghiêm trong hàng ngũ". Ðoàn tù nhân phải chôn chân không mủ nón đứng dưới ánh nắng đổ lửa của mùa hạ miền nam Ba Lan. Buổi chiều khi các tù nhân khu giam khác đi làm về. Viên sĩ quan nói: "Mười trong số những người này phải trả nợ". Lập tức tên sĩ quan duyệt qua hàng tù nhân chỉ ra mười người, trong đó có một đàn ông kêu rên thảm thiết vì thương người vợ trẻ và đàn con thơ dại.
 
 
Maximilien Kolbe nghe lời ai oán của bạn tù đã thốt lên: "Tôi xin chết thay cho người này". Ðoàn người sững sờ. Tên sĩ quan không ngờ diễn tiến của biến cố. Hắn tò mò muốn hiểu rõ: "Tại sao muốn chết?" Maximilien Kolbe điềm tỉnh trả lời: "Tôi là linh mục Công giáo".
Mười tử tội tiến chầm chậm vào cõi địa ngục. Người ta bỏ rơi họ trong phòng tối không ăn uống cho đến chết. Những giờ phút tăm tối lê thê. Ngày 18-8-1941, mười người còn lại bốn, đang thoi thóp hấp hối. Một người trong đó là Kolbe. Tất cả được nhận mũi thuốc độc ân huệ.
***
"Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt' (Ga.12,24) Ðể có một quyết định anh hùng như cha Maximilien Kolbe quả không dễ dàng chút nào. Tại sao tôi phải chết đi để người khác được sống? Ðành rằng chết để sinh nhiều bông hạt, nhưng có ích gì khi chính tôi bị tan rã? Vì thế, chúng ta không muốn chết như hạt lúa, chúng ta chấp nhận trơ trọi một mình.
 
Vậy sức mạnh nào thúc đẩy chúng ta dám chết cho anh em? Ðộng lực nào thúc giục chúng ta hiến thân cho đồng loại? Chính Ðức Giêsu đã cho ta giải đáp: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga.15,12). Tình yêu cao quý hơn cuộc sống và mãnh liệt hơn sự chết. Cái chết của Ðức Giêsu đã nên lời yêu thương con người. Chính vì Người đã không xuống khỏi thập giá nên không ai có thể nghi ngờ tình yêu của Người. Chính vì dám chết cho tình yêu nên luật yêu thương của Người trở nên một thách đố. Thách đố con người chui ra khỏi vỏ ốc ích kỷ của mình, ra khỏi những bận tâm, toan tính, vun quén cho mình, để sống cho tha nhân và cho Thiên Chúa.
 
Quên mình, hiến thân, đón nhận cái chết như hạt lúa mục nát, đã từng làm cho Ðức Giêsu trăn trở, nao núng và thổn thức. Những giây phút cuối cùng giáp mặt với tử thần không thể không gay go, thống thiết và đầy thách thức: "Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này" (Ga.12,27). Thế nhưng, Người đã biến cuộc tử nạn nên lời tôn vinh Thiên Chúa và lời yêu thương con người: "Chính vì thế mà con đã đến trong giờ này" (Ga.12,27).
 
Cái chết của cha Kolbe và tất cả những cái chết hiến thân cho tha nhân đều nói lên lời yêu thương con người và tôn vinh Thiên Chúa. Tác giả Anthony Padovano viết: "Chúng ta được cứu rỗi không chỉ vì cái chết thể xác của Ðức Giêsu, nhưng vì tình yêu vô biên của Người sẵn sàng chấp nhận cái chết".
 
Ðiểm quan trọng là ở giây phút định mệnh, đối mặt với cái chết, Ðức Giêsu luôn tha thiết cầu nguyện với Cha và Người dạy chúng ta hãy học kinh nghiệm nơi Người: "Các con hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ" (Lc.22,40). Cầu nguyện không là liều thuốc giảm đau, ngăn chặn nao núng sợ hãi, nhưng cầu nguyện là thái độ sống thực, sống tin yêu, phó thác. Khi cầu nguyện chúng ta không mong Chúa đổi ý, cứu ta thoát chết, cũng không xin Người ru ngủ để ta chết êm ái.
 
Ở giây phút quyết liệt, cầu nguyện chính là gặp gỡ Chúa với nỗi xao xuyến, giằng co của cái chết nhưng trọn vẹn tâm tình hiến dâng. Chết không phải là nhảy vào khoảng không vô tận, nhưng ta gieo mình vào cánh tay Thiên Chúa Tình yêu.
 
Chúng ta không thể thuyết phục cái chết dời xa cánh cửa đời ta, nhưng chúng ta có thể đón tiếp cái chết như vị ân nhân đưa ta vào ngưỡng cửa vĩnh hằng.
Chính lúc Ðức Giêsu gục đầu tắt thở thì cây thập tự trổ nụ đơm bông mùa cứu rỗi. Và khi người tín hữu hiến dâng cái chết như lời tạ ơn cao đẹp cuối cùng thì mùa hoa nhân ái tỏa hương thiên đường.
 
***
Lạy Chúa, chúng con sợ nói về cái chết và tất cả những gì dính líu tới cái chết, nhưng chúng con cũng hiểu rằng sẽ có một ngày chúng con giáp mặt Chúa trong phút định mệnh. Xin giúp chúng con sống can đảm từng ngày, để chúng con dầy dạn với thử thách quyết liệt sau cùng của cuộc đời. Amen.
 
Thiên Phúc, trong “Như Thầy đã  yêu” năm B.