Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Điểm Tựa Giê-su

Tác giả: 
Pio X Lê Hồng Bảo

 

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHỦ NHẬT V MÙA CHAY NĂM B

 

ĐIỂM TỰA GIÊSU

(Ga 12: 20-33)
 

 

Khi nghe nói có những người Hy Lạp đến tìm gặp Người, Chúa Giêsu đã nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” Phải vậy không? Hiểu theo nghĩa nào đây?

 

Chúng ta từng biết rằng thời bấy giờ, Hy Lạp đã là một nước có nền văn minh trổi vượt ở vùng Địa Trung Hải với rất nhiều triết gia và các nhà toán học uyên bác như: Thales, Platon, Socrates, Aristoteles, Pythagore… Tuy nhiên, vào thời Chúa Giêsu, họ cũng bị đế quốc La Mã đô hộ. Phải chăng những bộ óc thông thái của Hy Lạp muốn kết hợp với một Rabbi lừng lẫy tiếng tăm của Do Thái để lật đổ ách thống trị? Câu nói lấp lửng của Chúa Giêsu lại càng gợi sự hiếu kỳ của tầng lớp bị trị. Để đánh tan những ngộ nhận có thể có, Chúa Giêsu đã lập tức dùng hình ảnh hạt lúa mì phải mục nát đi mới trổ sinh bông hạt để nói về vinh quang của Chúa. Cái vinh quang của thứ Năm Tuần Thánh: “Vinh quang của Ta là Thánh giá Chúa Kitô…”, cái vinh quang mà sự thông minh uyên bác của loài người không sao hiểu thấu, cái vinh quang bị thế gian cho là điên rồ: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1Cr. 1: 22-23)

 

Chúa Giêsu vui mừng vì Danh Cha sắp được tôn vinh qua những người Hy Lạp kia, họ chính là chiếc cầu nối để Tin Mừng về Ơn Cứu Độ đến với lương dân. Họ vốn dĩ là những người đa thần và có hẳn một bộ sử thi về các thần trên đỉnh Olympus. Thần của họ có tên có tích hẳn hoi. Họ lý giải các yếu tố thiên nhiên bằng sự tích các thần… Kể cũng buồn cười, một dân tộc văn minh lại đi nhào nặn ra các vị thần với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố và thường ganh tị với con người rồi đặt lên đỉnh Olympus để tôn thờ. Vậy mà dân tộc ấy đã sản sinh ra nhà bác học Archimedes nổi tiếng với câu nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nhấc bổng cả trái đất”.

 

Hóa ra, cho dù được xây dựng trên một nền văn minh sáng chói, cho dù sản sinh ra những nhà bác học tài ba, họ vẫn hoang mang vô định vì thiếu một… điểm tựa! Và hôm nay, họ đã tìm đến với Chúa Giêsu. Có lẽ họ chỉ muốn đi tìm kiếm lẽ khôn ngoan như Thánh Phaolô đã nói, nhưng Chúa Giêsu chuẩn bị giới thiệu cho họ một thứ khôn ngoan không xuất phát từ thế gian này.

 

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện hai phi hành gia cùng bay vào vũ trụ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, một người vô thần và một người rất sùng đạo. Khi trở về trái đất, phóng viên các báo phỏng vấn họ: “Lên trên  ấy, anh có thấy Thiên Chúa không?” Người vô thần trả lời: “Không hề có Chúa hay thần thánh gì trên ấy cả!” Người sùng đạo lại tuyên bố chắc nịch sau một hồi xúc động: “Càng lên cao tôi càng thấy Thiên Chúa vĩ đại và toàn năng qua các kỳ công của Người.”

 

Vậy đó, cùng một quan chiêm nhưng thiếu điểm tựa Giêsu, tư duy của chúng ta trở nên nghèo nàn biết bao! Để có được điểm tựa Giêsu, chúng ta phải biết quên đi điềm thiêng dấu lạ của người Do thái xưa, gác sang bên những lẽ khôn ngoan mà người Hy Lạp tìm kiếm để chỉ còn duy nhất một mưu cầu là Danh Chúa được tôn vinh. Có điểm tựa Giêsu, tôi mới sẵn sàng chịu mục nát cho ngày mùa thắng lợi…

 

Tôi vẫn đọc Kinh Lạy Cha hàng ngày, lời kinh mà chính Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện. Thế nhưng, tâm trí tôi lại cầu xin cho tôi những điều dành cho Chúa:

 

  • “Nguyện xin cho Danh Cha cả sáng”: Lạy Chúa, những kẻ độc mồm độc miệng kia đang xúc phạm con. Xin Chúa cho chúng nó gặp tai ương như dân Ai cập ngày xưa để chúng sợ mà khôi phục thanh danh cho con.
  • “Xin cho Nước cha trị đến” : Lạy Chúa, dạo này làm ăn khó khăn quá! Con phải “ngắt” của người này một ít, người kia một tẹo thì mới mong… sống nổi. Xin Chúa cho cơ sở của con làm ăn phát đạt để gia đình con được sống công chính hơn.
  • “Xin cho ý Cha thể hiện”: Lạy Chúa, con vì thiện chí mà lên kế hoạch đó mặc dù biết là “rước khổ vào thân”, vậy mà cũng lắm kẻ chống đối. Xin Chúa đừng để những kẻ ganh tị kia được ủng hộ để ý con được thực hiện.

Tôi cũng không hài lòng lắm về “phần” dành cho tôi:

  • “Lương thực hàng ngày” ư? Chúa cho con thêm “chút chút” để dành khi bệnh hoạn, rồi còn phải sắm xe, sửa nhà…
  • “Tha nợ” ư? Chúa tha cho con thôi, nhưng phải cho con đòi được nợ để con sống nữa chứ?
  • “Chớ để con sa chước cám dỗ” ư? Có gì đâu mà nghiêm trọng, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”… Cũng phải biết chút đỉnh kẻo bị chê là cù lần, vẫn còn tòa cáo giải mà!...
  • “Cứu khỏi sự dữ” ư? Chúa cứu con khỏi bệnh tật tai ương là tốt rồi. Còn chuyện buôn bán, làm ăn, hơn thua, thị phi ở đời; con có cách giải quyết của con.

“Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga. 5: 44)

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con còn quá lo lắng mọi sự nơi trần thế này chỉ vì chúng con chưa nhận ra Chúa là điểm tựa bền vững duy nhất của chúng con. Chúng con vẫn biết những thứ chúng con đang nắm giữ là phù du, nay còn mai mất; nhưng chúng con lại chỉ đi tìm bảo đảm ở những điềm thiêng dấu lạ, những mưu mô xảo trí, những khôn ngoan uyên bác phàm trần... Xin Chúa cho chúng con biết quên đi những gì của con để chỉ một lòng tôn vinh Danh Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.

 

 

  •  Pio X Lê Hồng Bảo