Lời xin vâng trọn hảo
Lễ Truyền Tin
LỜI XIN VÂNG TRỌN HẢO
Is 7, 10-14, Dt 10, 4-10, Lc 1, 26-38
Mở lại những trang đầu của Thánh Kinh, chúng ta thấy một tình yêu hết sức đẹp, thơ mộng giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ muôn loài, Thiên Chúa tạo dựng con người và đặc biệt khi tạo dựng xong, Thiên Chúa cho con người thừa hưởng tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng.
Có lẽ không tìm ra được ông chủ nào tuyệt vời hơn Thiên Chúa. Chỉ có một chuyện duy nhất ông chủ muốn nói với con người rằng cây trái gì trong vườn, thích thì cứ ăn, thích thì cứ hưởng dùng, duy chỉ một trái thôi con người không được ăn. Đáng tiếc thay con người đã ăn. Chuyện trái cây nó chẳng là gì cả. Thật ra cả cái vườn đó thì sá gì là trái táo. Cả cây táo ăn chủ cũng chẳng bận tâm nhưng chuyện quan trọng con người nhận ra đó chính là sự vâng lời chủ.
Con người đầu tiên trên mặt đất này đã bất tuân. Người đàn bà cũng như dòng giống người đàn bà đó đã phải đón nhận sự trừng phạt của Thiên Chúa. Thế nhưng mà, giận thì giận mà thương thì thương và có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương lại thương suốt cả đời. Vẫn thương và đã báo cho con rắn - đầu mối của tội lỗi - về hình ảnh của con người hay nói đúng hơn là người nữ sẽ cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Hình ảnh người nữ ấy đã được báo trước cho nhân loại.
Vẫn sợ, đúng lắm ! sợ vì biết tính của con người, lòng dạ con người bất nhất vì đã hơn một lần kinh nghiệm. Khi ban ơn cứu độ xuống cho con người, Thiên Chúa đã chọn một trinh nữ có tên là Maria. Maria thật nhỏ bé, thật đơn sơ, thật lặng lẽ. Cũng như bao thiếu nữ khác, Maria lên đền thờ cầu nguyện, nghe Thánh Kinh để đón chờ Đấng Mêsia. Đấng Cứu Độ trần gian như các ngôn sứ đã loan báo.
Một ngày kia, sứ thần đến với Trinh Nữ và đã loan báo lời Thiên Chúa.
Chúng ta vừa nghe Thánh Sử Luca thuật lại cho chúng ta hình ảnh hay gần hơn là giây phút linh thiêng, giây phút tuyệt vời nhất của nhân loại : Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ".
Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.
Vâng ! Lời xin vâng của Trinh Nữ Maria sao mà hay quá ! Sao mà tuyệt vời quá ! Không phải Maria xin vâng trong mù quáng, trong sợ hãi, trong bó buộc nhưng Maria xin vâng trong tâm tình tín thác và tín thác một cách vô đối.
Lời xin vâng lúc sứ thần truyền ấy Maria đã giữ trong lòng. Không chỉ ngay giây phút ấy nhưng cả cuộc đời, Maria xin vâng và xin vâng cho đến cùng dưới chân thập giá. Có lẽ không ai trên cõi đời này đã can đảm nói lời xin vâng, sống lời xin vâng như Mẹ.
Thật ra, thưa lời xin vâng, nói lời xin vâng thật dễ nhưng sống lời xin vâng ấy trong đời mình không phải là chuyện đơn giản.
Và, có lẽ nhờ ơn Chúa nên Maria đã sống trọn vẹn lời xin vâng ấy. Để sống được lời xin vâng ấy. Maria ngày mỗi ngày lắng nghe tiếng Chúa trong từng giây từng phút của cuộc đời và hình như Maria đã đắm chìm cuộc đời mình trong từng biến cố. Maria chỉ biết phó thác và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa cuộc đời của mình,
Với Thiên Chúa, có lẽ lời đáp đẹp nhất vẫn là lời đáp xin vâng. Xin vâng theo tất cả ý của Ngài trên cuộc đời. Với tâm tình đó, chúng ta vừa nghe thư gửi tín hữu Do Thái mời gọi tín hữu sống lời xin vâng vào Thiên Chúa. Lời xin vâng ấy được nói quá chính Thánh Tử Giêsu, con Mẹ Maria - người Mẹ có tâm tình xin vâng tuyệt vời. Chúa Giêsu, trong tâm tình xin vâng theo thánh ý Cha nên đã nói : "Chúa đã không muốn hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho con một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên con nói: Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách. Sách ấy bắt đầu như thế này: Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa".
Chúa Giêsu, trong cái thân phận làm người mỏng dòn và yếu đuối, Ngài vẫn hoảng sợ khi đón nhận thập giá đau thương : "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất cho con khỏi chén này nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý Cha".
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng như Mẹ Maria, Chúa Giêsu luôn kết hiệp cùng Cha, luôn hướng về Cha trong từng biến cố, trong từng ngày sống của cuộc đời. Có như vậy, lời xin vâng của Chúa Giêsu đã thành trọn hảo, đã trở thành của lễ đẹp lòng Cha.
Thật ra, sống lời xin vâng của ai đó đã khó, sống lời xin vâng với Thiên Chúa lại càng khó. Khó vì lẽ nhiều lúc lòng chúng ta không hề muốn những biến cố đau đớn, khó khăn đến với chúng ta. Lẽ dĩ nhiên và thường tình là như thế ! Trên đời này chẳng ai muốn mình khổ đau cả. Thế nhưng mà trong chiều kích của niềm tin, khi chúng ta hoàn toàn tín thác cuộc đời chúng ta trong tay Chúa thì mọi sự sẽ nhẹ nhàng. Khi chúng ta vùng vẫy, chúng ta cựa quậy, chúng ta càng muốn theo ý chúng ta thì hình như cuộc đời chúng ta càng khổ đau.
Những kinh nghiệm sống đó có lẽ không ai hiểu bằng chính mỗi người chúng ta. Đã nhiều lần, chúng ta kinh nghiệm được tất cả những khổ đau trong cuộc đời, những trái ý trái tính trong cuộc đời này đến với chúng ta ban đầu thì khổ thật nhưng rồi qua chặng đường, qua khổ ải đó chúng ta lại thấy lóe lên một tình yêu, một sự quan phòng, một sự chở che của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta.
Dừng lại một chút cái kinh nghiệm của Giuse, vì sự hờn ghen, vì lòng ganh tỵ của các anh, Giuse đã bị bán sang Ai Cập. Tưởng chừng cuộc đời Giuse tới đó là chấm hết, tới đó là đi vào ngõ cụt, tới đó là nghìn trùng xa cách thế nhưng mà Thiên Chúa vẫn có cách của Ngài. Đọc tiếp cuộc đời của Giuse, không ai có thể ngờ được vì lẽ bàn tay, sự chở che, sự quan phòng, sự yêu thương của Thiên Chúa không như người ta tưởng và người ta nghĩ.
Chắc có lẽ Chúa không bán chúng ta như anh em đã bán Giuse, Chúa cũng không thử thách cuộc đời chúng ta như thử thách Mẹ Maria. Chúng ta hạnh phúc hơn Giuse, chúng ta hạnh phúc hơn Mẹ Maria nhưng chúng ta không nhận ra.
Cũng chẳng trách được, cuộc đời của chúng ta quá nhiều lo toan, quá nhiều ồn ào và náo nhiệt để rồi chúng ta không đủ nhạy bén để nhận ra ý Chúa nữa. Khi không nhận ra ý Chúa chúng ta dễ có khuynh hướng làm theo ý chúng ta và khi làm theo ý chúng ta thì chúng ta sẽ đón nhận những hậu quả khôn lường.
Trong cuộc sống, xin cho được chậm lại, xin cho được lặng lẽ lại, xin cho được khiêm tốn lại để nhận ra tất cả không ngoài chương trình của Chúa, không ngoài con đường Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Chúa yêu thương chúng ta mỗi người mỗi cách theo ý của Ngài.
Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta và xin Mẹ Maria chuyển cầu cho chúng ta để trong tất cả những biến cố của cuộc đời chúng ta luôn nhận ra đó là hồng ân như Mẹ Maria. Khi chúng ta nhận ra đó là hồng ân thì chúng ta cũng sẵn sàng xin thưa với Chúa hai tiếng xin vâng như Mẹ vậy.
Anmai, CSsR
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: