Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ai là thần tượng của tôi?

Tác giả: 
Lm Nguyễn Hữu An

 

Ai là thần tượng của tôi?

 

Đọc bản tin trên Tuổi Trẻ Online, Thứ Bảy, 24/03/2012, tôi thấy vừa đau vừa nhục vừa thương cho các bạn trẻ quá.

Khi người trẻ quỳ xuống và hôn ghế...

“Hôm qua 10g có chạy chương trình mà chú Bi Rain gì đó (không biết gõ đúng không nhỉ) và bậu xậu của chú ta sang diễn. Bi ngồi cùng cậu nữa ghế A12, A14 trong Nhà hát lớn. Một số cô cậu nhòm thấy. Tối biểu diễn, nhiều quý nữ có vé mời vào rất sớm, xúm nhau cúi xuống ngửi, hôn cái ghế Bi ngồi”...

Sự cuồng nhiệt của khán giả trẻ VN trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn ngày 15-3 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

Mấy câu ngắn gọn trên Facebook sau đêm biểu diễn của Bi Rain - ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - tại Hà Nội của một chuyên gia truyền hình nổi tiếng đủ khiến nhiều người trong chúng ta, dù thờ ơ đến mấy với “văn hóa xìtin”, phải giật mình.

Chuyện giới trẻ VN và cả châu Á hâm mộ các sao Hàn đã từ lâu không còn là chuyện lạ. Từ gần 20 năm nay, khi “làn sóng Hàn Quốc” trùm lên khắp phố phường thôn xóm - qua phim ảnh và ca nhạc đi trước, hàng hóa theo sau - xã hội đã quen với “tóc nâu môi trầm”, quen với kim chi và đồ ăn Hàn, thời trang và đồ điện tử, gia dụng, thậm chí quen với cả việc nguyên một buôn làng Vân Kiều đặt tên con bằng nhân vật phim Hàn Quốc.

Trên các phương tiện truyền thông, mỗi lần có ban nhạc hay ngôi sao (điện ảnh, truyền hình, ca nhạc) Hàn Quốc sang VN, tràn ngập hình ảnh các “fan cuồng” “cơm nắm muối vừng” xếp hàng đón ở sân bay, xếp hàng chen mua vé, xếp hàng xin chữ ký..., kèm theo là những lời than vãn tuyệt vọng của các bậc phụ huynh: “Nó đòi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để xem Super Junior”; “Nó bảo nếu mẹ không kiếm được vé cho con thì con sẽ bỏ học”, mà vé nào có rẻ, có những khi lên đến 5-7 triệu đồng/cặp.

“Con nhà giàu, được chiều quá mới thế, chạy ăn từng bữa xem, hết thần tượng ngay” - một vài lời nhận xét, rất vô can; “Trẻ con ấy mà, hãy thử đặt mình vào vị trí chúng nó”, “Chúng nó lớn tự khắc sẽ tỉnh”...- nhiều tiếng tặc lưỡi độ lượng.

“Hãy để lớp trẻ có thần tượng của mình, dù Hàn hay Việt, nếu họ tạo ra giá trị sống mới, nếu họ đại diện cho những vẻ đẹp mới, hay thậm chí đơn giản là họ mang đến niềm vui cho hàng triệu thanh niên đang thiếu vắng thần tượng và thiếu cả không gian giải phóng năng lượng” - nhiều chuyên gia tâm lý và những người “tây học, quan niệm cởi mở” phát ngôn trên các diễn đàn...

Ai cũng có lý nếu xét từ góc nhìn của mình, từ vị trí riêng của mình, từ trải nghiệm của bản thân mình.

Vâng, có thể yêu quý và hâm mộ, có thể nhịn ăn xếp hàng mua vé, có thể chen lấn xin chữ ký, có thể làm mình làm mẩy với cha mẹ để xin được tiền mua chiếc vé cắt cổ, có thể nhuộm tóc xanh, tô môi tím và mặc áo khoác giữa mùa hè nhiệt đới cho giống thần tượng...

Nhưng đến mức - dù là chỉ vài người trẻ - xúm xít vào hôn cái ghế Bi ngồi thì...

Những người nhìn thấy cảnh ấy đã giật mình, các phụ huynh đã giật mình. Nhưng giật mình rồi làm gì nữa? Trong khi các thần tượng mới mà chúng ta thật sự mong ước cho con em mình vẫn chưa xuất hiện.

 

THU HÀ

 

 

Đọc câu chuyện này, tôi nhớ đến bài viết “Thần Tượng Của Tôi” của Anh Gioan Lê Quang Vinh, đăng trên web: lươngtamconggiao.wordpress.com, ngày 12.11.2011.

 

Trong Đại Hội giới trẻ giáo xứ Phú Trung mới đây, khi các bạn được hỏi “Ai là thần tượng của bạn?” thì câu trả lời là “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, là “Mẹ em”, là “Bill Gates” hay một vĩ nhân nào đó. Thật vui vì các bạn trẻ Công giáo không ai chọn những ca sĩ diễn viên mau lên chóng xuống. Nhưng đồng thời cũng không vui trọn vẹn vì chưa thấy bạn nghĩ nhiều đến một Con Người đã làm thay đổi diện mạo thế giới này.

 

Vào ngày 01-10-1977, trên một sân vận động tại NewYork, trước 80 ngàn khán giả hâm mộ bóng đá, cầu thủ lừng danh Pélé đã ghi cho mình bàn thắng thứ 1,278. Sau đó anh đã tuyên bố giã từ đời cầu thủ chuyên nghiệp. Sau khi cởi áo cầu thủ gởi tặng giao lưu với khán giả, một phóng viên đã hỏi anh: “Pélé, anh đang là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ, vậy trong cuộc đời của anh, anh có thần tượng nào không ?” Pélé chỉ vào cây Thánh Giá đang đeo trước ngực và trả lời: “Có chứ, thần tượng của tôi là chính Đức Chúa Giêsu Kitô”. (theo R.Veritas)

 

Con Người Giêsu Kitô chính là Đấng Cứu Chuộc nhân loại này. Người đã làm thay đổi vô số người trẻ, để họ sống và hành động theo cung cách của những người được tuyển chọn và được cứu độ. Có một thời người ta tưởng rằng Đức Giêsu Kitô chỉ cứu linh hồn con người, chú trọng đến đời sau, chẳng quan tâm gì đến “đời tạm” này. Nhưng không phải như thế.

 

Khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”. Người gánh tội trần gian và gánh cả những hệ luỵ từ tội lỗi, để giải thoát con người khỏi những cảnh đời lầm than cơ cực nhất ngay ở đời này.

 

Đó chính là điều Isaia đã loan báo trước về Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4,18-19)

 

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ chính vì Người là Đấng giải thoát họ. Giới trẻ vốn không thích bị ràng buộc, bị giam cầm hay bị tước đoạt tự do. Giới trẻ đầy những khát vọng, và trong vô số khát vọng ấy, khát vọng được tự do ca ngợi Đấng Tạo Thành là điều căn bản. Đức Giêsu nói với họ về Thiên Chúa Cha và mở miệng cho họ hát vang lên. Đó là điều vĩ đại nhất của lịch sử.

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ vì Người quá đẹp. Ngoại hình của Người không còn được lưu giữ chính thức, nhưng điều đó không quan trọng. Người đẹp vì nghĩa cử cứu nhân độ thế. Người đẹp vì ánh nhìn bao dung độ lượng, luôn “chạnh lòng thương” dân nghèo. Và Người đẹp khi chỉ vào đám giả hình, đàn áp dân mà bảo “Các ngươi là mồ mả tô vôi”, hoặc “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ”; “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

 

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ vì Người vẽ ra cho họ một con đường và con đường ấy dẫn đến Sự Sống vĩnh cửu. Giới trẻ quá nhàm những lời dụ dỗ, quá chán những lời hứa hão, quá mệt vì những lừa lọc của thế gian. Đức Giêsu nói là làm, và lời Người nói được chứng minh bằng ánh sang từ trời, bằng bảo chứng của Thánh Thần Thiên Chúa và bằng chính cuộc Khổ Nạn Phục Sinh của Người. Ai trên thế gian này dám làm và có thể làm những điều ấy cho giới trẻ?

 

Đức Giêsu không áp đặt, không ép buộc và không nhồi nhét vào đầu óc giới trẻ những điều vô bổ, những học thuyết lỗi thời hay những mầm bạo lực. Người nói: “Thầy gọi các con là bạn hữu”. Và với tư cách người bạn của giới trẻ, Người nói chân tình đầy yêu thương: “Các con hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy”.

 

Bạn và tôi, chúng ta hạnh phúc vì có thần tượng Giêsu. Bạn hãy reo lên: “Tôi yêu Giêsu, tôi chọn Giêsu và tôi sống Giêsu”. Vâng lạy Chúa Giêsu, xin cho con được có Chúa muôn đời.

 

Thời tuổi trẻ, ai cũng có thần tượng của riêng mình. Thần tượng sẽ giúp ích rất nhiều, thậm chí định hướng cho cả tương lai người trẻ tuổi ấy, nếu thần tượng là những gương thành đạt nhờ ý chí vượt khó, gương nhân ái và thảo hiếu...

 

Cha mẹ tôn trọng và chia sẻ với con cái, đồng thời hướng các em đến những hoạt động lành mạnh khác. Giáo Hội, qua các sinh hoạt phụng vụ, mục vụ, giáo lý, bác ái,…là môi trường tốt nhất để thanh thiếu niên sống chan hoà, nhận thức rõ ràng về các giá trị trong cuộc sống, trong đó có cả các “thần tượng”. Nhờ đó, các bạn trẻ chọn cho mình con đường sống lành mạnh và tốt đẹp nhất.

 

Gần đèn bao giờ cũng sáng! Chúa Giêsu Kitô là Ánh Sáng thế gian. Ngài chính là thần tượng của tôi của bạn và của những ai yêu mến công lý sự thật hòa bình tình yêu.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An