Chiêm ngắm và suy tôn Thánh Giá Chúa
Chiêm ngắm và suy tôn Thánh Giá Chúa
Phó Tế Phêro Đặng Phi Hùng
Lễ Lá là một lễ vui mừng vì Chúa chúng ta khải hoàn tiến vào Giêrusalem giữa tiếng reo hò chào đón. Lễ lá cũng đượm nét buồn vì những hoạt cảnh thương khó xảy ra sau đó chỉ ít ngày. Hôm nay chúng ta được nghe Bài Thương Khó trong thánh lễ. Chúa Giêsu bước vào những ngày cuối đời.
Khi suy ngắm về Bài Thương Khó, nghĩ đến Thánh Giá, tôi muốn gợi vài ý để chúng ta cùng nhau suy nghĩ về thái độ đối với Đau Khổ va Tình Yêu trong đời sống một người tin theo Chúa. Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn “Nói Với Chính Mình” viết về Đau Khổ và Tình yêu một cách ý nhị như sau: “Hỏa Ngục là nơi người ta không thấy Tinh Yêu mà thấy toàn Đau Khổ; Trần gian thì dù có Đau Khổ nhưng vẫn có Tình Yêu; Còn trên Thiên Đàng không còn Đau Khổ mà chỉ có Tình Yêu.” Chúa Kitô và nhiệm vụ cứu thế của Ngài khi đến thế gian không thể tách rời khỏi Thánh Giá. Thánh Phaolô gọi Chúa Kitô là “Chúa Kitô chịu đóng đinh.” Tiên Tri Isaiah gọi Chúa Kitô là Thiên sai, một Đấng Thiên Sai đau khổ.
Nhưng không phải chỉ có đau khổ mà còn có hạnh phúc –thứ hạnh phúc phát xuất từ Tình Yêu- “Thiên Chúa thương thế gian đến nỗi cho không CON MỘT của Ngài, để những ai tin vào Chúa Con thì được hưởng sự sống đời đời.” Vì thế, không ai có thể hiểu được tước hiệu “thiên sai đau khổ” nếu không bước với Chúa trên con đường thập giá với Chúa Kito như Ngài đã phán: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà theo Ta.” Qua Bài Thương Khó hôm nay, Chúa KT ôm ấp lấy Thánh giá mà không nghĩ đến cái chết tức tưởi, đau đớn và xấu hổ nên đã làm cho Ngài trở nên vinh quang.
Chúa Giêsu đã xuống tận cùng vực thẳm của phận người. Ngài muốn gieo hy vọng cho những ai thất vọng. Ngài đem lại ý nghĩa cho những khổ đau vô lý. Ngài đã đón nhận tất cả với tình yêu thứ tha, nhờ đó Thánh giá nở hoa, vực thẳm tràn trề sức sống.
Khổ hình thập giá đã không làm cho Chúa Giêsu trở thành Đấng Cứu Thế vì trước và sau Ngài có biết bao nhiêu kẻ khác bị đóng đinh dưới đế quốc Roma, trong đó có các Tông Đồ Chúa. Cũng không phải cực hình thương khó Chúa phải gánh chịu vì các Thánh Tử Đạo cũng đã phải chịu gông cùm, tra tấn cho đến chết! Nhưng nhờ vào sự hoàn toàn tin tưởng và vâng phục Thánh Ý Chúa Cha tuyệt đối, cùng với sự phó thác mọi sư trong tay Chúa Cha. Thánh Phaolo viết cho giáo đoàn Phillipê trong BĐ II: “Chúa Kito tuy là TC nhưng đã tự hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, vì thế TC Cha đã ban cho Ngài một danh hiệu đến nỗi khi nghe tên Giêsu thì mọi loài trên trời, dưới đất và trong hỏa ngục cùng quỳ gối xuống tuyên xưng Chúa KT là Thiên Chúa.” Thái độ đó đã thành nguồn Ơn Cứu Rỗi cho nhân loại chúng ta, thưa Quý vị và các bạn. Để những ai tin vào Chúa Con sẽ được cứu rỗi. Những người Do Thái xưa kia nhìn lên con rắn đồng thì được khỏi chết. Không phải nhờ vào con rắn đồng nhưng nhờ vào lòng tin nơi Lời Chúa mà khỏi chết.
Vậy khi trực diện với Đau khổ, dù Đau khổ về thể xác hay tinh thần, chúng ta nên có thái độ nào? Thưa là vâng phục Thánh ý Chúa. KT hữu chúng ta cũng phải bắt chước Chúa để vác thánh giá mình. Điều đó không có nghĩa là chúng ta luôn tìm kiếm sự Đau Khổ hay Tử Đạo. nhưng trong mọi hoàn cảnh dù xấu hay tốt, may mắn hay bất hạnh, chúng ta hãy phó thác trong tay Chúa, để sống theo thánh ý Ngài. Chúa mời mọi cá nhân chúng ta –mỗi Quý vị và tôi- đến để gặp gỡ Thánh giá, để ôm Thánh giá vào lòng, và để Thánh giá trở nên một phần đời chúng ta. Thánh Giá Chúa có sức mạnh biến đổi đời sống chúng ta. Để rồi từ đó chúng ta dùng những khả năng Chúa ban để phục vụ trong yêu thương những người trong gia đình, khu xóm, giáo xứ và quốc gia…
Sau khi cảm nghiệm được cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy mình yêu Thánh giá của Chúa hơn, mến thánh giá của mình hơn, và kính trọng thánh giá của người khác hơn trong cuộc sống thường ngày trên trần thế, trong lúc chờ đợi sum họp với Chúa KT trên Thiên Đàng là nơi đầy Tình Yêu mà không có Đau Khổ nữa.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: