Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tình ca thập tự

Tác giả: 
Lm Phạm Quốc Hưng

 

Chúa Nhật Lễ Lá (April 01-2012)
Tình ca thập tự 
 
 
Mỗi năm vào Mùa Chay, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu  Chịu Đóng Đinh trên thánh giá, nhất là khi nghe Bài Thương Khó được đọc trong Chúa Nhật Lễ Lá hay khi tham dự Nghi Thức Suy Tôn Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, tôi thường nghĩ ngay đến bản dịch thật tuyệt vời lời tựa cuốn tiểu thuyết Chim Hót Trên Ngành Gai (Thorn Bird) của nữ văn sĩ Coleen McCullough đã được Cha Phêrô Chu Quang Minh, SJ chuyển dịch khi ngài viết bài “Linh Mục Điện Ảnh” trong một số báo Trái Tim Đức Mẹ năm 1982. Cha Phêrô viết bài báo ấy vì có dịp gặp người thủ vai chính trong cuốn phim dựa trên cuốn tiểu thuyết này, khi anh xin đến ở dòng Tên ít ngày để tìm hiểu đời tu nhằm đóng trọn vai trò linh mục-Cha Ralph-trong cuốn phim.  Lời tựa ấy như sau:
 
Ngày xưa, có một loài chim, chỉ cất tiếng hót một lần trong suốt cuộc đời. Nhưng khi cất tiếng hót ngút trời xanh, thì tiếng chim thật dịu dàng hơn bất cứ tiếng ca nào trên trần gian. Từ giây phút chim biết lìa tổ ấm êm, chim chỉ hoài cảm cho một ngành gai tương đắc, và chim chỉ ngừng cánh giang hồ khi đã tìm được ngành gai sắc cạnh đó. Rồi trong rộn ràng cảm xúc, trong tiếng ngân vang giữa muôn ngàn cỏ hoa hoang dại, chìm từ từ chìm sâu thân mình vào ngọn gai nhọn dài sắc bén. Trong cơn hấp hối, chim thánh thót gieo lời tâm giao muôn phần dìu dặt, hơn cả tiếng sáo sậu và tiếng chim đêm. Một bản tuyệt đỉnh ca, bản ca đáng trả giá cho cả cuộc đời. Vũ trụ như còn trầm ngâm lắng nghe tiếng chim ca, và Chúa Trời từ Đỉnh Cao Xanh còn mỉm cười dõi theo. Vì cái tuyệt hảo chỉ mua sắm được với một giá đớn đau khôn lường (For the best is only bought at the cost of great pain).
 
Bản tuyệt đỉnh ca của chim hót trên ngành gai trên đây phải chăng chính là biểu tượng của bài ca tình ái mà Chúa Giêsu đã diễn tả bằng cả cuộc đời của Người, mà những cung điệu mê ly tuyệt vời nhất đã được Người cất lên khi Người hấp hối trên thập giá:
 
1. “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:24): Tình yêu đích thực đòi hỏi sự tha thứ cho những yếu đuối, bất toàn, những lỗi lầm khuyết điểm của người mình yêu. Tội càng nặng, tình càng sâu. Tha càng nhiều lần, tình càng tha thiết.
 
2. “Ta bảo thật ngươi, ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23:43): Tình yêu tìm kiếm sự hiệp nhất. Chúa nên một với con người và gánh lấy hậu quả của tội lỗi nhân loại, để cho con người được chia sẻ sự sống thần linh và niềm vui thiên quốc.
 
3. “Hỡi Bà, này là con Bà…Này là mẹ con” (Jn 19:26-27): Tình yêu là sự sống nên cần được nuôi dưỡng chăm nom. Khi Chúa Giêsu trao phó chúng ta cho Mẹ Maria và trao ban Mẹ cho chúng ta, Chúa muốn Mẹ giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến Người. Mẹ vừa là quà tặng tình yêu quý nhất Chúa Giêsu ban tặng chúng ta sau chính Thánh Thể Người và vừa là gương mẫu tuyệt hảo của tình yêu cho chúng ta noi theo. 
4. “Lạy Thiên Chúa con, lạy Thiên Chúa con, sao Ngài nỡ bỏ con” (Mt 27:46): Tình yêu bao giờ cũng đòi hỏi sự hy sinh khiêm nhường, chết đi cho chính mình để đem lại sự sống cho người mình yêu. Thánh Anphong nói rằng Chúa Giêsu chấp nhận bị bỏ rơi trên thập giá để Người khỏi bỏ rơi chúng ta trong tội.
5. “Ta khát” (Jn 19:28): Tình yêu bao giờ cũng có sự nồng nhiệt và khao khát làm điều tốt cho người mình yêu. Nỗi khao khát lớn nhất trong đời Chúa Giêsu là khao khát làm đẹp lòng Chúa Cha qua việc thực thi trọn vẹn thánh ý Người, và Người khao khát đem lại ơn cứu độ cho mọi người và được mọi người đáp mến Người để đạt được hạnh phúc trọn vẹn.
 
 6. “Đã hoàn tất” (Jn 19:30): Tình yêu thực thì phải có sự trung tín thủy chung. Thiên Chúa luôn yêu mến chúng ta bằng tình yêu không dời đổi, và Chúa Giêsu đã yêu chúng ta đến cùng (Jn 13:1). 
 
7. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46): Thiên Chúa là chính Tình Yêu và là nguồn mạch mọi tình yêu trên trời dưới đất. Vì vậy, mọi tình yêu thật phải quy hướng về Chúa, phải hướng ta về chân, thiện, mỹ.
 
Bản tình ca thập tự của Chúa Giêsu thực là bản tuyệt đỉnh ca của toàn thể vũ trụ và nhân loại, vì đó là bài ca chứa đựng một tình yêu cao cả nhất: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Jn  15:13). Bài ca này đã làm vui lòng Chúa Cha, Đấng đã từng làm chứng về Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:17). Bản tuyệt đỉnh ca này đã được trả giá bằng cả cuộc đời hiến dâng trọn vẹn và hy sinh tận tuyệt của Chúa Giêsu mà đỉnh cao là cái chết đau thương trên thập giá của Người. 
 
Cũng vậy, bài tình ca thập tự của Chúa Giêsu đã đang và sẽ làm rung động con tim của tất cả những ai nhận biết, đón nhận và trân quý tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập tự. Một khi đã để cho tâm hồn bị cuốn hút bởi bài tình ca thập tự này của Chúa Giêsu, người ta sẽ được mời gọi để tiếp tục hát lên bản tuyệt đỉnh ca ấy qua đời sống yêu thương hiệp nhất, tha thứ không ngừng, quảng đại hiến dâng, hy sinh trọn vẹn, khiêm nhường phục vụ, thiết tha nguyện cầu, để trở thành những Kitô khác cho thế giới hôm nay. 
 
Xin Mẹ Maria cầu thay nguyện giúp cho chúng ta biết đón nhận và đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Thánh Giá, để được chia sẻ niềm vui, bình an và ánh sáng của Chúa Phục Sinh-hôm nay, ngày mai và mãi mãi.
 
Lm Phạm Quốc Hưng