Mùa Chay 2012 sắp qua
MÙA CHAY 2012 SẮP QUA
(Chút tâm tình Chúa Nhật Lễ Lá 2012)
Đến rồi lại đi, khai mạc rồi chấm dứt, rất nhiều dữ kiện lớn bé của cuộc đời con người hay của dòng lịch sử đều luân chuyển theo chu kỳ “đến-đi” “mở đầu-kết thúc”. Vấn đề là cái gì sẽ tồn tại sau mỗi chu kỳ ấy. Đời sống Kitô hữu Công giáo theo niên lịch Phụng Vụ thì chu kỳ hay còn gọi là mùa đó là mùa Mùa Chay xem ra đượm nét “thánh thiện” hơn so với các mùa khác. Mùa chay năm 2012, Không biết tín hữu Công Giáo ở các quốc gia khác thế nào, còn ở Việt Nam thì có thể nói rằng rất nhiều nơi, đoàn tín hữu được học tập hay được nghe nói đến Sứ điệp Mùa Chay của Đức Bênêđictô XVI, vị cha chung toàn thể Giáo hội.
Xin được dùng một kiểu tóm tắt nội dung “Sứ Điệp Mùa Chay năm 2012” của Đức Bênêđictô bằng cách trưng dẫn các đề mục lớn từ phần cuối lên phần đấu của Sứ Điệp. Vị Cha chung chỉ dạy tín hữu Công Giáo sống Mùa Chay 2012 này như sau: “Để khích lệ nhau trong đức bác ái và trong việc lành”: cùng nhau tiến bước trong sự thánh thiện (phần 3), thì cần phải biết sống “liên đới với nhau” (phần 2), đó là là hãy biết quan tâm đến nhau trong tinh thần trách nhiệm bằng việc không chỉ thể hiện tình bác ái qua chiều kích thể lý và vật chất mà nhất là có trách nhiệm với người anh em trong đời sống tinh thần qua việc “sửa lỗi huynh đệ”, cụ thể là theo kinh “thương linh hồn bảy mối”(phần 1).
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người. Một việc đáng khen.
Thứ hai: Mở dạy kẻ mê muội. Ái chà chà, nhạy cảm.
Thứ ba: An ủi kẻ âu lo. Chuyện tốt thôi.
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội. Thật to gan!
Thứ năm: Tha kẻ dể ta. Đáng mặt anh hùng.
Thứ sáu: Nhịn kẻ làm mất lòng ta. Đúng là thánh thiện.
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Ai cũng công nhận là việc phải làm.
Những mối thương linh hồn như: Lấy lời lành mà khuyên người; An ủi kẻ âu lo; Tha kẻ khi dể ta; Nhịn kẻ làm mất lòng ta; Cầu cho kẻ sống và kẻ chết thì xem ra ít có vấn đề vì hình như ít đụng chạm đến người “được thương” cho lắm. Còn hai mối: Mở dạy kẻ mê muội và răn bảo kẻ có tội thì xem ra có vấn đề. Người được mở dạy mà nhận biết mình mê muội thì chẳng có vấn đề. Mình đang mù mà cứ cho là sáng thì sự thể thật là nan giải. Mình sai lầm mà cứ cho là đang ở đỉnh cao trí tuệ loài người, là “thầy cả”,cái gì cũng làm thầy… thì vô phương cứu chữa. Có nhiều sự vô minh vì lý do khách quan hoặc vì tầm trí hạn chế thì có thể khoan dung cách này cách khác. Còn sự mê lầm cách có chủ ý vì chức quyền, danh vị hay vì lợi lộc thì quả đáng lên án và đáng mở dạy cách mạnh mẽ và cương quyết. Chúa Kitô đã dùng những lời đanh thép “khốn cho các ngươi”, “con cáo già” để mở dạy những hạng người này.
Răn bảo kẻ có tội mà họ nhận ra tội của mình trong sự khiêm nhu thì cũng chẳng có vấn đề. Chúa Kitô khoan dung với người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, Người an ủi động viên thiếu phụ tội lỗi ở nhà ông Simon - Tật phong, vì họ đã chân thành nhìn nhận lỗi lầm đã phạm. Trái lại, những kẻ có tội mà cứ cho mình là “muôn năm”, là đáng đựoc tung hô “vạn vạn tuế”, vì là “lương tri của nhân loại” hay là “đã có chức thánh” thì bất khả xâm phạm, thì thật là nan đề. Với những hạng người này thì Chúa Kitô đã từng lên án rằng cho dù mọi thứ tội đều có thể được tha thứ nhưng tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không bao giờ được tha. Chắc chắn với những hạng người này thì không thể làm gì hơn là noi gương Chúa Kitô lấy dây thừng bện thành roi mà đánh đuổi. Đức Bênêđictô đã khẳng định rằng khi Chúa Kitô đánh đuổi những người buôn bán chiên bò, những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ thì không phải Chúa Kitô đả phá luật lệ, nhưng Người đánh đổ những sai trái của con người đã được lề luật hoá.
Trước một số sự mê lầm có chủ ý và trước một vài tội lỗi mang tính cố chấp trong xã hội và cả trong Giáo hội Việt Nam thì dường như đang có hai thái độ phản ứng. Một là chủ trương rao truyền và bảo vệ chân lý bằng mọi giá, kể cả việc phơi tấm lưng ghẻ ra ánh sáng mặt trời. Một thì chủ trương rằng cần nhẫn nại chịu đựng bất công, gian dối để vác thánh giá theo chân Chúa Kitô hầu tránh giẫm chân nhóm “nhiệt thành” hay còn được mệnh danh là “quá khích” thời Chúa Kitô.
Đoàn tín hữu Công Giáo Việt Namthuọc mọi thành phân dân Chúa lắm khi phân vân không biết chọn thái độ nào. Bản thân tôi, thiết nghĩ rằng không có thái độ phản ứng nào là chuẩn, theo nghĩa là đúng và thích hợp cho mọi trường hợp. Tuy nhiên dù chọn thái độ nào đi nữa thì chúng ta cũng phải lấy Chúa Kitô làm điểm quy chiếu.
Phải khẳng định rằng Chúa Kitô không chọn thái độ im lặng trước bất công và gian dối. Người chỉ không nói nữa sau khi đã nói tất cả sự thật cần nói. Trước toà án đạo, với Thượng Tế Cai Pha, Người khẳng định Người là Con Thiên Chúa và sẽ lại đến trên mấy trời (x.Mt 26,64). Trước toà đời, với Philatô, Người khẳng khái tuyên bố Người là Vua và đã đến thế gian này để làm chứng cho sự thật, ai hâm mộ sự thật thì hãy nghe tiếng Người (x.Ga 19,37). Những phút giây hấp hối trên thập giá, dù sức đã kiệt Người cũng gắng gượng ngõ lời với Mẹ Maria, với người môn đệ yêu dấu, với người bị treo bên phải, với Chúa Cha với những lời rất đượm nét tình người, tình Đấng đầy lòng thương xót, để rồi viên bách quản phải thốt lên rằng “đây quả thật là một người công chính”(x.Lc 23,47).
Thập giá của Chúa Kitô chỉ là cái giá mà Người phải gánh khi Người thanh tẩy đền thờ, nghĩa là khi đánh đổ những sai trái của con người đã thành luật lệ, khi Người khẳng định chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà không đơn độc, vì Người chính là Con Thiên Chúa thật đồng hàng với Đấng là Cha của mọi người, khi Người muốn kiện toàn lề luật bằng cách trả lề luật về vị trí của nó là phương tiện chứ không phải là cứu cánh, bằng cách đặt thứ tự ưu tiên lề luật: luật của Thiên Chúa phải trên luật của loài phàm hèn và bằng cách nội tâm hoá việc giữ luật nghĩa là việc giữ luật khởi đi từ bên trong tâm hồn (x.GLCG chung số 577 – 591).
Thiết nghĩ rằng xin đừng làm cớ cho người vô thần một lần nữa khẳng định chân lý khi cho rằng tôn giáo là một thứ thuốc an thần ru ngủ những người bị áp bức bóc lột bằng một thứ thiên đàng mai sau để rồi cúi đầu nhẩn nhục chịu đựng sự bóc lột, đàn áp của những thế lực đang có nhiều quyền hay đang lắm tiền trong tay.
Theo niềm tin Kitô, chúng ta có thể xác tín cách không sợ sai lầm rằng vì muốn rao truyền chân lý để chân lý giải thoát nhân loại chúng ta khỏi ách nô lệ thần dữ nên Chúa Kitô đành chấp nhận cái giá phải trả đó là án chết thập hình.
Cũng mong rằng sẽ chẳng có một ai chủ trương rằng cứ nhẫn nhục chịu đựng, cứ cam lòng chịu khó và im lặng trước bất công, trước gian quyền để rồi đằng sau đó là để khỏi phải hy sinh, dĩ nhiên là hy sinh quyền bính, lợi lộc hay tính mạng của mình.
Mùa Chay 2012 đến, rồi Mùa Chay sẽ đi. Hy vọng rằng tâm tình và lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ còn đọng lại chút gì trong đời sống Kitô hữu chúng ta, những người biết “quan tâm một cách có trách nhiệm” với Kitô hữu Việt Nam, với đồng bào Việt Nam để rồi can đảm “sữa lỗi tha nhân trong tình huynh đệ, với động từ sữa lỗi – elenchein- cũng là động từ chỉ sứ vụ ngôn sứ của Kitô hữu tố giác thế hệ chiều theo tội ác” (Đức Bênêđictô XVI).
Xin được kết thúc những dòng tâm tình này bằng chính lời của Đức Bênêđictô ngõ với anh chị em Công giáo Cuba trong chuyến viếng thăm đất nước này những ngày cuối tháng 3-2012 vừa qua, tại quảng trường Cách mạng Havana: “Anh chị em thân mến, đừng ngần ngại theo Chúa Giêsu Kitô. Trong Người chúng ta tìm thấy sự thật về Thiên Chúa và về nhân loại. Ngài giúp chúng ta vượt qua tính ích kỷ của mình, vượt lên trên những cuộc đấu tranh không có kết quả của chúng ta và giúp chúng ta chế ngự tất cả những gì áp chế chúng ta. Kẻ gian ác, tội lỗi, trở thành nô lệ của sự dữ và sẽ không bao giờ đạt được tự do (x.Ga 8,34). Chỉ bằng cách từ bỏ hận thù và từ bỏ con tim chai cứng và mù lòa của chúng ta, thì chúng ta mới được tự do và một cuộc sống mới sẽ vươn lên trong chúng ta….Cuba và thế giới cần thay đổi, nhưng điều này chỉ xảy ra khi mỗi người sẵn sàng tìm kiếm sự thật và chọn con đường của tình yêu, gieo rắc hòa giải, và tình huynh đệ”
Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: