Bình yên một thoáng cho tim mềm
Chuyện phiếm đọc vào tuần thứ Hai Phục Sinh năm B 15.4.2012
“Bình yên một thoáng cho tim mềm,”
“Bình yên ta vào đêm.”
(Quốc Bảo – Bình Yên)
(St 1: 1-2)
Thập niên ’60 mà ngồi nghe lại câu thơ trên, hẳn người người cũng như tôi đây cứ là vui triền miên, rất “bình yên”, suốt một đời!
Cũng vào thập niên năm ấy, Học viện Dòng Chúa Cứu…Chuộc của bần đạo rộ lên không ít bầu khí “bình yên”, cũng giống thế. Nếu phải kể, thì bần đạo đây chẳng biết tìm đâu ra giấy bút để kể cho hết, bấy nhiêu chuyện xưa cũ. Thôi thì bần đạo chỉ xin ghi lại ở đây đôi ba sự kiện ít thấy, để cho vui. Ngoài việc ít thấy là sự chào đời của ban Hallêluyah “Ca Vào Đời” rồi lại đến sự kiện các lớp đàn anh được ra nước ngoài thụ huấn các môn triết/thần, cũng khá nhiều.
Bần đạo còn nhớ, phần đông anh em du học/thực tập, là để học thần học Kinh thánh. Tuy rằng, cũng có địa hạt khác mà đàn anh hăng say không ít, là: tham gia nhóm hội vẫn được gọi là “Thanh Sinh Công” (tiếng Pháp là JEC, tức: Jeunes Étudiants Catholiques) và “Thanh Lao Công” (JOC, tức: Jeunes Ouvriers Catholiques).
Ở Pháp khi đó còn có hiện tượng khá lạ, là: các cụ cứ là đổ xô nhau tìm đến với tác giả Gilbert Cesbron từng viết cuốn “Les Saints vont en enfer” (tạm dịch là: “Thánh nhân dồn về chốn hoả ngục”) để làm gì thì bần đạo đây chẳng rõ, chỉ hiểu loáng thoáng mỗi điều, là: muốn rao giảng cho giới thợ thuyền thì phải quyết tâm trở nên như họ, tức: sống và làm việc với họ. Thì ra, ý nghĩa của quyết tâm này từa tựa câu ca ở bên dưới:
“Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên.”
(Quốc Bảo – bđd)
Thật ra thì, mức độ hiểu biết thi ca/âm nhạc của bần đạo chưa gọi là tạm đủ để cảm nhận giòng chảy nảy sinh ở bên trên. Duy có điều, là: chừng như lòng người thuở ấy rất hăng say nhưng nay lại ra như nguội lạnh, khô cứng, rất đứng tuổi.
Nên không còn say sưa như giới trẻ bây giờ dám xả thân vào chốn ít người héo lánh, kể cả âm nhạc.
Và hôm nay, có say sưa ưa bộc phát với loại nhạc của giới trẻ thời đại, mới hát những ý/lời hoặc giai điệu lên lên/xuống xuống rất thất thường đến cực “bạo”, như:
“Bình yên để gió đưa em về
Bình yên ta chờ nghe
Chờ nghe tình vỗ lên tim mình
Chờ nghe tình lung linh
Bình yên để nắng soi môi thơm
Bình yên ta mừng
Mừng em đã hết đau thương về đây ấm cúng
Mừng em đã biết xót thương tình yêu.”
Bình yên ta chờ nghe
Chờ nghe tình vỗ lên tim mình
Chờ nghe tình lung linh
Bình yên để nắng soi môi thơm
Bình yên ta mừng
Mừng em đã hết đau thương về đây ấm cúng
Mừng em đã biết xót thương tình yêu.”
(Quốc Bảo – bđd)
Quả có thế. Bần đạo đây, tuy chưa cảm nhận hết cái hay/đẹp của giòng chảy âm nhạc thời thượng sáng tác theo thể loại Blues, Swing, hoặc Jazz của nước ngoài. Và có lẽ, vì nhạc trẻ của thế hệ mới hôm nay lại có điệu ru nghe qua tưởng như “tối hù”, nhưng nghe thật kỹ lại thấy lời ru có dáng dấp rất không cũ:
“Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa
Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau
Như một câu hát ứa ra từ tim
Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên
Để quên hết khó khăn chia lìa.”
Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau
Như một câu hát ứa ra từ tim
Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên
Để quên hết khó khăn chia lìa.”
(Quốc Bảo – bđd)
Quả cũng đúng. Đi vào giòng đời, có “khó khăn chia lìa” thì cũng xin “tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên”, để “quên hết khó khăn chia lìa.” Và, bà con hôm nay tặng cho nhau những gì đây, khi thấy: đời đi Đạo, cái khó trong nhiều cái khó là biết dung hoà cuộc sống nhà Đạo có tin và yêu để đồng hành và hội nhập nền khoa học khô cứng, nhiều biện chứng?
Lớp người có tuổi cũng như bần đạo, hễ cứ đụng đến khoa học và niềm tin là đã thấy hơi bị khô, rất khó hợp. Còn giới trẻ vẫn thấy đó là chuyện ở đời, khó tránh né. Để dẫn chứng, bần đạo xin mượn ý/lời của bạn trẻ ở Sydney có đôi giòng cảm nhận mà bần đạo vừa “chộp” được, như sau:
“Nói về vấn đề có liên quan đến khoa học và niềm tin, thì vô cùng. Chỉ biết là: từ thời xưa, người Ấn Độ cũng băn khoăn không kém khi đi tìm cho mình đáp án cho luận đề cổ lỗ nhất của nhân loại, cổ hơn cả cổ sử. Đó là câu hỏi: vũ trụ là gì? Vũ trụ từ đâu mà có? Loài người từ đâu đến? Do ai tạo ra? Khi chết đi về đâu?... Đó là những câu hỏi khá hiểm hóc. Những vấn đề thú vị của khoa học tự nhiên và triết học mà có lẽ con người sẽ không bao giờ có được câu trả lời chung cuộc, dù ban đầu chúng xem ra không mấy thiết thực, có khi còn ngớ ngẫn nữa. Lịch sử tư duy của loài người cho thấy: khoa học tự nhiên và triết học luôn tìm cách lý giải vấn đề này và từng bước rồi từng bước đi từ giản đơn đến phức tạp, từ chỗ thô sơ đến tinh vi, tế nhị. Hai ngành luôn hỗ trợ nhau, vẫn là tiền đề để giúp nhau phát triển…
Ấn Độ, hồi thế kỷ thứ 15 đã khai sinh ra tôn giáo cải cách nhằm giải thích các hiện tượng siêu hình có niềm tin tôn giáo kể trên, dưới góc nhìn khoa học hợp lý hơn, thay vì chỉ biết mù quáng tin một cách tuyệt đối mà không vận dụng bộ óc suy luận của mình để phán đoán sự việc hiện hữu trên thế gian. Đó là đạo Sikh, do Guru Khai tổ Nanak sáng lập tại bang Punjab. Không giống như tôn giáo khác, đạo Sikh cho rằng đã đến lúc cần tách rời tôn giáo khỏi khoa học, thần học khỏi triết lý, điều mình tin tưởng khỏi nhận thức, ở bất cứ lãnh vực học thuật này khác. Theo họ, khoa học phải do lý tính hoặc khả năng suy luận tạo ra, và phải được kiểm chứng bằng kết quả thử nghiệm, chứ không chỉ dựa vào niềm tin mà thôi.
Đây là ý tưởng vô cùng mới mẻ, nhằm đả kích các quan điểm thần học chính thống đã khuynh loát lên đời sống tâm linh nhân loại lúc bấy giờ. Đến thời điểm đạo Sikh ra đời, ở Phương Đông cũng như phương Tây, con người mặc nhiên chấp nhận định luật bất thành văn cho rằng niềm tin và khoa học là hai khái niệm đồng nhất không thể tách rời, trong đó mọi vật được xem như hình ảnh và dấu ấn của Thượng Đế hiện hữu ở cõi trần. Từ triết gia Plato người Hy Lạp mà nền văn minh Kitô giáo Tây Phương dựa làm nền tảng, cho đến Ấn giáo thuỷ tổ của triết học Ấn Độ, hoặc Khổng giáo ở Trung Hoa, tất cả đều không thoát khỏi qui luật bất biến này. Nay, nhờ luồng tư tưởng mới, do đạo Sikh đề xướng, một phong trào canh tân tôn giáo đã nhanh chóng bùng nổ khắp Ấn Độ, và qua ngả Ả Rập để du nhập Âu Châu.
Các biến động này đã buộc các giáo hội trên thế giới phải đối phó với những vấn đề hết sức nan giải và có khả năng bị xã hội cô lập nếu không trả lời thoả đáng các vấn đề thời đại. Những mâu thuẫn một bên là lý tính và bên kia là niềm tin, chính quyền nhiều nước không thể làm gì khác hơn là đàn áp tôn giáo cách mãnh liệt. Điều này đưa đến hai thái cực ở thế đối chọi giữa hai hệ tư tưởng Đông phương và Tây phương. Kể từ đó, tôn giáo và khoa học không thể dung hoà với nhau được, mà cuộc chiến giữa hai khuynh hướng canh tân và bảo thủ vẫn tiếp diễn hàng ngày mãi đến nay.
Giáo lý cốt tuỷ của đạo Sikh dựa trên tín điều mà Guru Sáng Tổ Nanak và 9 vị Guru Thế Tổ khác truyền lại qua bộ kinh cơ bản là Adi Granth, còn gọi là Guru Granth Sahib. Tín đồ đạo Sikh chỉ tôn thờ duy nhất có một vị thần thôi, đó là Chúa Trời hay Thượng Đế, trong đó vũ trụ, con người, lý tính và niềm tin đều bắt nguồn từ Thượng Đế cả. Con người nhận thức thực tại bằng ánh dọi từ Thượng Đế. Thượng Đế tạo nên vũ trụ, cũng như con người tạo ra dụng cụ, rồi sử dụng chúng, như nghệ nhân tạo tác phẩm nghệ thuật bằng ý chí và quyết tâm của mình. Thượng Đế tạo vũ trụ và các ‘đơn vị’ (thí dụ một con người, đoá hoa hồng hay con lừa) sống trong vũ trụ đó với tính cá thể riêng, nhưng mang hình ảnh và tính chất như Ngài. Thượng Đế, với sức sáng tạo vô biên, đã tạo dựng mọi ‘đơn vị’ theo cách thức riêng của Ngài và để chúng phát triển rất tự nhiên theo quy luật do Ngài đặt ra. Khi cần thiết, Thượng Đế có thể trực tiếp can thiệp vào thực tại và đó là lý do có ‘phép lạ nhiệm mầu’.
Tuy nhiên, cũng đạo lý này khi truyền đạt vào Phương Tây thì lại đi đến kết luận khác hẳn với hệ thống tư tưởng Ấn Độ và triết học Đông Phương. Giới trí thức Âu Châu thời đó bèn đem ra bàn luận về học thuyết của triết gia cổ đại Hy Lạp là Aristotle, vốn có nhiều nét giống với tư tưởng đạo Sikh bị họ lãng quên ở Âu Châu suốt hơn 1500 năm. Sau này được thánh Tôma Akinô đúc kết thành triết thuyết hoàn chỉnh, làm nền cho Giáo hội Chúa suốt nhiều thế kỷ, giúp Giáo hội vượt qua bao sóng gió, thử thách đến từ các thế lực đối nghịch. Từ đó, Giáo hội Tây Phương ra thông cáo chính thức về quan điểm của mình đối với các vấn đề có liên quan đến thần học và tôn giáo, đến khoa học và triết học, đến niềm tin và nhận thức, trên cơ sở bảo rằng: trái đất cũng như con người do Thượng Đế tạo, đang sinh trưởng trên mặt đất, là trung tâm vũ trụ, trung tâm của thế giới muôn loài. Con người là hiện thân của Thượng Đế đương nhiên được xem là chúa tể muôn loài ở trái đất, điều đó trở thành cái cớ để người Châu Âu chinh phục và thám hiểm thế giới…” (trích Một vài cảm nghiệm nhân chuyến đi thăm Ấn Độ năm 2009 do Anthony Quốc Trần, Sydney ghi lại)
Về niềm tin và khoa học theo lịch sử dưới tầm nhìn của người trẻ ở Sydney chuyên tra cứu sử Ấn Độ, là như thế. Tức: như một nhận định thông thoáng trong muôn ngàn nhận xét, vẫn có giới hạn. Nói về vũ trụ vạn vật theo cung cách cổ sử Do thái, là nói và viết như sau:
“Từ khởi thủy,
Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất.
Đất thời trống không mông quạnh,
và tối tăm trên mặt uông mang
và khí thần là là trên mặt nước.”
(Sáng thế ký 1: 1-2)
Dẫn giải chương đầu sách Khởi nguyên, cha giáo Giuse Nguyễn Thế Thuấn CSsR, có viết:
“5 quyển đầu của Cựu Ước làm thành một khối mà người Do thái gọi chung là “Torah”, tiếng Hipri này thường được dịch là Lề Luật, nhưng đúng nghĩa hơn phải dịch là Giáo điều... ”
“Mười một chương đầu của sách Khởi Nguyên nên được để riêng. Qua việc tả lại nguồn gốc loài người, với một lối hành văn đơn giản và nhiều hình ảnh hợp với tâm não của một dân chưa được mở mang mấy, các chương này đưa ra những chân lý căn bản của kế đồ Cứu Chuộc: Thiên Chúa tạo dựng vào buổi đầu thời gian, việc can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa trong sự xuất hiện của con người, nam và nữ, tính cách thống nhất của loài người, tội của tổ tiên tiên-khởi, sự sa ngã và những khổ đau, coi như một hình phạt, được lưu truyền.” (x. Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Tiểu dẫn vào Kinh thánh, Kinh Thánh nxb Dòng Chúa Cứu Thế 1976 tr. XLIII, XLVI)
Nói theo bài bản, thì như thế. Nhưng, bài bản và gì nữa cũng vẫn là bản và bài của ai đó, bởi người thời nay đều thấy khoa học và niềm tin luôn có xung đột khó tránh. Xung đột xảy đến từng ngày. Xung đột xảy đến lai rai. Bởi, với niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa là Đấng làm cho thế giới mở rộng thêm để người người kịp khám phá ra sự thật đúng/sai.
Về phía Ngài, Chúa vẫn khích lệ con người đưa nhiều thắc mắc/hỏi han về thế giới với tương quan giữa Chúa và khoa học ngõ hầu củng cố một nhận thức. Nói cho cùng, khoa học và niềm tin vẫn như hai chị em cùng nhà mà lại sống riêng rẽ, nên vẫn có lập trường riêng tư, khác biệt. Mỗi bên có cơ hội khám phá ra bản chất của mình, nên tầm nhìn thường vẫn khác.
Bảo rằng, ngay như anh em cùng nhà nhiều lúc còn đấu tranh giành phần thắng lợi về mình nữa, thay vì nhường nhịn nhau, hợp tác chung sống, huống hồ là khoa học và niềm tin cũng hành xử hệt như thế. Ngược giòng sử, người người thấy rõ hai sự kiện nói lên xung đột giữa hai chị em cùng nhà từng xảy đến với thế giới, rất khó chữa.
Trước hết, là trường hợp của khoa học gia Galilêô hồi thế kỷ thứ 16 có liên quan đến chuyện trưng bằng chứng nói trái đất xoay quanh mặt trời. Trong khi đó, Hội thánh lại giải thích khoa thiên văn theo Kinh thánh quyết bảo rằng: trái đất là tâm điểm của vũ trụ. Cuối cùng, Hội thánh đành chọn giải pháp lên án Galilêô, để trấn an các nhà thần học. Về sau, Giáo triều biết là lối giải thích khoa học theo kiểu triết/thần của thời đó có sai sót, nhưng vì Galilêo vẫn muốn khoa học tách bạch khỏi mọi kềm chế của tôn giáo, nên mới thành chuyện. Galilêô bị hành hình và bị vạ tuyệt thông và chỉ được hồi phục danh dự qua lời xin lỗi của Hội thánh mới đây thôi.
Thứ hai, là: xung đột nhằm vào thuyết tiến hoá do Darwin chủ xướng, vào thế kỷ thứ 19. Khi ấy, Darwin dựa vào nghiên cứu hoá-thạch, chủ trương con người tiến hoá qua tiến trình lựa lọc của thiên nhiên. Nghĩa là, mọi sinh thái xuất hiện trên trái đất không là thọ tạo riêng rẽ, nhưng là thành phần của chuỗi sự sống cứ biến hoá, cứ liên tục hiện hữu, ngàn năm không thiếu. Với người nhà Đạo, lối giải thích này không thuần nhịp với trình thuật tạo dựng trời đất theo Thánh Kinh. Nên, giới chức nhà Đạo mới đả kích chủ thuyết Darwin, rất kịch liệt.
Trường hợp Galilêô, người nhà Đạo cũng thấy lối giải thích công cuộc tạo dựng trời đất của nhà Đạo khi xưa có cái gì đó không ổn. Suy cho kỹ, mới thấy trình thuật kể trong Cựu Ước không mang chủ đích giải thích chuyện tạo dựng theo khoa học, mà chỉ muốn nói về tương quan giữa Thiên Chúa và thế giới nhân trần, mà thôi. Theo dõi mọi xung đột giữa khoa học và tôn giáo, người đọc lại càng liên tưởng đến ca từ vừa hát, như sau:
“Bình yên một thoáng cho tim mềm
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên.”
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên.”
(Quốc Bảo – bđd)
“Câu bình yên” lòng se sẽ ấy, vẫn là câu thổn thức dồn đến mọi người, cả trong Đạo lẫn ngoài đời. Thổn thức lắm, khi nhớ lại cuộc xung đột giữa khoa học và niềm tin. Thổn thức, khi người người tưởng nhớ những điều sai quấy, cần hối lỗi. Nói đúng ra, người xưa hoặc hôm nay vẫn khư khư với lập trường cố định mình nắm bắt, nên mới để mất nỗi niềm “bình yên” cần thiết.
Chính vì thế, mà nghệ sĩ hôm nay lại hát câu bình yên với mục đích sau đây:
“Bình yên để gió đưa em về
Bình yên ta chờ nghe
Chờ nghe tình vỗ lên tim mình
Chờ nghe tình lung linh
Bình yên để nắng soi môi thơm
Bình yên ta mừng
Mừng em đã hết đau thương về đây ấm cúng
Mừng em đã biết xót thương tình yêu.”
Bình yên ta chờ nghe
Chờ nghe tình vỗ lên tim mình
Chờ nghe tình lung linh
Bình yên để nắng soi môi thơm
Bình yên ta mừng
Mừng em đã hết đau thương về đây ấm cúng
Mừng em đã biết xót thương tình yêu.”
(Quốc Bảo – bđd)
Kinh nghiệm của mất mát “bình yên” giữa nhà khoa học và nhà Đạo chuyên lý giải thần học, là do nghĩ rằng lập trường hiểu biết và lý giải mọi chuyện trên trời dưới đất chỉ dẫn đến xung đột, chẳng bao giờ “bình yên”. Chí ít, là bình yên trong tâm hồn. Kinh nghiệm rút từ cuộc xung đột giữa khoa học và tôn giáo, đem đến cho ta một đề nghị thiết thực.
Đề nghị rằng: sống đời bình yên, đừng tìm giải thích các vấn đề ngoài tầm hiểu biết hoặc chuyên môn của mình. Bởi làm thế, càng gây chia rẽ rất khó sống “bình yên”. Biết hỗ trợ và tìm hiểu cái hay cái mới, vẫn hơn là đả kích huỷ diệt nhau. Hãy đề cao nét vẻ bình yên của thiên nhiên. Rồi từ đó, ta mới tuyên dương quan hệ thân thương giữa Thiên Chúa của tình thương và vũ trụ vạn vật.
Đề nghị thêm nữa là: ai ưu tư lý sự hoặc nghĩ về nguồn gốc vạn vật hãy cứ về mà tìm hiểu nét đẹp của tương quan ấy, tự khắc sẽ bắt gặp bình yên nằm sẵn ở cái hay, nét đẹp ấy mà góp phần tạo tuyệt mỹ trong mọi sự, kể cả sự sống con người cùng vạn vật, thay vì tìm cách sáng chế phương tiện huỷ diệt tất cả. Con người lẫn vạn vật, đã mất dần “bình yên” trong tình yêu và tình của bình yên.
Để minh hoạ lập trường thiết thực ấy, cũng nên về với truyện kể nhẹ êm, rất tích cực:
“Có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
“Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải hét thật to vào mặt nhau?”
Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, một trong các đệ tử trả lời:
“Bởi, người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!”
Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời quá mau mắn này, bèn bảo:
“Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở bên nhau, sao không nói bằng âm thanh vừa đủ nghe?”
Các đệ tử lại ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến thầy họ hài lòng.
Sau cùng ông bảo:
“Khi hai người giận nhau, thì trái tim họ không còn ở gần nhau nữa. Từ thâm tâm, họ thấy giữa họ và người kia có khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to.
Giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, lại càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.”
Ngừng một chút, ngài lại hỏi:
“Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, thế là tại sao? Bởi, trái tim họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ cũng rất nhỏ…”
Rồi ngài tiếp:
“Khi hai người yêu nhau đậm đà thì họ không cần nói nữa, mà chỉ thì thầm, họ đến với nhau rất gần bằng tình yêu của mình. Cuối cùng, cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ đưa mắt nhìn nhau, thôi! Vì ngang qua ánh mắt đó, họ biết đối phương nghĩ gì, muốn gì rồi ..”
Ngài kết luận:
“Khi các con bàn cãi với nhau về vấn đề gì, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng thốt ra điều gì khiến các con thấy xa cách nhau. Bằng không, thì một ngày nào đó, khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa và các con cũng sẽ không tìm ra được con đường mà quay về với sự bình yên cần có, cho đời mình!”
Kể truyện rồi, nay mời bạn mời tôi, ta lại hát lời cuối của bài ca “bình yên”, dẫn ở trên:
“Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa
Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau
Như một câu hát ứa ra từ tim
Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên
Để quên hết khó khăn chia lìa.”
Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau
Như một câu hát ứa ra từ tim
Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên
Để quên hết khó khăn chia lìa.”
(Quốc Bảo – bđd)
Và cứ thế, với giòng nhạc nhẹ êm, bạn và tôi ta “quên hết khó khăn chia lìa” để rồi sẽ đi dần vào với “bình yên’ đích thực, của cuộc đời. Ngay lúc này.
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn cứ ca và cứ hát
những lời lẽ rất bình yên
cho tim mình mềm
nhẹ êm, suốt một đời.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: