Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đọc thư mục vụ Đức Cha Kontum

Tác giả: 
Lm Nguyễn Hữu An

 

ĐỌC THƯ MỤC VỤ CỦA ĐGM GP KONTUM

 

Thư Mục Vụ Tam Nhật Thánh - Phục Sinh 2012 của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, GMGP Kontum ngày 6/4/2012, có đoạn viết: “ Nơi nào có nhà thờ, có linh mục, có tu sĩ, nơi đó có nhân nghĩa hơn, có huynh đệ hơn, có tin nhau hơn!”. (x. http://giaophankontum.com, ngày 7,4.2012).

 

Lời vị Giám Mục thật xác tín. Niềm xác tín đặt nền tảng trên sự trải nghiệm của lịch sử Giáo Hội hơn hai ngàn năm qua. Nhà thờ, Linh mục, Tu sĩ gắn bó với nhau trong nhịp sống phụng vụ đạo đức nên đã làm cho dân chúng tại một Giáo Hội địa phương được sống nhân nghĩa, huynh đệ và tin nhau hơn!

 

Chuyện kể rằng ngày xưa khi thế giới mới được tạo dựng, có hai anh em thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại gồm một thửa ruộng và một cái cối xay. Người anh đã có vợ và con cái, còn người em thì vẫn sống độc thân. Hai anh em mặc dù ở riêng, nhưng cùng canh tác chung thửa ruộng trong sự thuận hòa đùm bọc lẫn nhau. Mỗi ngày khi chiều về họ phân chia đồng đều hai phần thóc ngô và hoa lợi họ thu hoạch được trong ngày. Một hôm người em tự nghĩ: “Thật không công bằng chút nào khi hai anh em chia đều hai phần hoa màu. Ta chỉ có một thân một mình, trái lại ông anh ta có gia đình đông con cái phải tốn kém hơn nhiều”. Nghĩ như thế rồi từ đó mỗi đêm vào lúc khuya, chú em đã âm thầm mang một thúng hoa màu của mình đem đổ qua bên kho của gia đình người anh, hầu cho anh chị và các cháu có đủ thức ăn mỗi ngày.

 

Người anh có gia đình cũng nghĩ trong lòng: “Thật không công bằng chút nào khi hai người chia đều phần hoa lợi, bởi vì mình còn vợ con phụ giúp, trong khi đó chú em có một thân một mình, khi về già sức yếu không ai lo cho thì lấy gì mà sống”. Nghĩ thế rồi, hằng đêm người anh lặng lẽ mang một thúng hoa màu của mình sang đổ vào kho của chú em. Kết quả là mỗi sáng, mỗi người đều nhận thấy hoa màu trong kho của mình vẫn như cũ, không giảm bớt tí nào.

 

Rồi một đêm tối kia, hai người tình cờ thức dậy cùng giờ. Khi hai người đang mang hoa màu đi sang nhà nhau, họ đã gặp nhau ở giữa đường. Họ đã nhận ra công việc họ đã làm cho nhau từ trước đến nay, và họ đã ôm chầm lấy nhau trong tình yêu chan chứa không nói nên lời. Truyện kể rằng Thiên Chúa đã nhìn thấy sự gặp gỡ của họ và Người đã tuyên bố: “Đây là nơi thánh, nơi của tình yêu, và chính tại nơi đây đền thờ của Ta sẽ được xây cất”.

 

Câu chuyện thật giàu ý nghĩa. Nhà thờ được xây dựng tại nơi gặp gỡ của tình huynh đệ, đó là nơi thánh thiêng, là địa chỉ của tình yêu và nhân nghĩa.

 

Tại Nhà thờ, mọi người gặp gỡ nhau trong tình Chúa và tình người. Nhờ vậy, mỗi người luôn xây đền thờ tâm hồn mình bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa.

 

Trong Đức Kitô, các tín hữu đã trở nên đền thờ sống động và đã được cung hiến ngày lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô minh định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi tín hữu qua Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn các tín hữu hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ như đền thờ Latêranô đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa Giêsu thấy sự huy hoàng của Đền thờ,nhưng Người lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi người Do thái chất vấn: Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi,trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Đức Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy. Thân thể phục sinh của Chúa là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực, trong tinh thần và trong chân lý. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn tín hữu mới là đền thờ vững bền.

 

Đền thờ đích thực, là chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2,5; Dt 9,15; 12,24). Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của mọi nhà thờ trên thế giới này đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

 

Có Nhà thờ, có Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân, một giáo xứ được thành lập.

 

Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Người Kitô hữu giáo dân” đã đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ, cộng đoàn Phục Sinh, cộng đoàn Thánh Thể.

 

* Giáo xứ là một gia đình của Thiên Chúa chan hoà tình bác ái huynh đệ. Mọi người được đón tiếp chân thành, được sống trong bầu khí bác ái, được cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương che chở. Ai cũng cảm thấy mình thuộc về giáo xứ là một vinh dự.

 

* Giáo xứ là một cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin. Mọi người được bồi dưỡng đức tin, được kêu gọi sống đức tin, được giúp hiểu biết các vấn đề đức tin. Các Thánh lễ, các giờ giao lý, các buổi cầu nguyện luôn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Lời Chúa và lời Giáo hội soi sáng mà người tín hưũ hiểu biết về những biến cố cuộc đời.

 

* Giáo xứ là một cộng đoàn có tổ chức. Mọi người được sắp xếp trong một hệ thống trật tự, có phân công, có trách nhiệm.Tất cả liên hệ với nhau trong tinh thần hiệp thông, cộng tác, trách nhiệm để xây dựng giáo xứ tốt đẹp.

 

* Giáo xứ là một cộng đoàn truyền giáo. Đây là hình ảnh mà Công Đồng Vatian II đề cao nhất, hình ảnh cộng đoàn truyền giáo. Mọi người được nuôi dưỡng đức tin, được sống tình bác ái để ra đi truyền giáo, loan báo Tin Mừng Phục Sinh, rao truyền niềm vui, niềm hy vọng như cộng đoàn Nhóm Mười Hai đã ra đi đến với muôn dân.

 

Ở Nhà thờ, các tín hữu được nghe, được học, được thấm nhuần chân lý cần thiết, đặt nền trên Thánh kinh. Chân lý có tính cứu độ, thánh hoá, sáng tạo, giúp con người có tinh thần trách nhiệm cao, có lương tâm nhạy bén trước sự lành sự xấu, có khát vọng đi sâu đi xa vào các giá trị xây dựng và phát triển con người xã hội. Từ đó họ sẽ trở thành người phục vụ cho chân lý.

 

Ở Nhà thờ, các tín hữu đón nhận sự sống thiêng liêng. Sự sống này rất dồi dào phong phú làm cho họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa thương xót. Với sự sống này, người tín hữu không chỉ sống cho mình mà còn sống cho người khác, dám sinh sinh cho người khác. Từ đó, họ trở thành người phục vụ sự sống.

 

Ở Nhà thờ, các tín hữu được chia sẽ tình yêu thương của mọi người trong Giáo Hội. Chia sẽ là cho đi và đón nhận. Tình chia sẽ này được xây dựng trên sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ đó, họ trở thành người phục vụ cho tình hiệp thông.

 

Từ Nhà thờ, người tín hữu được dẫn tới chính nguồn chân lý đích thực, nguồn sự sống đích thực, nguồn tình yêu đích thực. Nguồn đó chính là Chúa Giêsu “là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Chúa Giêsu hiện diện trong Nhà thờ. Người đón nhận từng người vào đây. Người gọi tên từng người đến đây. Người chúc lành cho từng người thiện chí. Người sai từng người có tâm huyết đi phục vụ. Nhờ vậy họ trở thành những người dấn thân, để nhân danh Chúa, họ phục vụ trong các lãnh vực chân lý, sự sống và tình thương.

 

Chính vì những lẽ đó nên Đức Cha Micae đã viết: “ Nơi nào có nhà thờ, có linh mục, có tu sĩ, nơi đó có nhân nghĩa hơn, có huynh đệ hơn, có tin nhau hơn!”.

 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An