Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lòng Chúa Thương Xót trong Kinh thánh

Tác giả: 
Trầm Thiên Thu

 

 

Lòng Chúa Thương Xót trong Kinh thánh

 

LỜI NGỎ: Bài viết này dựa vào Tông thư “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót” [Rich in Mercy (Anh ngữ), Dives in Misericordia (La ngữ)] của Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Đây là loại bài “cao cấp” nên rất khó lĩnh hội ngay, vì thế bạn cần đọc chậm và suy nghĩ nhiều theo linh hứng của Chúa Thánh Thần. Đừng đọc cả một lúc, mỗi lần đọc một ít. Chúc bạn được Chúa Thánh Thần linh hứng để hiểu đúng linh đạo này. Xin mời bạn!

 

Khi diễn tả Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), các sách Cựu ước dùng 2 cách diễn tả đặc biệt, mỗi câu đều có một sắc thái khác nhau về ngữ nghĩa.

Trước hết, thuật ngữ “hesed” ngụ ý một thái độ sâu sắc của “lòng tốt”. Khi điều này được thiết lập giữa hai cá nhân, họ không chỉ muốn tốt cho nhau mà họ còn tin tưởng nhau bằng sự thầm hứa trong lòng, và trung thành với nhau. Vì “hesed” cũng có nghĩa về ân huệ hoặc yêu thương, điều này xảy ra đúng theo nền tảng của lòng trung thành. Sự thật là sự tận tụy được nói tới không chỉ là đặc tính luân lý mà còn hầu như là đặc tính pháp lý tạo sự khác biệt.

 

Cựu ước dùng từ “hesed” để nói về Thiên Chúa, điều này luôn xảy ra khi liên kết với giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập với dân Israel. Đối với Thiên Chúa, giao ước này là tặng phẩm và ân huệ dành cho dân Israel. Do đó, Thiên Chúa đã hứa tôn trọng giao ước, “hesed” cũng cần một ý nghĩa hợp pháp phù hợp với giao ước.

 

Lời hứa theo pháp lý về phần Thiên Chúa bắt buộc dân Israel không được vi phạm giao ước và phải tôn trọng các điều kiện của giao ước. Nhưng ở điểm này, “hesed” không là pháp lý, được mặc khải phương diện sâu xa hơn, cho thấy chính nó là gì ngay từ đầu, nghĩa là tình yêu đã được trao ban, tình yêu mạnh hơn sự phản trắcân sủng mạnh hơn tội lỗi.

 

Lòng tín trung này đối với con-gái-bất-trung-của-dân-tộc: “Ngay cả lũ chó rừng cũng biết chìa vú cho con bú, thế mà con gái dân tôi lại dữ dằn hung bạo như đà điểu chốn hoang địa khô cằn. Thiếu nữ dân tôi gian ác tầy trời vượt xa cả Xô-đôm tội lỗi; thành đó bị đổ nhào trong nháy mắt, chẳng cần ai phải nhúng tay vào” (Ac 4:3, 6). Tóm lại, đối với Chúa, đó là lòng tín trung đối với chính Ngài. Điều này trở thành hiển nhiên thường xuyên ở cả hai dạng “tận tụy” mà chúng ta gặp (ân sủng và tín trung), có thể được coi là trường hợp của phép thế đôi (hendiadys, cách dùng liên từ “và” giữa 2 từ ngữ), ví dụ: Xh 34:6; 2 Sm 2:6; 15:20; Tv 25 [24]:10; 40 [39]:11-12; 85 [84]:11; 138 [137]:2; Mi 7:20).

 

“Ngươi hãy nói với nhà Israen: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà Ítraen, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến” (Ed 36:22). Do đó mà dân Israel, mặc dù nhiều tội lỗi vì vi phạm giao ước, không thể yêu cầu “hesed” của Thiên Chúa theo pháp lý, nhưng họ có thể và phải tiếp tục hy vọng và tin sẽ được điều đó, vì Thiên Chúa của giao ước thực sự “chịu trách nhiệm về tình yêu của Ngài”.

 

Thành quả của tình yêu này là ơn tha thứ và phục hồi ân sủng, tái lập giao ước nội tại. Từ ngữ thứ hai theo thuật ngữ Cựu ước xác định Lòng Thương Xót là “rahamim”.

 

Đây là sự khác biệt của “hesed”. Trong khi “sự tận tụy” làm nổi bật lòng tín trung của “trách nhiệm đối với tình yêu của mình” (theo nghĩa nam tính), “rahamim” theo chính nguyên ngữ đã bao hàm tình yêu của người mẹ (rehem = tử cung).

 

Từ hệ lụy nguồn gốc và sâu xa – thực sự là sự kết hợp – liên kết người mẹ với đứa con làm nảy sinh mối quan hệ đặc biệt với đứa con, một tình yêu đặc biệt. Với tình yêu này, người ta có thể nói rằng đó là “hoàn toàn cho không”, vô điều kiện, và về phương diện này nó cấu thành sự cần thiết nội tại: Tình trạng cấp bách của con tim.

 

Như vậy, đó là sự biến đổi “nữ tính” của lòng tín trung nam tính đối với chính nó được diễn tả bằng từ ngữ “hesed”. Đối với nền tảng tâm lý này, “rahamim” phát sinh một loạt cảm xúc, kể cả lòng tốt và dịu dàng, kiên nhẫn và hiểu biết, nghĩa là sẵn sàng tha thứ.

 

Cựu ước quy cho Thiên Chúa các đặc tính này khi dùng thuật ngữ “rahamim” để nói về Ngài. Chúng ta đọc thấy trong sách Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15).

 

Tình yêu này là lời cảm tạ tín thành đối với sức mạnh mầu nhiệm của tình mẫu tử, được diễn tả trong Cựu ước bằng nhiều cách: Cứu thoát khỏi mọi nguy hiểm, nhất là thoát khỏi kẻ thù; tha thứ tội lỗi – của từng người và của cả toàn dân Israel – cuối cùng là sẵn sàng làm trọn lời hứa và niềm cậy trông, mặc dù nhân loại bất trung, như chúng ta thấy trong sách Hôsê: “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14:5).

 

Theo cách nói của Cựu ước, chúng ta cũng thấy những cách diễn tả khác, ngụ ý nhiều cách đối với ngữ cảnh cơ bản. Nhưng cả hai cách nói trên đều đáng lưu ý đặc biệt, cho thấy rõ phương diện theo thuyết hình người nguyên thủy (original anthropomorphic aspect): Khi diễn tả LCTX, các tác giả Kinh thánh dùng cách nói phù hợp với lương tâm và kinh nghiệm của những người đương thời.

 

Thuật ngữ Hy Lạp theo bản dịch “Bảy Mươi” (*) không cho thấy như bản cổ ngữ Do Thái: Vì thế nó không đưa ra tất cả sự khác biệt về ngữ nghĩa riêng đối với văn bản gốc. Dù ở mức nào, Tân ước cũng dựa vào sự phong phú và độ sâu ghi dấu cổ.

 

Theo cách này, chúng ta thừa hưởng từ Cựu ước – theo cách tổng hợp – không chỉ phong phú về cách diễn tả được các sách đó dùng để xác định LCTX, mà còn về “tâm lý” của Thiên Chúa theo thuyết hình người: Hình ảnh về tình yêu khắc khoải của Ngài, khi tiếp xúc với điều ác, nhất là với tội lỗi của cá nhân và dân tộc, được biểu hiện là LTX.

 

Hình ảnh này được tạo nên không chỉ về ngữ cảnh tổng quát của động từ “hanan” mà còn về ngữ cảnh của từ ngữ “hesed” và “rahamim”. Thuật ngữ “hanan” diễn tả một khái niệm rộng hơn, thực sự có nghĩa là cách biểu hiện của ân sủng, liên quan một bẩm chất kiên định (constant predisposition) là khoan hồng, nhân từ và thương xót.

 

Thêm vào các yếu tố ngữ nghĩa, khái niệm của Cựu ước về LCTX cũng được tạo nên từ những gì bao hàm trong động từ “hamal”, theo nghĩa đen là “tha chết” (một kẻ thù chiến bại) nhưng cũng “tỏ lòng thương xót và trắc ẩn”, vì thế mà tha thứ và miễn trừ tội lỗi.

 

Còn có thuật ngữ “hus” diễn tả lòng thương xót và trắc ẩn, nhưng đặc biệt mang ý nghĩa xúc động. Các thuật ngữ này xuất hiện ít hơn trong các văn bản Kinh thánh khi diễn tả LCTX.

 

Ngoài ra, nên chú ý từ ngữ “emet” đã được nói tới. Nó có nghĩa ban đầu là “sự vững chắc, sự an toàn” (theo Hy ngữ của bản Bảy Mươi là “chân lý”) và khi đó có nghĩa là “lòng thành tín”. Theo cách này, nó có vẻ liên kết với ngữ nghĩa riêng đối với thuật ngữ “hesed”. Ở cả 2 nơi, đó là trường hợp của “hesed”, nghĩa là lòng thành tín mà Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài đối với dân, trung thành với điều Ngài hứa là sẽ làm trọn trong tình mẫu tử của Mẹ Thiên Chúa (x. Lc 1:49-54), như Kinh thánh nói: “Chúa sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1:72). Đây cũng là trường hợp của LCTX theo nghĩa của từ “hesed”, theo mức của những câu theo sau, những câu mà Dacaria nói về “LTX nhân hậu của Thiên Chúa”, diễn tả rõ ràng nghĩa thứ hai, nghĩa là “rahamim” (bản La ngữ: Viscera Misericordiae), đồng hóa LCTX với tình thương của người mẹ.

 

CỰU ƯỚC

 

Cựu ước hiểu LCTX bằng cách dùng nhiều thuật ngữ có ý nghĩa liên quan, khác nhau bằng nội dung riêng, nhưng có thể nói được rằng chúng đều đồng quy từ những hướng khác nhau theo nghĩa cơ bản, diễn tả sự phong phú nổi bật và gần gũi với con người với các phương diện khác nhau.

 

Cựu ước khuyến khích mọi người chịu đựng nỗi bất hạnh, nhất là nỗi đau khổ do tội lỗi – như dân Israel được Thiên Chúa hứa ban giao ước – để cầu xin LTX của Thiên Chúa, và làm cho những nỗi bất hạnh đó trở thành niềm hy vọng, nhắc nhở về LCTX trong những lúc thất bại và mất niềm tin.

 

Cựu ước cũng luôn dâng lời tạ ơn về LCTX, thể hiện trong đời sống của toàn dân và mỗi cá nhân. Theo cách này, LCTX tương phản với sự công thẳng của Thiên Chúa theo nghĩa nào đó, và trong nhiều trường hợp được thể hiện không chỉ mạnh hơn mà còn sâu sắc hơn công lý. Cũng vậy, tình yêu tác động tới công lý, và cuối cùng thì công lý phục vụ tình yêu.

 

Cựu ước còn dạy rằng, dù công lý là một nhân đức đích thực nơi con người, và nơi Thiên Chúa biểu hiện sự hoàn hảo trong suốt, do đó mà tình yêu “lớn hơn” công lý – lớn hơn về ý nghĩa nguyên thủy và cơ bản.

 

Tính ưu việt và nổi trội của tình yêu có liên quan công lý – đây là dấu ấn của toàn bộ mặc khải – được mặc khải chính xác qua LTX. Điều này có vẻ minh nhiên đối với các tác giả thánh vịnh và các tiên tri mà công lý kết thúc theo nghĩa Ơn cứu độ được hoàn tất bởi chính Thiên Chúa và LCTX [Tv 40 (39):11; 98 (97):2; Is 45:21; Is 51:5 & 8; Is 56:1].

 

LCTX khác với công lý, nhưng không đối lập, nếu chúng ta nhận theo lịch sử con người – như Cựu ước đã thể hiện chính xác – sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa đã tự liên kết với thụ tạo của Ngài bằng một tình yêu đặc biệt.

 

Theo bản chất, tình yêu loại trừ thù hận và ý xấu đối với người mà Ngài đã trao tặng phẩm là chính mình: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Ngài đã làm ra” (Kn 11:24). Những từ này cho thấy cơ bản thâm sâu của mối quan hệ giữa công lý và LTX nơi Thiên Chúa, trong mối quan hệ của Ngài với con người và thế giới.

 

Những lời đó cho chúng ta biết rằng chúng ta phải tìm kiếm nguồn gốc của việc trao ban sự sống và các lý do thân thiết đối với mối quan hệ này bằng cách trở lại từ “sự bắt đầu”, trong chính mầu nhiệm sáng tạo. Những lời đó báo trước Giao ước cũ (Cựu ước), sự mặc khải viên mãn của Thiên Chúa, Đấng mệnh danh là “tình yêu” (1 Ga 4:15 & 16).

 

Nối kết với mầu nhiệm sáng thế là mầu nhiệm của sự chọn lựa, theo cách đặc biệt mà hình thành lịch sử con người có người cha tâm linh là Abraham nhờ đức tin. Do đó, qua dân tộc này mà các hành trình xuyên suốt lịch sử Cựu ước và Tân ước, mầu nhiệm của sự chọn lựa nói đến mỗi người trong đại gia đình nhân loại.

 

“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31:3). “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (Is 54:10). Sự thật này, đã từng được công bố với dân Israel, liên quan viễn cảnh của toàn lịch sử con người, cả viễn cảnh thời gian và thế mạt (Gn 4:2, 11; Tv 145 (144):9; Hc 18:8-14; Kn 11:23-12:1).

 

Đức Kitô mặc khải Chúa Cha trong cùng viễn cảnh và theo nền tảng đã được chuẩn bị, như nhiều trang Cựu ước mô tả. Cuối mặc khải này, vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu nói với tông đồ Philipphê lời đáng ghi nhớ này: “Thầy ở với anh em bấy lâu, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).

 

TÂN ƯỚC

 

Ngay đầu Tân ước, hai tiếng nói vang lên trong Phúc âm thánh Luca phù hợp việc liên quan LCTX – một sự hài hòa vang dội cả truyền thống Cựu ước. Đức Maria vào nhà ông Dacaria, tán tụng Chúa bằng cả linh hồn vì LXT của Chúa, điều mà “từ đời nọ đến đời kia” được trao ban cho những ai kính yêu Ngài.

 

Sau đó, khi Đức Mẹ nhớ lại sự tuyển chọn dân Israel, Đức Mẹ đã tuyên xưng LCTX mà Ngài đã chọn Đức Mẹ là người được mọi thời khen là “đầy ơn phúc” (x. Lc 1:49-54). Khi Gioan Tẩy giả chào đời, ông Dacaria ca tụng Thiên Chúa của Israel và tôn vinh Ngài vì đã tỏ LTX như đã hứa với các tổ phụ và vì đã nhớ giao ước thánh của Ngài (x. Lc 1:72). Đây cũng là trường hợp của LCTX theo nghĩa của từ “hesed”, điều mà ông Dacaria nói về “lòng nhân hậu của Thiên Chúa”, được diễn tả rõ theo nghĩa thứ hai, nghĩa là “rahamim” (La ngữ là viscera misericordiae), xác định LCTX như tình mẫu tử.

 

Trong giáo huấn của chính Chúa Giêsu, hình ảnh này kế thừa từ Cựu ước trở nên đơn giản hơn và sâu xa hơn. Đây có thể là điều hiển nhiên nhất trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng (x. Lc 15:14-32). Dù từ ngữ “lòng thương xót” không xuất hiện, nhưng vẫn diễn tả rõ ràng bản chất của LCTX.

 

Đó là mầu nhiệm của LCTX, một kịch bản thâm thúy thể hiện Tình Cha đối với đứa con hoang đàng và tội lỗi. Người con đó không chỉ được hồi phục quyền làm con mà còn được tiếp tục thừa kế gia sản của người cha dù đã ăn chơi phung phí hết phần gia sản riêng. Ăn năn và trở về, nhận lỗi và xin lỗi, tất cả lại trở về nguyên trạng của người con. Tình Chúa quá bao la và kỳ diệu!

 

“Khi tiêu xài hết mọi thứ”, người con “bị túng quẫn”, nhất là “nạn đói xảy ra trong vùng đó” đến nỗi người con “thèm ăn cám heo” mà cũng không được ăn, thế là người con phải quyết định về nhà cha: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà mình ở đây lại chết đói!” (Lc 15:17). Việc trở về của người con có thể chỉ là vạn bất đắc dĩ, nhưng ít nhiều gì anh cũng nhận thấy mình bất xứng và chỉ dám xin cha coi mình như tôi tớ: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15:18-19). Thế nhưng anh không thể tin những gì anh thấy: Người cha ra ôm anh vào lòng, làm tiệc mừng, cho mang đồ mới và giày mới. Dụ ngôn này đã “chạm” đến giao-ước-tình-yêu, “chạm” đến mọi tình trạng mất ân sủng và mọi tội lỗi.

 

Theo nhận thức, người con này lý luận để khả dĩ thấy rằng mình đã hoàn toàn bất xứng, không còn mối quan hệ mật thiết của tình phụ tử. Do đó mà người con quyết định đứng dậy và trở về với cha. Dám trở về là can đảm, vì dù sao cũng đã bẽ mặt và nhục nhã, nhưng không mặc cảm tội lỗi. Người con hoang đàng nhận thấy mình không có quyền đòi hỏi gì nữa, không đáng là con, may lắm cũng chỉ mong được làm người giúp việc trong nhà cha mình thôi. Người con đã nhận thức đầy đủ về tình trạng bất xứng của mình và “đáng đời” thế nào theo công lý. “Quyết định dứt khoát trở về” là động thái rất quan yếu. Lúc đó, con người phải giằng co âm thầm rất mãnh liệt. Đó chính là động thái trưởng thành trong đức tin – tin vào LCTX và tin mình được thứ tha.

 

Trong dụ ngôn “người con hoang đàng”, thuật ngữ “công bình” không được dùng, và trong nguyên bản cũng không dùng từ “lòng thương xót”. Mối quan hệ giữa công bình và yêu thương được biểu hiện như LCTX, đồng thời được khắc sâu bằng tính chính xác trong nội dung của dụ ngôn.

 

Rõ ràng hơn là tình yêu được biến đổi thành LCTX khi cần có quy luật chính xác của sự công bình. Người con hoang đàng không còn xứng đáng sau khi ăn chơi sa đọa, trắng tay khi trở về với cha, nhưng được cha tha bổng, và dần dần người con được vun đắp về vật chất và tinh thần, dù có thể không bao giờ được đầy đủ như xưa. Tình phụ tử được khôi phục là nhờ tính cao thượng và tình thương của người cha.

 

Mối quan hệ như vậy không bao giờ có thể bị thay đổi hoặc bị phá hủy bằng bất cứ động thái nào. Người con hoang đàng biết vậy và biết mình phải làm gì để chuộc lỗi lầm, đó là lúc người ta biết rõ mình để có thể sống khiêm nhường hơn.

 

Hình ảnh người con hoang đàng giúp chúng ta nhận biết LCTX là gì và như thế nào. Chắc chắn đây là mặc khải về Thiên Chúa Cha, giúp chúng ta tái phát hiện cách nhìn của Cựu ước về LCTX luôn mới, vừa đơn giản vừa sâu xa.

 

Người cha của đứa con hoang đàng luôn trung thành với cương vị làm cha, trung thành với tình yêu bao la mà ông luôn dành cho con mình. Do đó mà người cha luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ nếu đứa con biết trở về. Tình yêu ấy là LTX, kỳ lạ đến nỗi không ai khả dĩ hiểu hết. Người cha ấy đã tha thứ thì không còn phân biệt gì so với đứa con vẫn ngoan ngoãn ở với mình. Người con ngoan ngoãn đã so đo nhưng người cha đã phân tích rõ ràng để huynh đệ vẫn hiếu thuận với nhau.

 

Người cha trung tín với chính mình – một đặc điểm mà Cựu ước dùng thuật ngữ “hesed” – ngay khi diễn tả bằng cách thể hiện tình phụ tử. Thật vậy, chúng ta đọc thấy rằng khi người cha thấy đứa con hoang đàng trở về, ông đã chạnh lòng trắc ẩn, chạnh LTX, chạy ra đón nó, ôm nó trước khi nó ôm mình, rồi hôn nó (Lc 15:20). Chắc chắn ông làm điều này vì yêu thương con sâu sắc lắm, và điều này cũng bày tỏ lòng đại lượng dành cho con, lòng đại lượng đó đã khiến người con lớn phải tức giận. Lời người cha nói với người con lớn giản dị mà thâm sâu: “Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15:32).

 

Trong Phúc âm của thánh sử Luca có dụ ngôn Con Chiên Lạc (x. Lc 15:4-7) và dụ ngôn Đồng Bạc Bị Mất (x. Lc 15:8-9). Mỗi lần đều có mức nhấn mạnh tương tự về niềm vui có trong trường hợp của đứa con hoang đàng (x. Lc 15:11-32). Lòng thành tín của người cha hoàn toàn được tập trung vào tính nhân bản đối với đứa con hư hỏng, về nhân phẩm của đứa con.

 

Điều này giải thích mọi niềm vui nỗi mừng lúc đứa con trở về nhà. Do đó người ta có thể nói rằng tình thương dành cho đứa con là tình yêu xuất phát từ chính bản chất tình phụ tử, theo cách thức bắt buộc người cha quan tâm đến nhân phẩm của đứa con. Mối quan tâm này là thước đo tình yêu thương của người cha, tình yêu thương mà thánh Phaolô diễn tả: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn” (1 Cr 13:4-8).

 

Lòng Thương Xót – như Đức Kitô đã bày tỏ trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (hoặc dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng) – có dạng nội tại của tình yêu trong Tân ước gọi là “agape”. Tình yêu thương này có thể đạt tới mọi đứa con hoang đàng, tới mọi nỗi khổ đau của con người, tới cả nỗi khốn khổ luân lý và tội lỗi.

 

Khi điều này xảy ra, con người là khách thể của LTX mà không hề cảm thấy bị hạ nhục, mà cảm thấy lại được tìm thấy và “được phục hồi giá trị”. Người cha bày tỏ niềm vui mừng đối với đứa con vừa “được tìm thấy” và như “chết sống lại”.

 

Niềm vui này thể hiện cái tốt nguyên trạng, dù đứa con hoang đàng cũng không thể ngăn cản tình cha thương con. Niềm vui đó còn thể hiện cái tốt lại được tìm thấy, khi đứa con trở về thú nhận tội lỗi. Điều xảy ra giữa mối quan hệ phụ tử trong dụ ngôn của Chúa Giêsu không được đánh giá “từ bên ngoài”. Định kiến của chúng ta về LTX đa số là hậu quả của việc chúng ta đánh giá theo bề ngoài.

 

Thi thoảng điều này xảy ra bằng cách theo phương pháp đánh giá mà chúng ta thấy trong LTX vượt trên mọi mối quan hệ bất bình đẳng giữa người trao LTX và người nhận LTX. Do đó, chúng ta vội vã “chiết khấu” LTX mà “thu nhỏ” người nhận, cho nên chúng ta xúc phạm nhân phẩm người khác.

 

Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng cho thấy thực tế khác hẳn: Mối quan hệ của LTX dựa trên kinh nghiệm chung của cái tốt là con người, kinh nghiệm chung của phẩm chất đúng nơi con người. Kinh nghiệm chung này làm cho đứa con hoang đàng bắt đầu tự nhận thấy mình và hành động của mình bằng sự thật trọn vẹn (đó là khiêm nhường). Mặt khác, vì chính lý do này mà đứa con trở thành cái tốt riêng của người cha: Người cha thấy rõ cái tốt đạt được nhờ mầu nhiệm của chân lý và yêu thương để người cha có vẻ quên mọi tội lỗi mà đứa con đã phạm.

 

Hoán cải là cách diễn tả cụ thể nhất về tác dụng của tình yêu và sự hiện hữu của LTX trong thế giới loài người. Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng diễn tả theo cách đơn giản nhưng sâu sắc trong thực tế cải tà quy chánh.

 

Ý nghĩa riêng và đúng của LTX không chỉ bao gồm trong cách nhìn, mà còn xuyên suốt và đầy lòng trắc ẩn: LTX được diễn tả về phương diện đúng và riêng khi LTX phục hồi để đánh giá, thúc đẩy và thu hút những điều tốt từ mọi dạng của điều xấu hiện hữu trong thế giới và trong con người. Hãy hiểu theo cách này, LTX cấu thành nền tảng của sứ vụ cứu độ và sức mạnh trong sứ vụ của Đức Kitô.

 

Các tông đồ và các môn đệ của Ngài đã hiểu và thực hành LTX như cách của Ngài. LTX không bao giờ ngừng mặc khải, bằng tâm khảm và trong hành động, như bằng chứng hùng hồn về tình yêu: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (x. Rm 12:21). Khuôn mặt đích thực của LTX phải được mặc khải theo cách mới. Mặc dù có nhiều định kiến, LTX vẫn thực sự rất cần thiết trong thời đại chúng ta.

 

LCTX được mặc khải trên Thánh giá và trong sự Phục sinh

 

Sứ vụ của Đức Kitô và hoạt động của Ngài giữa nhân loại kết thúc bằng cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh. Chúng ta phải thẩm thấu sự kiện cuối cùng này, nhất là theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II xác định là Mầu nhiệm Vượt qua (Mysterium Paschale) – nếu chúng ta muốn diễn tả sâu sắc sự thật về LTX, như được mặc khải trong lịch sử cứu độ.

 

Ở mức cân nhắc này, chúng ta phải tiếp cận Tông thư Redemptor Hominis (Gioan Phaolô II, 1978). Thật vậy, thực tế của ơn cứu độ, theo chiều kích con người, đã mặc khải những điều chưa từng nghe biết – về sự cao cả của con người, như Bài Exsultet (công bố trong đêm Vọng Phục Sinh) mô tả: “Tội hồng phúc đã ban cho chúng ta Đấng cứu chuộc rất cao sang”, ngay lúc chiều kích cứu độ của Thiên Chúa làm cho chúng ta có thể hồi sinh theo cách kinh nghiệm nhất và lịch sử nhất, để tiết lộ chiều sâu của tình yêu không không chùn bước trước sự hy sinh khác thường của Chúa Con, để thỏa mãn lòng trung thành của Chúa Cha đối với loài người, tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Ngài và chọn chúng ta từ khởi nguyên, nơi Chúa Con, đối với ân sủng và vinh quang.

Các sự kiện của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, thậm chí trước đó, trong lời cầu nguyện tại Ghết-si-ma-ni, giới thiệu sự thay đổi nền tảng của toàn bộ sự mặc khải về tình yêu và LTX trong sứ vụ của Đức Kitô. Ngài “thi ân giáng phúc, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế” (Cv 10:38), đồng thời “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9:35), chính Ngài thực hiện LTX và kêu gọi LTX, khi Ngài bị bắt, bị đối xử tệ, bị kết án, bị đánh đòn, đội vòng gai, bị đóng đinh vào Thập giá và chết trong đau đớn vô cùng (x. Mc 15:37; Ga 19:30).

 

Lúc đó Ngài xứng đáng nhận LTX từ những người mà Ngài đã làm tốt cho họ, nhưng Ngài đã không nhận được. Ngay cả những người thân tín nhất cũng không thể bảo vệ Ngài khỏi kẻ ác. Ở giai đoạn cuối cùng của sứ vụ, các lời tiên tri, nhất là của tiên tri Isaia nói về Người Tôi Tớ Đau Khổ, hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Kitô: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:5).

 

Đức Kitô, là người chịu đau khổ trong Vườn Cây Dầu và trên đồi Can-vê, đã thưa với Chúa Cha rằng Ngài đã thể hiện tình yêu của Chúa Cha cho mọi người. Nhưng Ngài cũng không được thoát khỏi đau khổ và cái chết trên Thập giá: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:21).

 

Thánh Phaolô viết về chiều kích thực tế của ơn cứu độ. Chính ơn cứu độ này là mặc khải tính thánh thiêng của Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện, đầy đủ công lý và yêu thương, vì công lý dựa trên yêu thương.

 

Trong cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô, Chúa Cha không tha chính Con mình, nhưng “vì chúng ta mà tự nhận thân phận như tội nhân”, công lý được diễn tả, Đức Kitô chịu đau khổ và chấp nhận Thập giá vì tội lỗi nhân loại. Điều này cấu thành “sự dồi dào” của công lý, vì tội lỗi của loài người “được đền bù” nhờ sự hy sinh của Thiên-Chúa-Làm-Người.

 

Công lý này là “tiêu chuẩn của Thiên Chúa”, hoàn toàn nhiệm xuất từ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, và sinh hoa kết trái trong tình yêu. Vì thế, công lý của Chúa mặc khải trên Thánh giá của Đức Kitô là “chiều kích cùa Thiên Chúa” vì nhiệm xuất từ tình yêu và được hoàn tất trong tình yêu, sinh ra hoa trái ơn cứu độ. Ơn cứu độ liên quan sự mặc khải về LTX viên mãn.

 

Chiều kích ơn cứu độ được đặt trong hiệu quả không chỉ bằng cách đem lại công lý để chịu đựng tội lỗi, mà còn phục hồi tình yêu nơi con người, vì chính con người đã từng viên mãn sự sống và sự thánh thiện đến từ Thiên Chúa. Theo cách này, ơn cứu độ liên quan sự mặc khải về LTX một cách viên mãn.

 

Mầu nhiệm Vượt qua là tột đỉnh của sự mặc khải này và hiệu của cùa LTX, có thể biện hộ cho con người, phục hồi công lý theo nghĩa của mệnh lệnh cứu độ mà Thiên Chúa đã muốn từ khi tạo dựng nhân loại. Cuộc khổ nạn của Đức Kitô nói theo cách đặc biệt đối với con người, không chỉ với người có niềm tin.

 

Những người không có niềm tin cũng có thể khám phá nơi Ngài về mối liên kết với số phận con người, cũng như sự hài hòa trọn vẹn của sự dấn thân vô vị lợi vì con người, vì chân lý và vì yêu thương. Nhưng chiều kích của Mầu nhiệm Vượt qua còn thâm thúy hơn. Thập giá trên đồi Can-vê, nơi mà Đức Kitô đã đối thoại lần cuối với Chúa Cha, nổi bật lên từ chính trái tim yêu thương của con người, vốn được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa, đã được làm thành tặng phẩm theo kế hoạch đời đời của Thiên Chúa.

 

Như Đức Kitô đã mặc khải, Thiên Chúa không chỉ thân thiện với thế giới với tư cách Tạo hóa và nguồn hiện hữu, mà Ngài còn là Cha: Ngài liên kết với con người, và Ngài mời gọi họ hiện hữu trong thế giới vô hình, bằng mối liên kết thân mật hơn. Đó là tình yêu không chỉ tạo điều tốt mà còn cho tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì Ngài yêu thương và muốn trao ban chính Ngài. Và Ngài cũng mời gọi chúng ta chia sẻ chân lý và tình yêu nơi Thiên Chúa.

 

Tín điều Công đồng Nicê-Constantinopolitan xác nhận: “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Thập giá là bằng chứng tuyệt vời về giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại – mỗi con người đều là giao ước này. Thập giá là giao ước mới đã được thiết lập trên đồi Can-vê, không hạn chế với một người nào.

 

Thập giá của Đức Kitô nói gì với chúng ta? Thập giá lại cho chúng ta một sứ điệp quan trọng: “Đức Kitô phục sinh”.

 

Những người thấy ngôi mộ trống trở thành nhân chứng về Đức Kitô phục sinh. Nhưng ngay trong vinh quang Thiên Chúa, Thập giá vẫn còn. Thập giá đó vẫn nói và không ngừng nói về Thiên Chúa Cha, Đấng tuyệt đối trung tín với tình yêu đời đời của Ngài đối với con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

 

LTX là tình yêu tuyệt đối. Tin vào tình yêu này là tin vào LCTX. Tin vào Chúa Con bị đóng đinh là “thấy Chúa Cha” (x. Ga 14:9), nghĩa là tin tình yêu đó hiện hữu trong thế giới và tình yêu này mạnh hơn mọi điều ác nơi mọi người, nơi nhân loại, hoặc cả thế gian. LCTX là chiều kích tuyệt đối của tình yêu.

 

Tình yêu mạnh hơn tử thần và mạnh hơn tội lỗi

 

Thập giá của Đức Kitô trên đồi Can-vê cũng là nhân chứng đối với sức mạnh của sự ác chống lại Con Thiên Chúa, chống lại một người con trong những người con của nhân loại, con người đó có bản chất vô tội, chống lại những người sinh ra trong thế gian chưa bị hoen ố vì sự bất tuân phục của Adam và ảnh hưởng Tội nguyên tổ. Và ở đây, chính nơi Đức Kitô, công lý được thực hiện đối với tội lỗi bằng giá máu hy sinh của Ngài, bằng cách “vâng lời cho đến chết trên Thập giá” (Pl 2:8).

 

“Ngài chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5:21). Công lý cũng được đem tới để liên quan cái chết, mà từ đầu lịch sử nhân loại đã bị nối kết với tội lỗi. SỰ chết đã được công lý thực hiện bằng giá của cái chết của Con Người không hề có tội và chiến thắng bằng cái chết: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x. 1 Cr 15:54-57).

 

Chúa Con, Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, đã hoàn lại công lý cho Thiên Chúa bằng chính Thập giá, đồng thời mặc khải LTX, đó là tình yêu trái ngược với những gì cấu thành nguồn gốc điều ác trong lịch sử nhân loại: chống lại tội lỗi và sự chết.

 

Thập giá là sự hạ mình sâu thẳm nhất của Thiên Chúa đối với loài người và những số phận bất hạnh của loài người – nhất là những lúc khó khăn và đau khổ. Thập giá như là “cách tiếp xúc” của tình yêu vĩnh hằng đối với những vết thương của loài người; đó là sự hoàn tất trọn vẹn của chương trình cứu độ nhân loại mà Đức Kitô đã bày tỏ tại Đền Thờ ở Nadarét (x. Lc 4:18-21) và đã được ngôn sứ Gioan Tẩy giả lặp lại (x. Lc 7:20-23).

 

Theo cách nói của tiên tri Isaia (x. Is 35:5; 61:1-3), chương trình này cốt ở việc mặc khải về LCTX đối với người nghèo, người đau khổ, tội nhân, người mù, người bị đàn áp và bị bóc lột. Trong Mầu nhiệm Vượt qua, các giới hạn của “sự dữ đa chiều” mà nhân loại “ăn chia” đã bị vượt qua: Thật vậy, Thập giá của Đức Kitô làm chúng ta hiểu căn nguyên sâu xa của sự dữ, đã bị gắn sâu trong tội lỗi và sự chết; vì thế Thập giá trở nên dấu hiệu tận thế (eschatological sign).

 

Chỉ trong sự hoàn tất cuối cùng và sự canh tân cuối cùng của thế giới mà tình yêu sẽ chiến thắng, trong những người Chúa chọn, hoa trái chín muồi của vương quốc sự sống và vinh quang bất tử. Việc thiết lập sự hoàn tất cuối cùng này có nơi Thập giá của Đức Kitô và trong cái chết của Ngài.

 

“Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba” (x. 1 Cr 15:4), điều đó cấu thành dấu hiệu cuối cùng của sứ vụ cứu độ, dấu hiệu hoàn tất toàn bộ mặc khải về LCTX trong thế-gian-bị-cái ác-chế-ngự. Đồng thời cấu thành dấu hiệu tiên báo “trời mới và đất mới” (Kh 21:1), lúc “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:4).

 

Trong sự hoàn tất cuối cùng, LCTX sẽ được mặc khải là tình yêu, trong khi trên thế gian, trong lịch sử nhân loại, cùng với lịch sử của tội lỗi và sự chết, tình yêu phải được mặc khải là LCTX và cũng phải được hiên thực hóa là LCTX. Chương trình cứu độ của Đức Kitô, chương trình của LTX, trở thành chương trình của Dân Ngài, chương trình của Giáo hội.

 

Ngay tại trung tâm của chương trình đó luôn có Thập giá, vì chính nơi Thập giá mà sự mặc khải LCTX đạt tới đỉnh cao. Khi “những cái cũ bị tẩy sạch” (x. Kh 21:4), Thập giá vẫn còn được dẫn chứng những từ ngữ trong sách Khải huyền của Thánh Gioan: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20).

 

Theo cách đặc biệt, Thiên Chúa cũng mặc khải LTX khi Ngài mời gọi nhân loại “thương xót” Con Một Ngài là Đấng-bị-đóng-đinh. Đức-Kitô-bị-đóng-đinh chính là Ngôi-Lời-không-qua-đi: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24:35), và Ngài là người “đứng trước cửa và gõ vào cửa lòng của mỗi người” (x. Kh 3:20), không hạn chế tự do nhưng tìm cách rút ra từ chính lòng yêu chuộng tự do, đó không chỉ là hành động đoàn kết với Con-Người-chịu-đau-khổ (Đức Kitô), mà còn là dạng LTX được mỗi người trong chúng ta thể hiện với Con của Chúa Cha hằng hữu.

 

Trong toàn bộ chương trình cứu độ của Đức Kitô, trong toàn bộ mặc khải về LTX qua Thập giá, phẩm giá con người có thể được tôn trọng hơn và được đề cao hơn, vì đạt được LTX. Đức Kitô đã xác định: “Các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

 

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói đến một trong Bát Phúc (Tám mối phúc thật): “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). Điều đó cấu thành một bản tổng hợp của toàn bộ Tân ước, toàn bộ “sự trao đổi tuyệt vời” (admirable commercium) bao gồm trong đó. Sự trao đổi này là luật của kế hoạch cứu độ, luật này vừa đơn giản, vừa mạnh mẽ, vừa dễ dàng.

Thể hiện ngay từ đầu những gì mà “trái tim con người” có thể thương xót, những từ ngữ này không từ Bài Giảng Trên Núi mặc khải viễn cảnh mầu nhiệm thẳm sâu của Thiên Chúa: Tính đồng nhất bí ẩn của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trong đó tình yêu bao gồm công lý, đặt trong LTX, mặc khải sự hoàn hảo của công lý.

 

Mầu nhiệm Vượt qua là Đức Kitô ở đỉnh cao của sự mặc khải về mầu nhiệm bí ẩn của Thiên Chúa. Đó là những lời được nói đã hoàn toàn nên trọn: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14:9). Thật vậy, Đức Kitô là Đấng mà Chúa Cha “cũng không tha” (Rm 8:32) vì nhân loại, Đấng phải chịu khổ hình Thập giá đã không được nhân loại thương xót, Đấng đã mặc khải tình yêu viên mãn trong sự phục sinh của Ngài mà Chúa Cha đã dành cho Ngài, nơi Ngài, và cho nhân loại: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mc 12:27).

 

Trong sự phục sinh, Đức Kitô đã mặc khải Thiên Chúa của LTX, vì Ngài đã chấp nhận Thập giá là đường tới phục sinh. Vì thế, khi chúng ta nhớ tới Thập giá, cuộc Khổ nạn và Sự chết của Đức Kitô, đức tin và đức cậy của chúng ta tập trung vào Đấng Phục Sinh: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20:19-20). Rồi Ngài nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23).

 

Ở đây Chúa Con có kinh nghiệm về LTX đã được thể hiện với Ngài, nghĩa là tình yêu của Chúa Cha mạnh hơn Tử thần. Đức Kitô cũng vậy, vào lúc cuối của sứ vụ cứu độ, Ngài đã mặc khải chính Ngài là Nguồn Thương Xót vô tận, về chính tình yêu ấy, trong viễn cảnh lịch sử cứu độ nơi Giáo hội, được xác nhận là lớn hơn mọi tội lỗi của nhân loại.

 

Đức Kitô Vượt Qua là hiện thân cuối cùng của LTX, dấu hiệu sống động trong lịch sử nhân loại cho đến tận thế. Trong tinh thần đó, phụng vụ mùa Phục sinh đặt trên môi miệng chúng ta những lời của Thánh vịnh: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài” [Tv 89 (88):2].

 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác nơi Ngài!

 

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ TheDivineMercy.org)

 


(*) Septuagint, quen gọi là Bản Bảy Mươi. Bản Kinh thánh phổ thông (Vulgate) chủ yếu là công của thánh Giêrônimô, và được ĐGH Damasus I ủy nhiệm năm 382. Lúc đó, bản này là tiêu chuẩn trong Giáo hội, nhưng đến thế kỷ XVI có vài trăm bản được in, với nhiều thay đổi. Công đồng Trentô tuyên bố rằng Bản Kinh thánh phổ thôn là xác thực khi đọc công khai, tranh luận, giảng thuyết và bình luận, và truyền lệnh xem xét kỹ lưỡng. Nghĩa là bản phổ thông này là bản Kinh thánh chính thức của Giáo hội. Bản này cũng được Công đồng Vatican I và Vatican II sử dụng.