Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi

 
 
Chuyện phiếm đọc trong tuần Thứ 13 Thường niên Năm B 01.7.2012
 
 
"Em đến bên tôi, một chiều khi nắng phai rồi,”
“Nắng ngừng bên, chiếc cầu biên giới.”
(Phạm Duy -  Bên Cầu Biên Giới)
 
 
(1Ti 3: 12)
 
            Trong cuộc đời, rất nhiều lần, cũng có người “em” hoặc cháu chắt vẫn đến bên tôi ngỏ đôi lời. Đến, không chỉ mỗi “chiều khi nắng phai rồi”. Đến, cả vào lúc tôi buồn/chán (không như con gián) rất cần người hỗ trợ, ủi an và đỡ nâng. Nâng và đỡ, cùng giùm giúp những thứ mà cái tôi là đầy tớ Chúa cần đến, như thế đó. Thế đó, còn là tình tự của nhiều người, giống như tôi/như bạn. Chứ đâu chỉ, như ai đó vẫn cứ hát những lời nghe rất quen, ở bên dưới:
 
 
“Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe giòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi,
Mây núi khắp nơi.
Không tỏ một đôi lời ...
(Phạm Duy –bđd)
 
 
            Vâng. Quả có thế. Một khi “giòng đời (đã) từ từ trôi”, rồi thấy những là “sông nước xa xôi”, “Mây núi khắp nơi”, thì thật ra có ma nào dám “tỏ một đôi lời”. Dù, lời đó có là lời âu yếm, thiết tha, và nóng bỏng?
 
            Thế nhưng, với Nước Trời nhà Đạo, thì lại khác. Khác, ở chỗ: mỗi khi có người “em” tôi hay “em” của ai đó, đến với tôi và với bạn, mà ngỏ rất nhiều lời, những lời và lẽ như ở đây, bên dưới:
 
 
“Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mài
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới!
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây?
Ôi giòng tóc êm đềm!Ôi bể mắt đắm chìm!
Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa, Chỉ là mơ qua!”
(Phạm Duy – bđd)
 
 
            Thật đúng thế. Rất đúng, cả những lời lẽ nói lên được sự thể “đường quá xa vời”, rồi lại bảo: “lòng tôi sao vẫn còn biên giới”, và: “lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây” hay nơi đó, ở xó xỉnh nhà thờ, ở Đạo Chúa hay giữa đời, cũng rất ư là tơi bời hoa lá.
 
            Hôm nay đây, nói giông dài lai rai chỉ để nói rằng: giữa lòng đời lẫn nơi nhà Đạo, lại cũng có những “đời phong sương cũ”, “chỉ là thương nhớ”, “chỉ là mơ qua” thôi. Mơ, là mơ những chuyện mà bạn và tôi, ta vẫn gặp ở khắp chốn, vốn chuyện của ta và của người. Những chuyện hiện đang xảy đến với thế giới của ta và của người, như lời hỏi han của người nào đó ở Sydney, như bên dưới:
 
“Xin đức ngài giải thích cho bọn tôi biết, tại sao: cũng vẫn là đấng bậc thờ chung một Chúa, mà sao tôi thấy Giáo hội Công giáo theo nghi thức Đông Phương và nhóm bạn đạo bên Chính Thống Giáo lại cho phép linh mục lấy vợ sống đàng hoàng, rất ngang nhiên, bề thế? Còn linh mục Công giáo La Mã thì lại không? Sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng, trông giống như chuyện kỳ thị ở xã hội trời Tây vậy?” (Một người có hỏi nhưng không đề tên)   
 
 
            Thời xưa, ở một số nơi, hễ ai dám hỏi han/vấn nạn kiểu như trên đều được coi như hỗn láo hoặc phạm thượng, dám thách thức đấng bậc vị vọng bắt các “đức ngài” giải đáp những chuyện không cần thiết. Nhưng, hôm nay, đó vẫn là chuyện thường ngày ở huyện, rất Sydney tính khí rất Âu Úc. Sở nhắc đến Úc mình, là vì ở đây vẫn có nhiều vị không ngại chuyện kỳ thị hoặc phân biệt chủng tộc hoặc chủng gì đi nữa, vẫn cứ nhẹ nhàng trả lời theo cung cách vô tư, không hoành tráng, vẫn xứng đáng để nguời đọc để thì giờ ra nghe cho phải lẽ.  
 
Tuy thế, trước khi để đấng bậc trả lời, tưởng cũng nên nghe thêm lời ca/tiếng hát rất như sau:
 
 
“Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ.”
(Phạm Duy – bđd)
 
 
            Hát rồi, nay ta về với ý/lời nhà Đạo có lập trường “lý đoán” rất chánh đạo như sau:
 
“Tôi có thể nói mà không sợ sai lầm, rằng: từ thế kỷ đầu đời của Hội thánh ai cũng rõ là: các linh mục, phó tế đều có thể lập gia đình được hết. Bằng chứng là: ngay như thánh Phêrô vốn là cột trụ của Hội thánh lúc theo Chúa và sau vẫn có vợ ở gần bên, nên Phúc Âm mới có câu viết: bà gia của ngài lâm bệnh (x. Mt 8: 14-15). Và, thánh Phaolô lại cũng viết cho đồ đệ mình là Timôthê để bảo: các vị phó tế và linh mục phải là nam nhân có một vợ (x. Ti 3: 12; Titô 1: 6)
 
Tuy thế, thánh Phaolô lại là thừa tác viên độc thân như Đức Giêsu thày của ông là Đấng vẫn tán dương giá trị của việc ở độc thân, không lập gia đình (x. Cr 7: 25-27)
 
Đức Hồng Y Alfons Stickler, vốn là quản thủ thư viện và cũng là người chịu trách nhiệm lưu giữ nhu liệu trong thời gian từ năm 1985 đến 1988 và là tác giả cuốn “Trường độc thân của hàng Giáo sĩ” (nhà xuất bản Ignatius Press 1995), cho thấy dù rằng hàng giáo sĩ được phép lập gia đình vào thời Hội thánh tiên khởi, nhưng cả giáo hội Đông Phương lẫn Tây Phương đều kỳ vọng là các ngài vẫn hạn chế chuyện gần gũi với vợ mình.
 
Văn bản đầu tiên viết về chuyện giáo sĩ sống đời độc thân là các bản văn của Công Nghị tỉnh Elvira, miền Nam Tây Ban Nha đã đứng ra tổ chức vào năm 305. Công đồng này cấm cản toàn thể giáo sĩ tận hiến cho sứ vụ thánh thiêng trên bàn thờ -đại để như các Giám mục, linh mục và phó tế- không được gần gũi tính dục với vợ mình và không nên có con cái. Những ai vi phạm điều luật này sẽ bị cất chức ngay lập tức.
 
Luật này đặt ra là để hỗ trợ tập tục vẫn có từ thời trước đó, chứ không phải là qui định gì mới mẻ, nên cũng chẳng thấy ai dấy lên làn sóng phản kháng hết.
 
Điều luật số 3 do Công đồng đại kết Ni-xê ban hành vào năm 325 cũng đã đưa ra tiêu chuẩn hệt như thế, nhằm cấm cản hàng giáo sĩ không được cho bất cứ phụ nữ nào được gần gũi sống chung bị nghi như thế, tức những vị như: mẹ, chị hoặc em gái, cô dì, thím mợ, vv… Mọi người lúc ấy đều hiểu là các ngài có thể có vợ nhưng phải sống thanh khiết với người vợ ấy.
 
Nhiều Công đồng tổ chức tại Carthage vào cuối thế kỷ thứ tư cũng như đầu thế kỷ thứ năm đều khẳng định là hàng giáo sĩ nên giữ mình thanh khiết.
 
Giáo hội ở Phi Châu có điều khoản về giáo luật dựa trên quyết định của các đấng Nghị phụ Công đồng Carthage nhóm họp năm 419 cũng đồng thuận bảo rằng: “Một điều khiến tất cả chúng tôi, các giám mục, linh mục cũng như phó tế là ta nên giữ lòng thanh sạch, không quan hệ thể xác giữa vợ chồng để giúp các đấng bậc phục vụ bàn thánh có thể giữ được lòng khiết tịnh cách toàn hảo.” Điều này còn áp dụng cả với các tông đồ, như có nói: “điều mà các thánh tông đồ từng khuyên dạy và chính các đấng bậc khi xưa cũng từng tuân thủ, là mọi người chúng ta cũng nên hăng say tuân giữ.”
 
Giáo huấn của các đức giáo hoàng, như Đức Siricius viết vào năm 385 cho các giám mục thành Tarragona, nước Tây Ban Nha rõ ràng đã khẳng định việc cấm đoán các linh mục và phó tế không được có con cái, như nguồn gốc Giáo hội từng tuân giữ.
 
Đức Hồng Y Stickler đã trích dẫn tuyên ngôn của nhiều vị Giáo hoàng cùng các thánh và Công đồng từng đồng thuận rằng ngay từ đầu, hàng giáo sĩ đều sống độc thân, hiểu theo nghĩa không gần gũi với phụ nữ, việc này có nguồn gốc từ các thánh tông đồ, thời tiên khởi.             
 
Mãi sau thời Công đồng Triđentinô nhóm họp vào thế kỷ thứ 16, việc sống đời độc thân đã trở thành chuyện thông thường cần tuân thủ. Và, hội thánh chỉ phong chức linh mục cho nam nhân không có gia đình mà thôi. Từ đó trở đi, đời linh mục độc thân đã trở thành điều kiện tiên quyết như ngày nay. Điều kiện rõ ràng là: muốn trở thành linh mục, phải sống đời độc thân không có vợ.
 
Thế nhưng, làm sao hàng giáo sĩ bên giáo hội Đông Phương lại được phép có gia đình và có quan hệ gần gũi với vợ mình như thế?
 
Trả lời câu hỏi này, cũng nên viện đến một số lý lẽ có tính lịch sử, trong đó phải kể đến các biện pháp kỷ luật được định đoạt ở cấp địa phương. Đàng khác, các đức giáo hoàng thuộc giáo hội phương Tây đều nhất loạt tỏ bày rằng các ngài không hỗ trợ mạnh cho việc này như Giáo hội Đông Phương.   
 
Ngoài ra, một trong các lý do khác không kém phần quan trọng là các giáo luật được Công đồng Trullo thứ hai ban hành vào năm 691-692 tại Constantinople. Công đồng này là do Hoàng đế Justinian II triệu tập các Giám mục ở Phương Đông không đếm xỉa gì đến lập trường của Giáo hội Phương Tây. Khi ấy, Công đồng Trullo đã trích dẫn sai lầm điều khoản 13 của Công đồng Carthage (năm 390), chỉ ngăn cấm các giáo sĩ có quan hệ xác thể với vợ mình khi phải lên bàn thánh mà tế lễ, tức lúc đó chỉ một tuần một lần mà thôi.
 
Dù các đức giáo hoàng chẳng bao giờ công nhận quyết định của công đồng này, người anh em bên Giáo hội Đông Phương lại coi đó như Công đồng Đại Kết và vì thế, Giáo hội Chính thống cho đến hôm nay vẫn cho phép hàng giáo sĩ được lập gia đình và có quan hệ thể xác với với mình.
 
Các giáo sĩ Công giáo Phương Đông cũng được phép theo thông lệ này. “ (x. Lm John Flader, Question Time, Tuần Báo The Catholic Weekly 20/5/2012 tr. 10)    
 
 
            Nếu là nghệ sĩ sống ngoài đời lại biết chút ít về chuyện đạo, chí ít là chuyện linh mục trong Đạo sống đời độc thân không lấy vợ, thì chắc nghệ sĩ ấy sẽ viết nhạc và hát những lời như sau:
 
 
“Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Danube
Những đêm sáng sao.”
(Phạm Duy – bđd)
 
 
            Có thể, nghệ sĩ hát những lời lẽ rất “huề vốn” ở trên là để mọi chuyện ở đời sao cho thoải mái, vô tư chứ không có tính chỉ trích, diễu cợt hoặc giúp giải quyết vấn đề. Bởi, làm sao giải quyết được vấn đề của người khác, trong khi chính mình vẫn “Ôi giấc mơ qua”, rồi cứ “mộng đời phiêu lãng giang hồ”, rồi thì “sống trong lòng người đẹp Tô Châu” hay “chết bên bờ sông Danube” rất ư là tình tứ. Tình và tứ, như nghệ sĩ ở mọi thời và mọi nơi.
 
            Điều đáng sợ, ở đây là: nhiều đấng bậc vị vọng vẫn cứ sống đời nghệ sĩ trong lúc làm mục vụ, thế mới khổ. Và vì lối sống quá ư thực tế với đời người, ở đời nên mới thành chuyện. Có lẽ vì thế nên, nghệ sĩ lại sẽ khuyên:
 
 
Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ.
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu.
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời.
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa.”
(Phạm Duy – bđd)
 
 
            Nói cho cùng, thì có là nghệ sĩ hay giáo sĩ, cũng nên sống thực cõi lòng mình, trước khi chọn lựa. Bởi, khi đã chọn đời độc thân linh mục rồi, mà cứ mơ/cứ mộng như nghệ sĩ, dù giấc mơ ấy đơn thuần chỉ là mơ một đời sống vô tư trầm lắng kiểu Phương Đông rất chính thống, cũng bất tiện. Chẳng thế mà, nhiều vị đã thất bại cả trong sống Đạo lẫn cuộc đời ở ngoài đời.
Chẳng thế mà, nhiều đấng bậc bề trên vẫn cứ khuyên giới trẻ nên đắn đo suy nghĩ trước khi có chọn lựa. Chí ít là chọn và lựa một cuộc sống ở đời, rất để đời. Để cho đời người biết người đời cũng có nhiều bậc, nhiều đấng sống khác mình.
 
Tuy nhiên, nếu có vị nào đó vừa sống đời linh mục nhưng có vợ theo kiểu Giáo hội Đông Phương, thì cũng nên trao cho nhau những kinh nghiệm “để đời” về cuộc sống không-còn-độc-thân nhưng vẫn mang dáng dấp rất thanh và khiết như đời linh mục. Chuyện ấy có thật chăng? Đã xảy ra ở nơi đâu? Khi nào? Phải chăng, đó chỉ là tiếu lâm chay, rất “huề vốn”.
 
Bần đạo đây chưa có kinh nghiệm về cuộc sống giống như thế. Nhưng cũng nghe biết khá nhiều truyện kể, nay đồng thuận kể lại cho bầu bạn nghe để thư giãn hay minh hoạ, hoặc sao đó, chỉ như một đề tài để phiếm. Phiếm lai rai, phiếm dài dài với những truyện về má vợ má chồng, hoặc bố chồng, bố vợ, rất giản đơn như sau:
 
“Thư gởi má vợ   
 
Thưa má, trước hết con xin ngỏ lời cám ơn má vì đã sinh ra và dày công nuôi nấng đằng đẵng hai mươi mấy năm trời con gái của má, để rồi sau đó ưng thuận gả cho chàng rể hiền lành là con đây.
 
Nhớ ngày bước chân lên xe hoa, vợ con khóc rấm rứt khiến phấn son nhòe nhoẹt. Y chang với câu thành ngữ “Khóc như thiếu nữ ngày vu quy”, khiến nhiều người đưa dâu cũng mủi lòng “rưng rưng ngấn lệ” ăn theo. Thời gian đầu, sau khi mới về nhà chồng, vợ con ra vẻ “mèo nhỏ” nhu mì, ngây thơ tựa như “con nai vàng ngơ ngác”. Nhưng má ơi! niềm vui và hạnh phúc ấy chưa tày gang, thì “bão” đã ập tới, để rồi cái vụ rơi lệ sau đám cưới đã chuyển hệ sang cho con.
 
Má đâu có biết rằng, “con mèo nhỏ” giờ đây đã đột biến gien hóa thành “gấu mẹ vĩ đại”. “Con nai vàng ngơ ngác” ngày nào đã không còn nữa, mà hiện hình thành “sư tử Hà Đông” cực kỳ đáng sợ. Lúc nhỏ, má đẻ của con dạy: “Phải luôn thành thật với mọi người”, con đã tuân giữ điều ấy cho đến khi lớn khôn. Nhưng má vợ ôi, sau khi cưới vợ rồi, con không thể thực hành lời dạy ấy được, vì vợ con không bao giờ biết chấp nhận “sự thật mất lòng”.
 
Lần gần đây nhất, vợ con hỏi ý kiến về bộ đồ mới mua về. Con dại mồm dại miệng nhận xét: “Trông không hợp với dáng em, màu sắc cũng quá lòe loẹt”. Ngay lập tức nhận được “ánh mắt mang hình viên đạn” cùng lời đáp trả: “Đúng là người không có óc thẩm mỹ!”. Những khi muốn mua bất cứ món đồ gì, con cũng chỉ dám nói một nửa giá mà thôi, nếu không muốn bị chê “khôn nhà dại chợ”. Do vậy, để “thần khẩu không hại xác phàm”, con phải thường xuyên nói dối.
 
Tiếng là chủ hộ, nhưng thực tế trớ trêu là toàn quyền quyết định lại nằm trong tay vợ con má ạ! Tiền lương mang về không được thiếu 1 xu. Đi đâu ngoài giờ làm phải báo cáo nơi đến và giờ về. Đi nhậu thì “cấm không được say”; điện thoại lúc nào cũng phải mở, để... nhận chỉ đạo từ xa.
 
Nhà thơ họ Đỗ đã khẳng định: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi...”, hình như ông ấy hơi bị lầm rồi, vì hiện tại con có tới 3 bà má lận! 1 là má đẻ, 2 là má vợ và 3 là... “vợ má”. Với má và má đẻ của con thì con có sai sót cũng không bị chấp trách. Nhưng với bà “vợ má” chỉ cần trái ý, lỡ lời là xem như “xong phim”, không bị bầm giập mới là chuyện lạ.
 
Túm lại, con viết thư này nhằm mục đích kêu gọi sự giúp đỡ, ý kiến tư vấn từ nơi má. Má có cách nào để hạn chế bớt sự “tăng trưởng” quá nhanh của vợ con không? Có giải pháp gì để “hoàn nguyên” cô vợ nhu mì như thuở mới về nhà chồng không? Rất mong má kịp thời đưa ra giải pháp, nếu không, rể của má khó sống sót qua hết con trăng này...
 
                        Thư hồi âm cho con rể 
 
Con à,
 
Trước hết má cũng xin ngỏ lời cám ơn con đã chịu khó viết thư vấn kế má về vấn đề con vợ của con tức con gái của má. Con hỏi bao nhiêu thì má đây trả lời bấy nhiêu. Trước khi trả lời chi tiết những vấn đề con đưa ra, má xin đưa ra một sự kiện tổng quát,  thời đại bây giờ là thế kỷ thứ 21, dù ở phương đông hay tây,  những chuyện của thế kỷ 19, 20 đã Xưa Như Diễm rồi con ạ.
 
Nếu con nhớ được điểm quan trọng này thì con sẽ thấy những câu trả lời của má chí  lý  để rồi con vui vẻ chấp nhân cuộc sống an phận thủ kỷ của một đấng nam nhi với con vợ của con.
 
                        Thôi má trả lời từng điểm một cho con nhé.
 
            Cùng là “khóc như thiếu nữ ngày vu quy” nhưng  thời nay khác hẳn thời xưa con ạ.  Tuy cùng nhạt nhòa phấn son , nhưng ý nghĩa trái ngược hẳn nhau. Ngày xưa người con gái đau lòng nhỏ lệ ….vì xa cha mẹ, không còn sớm chiều hầu hạ cha mẹ mình. Còn thời nay má biết vợ con rơi lệ …vì phập phồng  lo sợ chuyện tương lai với con…. Phận gái mười hai bên nước con có phải là người chồng tốt chăm lo cho nó như má đã suốt hai mươi mấy năm đằng đẵng lo cho nó hay không…?
 
Nếu con vẫn chiều chuộng nó, nghe lời nó… như thời gian con theo đuổi xin cầm bàn tay nó cùng con đi vào cuộc đời đầy rẫy chông gai thì đương nhiên nó vẫn ngây thơ tựa như con nai vàng ngơ ngác, làm gì có chuyện bão táp ập tới hả con ?
 
Chính con đây mới  là người thay đổi, sống thật con người của con, thì vụ rơi lệ chuyển hệ sang con, con mèo nhỏ  đổi Gene  thành gấu mẹ vĩ đại , con nai vàng thành sư tử Hà đông  là chuyện phải đến thôi. Tiên trách kỷ hậu trách nhân nhe con.
 
Má đẻ con dậy phải luôn thành thật với mọi người , theo má nghĩ con đã làm sai lời má con dậy, thần khẩu hại xác phàm,  từ lúc con theo tán tỉnh nó chứ không phải sau khi con cưới nó về con mới thành chuyên viên nói dối hơn cuội, như con than đâu.
 
                        Con nhớ lại xem….
 
            Thời kỳ lãng mạn chưa cưới, có bao giờ con nhớ lời mẹ con dậy, thật thà đưa nhận xét về mầu sắc quần áo vóc dáng của  nó  không ? Hay là con say đắm nhìn nó, nói cứ như thật, khen tưới hột sen … để rồi chính con ruột gan phèo phổi gì cũng lâng lâng sung sướng khi được nó nhìn con với  ánh mắt lung linh không hằn dấu vết một viên đạn nào, và khen con là người có óc thẩm mỹ….hợp Gout với nó ?
 
Nếu con chịu khó tìm hiểu giá cả những món đồ con muốn mua thì sẽ không bị mua hớ  thì đâu phải nói dối. Hay là con mê mẩn nhan sắc của các cô bán hàng nên ra tay hào phóng, chi tiền rộng rãi, tình nguyện bị cắt cổ …? Nó không chê con là khôn nhà dại chợ mới là chuyện lạ.
 
Nó là vợ con nên mới lo lắng tiền bạc cho con, giữ kỹ tiền hộ con…đó là trách nhiệm của người vợ,  phải giúp con.. Con gửi người khác khi con cần đến liệu có lấy lại được dễ dàng như con xin lại tiền từ vợ con không ? Với vợ thì đương nhiên cũng dễ hơn một chút đó con ạ. Con không có tiền nhiều trong túi thì không bị sa chân lỡ bước với đàn bà con gái. Đi chơi với bạn không phải móc túi ra trả mà lòng vẫn bình an cho người dưới thế. Má bảo đảm nếu con cứ để vợ con quản lý chặt chẽ tiền bạc của con như vậy thì khi về già con có gia tài để lại tốt hơn là lâu lâu được đưa tay ra nhận tiền báo hiếu của con cái .
 
Chuyện báo cáo với vợ đi đâu, mấy giờ về, điện thoại lúc nào cũng phải mở để lãnh chỉ thị thực hành công tác…  là chuyện lịch sự với vợ  . Người chồng yêu vợ, ga lăng nào chẳng làm vậy sao con lại cảm thấy bị gò bó ?. Con có muốn vợ con tự tung tự tác đi đâu cũng không nói cho con biết không ? Cuộc đời vốn đã không Fair, thì chuyện con bị vợ bầm giập vì lỡ lời là chuyện nhỏ thôi con, đừng quan trọng hóa vấn đề mà tổn hại thần kinh chết sớm.  
 
Má đồng ý với nhà thơ họ Đỗ  “Mỗi người chỉ một mẹ “, con gọi má đẻ con và má là má thật đấy, đấy chỉ là danh xưng thôi. Trong cuộc sống hàng ngày trong bao nhiêu năm trời, trước khi hai con đóng dấu ấn chung thân, trên thực tế các con mới thực là cha là mẹ của hai bà má này. Một chứng cớ rõ ràng nhất là cuộc hôn nhân của tụi con, các con đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Vậy là đời con trước sau thuận theo tự nhiên, chỉ có một bà mẹ thôi, đó là  “Vợ Má “. Quê hương là chùm khế ngọt, Vợ Má cũng là chùm khế chỉ khác là còn xanh nên chua thôi
Tóm lại lời con khẩn cầu xin má giúp con hạn chế bớt sự tăng trưởng quá nhanh của vợ con, trả lại con cô vợ nhu mì như thời gian mới cưới , má đã thao thức bao đêm trường mới nghĩ ra được một cách . Đó là con phải hoàn nguyên lại một anh chàng thanh niên yêu si khờ, lời giả dối lúc nào cũng sẵn trên môi, nàng bảo chàng nghe….em là nhất trên đời với anh….con sẽ có một gia đình trong ấm ngoài êm..
 
Còn nếu con cứ nhất định sống thật thà  phô  “Cái Tôi “ của con với vợ con thì má cũng chịu thua, chỉ biết cầu nguyện cho con , trông vào phước đức bao nhiêu đời của con để con được  sống sót dài dài, thêm nhiều con trăng nữa.” (x. Trần Cẩm Tú, viết trên báo điện tử năm 2011)
 
 
            Nói gì thì nói. Viết gì thì viết. Dù, bài viết của bạn có là lá thứ cho má vợ hoặc con rể, cũng vẫn đề cập đến những vấn đề thiết thực của đời người. Mà, chỉ người trong cuộc mới cảm nghiệm và chấp nhận những điều ấy mà thôi.
 
            Hôm nay ngồi một mình, nghĩ lại chuyện đời sống độc thân hay gia đình, đều có cái vui và nỗi bận tâm của nó. Còn lại vẫn là chọn lựa của bạn và của tôi. Mà, một khi đã chọn và lựa rồi, cũng nên đi hết quãng dài còn lại của quyết tâm. Và, chọn lựa nào mà chẳng có những qui luật riêng của nó. Có như thế mới là người nghiêm túc, đứng đắn. Và đúng đắn.
 
Nói, là nói thế chứ bản thân bần đạo cũng chẳng dám có ý kiến gì, mà chỉ mơ ước sống trong đời, phải nói được như một Nguyễn Công Trứ từng ngâm nga: “Trai nam nhi sống trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.”“Sông đây, là cuộc sống của thế gian. Rất nhiêu khê. Nhiều vấn đề.
 
            Và, vấn đề còn lại cũng rất tiên quyết là: ta hãy về lại với lời Kinh Sách thánh nhân từng khuyên nhủ, như sau:
 
 
            “Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ,
biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt.
Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp,
thì được một chỗ danh dự,
và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su.”
(1 Tim 3: 12-13)
 
 
Được khuyên dạy thế rồi, nay hỡi bạn và tôi, ta hãy ra đi mà chọn lựa một cuộc đời. Dù đời đó có khó khăn hoặc giản đơn như cuộc sống độc thân. Hoặc như cuộc sống lứa đôi có vợ có chồng.
 
 
 
            Trần Ngọc Mười Hai
 
            Vẫn nhủ mình
            nhủ người
            những điều vui như thế.