Chúa Giêsu bị chối từ
CHÚA GIÊ-SU BỊ CHỐI TỪ
Trở về làng quê Nazareth, có lẽ là một ấp ủ trong đời công khai của Chúa Giê-su. Nơi chôn rau cắt rốn của Ngài, nơi mà từ đó hằn lên những kỷ niệm thân quen trong cuộc đời của mình. Mẹ Maria, Thánh Giuse, bà con hàng xóm lân cận…Vậy mà, dân làng xem ra không tha thiết gì khi Ngài trở về, họ xầm xì, họ khinh bỉ, họ khước từ. Đến nỗi Ngài phải đau đớn thốt lên lời: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình" (Mc 6, 1-6).
Câu nói trong dân gian thường truyền tụng cho nhau: “ Gần chùa kêu bụt bằng anh”, có thể thấy rất rõ nơi con người của một vị tiên tri vĩ đại hôm nay, khi bước chân trở về thăm quê nhà. Người đến nhà Người, nhưng chẳng ai màng tiếp đón. Họ lạnh lùng khép cửa cõi lòng, họ cũng chẳng mong tìm kiếm hoặc khát khao những giá trị cao quý của Tin Mừng, trong đôi mắt của họ, Đức Giê-su chỉ là “con Bác thợ mộc”, và gia đình cũng như dòng tộc chẳng có gì danh giá cả. Trước những thái độ bất cần của dân chúng, Đức Giê-su ngạc nhiên khi thấy họ quá cứng tin, nhưng hơn ai hết Ngài cũng hiểu thân phận của một tiên tri phải kết thúc cuộc đời mình ra sao. Thái độ của dân chúng là quay lưng lại trước một cuộc gặp gỡ có thể làm thay đổi chính cuộc đời của họ. Họ không muốn Chúa Giê-su khuấy động cuộc sống vốn đã bình yên của họ. Họ vấp váp, họ đụng chạm, và họ không thể bước ra lớp võ bọc vốn đã thành truyền thống lâu đời của mình. Có thể nói lên rằng, Đức Giê-su trong ngày về thăm quê hương, và Ngài cũng muốn đem tình thương đến cho những người bà con, họ hàng của Ngài, nhưng câu kết thúc là Ngài đã thất bại hòan tòan.
Hình ảnh một Đức Giê-su năm nào ghé thăm làng quê, cũng là những hình ảnh của những nhà rao giảng lời Chúa của ngày hôm nay. Có nơi Tin mừng được đón tiếp, lời Chúa dễ dàng được đón nhận, nhưng cũng có nơi Tin mừng về Nước Trời bị phủ nhận một cách hết sức phũ phàng. Bài học từ làng quê Nazareth phải chăng là những kinh nghiệm quý báu cho những ai luôn khao khát mang lời Chúa đến cho mọi người. Con người của ngày hôm nay, họ đang sống trong một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ. Nền kinh tế thị trường, môi trường tòan cầu hóa đang làm cho con người khép kín lòng mình trước những giá trị của Tin mừng. Nhưng như Tông đồ Phao-lô đã xác tín, mỗi người hãy rao giảng lời Chúa dù thời thế thuận lợi hay không thuận lợi. Loan báo Tin mừng là vấn đề sống còn của Giáo hội kinh qua hơn hai ngàn năm. Giáo hội thực thi sứ mạng mà Chúa Giê-su đã dạy, và ai cũng biết rằng “ trò không hơn Thầy”, sự thất bại đắng cay trong lần giảng đạo của Chúa Giê-su là bài học quý báu cho các Tông đồ, cho những người thợ làm vườn nho Nước trời.
Ngày hôm nay, Chúa Giê-su cũng vẫn rảo bước qua biết bao làng quê của mình. Một địa chỉ cộng đòan, họ đạo, một nơi mái ấm của tình thương, hay là những nơi nào khác. Con người đón nhận hay chối từ thì Ngài vẫn đến và có mặt trong cuộc đời này. Dẫu cho còn đó những đố kỵ, những rào cản có thể thấy được hay những rào cản vô hình, thì Chúa Giê-su vẫn đến và đồng hành để thực thi tình yêu thương của Ngài, dẫu chúng ta có đón nhận hay không.
Lm Giacobe Tạ Chúc.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: