Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vinh Dự & Trách Nhiệm Của Mục Tử

Tác giả: 
Nguyễn Văn Nội

 

 

VINH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM  CỦA  MỤC TỬ

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B (22/07/2012)

[Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc  6,30-34]

 

 

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

 

Lời Chúa của Phụng Vụ Chúa Nhật XV tập trung vào ơn gọi và sứ mạng của các Ki-tô hữu (nói chung) thì Lời Chúa của Phụng Vụ Chúa Nhật XVI sẽ tập trung vào ơn gọi và sứ mạng của các Ki-tô hữu lãnh đạo (nói riêng). Trong đạo cũng như ngoài đời, vai trò của người lãnh đạo là hết sức quan trọng. Ngoài đời thì là chính quyền các cấp, còn trong đạo thì là các mục tử các cộng đoàn lớn nhỏ. Nhờ nắm bắt đươc thực trạng của Giáo Hội tại Việt Nam nên Vị đại diện Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, đã có những lời nhắn nhủ không thể chính xác hơn, với các Giám mục Việt Nam họp Hội Nghị lần thứ nhất năm 2012 tại Xuân Lộc, sau Lễ Phục Sinh vừa qua:

Như Chúa Giêsu đã sống lại và ra khỏi mộ, Hội Thánh Việt Nam cũng cần trỗi dậy, thoát khỏi những từ ngữ “chết” trong quyển Sách Thánh để hạ sinh thành Lời rao giảng sống động trong cuộc sống; Hội Thánh Việt Nam không chỉ khép kín trong những mối quan tâm nội bộ, nhưng phải bước ra dấn thân cho công cuộc Loan báo Tin Mừng cho lương dân; cụ thể tại Việt Nam còn hơn 90% anh chị em chưa nghe loan báo Tin Mừng; cuối cùng mỗi cá nhân mục tử cũng cần phải ra khỏi mộ tối để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó cho mình.”

“Bước ra khỏi tình trạng khép kín để dấn thân cho công cuộc Loan Báo Tin Mửng cho lương dân” là trách nhiệm chung của mọi tín hữu Việt Nam; còn “ra khỏi mồ tối để chiếu sáng sự thánh thiện của mình trong việc hi sinh tận tình chăm sóc đoàn chiên đã được giao phó cho mình” là trách nhiệm riêng của các nhà lãnh đạo Giáo hội Việt Nam. Lời Chúa hôm nay củng cố chân lý ấy.

 

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1  Bài đọc 1 (Gr 23,1-6): Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng.

1 Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của Đức Chúa - 2 Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa. 3 Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. 4 Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa.

 5 Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đa-vít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. 6 Thời bấy giờ, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."

 

2.2 Bài đọc 2 (Ep 2,13-18): Chính Đức Giê-su là sự bình an của chúng ta. Người đã liên kết dân Do-thái và Dân Ngoại thành một.

 13 Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. 14 Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; 15 Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. 16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. 17 Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. 18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.

 

2.3 Bài Tin Mừng (Mc 6,30-34): Họ như bầy chiên không người chăn đắt.

30 Khi ấy các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông: "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

 

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1  Chân dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)    

3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 23,1-6) là những lời sấm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, nói về những mục tử không chu toàn trách nhiệm được Thiên Chúa giao phó, vì họ đã làm cho đoàn chiên của Chúa phải tan tác và họ đã xua đuổi cũng như chẳng lưu tâm gì đến chiên. Lời sấm còn loan báo Thiên Chúa sẽ chấn chỉnh kế hoạch là sẽ quy tụ đoàn chiên còn sót lại từ khắp mọi miền, sẽ đưa chúng về đồng cỏ tốt tươi; sẽ giao chúng cho các mục tử tốt lành chăn dắt. Đoàn chiên sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều và các mục tử xấu sẽ bị trừng phạt vì hành vi gian ác của họ. Tột đỉnh của kế hoạch này là Con Một Thiên Chúa - là Đức Giê-su - sẽ được gửi đến để chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa.

 

3.1.2 Bài đọc 2 (Ep 2,13-18) là những lời Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Ê-phê-sô về những việc làm cụ thể mà Đức Giê-su, Vị Vua xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, đã thực hiện nhằm thay đổi mọi thực tại nhân sinh và nhân linh một cách tuyệt diệu để xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa.

 

3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 6,30-34)  là tường thuật của Thánh Mác-cô về tấm lòng chăm lo cho đoàn chiên của Chúa Giê-su: “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.”  Chúa Giê-su là hình ảnh ‘trung thực’ của Chúa Cha là Đấng không muốn một con chiên nào bị bỏ rơi và phải khổ sở; trái lại Người muốn tất cả mọi con chiên đều được yêu thương và chăm sóc tận tình. Vì chạnh lòng thương đoàn chiên mà Đức Giê-su chữa lành các bệnh nhân, xua đuổi ma quỉ và làm các phép lạ. Vì chạnh lòng thương dân chúng mà Đức Giê-su đứng về phía thứ dân, bênh vực quyền lợi của họ, làm bạn với hạng tội lỗi và sau cùng là chết trên thập giá để cứu chuộc tất cả nhân loại.

3.2 Sđiệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng ta làm gì?)    

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm lo cho mọi người. Người mời gọi chúng ta cộng tác và tíếp tay với Người trong việc chăm lo ấy. Nhất là Người đã sai Con Một Người là Chúa Giê-su đến trần gian để yêu thương và quy tụ mọi người thành một đoàn chiên duy nhất. Tất cả các Ki-tô hữu và nhất là các giám mục, linh mục được Chúa giao phó sứ vụ “mục tử” phải biết học cùng Chúa Giê-su mà “chạnh lòng thương” khi đứng trước nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

 

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA

4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã vì yêu thương loài người mà dùng ngôn sứ  Giê-rê-mi-a thay mặt Thiên Chúa cảnh cáo những người lãnh đạo không chu toàn trách nhiệm chăm sóc các cộng đoàn. Sống với Thiên Chúa là Đấng đã chạnh lòng thương đám đông quần chúng  thiều người chăm lo, bảo vệ.

 

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa

Để thực thi sứ điệp Lời Chúa qua ba bài Sách Thánh, mỗi người/cộng đoàn hãy tự hỏi và tự trả lời 3 câu hỏi sau:

* Tôi/Cộng đoàn tôi có học biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chăm lo cho mọi người  không?

* Tôi/Cộng đoàn tôi có học cùng Chúa Giê-su mà biết “chạnh lòng thương” khi đứng trước nhu cầu vật chất và tinh thần của những người sống chung quanh tôi không?

* Tôi/Cộng đoàn tôi có cộng tác và tíếp tay với Thiên Chúa trong việc chăm lo cho con người, nhất là cho những người nghèo và bị bỏ rơi hơn cả trong xã hội Việt Nam hôm nay không? 

                                        

V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ CHO THẾ GIỚI

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

 

5.1 “Thưa anh em, trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân các nước sớm nhận ra Kế Hoạch và Ý Định của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su Ki-tô mà trở thành Ki-tô hữu.

Xướng: Chúng ta  cùng cầu xin Chúa! 

Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.2 «Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, để với ơn Chúa trợ giúp, các ngài chỉ biết sống chết theo chân Chúa Giê-su mà thương yêu mọi người, nhất là những người nghèo và bị bỏ rơi hơn cả. Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! 

Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

 

5.3 «Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc Giáo xứ chúng ta để ai nấy chuyên chăm nghe lời dậy dỗ của Chúa và của các mục tử.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! 

Đáp:  Xin Chúa nhận lời chúng con! 

          

5.4 «Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các vị mục tử không chu toàn trách nhiệm, đánh mất lòng nhiệt thành truyền giáo, lơ là với việc chăm lo cho người nghèo và bị bỏ rơi hơn cả, để nhờ Ơn Chúa giúp, các ngài lấy lại được tinh thần Phúc âm mà phục vụ đoàn chiên mà Chúa đã giao cho các ngài.

 

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! 

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

            

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.