Khi giác quan tinh thần câm điếc

Mc 7,31-37

 

            Bài tin mừng Chúa nhật hôm nay xảy ra trong miền Thập tỉnh. Sở dĩ gọi là Thập tỉnh vì đây bao gồm 10 thành phố  nằm ở phía đông sông Jordan. Mặt khác, người Dothái luôn xem vùng Thập tỉnh này là miền đất của dân ngoại giáo và ngoại quốc sinh sống. Chính nơi đây, Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành cho một người vừa câm vừa điếc mà chỉ có tin mừng Máccô ghi lại. Việc Chúa Giêsu  chữa cho người bệnh câm điếc có ý nghĩa gì trong cuộc sống nhân sinh? Chúng ta cùng tìm hiểu.

 

            Có ở trong tình trạng của kẻ tật nguyền vừa câm vừa điếc, chúng ta mới cảm nghiệm hết những đau khổ mà bệnh nhân phải gánh chịu. Và, có như thế, chúng ta mới thấy hết tình Chúa yêu thương dân Người, cách riêng đối với những kẻ khốn khổ nghèo hèn biết là dường nào. Trước hết, chúng ta thấy cách thức Chúa Giêsu chữa bệnh rất đơn giản và cũng… rất “người”. Đầu tiên đó là việc đặt ngón tay của Người vào lỗ tai người bệnh. Rồi nhổ nước miếng để bôi vào lưỡi anh. Kế đó ngước mắt lên trời rên một tiếng và nói : “Ephata”. Và kết quả, người bệnh được phục hồi tai và miệng.

 

            Những gì mà Chúa Giêsu dùng để chữa bệnh rất thịnh hành trong các đền thờ ngoại giáo cũng như ở môi trường Kytô giáo. Trong nghi thức thánh tẩy cho trẻ em, chủ sự cũng lấy ngón tay cái rờ vào tai và miệng của em bé, đồng thời cầu xin Thiên Chúa ban cho em sớm có thể đón nhận lời Chúa và tuyên xưng đức tin để ca ngợi và tôn vinh danh thánh Chúa (x. Mc 7, 32 chú thích i).

 

Việc Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện được xem là một cử chỉ quen thuộc của Người; đồng thời cho thấy nguồn gốc quyền năng chữa bệnh của Người bởi đâu mà có. Quyền năng đó chỉ có thể xuất phát từ trời cao- nơi mà hằng ngày sau những ngày lao động vất vả, Người vẫn hướng về đó, nơi có Chúa Cha hiện diện, để cầu nguyện và chuyện trò với Người.

 

Còn tiếng rên la của Chúa không gì khác hơn là một lời mời gọi sức mạnh quyền năng uy linh của Thiên Chúa đến phá tan bóng tối của tội lỗi, của đêm đen, đem lại ánh sáng, đem lại nguồn sinh lực tinh thần từ trời cao đến cho con người.

 

            Thánh Máccô chủ ý đặt đoạn tin mừng này trong miền đất dân ngoại với chủ ý rằng lời tuyên xứng của dân ngoại trước kỳ công của Chúa phần nào tiên báo sứ mạng và ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại. Đức tin và lời tuyên xưng của cộng đoàn Kytô sẽ nảy nở và sinh nhiều hoa trái trong miền đất dân ngoại. Thật thế, ơn cứu độ Chúa Giêsu  mang đến không chỉ dành riêng cho dân tộc Dothái mà còn cho hết mọi dân tộc trên toàn thế giới. Chính nhờ đó mà ngày nay, ơn cứu độ của Thiên Chúa mới lan truyền trên khắp cõi địa cầu. Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện ngày hôm nay cho thấy Người chính là Đấng Thiên sai  đã đến như ngôn sứ Isaia loan báo thưở xưa. Người đến để “mắt người mù được thấy, tai kẻ điếc được nghe và kẻ chết được sống lại”. Sứ mệnh đó sẽ và vẫn còn được Giáo hội thực thi mỗi ngày.

 

            Người Kytô chúng ta có lẽ đã quá quen với đoạn Lời Chúa hôm nay. Thế nhưng để tìm ra những ý lực sống đang ẩn chứa trong đoạn Lời Chúa này không hẳn đơn giản. Lý do là vì có lẽ chúng ta cho rằng chúng ta không thuộc “típ” của những anh mù và điếc nên chẳng có gì để nói cả. Thật thế, xét về phương diện thể lý, tất cả mọi giác quan chẳng có gì phàn nàn cả; thế nhưng, ở phương diện tinh thần, cần phải xét lại. Bởi rất có thể các giác quan tinh thần của chúng ta – cách nào đó, đang bị thui chột và què quặt. Rất có thể chúng ta đang bị câm điếc trước lời chân lý của Thiên Chúa, trước tiếng kêu than đau khổ của anh em đồng loại. Khi giác quan tinh thần bị câm điếc, chúng ta khó có thể nhìn ra và lắng nghe những nhu cầu của những người khác, nó khiến chúng ta khép kín lòng mình, khó có thể trải lòng ra để tiếp rước và giúp đỡ anh em đồng loại. Vì thế rất cần sự cứu giúp đến từ Thiên Chúa. Rất cần đến lòng Chúa xót thương.

 

            Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trải lòng ra với Thiên Chúa, với đồng loại để nhìn ra những gì Thiên Chúa  đang cần, để biết nhìn và lắng nghe những bất công đang ngập tràn trong xã hội hôm nay. Trước những bệnh nhân khốn khổ, Chúa Giêsu  đã không ngoảnh mặt làm ngơ, còn chúng ta thì sao…?

 

Lm Phạm Ngọc Ngôn