Câu chuyện đầy xúc động của Mục Sư Alex Jones
Câu chuyện đầy nước mắt và xúc động của Mục Sư Alex Jones Giáo Hội Ngũ Tuần Trở Về Với Giáo Hội Công Giáo |
Gần đây, tại các buổi đại hội lớn ở Hoa Kỳ, những buổi thuyết trình của một người tên Alex Jones đã thu hút được nhiều người nghe. Ông có một cách nói rất sinh động, đầy thần khí, và lời nói đánh động nhiều trái tim người nghe. Mùa Chay là mùa trở về với Thiên Chúa. Hành trình trở về của mục sư Alex Jones là một hành trình đầy thử thách đức tin, nước mắt và niềm vui. Ông đã phải đương đầu với sự thật không thể từ chối, với giáo hội của ông, với con chiên, với chính mình, với gia đình của ông. Ông nói với giọt nước mắt tràn đầy niềm vui: "Bốn mươi trước, tôi tìm được Chúa Giêsu, và mãi bốn mươi năm sau, tôi tìm được Giáo hội. Giờ đây, tôi biết hành trình trở về nhà của tôi, cuối cùng đã kết thúc". |
Lời Giới Thiệu |
Alex Jones là mục sư Giáo hội Ngũ Tuần tại thánh đường Maranatha ở Detroit, Hoa Kỳ do ông thành lập vào năm 1982. Alex và Donna vợ ông cùng với 64 thành viên đã trở về với Giáo hội Công Giáo vào Lễ Phục Sinh năm 2000. Một hành trình trở về đã phải mất 40 năm với đầy gian khổ, thử thách và nước mắt. Bốn mươi năm ấy tựa như cuộc hành trình về đất hứa của dân Dothái trong sa mạc và cuối cùng đã về tới miền đất hứa. Ông đã trải qua những giây phút thử thách của niềm tin: - từ bỏ địa vị là một vị chủ chăn của một Giáo hội với khoảng 200 con chiên Câu hỏi thường được đặt ra liên quan đến sự trở về của Mục sư Alex Jones là "Tại sao? Tại sao? Và Tại sao?": - Tại sao một mục sư đang thành công của Giáo hội Ngũ Tuần lại từ bỏ một niềm tin mạnh mẽ, sống động ấy? Mục sư Alex Jones đã trả lời các câu hỏi ấy với một câu hỏi: "Làm sao bạn có thể nói "không?" với Chúa được chứ? |
Suy Đồi, Biến Đổi, Cải Hóa |
Đọc lời chứng từ Alex Jones qua câu chuyện: "Không có giá nào quá cao" của Mục sư Alex Jones, bạn sẽ khám phá ra được hành trình trở về đầy hy sinh, nước mắt và niềm vui của một người với một tấm lòng trọn vẹn và tình yêu sâu thẳm dành cho Chúa Kitô. Ông còn nhớ rõ vào một đêm nóng bức của Mùa Thu khi còn là một đứa trẻ hư hỏng ở Detroit đã đối diện mặt đối mặt với Chúa Giêsu. Và là Người mà 40 năm sau đêm hôm đó, ông không bao giờ nghĩ đến chuyện quay lưng lại với Ngài. Khi Alex nói về câu chuyện hành trình trở về của ông, bạn sẽ như được chuyển tải tới điều đó ngay tức khắc, khi đời sống của ông được thay đổi vĩnh viễn bởi sự hiện diện và sống lại của Chúa, Người đã giải thoát ông khỏi sự giận dữ, sợ hãi và cho ông một hành trình. Dọc theo con đường hành trình trở về, bạn sẽ kinh nghiệm tiến trình tiếp nối của Chúa Thánh Thần, để từ sự suy đồi đưa đến biến đổi và dẫn tới cải hóa con người, và Ngài đã đưa một tôi tớ của Thiên Chúa đến nguồn gốc của Giáo hội và những điều ông tìm thấy ở nơi đó. |
Một Trọng Tâm Thờ Phượng Mới |
Nếu như có một điều nổi bật đánh dấu hành trình đức tin của Mục sư Alex Jones, thì đó là quyết tâm xác tín vào “Sự Thật”. Năm 1998, Mục sư Alex Jones hứa với cộng đoàn của ông với khoảng 200 tín hữu rằng, ông sẽ cử hành một sự buổi thờ phượng theo Tân Ước thực sự. Trong 30 ngày ngắn ngủi tìm hiểu đọc sách về các Giáo Phụ của Giáo Hội, ông đã phải mặt đối mặt với “Sự Thật” một lần nữa. Cũng giống như đêm mà ông hiến dâng cuộc đời cho Chúa Giêsu, Mục sư Alex Jones đã tìm ra được một khám phá lớn lao. Ông đã tìm ra một Giáo hội Tông truyền (Công Giáo). Trong đó, qua những lá thư của các vị "Chủ Chăn Ngũ Tuần" khác, những người đã biết và đã đi theo các tông đồ, đó là một Kitô giáo mà ông chưa hề biết tới, một Giáo hội có phẩm trật và phụng vụ, nơi mà trọng tâm của thờ phượng không phải chỉ là những sự rao giảng lớn lao hay rao giảng có hoạt động của Chúa Thánh Thần mà là Thánh Thể. Giáo hội Chúa Giêsu lập ra là một Giáo hội Nhiệm tích. Tìm đọc trong Kinh Thánh, Mục sư Alex Jones cũng đã tìm thấy rằng những điều đó nằm trùng trên một đường thẳng với thị kiến tông đồ mới của ông về "một Giáo hội của nhà tiệc ly". |
Bi Kịch, Can Đảm và Đức Tin |
Thế nhưng, có một trở ngại. Mục sư Alex Jones là một mục sư có tiếng tăm với một đoàn chiên trung thành. Ông có khùng để tiếp tục theo con đường ông khám phá ra không chứ? Ông có nên rời bỏ con chiên của mình không? Hay ông yêu thương họ đến phải cắn răng chịu đựng đớn đau khước từ khi ông thành tâm dẫn họ tới “Sự Thật”? Những biến cố kinh ngạc đến sau bi kịch sống thực này bảo đảm khích lệ bạn để bạn có sự biết ơn lớn lao hơn về đức tin Công Giáo mà bạn đang có. |
Trở Về Với Những Truyền Thống Tông Đồ |
Vào một buổi tối nóng nực của tháng 8 năm 1958, Chúa Thánh Thần đã mở ra những cánh cửa cho tâm hồn tôi. Tôi bị thu hút bởi một sự đói khát muốn biết và học hỏi về Thiên Chúa và về Giáo hội khải hoàn này. Ngài là Ai? Và Ngài như thế nào? Ngài muốn gì? Điều gì làm vui lòng Ngài và điều gì làm buồn lòng Ngài? Và tôi thích hợp cho chương trình nào của Ngài? Ngài đã làm gì cho những người khác? Những câu hỏi tràn ngập tâm hồn tôi vào tối mùa hè hôm đó, và nó theo sát tôi kể từ dạo ấy. Đã 40 năm, tôi đi trên một cuộc hành hương để biết cách chính xác về những mục đích và chương trình của một Thiên Chúa kỳ diệu này. Bên cạnh việc học hành ở đại học và công việc hậu đại học trong đường học vấn, tôi đã đọc nhiều sách vở, đã tham dự nhiều nghi thức phụng vụ của nhiều giáo hội khác nhau, đã tham gia đối thoại với nhiều Kitô hữu ở các trình độ kiến thức khác nhau, đã tranh luận với nhiều giáo phái khác, đã theo học đại học Thánh kinh một thời gian, và đã thử nghiệm nhiều giáo lý Ngũ tuần khác nhau. Tôi đã tìm hiểu thần học Armenian và Calvinistic, đã đi theo và đã bác bỏ luận thuyết về thời thế mạt trước ngàn năm mới, đã cử hành nhiều nghi thức thờ phượng khác nhau, đã giảng về sự thánh thiện và thanh tẩy, và đã nếm những kinh nghiệm tâm linh của di sản Giáo hội Ngũ Tuần. Thế nhưng, chìm dưới bề mặt là sự ước ao dày vò muốn đào sâu hơn, nêu ra những thắc mắc, và muốn tìm thánh ý Thiên Chúa. Tôi đã tìm ra sự khôn ngoan ấy một cách tình cờ. Đó là trong lúc đang chuẩn bị cho buổi học hỏi Kinh Thánh vào tối thứ Tư, đọc chương 2 thư 1 Timôthê, tôi như đi vấp phải kho tàng chôn dấu nơi một cánh đồng. Để tìm xem làm cách nào tôi có thể cử hành lại các nghi thức thờ phượng thời thế kỷ thứ nhất, tôi đã đọc các thư của các Giáo phụ tông đồ, và chính ở đó, tôi đã khai quật một sự hiểu biết rõ ràng hơn về Chúa Kitô và Giáo hội của Chúa. Giáo hội của Chúa Kitô làm một Giáo hội có phụng vụ và phẩm trật. Tôi đã học được rằng khi Giáo hội phát triển, lớn mạnh thì đều được ghi chép từng dòng chữ bởi các thánh tông đồ. Giáo hội Ngũ Tuần cho là Giáo hội xuất phát từ "những nhóm học hỏi Kinh Thánh" nhỏ rải rác khắp nơi thời thượng cổ thì thật là khá tưởng tượng. Thật sự không có ghi chép lịch sử nào về điều đó. Giáo hội Kitô đã và luôn hiệp nhất, tông truyền và phổ quát. Sự bộc phát của các tà giáo đã buộc Giáo hội cương quyết bám sát những gì đã nhận được từ các tông đồ. Tất cả giáo hội từ Gaul tới Ấn độ có một cốt lõi niềm tin, và cách thờ phượng mà mọi người đều đồng ý có vết tích trực tiếp lui về quá khứ từ các tông đồ. Tâm điểm của thờ phượng Kitô giáo không phải là các hoạt động của đặc sủng Chúa Thánh Thần - ơn được ban tràn đầy - hay cũng không phải là các nhà giảng thuyết lừng danh. Tâm điểm của thờ phượng Kitô giáo đã là và luôn là hy lễ của Mình và Máu Chúa Kitô, là thánh lễ. Vào thời Giáo hội sơ khai, thánh lễ không phải là một dấu chỉ tâm linh của Chúa Kitô - nhưng là chính Chúa Kitô đang được dâng lên Chúa Cha trong mỗi buổi thờ phượng. Không chỉ là phẩm trật của Giáo hội và tâm điểm thánh lễ của thờ phượng khác biệt như tôi đã nghĩ, mà còn cả điều Giáo hội dạy nữa. Người ta không được cứu chỉ bằng cách đón nhận Chúa Giêsu là Chúa Cứu Độ của họ, nhưng còn là bởi được dìm trong nước của phép rửa tội. Người ta không được cứu bởi đức tin mà thôi, nhưng là bởi sự trung thành với đức tin - một đức tin được biểu lộ trong những việc làm tốt đẹp và sống thánh thiện. Kitô hữu không chỉ tìm "những sự chúc lành" mà ngược lại, họ sẵn sàng hy sinh ngay cả mạng sống vì Thiên Chúa của họ. Chính ở đó, trước mặt các Giáo phụ tông đồ, mà tôi thấy ý nghĩa đích thực của tâm linh Kitô giáo. Đó không phải là đức tin hôm nay đã bị Mỹ hóa của sự sung túc hay chúc lành về vật chất, hay là của đức tin Giáo hội Ngũ Tuần về niềm vui bất tận và những cảm xúc vui sướng. Nhưng là một đức tin sâu thẳm, trung thành của con tim được mời gọi tới sự hy sinh bản thân, sám hối, chịu đựng và sống công chính. Với sự hiểu biết rõ ràng này về sự phát triển của niềm tin Kitô hữu đưa tôi đến một sự hiểu biết về Kinh Thánh và về kho tàng truyền thống cao quý nhất của Giáo hội Ngũ Tuần là “duy Kinh thánh” (Sola Scripture = là tín lý Duy Kinh, duy bởi Thánh Kinh, chỉ nhờ Kinh Thánh, chỉ dựa vào Thánh Kinh để nhận biết Thiên Chúa, mà không cần dựa vào Thánh Truyền và quyền Giáo huấn Giáo hội). Thần học này dạy rằng tất cả điều chúng ta cần biết về sự mạc khải của Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài nằm nơi những trang Kinh Thánh, Kinh Thánh là thẩm quyền của mọi thắc mắc về đức tin và luân lý. Chúng tôi, những người Ngũ Tuần tóm gọn sự giảng dạy vào điều này: "Nếu không có trong Kinh Thánh, thì không tin". Ngoài bề mặt, điều này nghe như rất trân trọng và đúng - "Nếu chúng ta không thể tìm thấy điều đó trong Kinh Thánh, thì bỏ nó đi, vì điều đó không đúng". Thế nhưng, mỗi một Giáo hội trong số 28 ngàn Giáo hội Ngũ Tuần và nhiều giáo phái khác ủng hộ lập trường từ một cuốn Kinh Thánh. Mỗi Giáo hội cho rằng lời giải thích Kinh Thánh của họ là "sự thật và đúng". Từ Giáo hội Lutheran, Anh giáo, Cải cách, Tin Lành và Ngũ tuần đến các Giáo hội Mormon, Giôhêva Witness, đến từng Giáo hội mới thành lập sau này lại giải thích Kinh Thánh khác nhau. Chúng tôi, những người thuộc Giáo hội Ngũ Tuần, đã quen thuộc với nhiều sự giải thích khác nhau này mà chúng tôi gọi là Kinh Thánh "không sáng tỏ" trong nhiều đoạn, để rồi chúng tôi cho phép có ý kiến khác nhau và những lời giải thích khác nhau. Lấy thí dụ điển hình lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng ông phải "được sinh ra trong nước và Thần Khí" (Ga 3:5). Có ba lời giải thích được nêu ra bởi các Giáo hội Kitô giáo: 1- Nước bao quanh thai nhi (sự sinh ra thứ nhất) và sự cư ngụ bên trong tâm hồn của Thánh Thần (sự sinh ra lần thứ nhì) Thế nhưng, lời của Chúa Giêsu chắc chắn chỉ có một ý nghĩa mà thôi. Mặc dù nó không được nói rõ ràng trong Tin mừng thánh Gioan, tôi tin chắc là Chúa Giêsu đã giải thích điều gì Ngài muốn nói với ông Nicôđêmô. Thế nhưng nó giúp được gì cho chúng ta? Những lời giải thích ở trên cái nào là đúng sự thật? Cả ba không thể nào đều đúng sự thật cả ba được, thế nhưng các Kitô giáo đặt nền tảng đức tin vào một trong ba lời giải thích ấy. Sự uyên bác và kiến thức rộng của những người học Kinh Thánh chẳng thành vấn đề. Ngay cả những học giả Kinh Thánh đeo đầy huân chương cũng khác biệt nhau rất xa về những giáo điều quan trọng. Chẳng có mức độ học hay nghiên cứu nào mang đến sự đồng thuận về điều Kinh Thánh nói. Một vấn đề trở ngại nữa với vấn đề truyền thống "duy Kinh Thánh" là tin rằng với sự học hỏi chuyên cần và soi sáng của Chúa Thánh Thần (Ga 14:25, 16:3) sẽ mở khóa sự thật về Kinh Thánh cho những ai nghe Ngài. Chắc chắn sự học hỏi Kinh Thánh và sự soi sáng của Chúa Thánh Thần cần thiết cho sự tăng trưởng tâm linh và mở khóa cho những điều chứa đựng bên trong lời Kinh Thánh. Thế nhưng, nói với 28 ngàn Giáo hội rằng 28 ngàn lối nhìn khác nhau của họ về Kinh Thánh là dấu chỉ về con người của họ: một là không chính xác về Kinh Thánh, hai là không được Thần Khí dẫn dắt. |
Hành Trình Trở Về Nhà |
Tôi đã đi đến quyết định làm một hành trình trở về và tôi phải làm việc ấy với cộng đoàn của tôi. Tôi là người điều hành Giáo hội của tôi. Là người điều hành tôi không những là người sáng lập mà còn là người giảng dạy, là mục sư, là cha xứ, là Giáo hoàng, là Giám mục. Tôi là tất cả. Điều này cho tôi cơ hội để có thể hỏi cộng đoàn của tôi rằng, họ có muốn biết thêm về điều tôi đã khám phá và dĩ nhiên nhiều người đã ở lại để nghe. Năm tôi 16 tuổi khi tôi được giác ngộ hay như nhiều người không Công Giáo gọi là kinh nghiệm "được tái sinh", còn phái Ngũ Tuần thì gọi là được rửa trong Thánh Thần. Đây là kinh nghiệm rất lớn lao và đánh động sâu đậm trong đời tôi. Điều đó đã khiến tôi muốn tìm hiểu: Giêsu, Ngài là ai? Tại sao Ngài tha thứ cho tôi? Và tại sao Ngài tỏ lộ ra cho tôi biết? Và 40 năm kế tiếp, tôi bắt đầu tìm kiếm, học hỏi và cố gắng tìm xem tại sao Ngài lại tha thứ cho tôi? Tại sao Ngài cứu tôi và tại sao Ngài hoạt động trong đời sống tôi mạnh mẽ như vậy? Từ một phần của hành trình trở về đó, tôi đã trở thành người một nửa là Ngũ Tuần, một nửa là Anh giáo và sau cùng của hành trình đó là người Công Giáo. Trở lui lại quá khứ, tôi được rửa tội vào lúc khoảng 8 tuổi. Thế nhưng là một thanh niên, tôi đã đánh mất niềm tin ấy và trở thành người chống đối Giáo hội, chống lại Giáo hội địa phương. Vào năm 16 tuổi, tôi trải qua một kinh nghiệm lớn lao để gặp được Đấng Tối Thẩm Quyền, Đấng ấy là Giêsu. Phong trào Giáo hội Ngũ Tuần Nên Thánh bắt đầu là Giáo hội Giám lý và tách rời vào khoảng năm 1880 hay 1890. Nó được gọi là phong trào Ngũ Tuần Nên Thánh vì Kinh Thánh được dịch theo nghĩa đen. Người ta cho rằng người Kitô giáo phải sống thánh thiện và thánh hóa trong đời sống của họ. Vào năm 1906, nhiều người trong phong trào Ngũ Tuần Nên Thánh gia nhập Giáo hội Ngũ Tuần, và tôi cũng là người của Giáo hội Ngũ Tuần Nên Thánh. Giáo hội Giám lý là một giáo hội có khuynh hướng về quan hệ xã hội, và các thành viên trong Giáo hội ước muốn được đồng hành thân mật với Thiên Chúa. Đây là một Giáo hội rất rộng lớn và đa dạng. Yếu tố chính của Giáo hội Giám lý là câu Kinh Thánh trong thư Dothái 12,14 "Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa". Sự nên thánh thiện là một thách đố để có sự liên hệ với Chúa Giêsu. Rất nhiều lần chúng ta tự mãn về sự liên hệ của mình với Chúa, như tôi đã tin Chúa Giêsu bằng trí hiểu biết, thế nhưng với Phong trào Nên Thánh sự bước đi với Chúa mới chứng tỏ sự liên hệ và hiểu biết của chúng ta với Chúa. Một khi chúng ta biết Chúa, chúng ta mới bước đi trong những đặc tính của Chúa Giêsu. Chúng ta mới mặc lấy Chúa Giêsu. Chúng ta mới bước đi đẹp lòng Chúa trong mọi sự. Chúng ta không những từ bỏ tội lỗi, mà chúng ta còn phải đương đầu với tội lỗi. Vì thế đó không phải là điều chúng ta không nên nói tới nhưng cần nói tới, cần mang ra bàn thảo và cần giải quyết. Chúng ta phải đương đầu với điều ấy nếu chúng ta muốn bước đi với Chúa. Câu Kinh Thánh được chú tâm đến là trong thư 2 Côrintô chương 5 và 6 nói về việc hãy từ bỏ những điều thiếu trong sạch, và khi đó Chúa sẽ là Cha của chúng ta và Ngài sẽ bước đi giữa chúng ta. Trong sự hoán cải, tôi tin nhận Chúa Giêsu là Chúa của tôi. Tôi sẽ sống cho Ngài; tôi sẽ chết cho Ngài. Mục đích chính của đời sống con người là sống đẹp lòng Chúa. Nói về sự trở về với Giáo hội Công Giáo của tôi, nó bắt đầu qua việc học hỏi Kinh Thánh. Bạn biết, là người Giáo hội Ngũ Tuần Nên Thánh, chúng tôi yêu mến Kinh Thánh lắm (we love the bible). Trong một buổi tối học Kinh Thánh khi chúng tôi đang học 1 Timôthê chương 2 về sự thờ phượng nơi cộng đoàn. Tôi hỏi các tín hữu: Anh chị em có muốn có một buổi thờ phượng Tân ước mới không? Anh chị em có muốn lui trở lại thời của thánh Phaolô để kinh nghiệm điều mà ngài đã kinh nghiệm không? Để anh chị em biết đích thực điều Thánh Phaolô gặp phải nơi Timôthê, một vị chủ chăn trẻ tuổi. Dĩ nhiên họ nói đồng ý. Và thế là tôi bắt đầu tìm kiếm và tôi bắt gặp ngay các Giáo phụ. Cụ thể là Thánh Ignatius. Thánh Ignatius ở Antioch sinh trưởng ở Syria, Ignatius trở lại Kitô Giáo và sau đó làm Giám Mục Antioch. Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé thăm Antioch và buộc các Kitô Hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Thánh Ignatius bị bắt và bị điệu tới Rôma bằng đường bộ để bị xét sử. Thánh Ignatius cương quyết không chối bỏ đức tin và do đó bị án tử hình ở Rôma. Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Ðức Giám Mục Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô Hữu trung thành với Thiên Chúa, với đức tin, trung thành với tập quán tông truyền của các thánh tông đồ và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ hãy đề phòng những giáo thuyết lầm lạc của các thầy dạy sai lạc, những người cho rằng Thánh Thể không phải là Mình và Máu Chúa Giêsu; những người chẳng quan tâm tới người nghèo, người góa phụ, chẳng tin rằng Chúa Giêsu đã xuống thế làm người v.v... Lá thư thứ sáu gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Lá thư sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. "Ðiều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Ðức Kitô." Lời ước của ngài đã được thể hiện, và thánh Ignatius từ trần dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107. Khi đọc những lá thứ của thánh Ignatius, tôi cảm thấy giống như lửa bốc cháy ở trong tôi. Tôi thấy nơi ngài có lòng tin yêu vào Chúa Giêsu còn hơn cả mạng sống ngài. Ngài không phải ra đi để làm nổi bật danh tiếng ngài, ngược lại ngài xin các tín hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. Ngài nói, hãy để ngài trở thành hạt lúa miến của Chúa, cứ để ngài bị nghiền nát dưới nanh vuốt của sư tử để ngài được trở nên bánh thánh của Chúa Giêsu. Đó là đường lối dẫn tới Kitô Giáo khác hẳn môi trường chung quanh mà tôi đang kinh nghiệm. Điều đó đã đánh động tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy được dường như thánh Ignatius kéo tôi lại và nói: "Hãy đọc điều tôi viết, đây là đức tin đích thực. Đây là đức tin đến với chúng ta từ các thánh tông đồ". Tôi đã đọc thêm và thấy rằng Kitô giáo chưa bao giờ ở trong viễn ảnh của tôi rõ ràng như thế. Giáo hội Kitô giáo là một phẩm trật, phụng vụ, tâm điểm là Thánh Thể. Tôi không vứt bỏ quá khứ của tôi là một người tín hữu Ngũ Tuần. Ngược lại, tôi yêu mến điều tôi đã là và tôi vui lòng với những điều ấy. Nhờ những điều ấy nó đã đưa tôi tới con người của tôi hôm nay, thế nhưng đến với Giáo hội Công Giáo, quá khứ của tôi được kiện toàn, bởi vì Giáo hội Công Giáo là sự toàn vẹn của đức tin Kitô giáo. Là người thuộc Giáo hội Ngũ tuần, ước muốn của tôi là thi hành các nghi lễ với các ơn của Chúa Thánh Thần. Điều đó không có dấu chứng hiển nhiên, không phải là tôi không có các ơn của Chúa Thánh Thần, nhưng là nó không có dấu chứng hiển nhiên trong thánh lễ. Các bạn biết, Anh Giáo chúng tôi yêu mến những lời “giảng hay", chúng tôi siêu việt về giảng dạy. Thế nhưng, ngạc nhiên là điều đó không phải là tâm điểm của thờ phượng. Tâm điểm thờ phượng đã luôn luôn có ở trong Giáo hội, đó là Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.Thánh lễ xoay quanh các điều ấy. Chúng tôi được dạy rằng nếu một điều gì không có ở trong Kinh Thánh, thì điều ấy thường không đúng. Nếu điều đó không tìm được ở trong câu Kinh Thánh, thì không xem là quan trọng. Vì thế khi đọc sách của các Giáo phụ, lần đầu tiên tôi đọc, học hỏi. Đó là điều tốt vì nó cũng nằm trên đường nghiên cứu ngôn ngữ của tôi là làm sao tôi giải thích Kinh Thánh. Thế nhưng lần thứ nhì tôi đọc, lần này tôi biết có Chúa Thánh Thần tác động. Lần này, Chúa Thánh Thần lấy đôi kính mắt của tôi ra. Ngài bảo tôi hãy đọc điều này. Tôi đã thấy một sự tiếp nối liên tục từ Chúa Giêsu đến các thánh tông đồ, rồi đến các giáo phụ, đến các giám mục. Một đường thẳng liên tục không bị đứt quãng từ căn phòng nhà tiệc ly. Và tôi nói, điều này đáng để được điều tra thêm. Nếu bạn lớn lên trong một môi trường tập quán nào đó thì bạn có khuynh hướng nhìn Kinh Thánh với một khái niệm nào đó, chẳng hạn như bạn được dạy dỗ để nhìn Kinh Thánh với lối nhìn của Giáo hội Tin lành, của Giáo hội Giám Lý, của Giáo hội Nên Thánh v.v... Thế nhưng nếu bạn lấy cặp kính mắt ra, đọc như điều được viết trong sách, đừng đọc như nghe người ta nói về các giáo phụ, hãy đọc về các giáo phụ, đọc chữ viết của các ngài. Bạn sẽ thấy, đây là Kitô giáo: tất cả bắt đầu ngay từ phòng nhà tiệc ly tới Giáo hội hôm nay của bạn. Tôi đã có nghi lễ mới theo Kinh Thánh như thế. Nó hoàn toàn khác biệt lúc trước. Một số người không thích lắm. Tôi nói, hả.... đây là cách Giáo hội luôn thờ phượng mà. Tôi lập lại cách thờ phượng thời xưa của các thánh tông đồ. Tôi chia nghi lễ thờ phượng ngày Chúa nhật ra gồm phần phụng vụ Lời Chúa, phần phụng vụ Thánh Thể. Tôi bắt đầu cho rước Mình Máu thánh Chúa mỗi ngày Chúa nhật. Theo Giáo hội Anh giáo, thường chỉ một tháng mới cho rước lễ một lần. Khi cho rước lễ mỗi Chúa nhật như vậy, có một vài chống đối rằng tại sao cho rước lễ mỗi Chúa nhật như thế? Tôi nói là vì đây là trọng tâm của thờ phượng Kitô Giáo. Thế là nghi lễ nơi thánh đường Maranatha trở nên giống thánh lễ của Công Giáo nhưng mang sắc thái chiếc áo choàng của Ngũ Tuần. Không phải ai cũng thích điều thay đổi ấy. Giáo dân của tôi bắt đầu có nghi ngờ và ý kiến tiêu cực về việc làm của tôi. Hai trăm con chiên trong cộng đoàn của tôi dần dần ít đi. Việc bắt đầu không phải là lấy từ nghi thức của Giáo hội Công Giáo hôm nay mà là từ thời các Giáo phụ. Đó là chứng từ cho sự thật, cho Giáo hội Công Giáo. Tôi nghĩ điều tuyên xưng của Giáo hội Công Giáo là sự thật. Tôi thực sự không có ý trở thành người Công Giáo, điều đó là điều sau hết trong tư tưởng của tôi. Thế nhưng điều này không chối cãi được. Đây là những người đã hiểu về Thiên Chúa, như một Phêrô mới, một Thánh Gioan mới, một Thánh Phêrô-Phaolô mới, một Thánh Clement mới v.v... Tôi thấy một sự liên tục qua dòng lịch sử, những người này đã là thí dụ điển hình một đường thẳng không bị đứt quãng trong 2 ngàn năm qua (đường thẳng không đức đoạn nối từ Giáo hội đến các tông đồ). Vì thế, tôi nói hãy để tôi thử xem sao, đây là điều Giáo hội luôn thờ phượng như thế. Có một điều gì đó ở trong đây. Tôi bắt đầu điều chỉnh các nghi lễ của tôi cho phù hợp với những điều đó, nhưng không có ý là trở thành người Công Giáo. Tôi là người cha của giáo hội của tôi. Tôi có thể thu thập những gì đúng để tu bổ cho thư viện giáo hội của tôi. Bước ngoặc trong đời là tôi đã khám phá ra, đã tái sáng chế ra bánh lái. Tôi tự hỏi tại sao mình cứ tiếp tục làm như thế này, tiếp tục tìm kiếm xem Giáo hội làm thế này thế nọ, mà không xem có Giáo hội nào hiện đang làm điều này nhỉ? Tại sao Giáo hội Công Giáo làm như thế? Tôi nhìn lại 2 lời hứa mà Chúa Giêsu để lại cho Giáo hội. Lời hứa thứ nhất là: “trên viên đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo hội của Thầy và cửa hỏa ngục sẽ không phá nổi”. Có nghĩa là Giáo hội mà Chúa Giêsu thiết lập trên phòng nhà tiệc ly sẽ tiếp tục qua quá khứ của thời gian cho đến khi Chúa đến lần thứ hai. Chúng ta thấy rằng Giáo hội được lập nơi phòng nhà tiệc ly là Giáo hội của Chúa Giêsu. Lời hứa thứ 2 của Chúa Giêsu là trong Tin mừng thánh Gioan 14,18: "Thầy đi, Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ gởi Đấng Bảo trợ đến ở cùng anh em. Đó là Chúa Thánh Thần và Người sẽ dẫn anh em tới sự thật". Trong ý nghĩa của câu ấy, Giáo hội nơi phòng nhà tiệc ly sẽ mang sự thật. Chúa Thánh Thần ở trong Giáo hội, dẫn dắt Giáo hội đến sự thật cho đến khi Chúa Giêsu đến lần thứ hai. Thế thì, Giáo hội nào có quá khứ của Giáo hội phòng nhà tiệc ly? Giáo hội của tôi chắc chắn không phải rồi vì do tôi sáng lập ra. Bạn có thể tìm được ngày thành lập của các Giáo hội như là ngày nào mục sư Martin Luther lập Giáo hội của ông. Carlvin khởi sự Giáo hội của ông với một ngày thành lập khác. Các Giáo hội Tin lành khởi sự với những ngày thành lập khác v.v... Chúng ta có ngày giờ các Giáo hội được thành lập. (Giáo hội Công giáo không có ngày thành lập vì tiếp nối từ các thánh tông đồ). Không có Giáo hội nào có quá khứ lui trở lại với Giáo hội của phòng nhà tiệc ly. Vậy Giáo hội của phòng nhà tiệc ly là Giáo hội nào? Giáo hội đó mới là Giáo hội của Chúa Giêsu lập ra. Giáo hội đó có sự thật. Giáo hội đó có đường thẳng liên tục không đứt đoạn với Giáo hội trên phòng nhà tiệc ly. Và chỉ có một Giáo hội mà tôi biết mà thôi. (Đó là Giáo hội Công giáo). Tôi bắt đầu có những thay đổi trong Giáo hội của tôi và tôi cũng bắt đầu mất dần một số con chiên, những người anh em mà tôi yêu quý. Không phải là tôi nói tôi sẽ trở về với Công Giáo nhưng là mục vụ của tôi có hình thức giống Công Giáo quá, nó mang nhãn hiệu Công giáo mất rồi và họ cho là điều đó không đúng với họ. Họ muốn nghi lễ được cởi mở hơn, những mục vụ cần có những ý chí tự do hơn, được Chúa Thánh Thần chứng thực và hoạt động. Dĩ nhiên, không phải là nói Chúa Thánh Thần không có hoạt động trong thánh lễ, nhưng Ngài hoạt động rất một cách mạnh mẽ là làm cho Mình và Máu Chúa Giêsu trở nên hiện thực. Họ không muốn kiểu mục vụ tôi đang làm, cách tôi đang đi, và điều đó làm tôi đau lòng khi thấy họ bỏ đi. Họ đã bỏ đi thật rồi. Tôi tôn trọng quyền tự do chọn lựa của họ. Tôi vẫn thương yêu họ sâu đậm trong trái tim. Tôi ước gì họ nhìn ra được điều tôi đã thấy. Có nhiều điều để học và Giáo hội Công Giáo thật phong phú, tôi phải học cho đến hết đời vẫn không xong. Tôi cảm thấy buồn khi thấy rằng nhiều người Công Giáo không biết rõ về đức tin và chiều sâu của đức tin, về sự phong phú, quyền năng và sự nhiệm mầu. Nhiều người Công Giáo đạo gốc xem thường đức tin. Nếu bạn sinh ra ngoài Giáo hội công giáo và theo một niềm tin khác, và khi bạn hiểu về phẩm chất và tính xác thực của đức tin Công Giáo thì nó còn quý hơn cả đời sống đối với bạn nữa. Bạn sẽ nhìn ra vẻ đẹp thực sự của nó. Một nửa người của tôi (vợ tôi) thì sao? Nàng thì nghĩ là tôi đã mất trí, điên mất rồi. Tôi tha thứ cho nàng. Cuộc tranh luận xảy ra nơi nhà bếp vào đêm khuya. Chúng tôi tranh cãi đến 2 giờ sáng về những điều như là Đức Mẹ, luyện ngục, cầu xin với các thánh v.v... Điều đã ăn sâu trong đầu của các tín hữu Giáo hội Ngũ Tuần là cầu xin với ai khác ngoài Thiên Chúa ở trên thiên đàng là thờ ngẫu tượng. Những điều hết ấy sức khó khăn để nàng chấp nhận được. Còn với tôi thì không có gì trở ngại đáng kể khi tôi biết rằng Giáo hội có thẩm quyền để giảng dạy những điều này mà Giáo hội không sai lầm khi nói về tín lý và đức tin, mặc dầu tôi lớn lên không được giảng dạy như thế. Chỉ có vấn đề là đến khi nào tôi mới có thể cảm thấy thoả mãn với những điều ấy. Còn đối với vợ tôi thì rất khó. Tôi cố gắng nhưng thất bại để hoán cải vợ tôi. Thế nhưng chính Chúa Thánh Thần đã hoán cải vợ tôi. Chúng tôi có lời qua tiếng lại và có những cuộc chiến. Nàng rất quan tâm vì nàng yêu tôi nhiều. Thế nhưng, tạ ơn Chúa. Ngài đã can thiệp. Ngài đã ở với nàng. Một ngày kia, nàng bước vào phòng làm việc của tôi. Nàng nói: Em thích một số người Công Giáo. Lúc đó, tôi đang đánh bài trên computer về những điều học hỏi. Tôi nói: Có thiệt không đó? Tôi không nhìn nàng vì nghe như có vẻ xa vời quá. Nhưng thực sự là đã xảy ra như thế. Chúa Thánh Thần đã đi vào tim của nàng. Nàng đã xác quyết là tôi đã đúng, thực sự đây mới chính là Giáo hội đích thực. |
Chính Thức Công Khai |
Tôi triệu tập một buổi họp vào tháng Giêng năm 2000 sau buổi thờ phượng Chúa Nhật. Tôi tụ họp mọi người và tôi chia sẻ với họ rằng tôi đã làm những thay đổi trong nghi lễ mặc dù trong trái tim của tôi chẳng có ý trở thành người Công Giáo, nhưng một số cho rằng tôi đang muốn trở thành người Công Giáo. Chỉ sau khi tôi tìm hiểu thêm, thêm nữa, điều ấy mới đi vào suy nghĩ của tôi. Tôi mới chia sẻ với họ là tôi muốn trở thành người Công Giáo. Tôi sẽ làm một trong hai điều. Một là họ sẽ đi với tôi. Điều mà tôi rất muốn họ làm, là trở về với Giáo hội (Công Giáo) hiệp thông đức tin Kitô giáo, hay họ có thể yêu cầu tôi rời bỏ chức vụ. Tôi chỉ xin họ cho tôi có được 6 tháng để giải thích cho họ về đức tin Công Giáo bởi vì phần đông không hiểu về đức tin Công Giáo. Tôi rất ghét khi phải nói ra điều này, Giáo hội Công Giáo đã không làm đủ để cho tan đi những điều sai lầm mà những người không Công Giáo có thành kiến với Giáo hội Công Giáo. Tôi xin họ cho tôi 6 tháng, và vào tháng 6 chúng tôi sẽ bỏ phiếu về quyết định này. Nếu quý vị không muốn tới nhà thờ nữa, thì tôi sẽ từ chức chủ chăn và tôi sẽ ra đi với gia đình của tôi. Tôi muốn quý vị cùng đi vì đó là Giáo hội thực sự. Trong 6 tháng đó, tôi giảng dạy về Giáo hội Công Giáo và trả lời những thắc mắc, và đã có nhiều câu hỏi thật hóc búa. Tôi đã trả lời những câu hỏi đó. Đã có đến 2/3 con chiên bỏ đi. Và đến tháng 6, đại đa số người còn lại bỏ phiếu thuận đi theo và khi đi có tất cả 64 người. Thánh đường Maranatha đã đóng cửa và được bán cho một Giáo hội khác. Điều mất mát to lớn nhất là gia đình và bạn bè của tôi đã từ bỏ vì quyết định của tôi. Nhìn những người tôi đã thờ phượng và cầu nguyện với trong 40 năm qua nay bỏ đi và không liên lạc nữa thật là buồn. Còn đau đớn hơn nữa khi mẹ tôi là người đã giúp tôi xây dựng giáo đường Maranatha cũng ra đi đến với một giáo hội khác mà cháu của tôi là chủ chăn. Với họ, tôi là người phản giáo hội đi vào sự sai lầm. Điều này đau đớn lắm bởi vì chúng tôi muốn được nhìn với cặp mắt là phải, là đúng, thế nhưng giờ tôi mang dấu thánh của người có thần kinh xáo trộn, dễ thay đổi, bị nhìn như người quay bước lại với Chúa. Khi nhóm chúng tôi quyết định trở về với Giáo hội Công Giáo, các nhóm cầu nguyện trong giáo hội của tôi được hình thành để cầu nguyện chặn chúng tôi lại. Họ ăn chay, cầu nguyện xin Chúa chặn đứng chúng tôi lại trong việc sai lầm ghê gớm này. Khi chúng tôi trở lại Công Giáo, điều đó đối với họ như thể chúng tôi đã chết rồi. Tôi vẫn tin là tôi làm đúng. Nó là trọng tội cho tôi khi biết điều tôi biết là đúng mà không làm. Nếu tôi trở về đời sống cũ thì tôi thiếu thành thât, chẳng đáng tin cậy, một người thấy sự thật, biết sự thật mà lại quay mặt bước đi thì tôi không thể làm điều đó. Làm sao tôi có thể nói “không” với sự thật được. Tôi biết tôi sẽ mất tất cả và trong những nhóm người đó, tôi sẽ không bao giờ được họ đón nhận nữa, thế nhưng tôi không còn đường chọn lựa. |
Giáo hội Công Giáo có dạy nên thánh thiện không? |
Có chứ, điều này làm tôi hết sức ngạc nhiên. Khi đọc Giáo lý và tài liệu của công đồng Vatican II, lời mời gọi nên thánh lập đi lập lại nhiều lần làm tôi cảm thấy như đang ở "nhà mình", vì tôi có quá khứ là người của Giáo hội Nên Thánh. Giáo hội có dạy nên thánh. Giáo hội dạy mỗi người hãy liên tục theo đuổi con đường nên thánh, là một trong những nền tảng dạy dỗ của Giáo hội Công Giáo. Khi tôi đọc những giáo huấn của Giáo hội về đời sống Chúa Kitô và ơn gọi nên thánh, nó đã làm ơn gọi nên thánh của tôi sâu đậm thêm. Trong Giáo hội Ngũ tuần, chúng tôi không nói đến việc cầu nguyện chiêm niệm. Thực ra chúng tôi nói, khi chúng ta cầu nguyện chúng ta phải nói, nếu chúng ta không nói là chúng ta không cầu nguyện. Rất có thể bạn đang suy niệm nhưng không cầu nguyện. Nhưng trong Giáo hội Công Giáo, đường linh đạo rất sâu đậm. Sâu đậm đến nỗi vượt qua việc cầu nguyện nói ra bằng tiếng, lời cầu nguyện trong phụng vụ, trong nghi lễ đi vào việc cầu nguyện chiêm niệm.Khi một người đến trước sự hiện diện của Chúa, thần khí của họ và Thánh Thần cùng đồng hành và Thiên Chúa bắt đầu nói. Phần nhiều khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta cầu nguyên không à (nghĩa là chúng ta nói không à). Thế nhưng trong cầu nguyện chiêm niệm mà Giáo hội Công Giáo rèn luyện, chúng ta đến trong sự hiện diện của Thiên Chúa, và để Thiên Chúa bắt đầu đối thoại với chúng ta. Khi chúng ta ngồi trong nhà Chúa, chúng ta ngồi nhìn Chúa, Ngài nhìn chúng ta. Ngài bắt đầu tỏ lộ những điều (thánh ý Ngài) ra cho chúng ta. Vì thế, linh đạo đó rất phong phú, rất sâu đậm hơn những gì tôi có. |
Ngày Trọng Đại |
Hành trình trở về nhà đã tới hồi kết thúc. Tôi và những con chiên theo tôi trở về với Giáo hội Công Giáo. Phần đón tiếp rất của cộng đoàn Thánh Suzanne thật nồng ấm. Trong thánh lễ, tôi và Donna vợ tôi trao cho cha chủ tế Dennis Duggan những chiếc áo lễ mà tôi đã mặc khi cử hành các nghi thức thờ phượng cùng với những chén thánh cho vị chủ chăn mới của tôi.Tôi và những người trở lại đã theo học lớp Giáo lý 6 tháng để được lãnh nhận các Bí tích. Alex ngồi chiến đấu với chính mình khi nhìn linh mục chánh sứ, những giáo lý viên làm công việc mà tôi đã từng làm và ưa thích nhất. Tôi phải đi tìm một công việc để sinh sống. Tôi đã đánh đổi nhữngn gì tôi đang có: một địa vị, một chức vụ, một ngôi nhà thờ, một số tín hữu, một số người thân để trở về với Giáo hội là một người con chiên bình thường. Đây là một sự đánh đổi lớn mà chỉ có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Kitô và sự khao khát sự thật mới làm được. *** Kể từ khi trở lại Công Giáo, Alex Jones chưa bao giờ có tư tuởng nào khác về quyết định của ông, khi Giáo hội trải qua một cuộc khủng hoảng về sự sách nhiễu tình dục của một số giáo sỹ. Ngay cả linh mục Dennis, người đã cử hành thánh lễ đón tiếp ông trở về với Công Giáo lại là người bị kiện cáo về việc này. Ngài đã phải rời chức vụ trong thời gian điều tra. Ông Alex nói: "Tôi đã từng là một chủ chăn, tôi biết những vụ khủng hoảng. Tội lỗi là một ông chủ không kỳ thị. Nó xảy ra ở khắp nơi không riêng gì chỉ trong giáo hội Công Giáo. Rất tiếc nó gây tổn thương cho một số người. Giáo hội có tính cách nhân bản và thiêng liêng. Giáo hội thánh thiện nhưng cũng khiêm nhường đấm ngực là người tội lỗi. Giáo hội không phải là một vương quốc toàn hảo, có lúc cần sự chữa lành. Có lúc Giáo hội như là một nhà thương và nhiều người cần được thuốc chữa lành. Giáo hội đã sống còn 2 ngàn năm qua. Đây chỉ là một ổ gà, một cái gờ trên đường tới sự sống đời đời. Alex Jones hiện nay đã là thầy sáu. Ông cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và nguyện ước trung thành với Thánh Tâm Chúa. Ông đang hướng dẫn một lớp học hỏi Kinh Thánh ở nhà thờ St. Suzanne, đang học để lấy bằng tiến sĩ tại chủng viện Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ông đã đi thuyết trình và làm chứng về cuộc hành trình trở về của ông tại nhiều buổi tĩnh tâm, hội thảo, đại hội. Với cách giảng thuyết hùng hồn, linh động ông đã thu hút được nhiều người đón nghe và cảm kích đức tin của ông. Lời chứng của ông đã đánh động nhiều tâm hồn. Lời chứng ấy có giá trị hơn những lời giảng xuông. Gần đây, ông đã có một ước mơ. Ông khám phá ra rằng trong một số trường hợp đặc biệt, Đức Thánh Cha cho ngoại lệ những mục sư trở về với Giáo hội được làm linh mục. Nếu Giáo hội nhận thức về ơn gọi đó, tôi sẽ chấp nhận ơn gọi ấy. Bằng không, tôi sẽ làm những gì Giáo hội mời gọi tôi làm. Alex Jones ao ước vào chủng viện học và một ngày nào đó, vị mục sư Giáo hội Ngũ Tuần sẽ được truyền chức và trở thành một linh mục Công Giáo. Người ta sẽ gọi ông là cha Alex Jones.
Hồng Ân chuyển dịch cho thanhlinh.net |
- Thiên Chúa:
- Thể loại khác: