Biển Xanh
Biển xanh
Biển về chiều thật đẹp. Ánh sáng lấp lánh trên đầu sóng. Nắng pha lê. Gió rì rào như khúc ru. Biển vẫn đông người. Từng cặp tình nhân ngồi bên nhau trò chuyện hoặc cùng nhau đùa với sóng…
Gã tìm một chỗ vắng để nghiêng mình trên tảng đá. Từng đợt sóng rồi từng đợt sóng vỗ nhẹ dưới chân. Thi thoảng bọt nước văng lên tới chỗ gã. Thật chậm, chậm như những nốt nhạc đang đi vào giai kết trọn. Gã nghĩ: “Nếu là tôi, có lẽ không ai lại không nhìn theo một cô bé duyên dáng đến thế”. Một cô bé rất… biển. Vài sợi tóc vờn theo gió vắt ngang khuôn mặt dịu dàng và đượm nét trầm tư trông rất nên thơ. Gã chợt nhận ra mình hóa phỗng đá từ bao giờ và lúng túng một chút. Thấy gã, cô bé quay trở lại. Gã buột miệng: “Biển!”. Hơi dừng lại, cô bé lại tiếp tục thả bước. Như máy cassette nhấn play sẵn, gã lại gọi: “Biển!”. Cô bé vẫn lặng lẽ chậm rãi bước. Chắc cô bé này có “bộ nhớ bất thường”, gã nghĩ vậy. Bỗng dưng thấy mình vô lý. Biết cô bé tên gì mà gọi Biển? Cô bé điên hay mình điên? Gã thầm cười mình ngớ ngẩn.
Gã phóng tầm nhìn ra ngoài khơi xa. Những ngọn sóng vẫn đùa nhau. Gió vẫn chuyển tải hơi mặn như bao giờ. Những cánh Hải âu chập chờn trên biển. Gã thả hồn vào biển. Và gã loay hoay tiếp tục viết những dòng còn dang dở.
– Ông là nhà văn?
Cô bé đã đứng bên gã từ lúc nào. Nhìn cô bé, gã chưa kịp hiểu và nói gì, cô bé đã lặp lại câu hỏi:
– Ông là nhà văn?
– Không. – Gã thản nhiên đáp.
– Ông là thi sĩ?
– Không.
– Vậy ông là…
– Tôi là tôi. – Gã vội lấp đầy câu nói của cô bé.
– Ông nói chuyện dĩ nhiên quá.
– Nghĩa là tôi bình thường như mọi người.
Cô bé nhìn ra xa:
– Gì cũng không. Vậy ông đang viết gì? Em… em không tò mò chứ?
– Tôi viết những gì mình cảm nhận được.
– Ông tưởng tượng hay có thật?
– Cả hai.
– Em gọi ông là nhà văn được không? Một mình em gọi thôi.
– Tùy cô bé, nếu thích. Nhưng tôi vẫn chỉ là tôi. Tôi chẳng là gì khác.
– Mấy ông nhà văn ai mà nói lại. Ông nói chuyện “khô” quá!
Như chợt nhớ điều gì, cô bé nhìn gã và hỏi:
– Sao hồi nãy ông gọi em là Biển?
– Mà sao không trở lại khi tôi gọi? Bây giờ trở lại làm gì?
– Ông chưa trả lời em. Ông khôn quá đó!
Gã cười. Cô bé bướng bỉnh một chút trong cách nói chuyện với giọng điệu và phong cách duyên dáng.
– À, tôi cứ gọi đại vậy mà.
– Ông… “liều” lắm. Nhà văn làm quen hay quá ha?
– Tôi không cố ý. Tôi chỉ buột miệng gọi vậy thôi. Cô bé tên là…
Đung đưa người, cô bé hóm hỉnh nhìn tới phía trước rồi chợt quay về phía gã.
– Ông cứ gọi em là Biển. Ông thích Biển à?
Gã gật đầu.
– Có lẽ ông có kỷ niệm với biển thì phải?
– Có. Nhưng là kỷ niệm buồn.
– Kỷ niệm thường buồn ông ha! Nhưng vẫn đẹp, phải không ông?
– Cô bé triết lý lắm. Biển cho tôi kỷ niệm về một người bạn gái.
– Người yêu của ông?
Gã im lặng, nhìn ra xa. Gã vu vơ đưa tay vẽ những ngọn sóng trên giấy.
– Ông không nói, chắc ông nghĩ em tò mò?
– Không phải vậy.
– Vậy ông nói đi. Cô ấy là người yêu?
– Chưa hẳn. Có thể tạm gọi như vậy. Cô bé cho tôi biết tên để gọi chứ?
– Em nói ông cứ gọi em là Biển kia mà!
– Tôi chỉ đề nghị thôi. Tôi không muốn bắt buộc ai làm điều gì người ta không thích. Nếu không thể thì thôi, Hải ạ!
Cô bé ném cho gã cái nhìn thật nhanh.
– Ông thông minh ghê đi. Có lẽ nhà văn giỏi tưởng tượng.
– Không giỏi bằng Biển đâu. Tôi chỉ nghĩ Biển là…
– Là em. – Cô bé nói tiếp nhanh như sợ sẽ nói không kịp gã.
Ngưng một lát, Hải tiếp:
– Mai mốt người mà em yêu phải “hơn em một cái đầu”. À, ông kể về kỷ niệm Biển-của-ông đi!
Gã “ngoan ngoãn” kể với giọng trầm và sâu lắng…
– Khi đó tôi còn là một sinh viên khoa Văn. Thủy là học sinh lớp 12. Chúng tôi quen nhau trong một trường hợp khá hi hữu. Hồi đó tôi đã có thơ đăng báo, cả truyện ngắn nữa. Biết vậy qua một người quen, Thủy nhờ tôi “coi giùm” mấy bài luận văn. Cứ vậy, chúng tôi thân quen nhưng vẫn giữ tình cảm ở mức bình thường. Rồi chúng tôi có những lần đi dạo ở bãi biển này. Sau khi học xong, tôi được bổ nhiệm dạy ở một vùng xa. Thi thoảng chúng vẫn liên lạc qua lại bằng thư từ, đâu có mail như bây giờ. Vắng thư Thủy một thời gian, một hôm tôi bất ngờ nhận được thư Thủy qua một người quen từ Mỹ về. Lúc đó tôi mới biết Thủy đã ở xa bên kia đại dương. Khoảng nghìn trùng xa cách…
– Thủy không yêu ông nữa?
– Tôi không dám xác định là Thủy yêu tôi hay chưa thì nói chi là còn yêu hay không. Thủy chỉ mến tôi về một phương diện nào đó. Là con, dĩ nhiên Thủy phải theo gia đình đi chứ. Vả lại, khi biết tôi tự lập, kiếp sống lãng tử, lại có máu lãng mạn, gia đình Thủy không muốn Thủy quen tôi nữa. Biển biết đó, nhà thơ và nhà văn đều bị coi là người sống trên mây, trên gió. Thiên hạ cho là thiếu thực tế. Có thể đúng phần nào. Tôi nhớ Nguyễn Bính khuyên con gái rằng: “Nhất kiêng cấm lấy chồng thi sĩ, nghèo lắm con ơi, bạc lắm con”.
– Nghèo đâu có xấu, đâu có tội?
– Nhưng người đời không dễ chấp nhận. Thực tế và lý thuyết là hai thái cực. Lao động trí óc như thế thì bị kết án là mơ mộng viễn vông. Nhưng trái lại, họ vẫn luôn cần nghệ thuật.
– Ông tự biện hộ sao?
– Tôi chỉ nói sự thật.
– Còn Thủy bây giờ?
– Con gái có thời thôi. Thủy vừa có chồng.
– Ông có tiếc nhớ không?
– Tình đầu và mộng đẹp như vậy sao lại không nhớ. Nhưng…
– Ông trách cô ấy?
– Không. Hoàn cảnh mà. Phần vì chữ hiếu, phần vì quá xa. Biết sao được! Trong khi đó, tôi thì… Biển thấy đó. Buồn nhiều. Thế nên tôi thích ngồi ở đây một mình với biển.
– Em xin lỗi vì đã gợi lại nỗi buồn của ông.
Gã vừa lắc đầu vừa nói:
– Không sao đâu! Ít ra cũng có người hiểu tâm trạng của tôi lúc này.
Cô bé vói tay cầm tập bản thảo của gã, lật qua lật lại rồi nói:
– Sao ông nói biển tím? Biển xanh kia mà.
– Không. Biển tím đó chứ? Hải nhìn thử đi!
Hải nhìn biển hồi lâu. Nhìn gã. Nhìn biển. Cô bé trầm giọng:
– Dạ. Biển tím. Sao biển lại tím hả ông?
– Chung thủy, nhớ thương và chờ mong.
– Và buồn nữa.
– Dĩ nhiên rồi. À, cô bé thích biển tím không?
Hải nhìn gã, lắc đầu và nói:
– Không. Thích biển xanh cơ!
– Sao vậy?
– Để không phải nhớ và chờ. Nhất là không phải buồn. Vả lại, em tên là Thanh Hải mà.
– Hơi ích kỷ.
– Con gái vậy đó ông.
– Con gái cũng là chúa rắc rối, chúa lộn xộn.
Hải “hứ” một cái dài và hóm hỉnh hỏi:
– Em gọi ông là ông mà lại xưng là em, ông có buồn không? Tôi không câu nệ cách xưng hô. Càng dễ xử.
– Ông không sợ già sao?
Gã kéo hai đầu lông mày lại gần nhau, và cười:
– Chưa già, sao gọi tôi là ông?
– Em thích vậy. Có ngày em sẽ gọi ông là… là anh. Ông đồng ý vậy không?
– Người ta không trẻ lại được bao giờ.
– Nhưng vẫn có thể là anh.
– Cô bé bướng bỉnh mà… có duyên lắm.
Hải vòng ra trước mặt gã, rồi vừa vòng hai tay trước ngực vừa nói:
– Người ta không là cô bé.
– Là Biển?
– Không.
– Hồi nãy Hải bằng lòng với tên gọi đó mà?
– Hồi nãy là hồi nãy. Bây giờ là bây giờ. Thì hiện tại khác thì quá khứ. Tương lai còn khác hơn kìa.
– Con gái ngược đời không chịu nổi. Cô bé ghen với Thủy sao?
– Ai lại ghen với quá khứ bao giờ? Ghen cũng là một nghệ thuật yêu mà. Ơ… mà em có là gì của ông đâu nào!
– Có đó, Nhỏ à!
– Hứ. Còn khuya!
– Thật mà. Biết là gì không? Là…
– Không là gì cả.
– Là người dưng.
– Ông… ông làm em muốn đứng tim. Ông… “tàn nhẫn” lắm! Ông “gàn” lắm! Ông…
Cô bé bỏ chạy ra xa. Biển thưa người dần. Chỉ còn gã với biển mênh mông vỗ sóng rì rào…
o0o
Hải và gã luôn “đối nghịch” nhau. Nhưng là một đối nghịch trong một tổng thể. Cạnh đối góc để làm nên hình học. Thời gian không ngừng vẫn trôi dần. Những cuộc hò hẹn như một tất yếu, theo định luật ắt có và đủ. Đâu ai định nghĩa được tình yêu. Hải thua gã đến hơn một giáp. Tình yêu luôn bí ẩn và huyền diệu!
Đêm. Biển đầy ánh trăng. Thơ mộng. Hải vẫn bướng bỉnh dù có khi cùng gã đi dạo hết bờ biển. Khi yêu, người ta vẫn thường hờn giận vu vơ. Những hờn giận thật đáng yêu. Như gã thế mà vẫn “chịu thua” cô bé. Con gái mà. Nhõng nhẽo rất… con gái. Không dưng gã “hợp” kiểu bướng bỉnh của Hải. Có lần trễ hẹn, dù chỉ một phút, gã hết lời xin lỗi mà Hải vẫn khăng khăng… giận. Xưng hô ở khoảng cách như hai người đang đứng.
– Sao ông không gọi em là… em?
– Vì em gọi tôi là ông.
Hải nhìn gã, vừa cười vừa nói như reo:
– Đó nha. Ông gọi em là em rồi đó.
– Thua em luôn. Em hứa gọi tôi là anh đó.
– Sao lại xưng “tôi”? Em mới hứa thôi. À sao ông không xưng mình là anh với em?
– Không biết. Có lẽ là một khoảng cách vô hình nào đó.
Hải luôn hỏi nhiều trong những lần gặp nhau như vậy. Gã cứ phải trả lời như cái máy. Vả lại Hải có thèm trả lời gã đâu. Gã đâm “chột dạ”. Gã chỉ biết miên man nhìn vệt sáng loanh quanh những bước chân. Cát đẫm nước. Biển đêm thú vị và trắng tuyệt vời. Ngọn hải đăng nhấp nháy xa xa như đôi mắt chớp chớp e thẹn và bối rối…
– Trăng đẹp không ông?
– Có. Đẹp như… Biển vậy. – Vừa nói gã vừa tát yêu vào má cô bé.
Hải nũng nịu:
– Ghét ông lắm. Bắt đền người ta đi!
Hải bỏ chạy lên trước bắt gã phải đuổi theo. Sóng rì rào ru khúc tình ca. Có đợt sóng chợt duềnh lên, xô mạnh. Tiếng sóng vang vào tận lòng gã. Biển ơi, cứ mơn man vỗ sóng đi!
Thủy triều lên. Thủy triều xuống. Nước lớn. Nước ròng. Tháng ngày theo nhau như sóng biển không đuổi kịp nhau. Những con tàu ngoài khơi lênh đênh trên sóng nước. Những cánh hải âu soải cánh bay mãi mà có bao giờ mỏi? Gã vẫn từng chiều lang thang trên bãi biển vắng như một kẻ mộng du. Thi thoảng gã dừng lại nhặt một con ốc nhỏ rồi xoay xoay trên tay, hoặc đứng lặng nhìn con Dã tràng đang miệt mài xe cát. Sóng biển lại duềnh lên, duềnh lên xô đổ những lâu đài cát… Biển cứ chợt xanh, chợt tím, nỗi buồn mênh mang như vô tận!
Thời gian ơi! Sóng biển ơi! Lúc động, lúc tĩnh. Đôi khi như tĩnh vật. Phải rồi. Tĩnh-vật-động.
Dallas, ngày… tháng… năm…
“Ông” thương nhớ của em,
Xa “ông” vừa tròn một năm. Đừng giận em đã không viết thư cho “ông”. Đây là lá thư thứ nhất em viết cho “ông”. Em không cho “ông” biết tin về em vì em muốn để thời gian xác định tất cả. Như em đã hứa, em sẽ gọi “ông” là anh, và bây giờ em gọi đây: Anh ơi! Bằng lòng cho em gọi như vậy mãi mãi nhé!
Ở đây thời tiết lạnh lẽo và cô đơn lắm. Nhìn tuyết rơi, em nhớ anh thật nhiều. Có muốn quên cũng không quên được nữa vì em lỡ yêu anh thật rồi. Đừng cười em, một cô bé bướng bỉnh, hãy hiểu em một chú đi anh! Em hiểu khi nhà thơ Xuân Diệu viết:
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
Cuộc đời khắc nghiệt quá, phải không anh? Em rất thông cảm với anh. Dù sao, anh cũng như mọi người, cần yêu và được yêu kia mà. Đừng chạy trốn em và chính mình nữa. Anh bằng lòng làm nhà văn của riêng em chứ? Ước vọng của em có xa vời không anh? Trả lời em đi! Em có thể chịu khổ và chấp nhận tất cả ở anh.
Em vừa đi hành hương Rôma, em cũng đến kính viếng và cầu nguyện bên mộ Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Em có một món quà đặc biệt từ Vatican cho anh. Em sẽ sớm trở về với anh để Biển mãi xanh chứ Biển không tím nữa. Chờ thư anh. Và hẹn gặp lại.
Em,
Cô Bé Biển Xanh
Gã thật bất ngờ. Rồi gã mỉm cười hạnh phúc mà ngỡ như trong chiêm bao. Trên đời còn có em sao? Gã nói một mình: “Anh viết cho em ngay đây. Anh sẽ viết cho em mãi mãi, một mình em thôi, Biển Xanh yêu dấu ơi!”.
Niềm vui chộn rộn trong lòng, gã bật máy cassette và hát theo: “Em mang cho ta một đóa quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm… Em mang cho ta một chút tình…”. Ngoài kia biển cũng hát, hát mãi. Biển hòa âm thật kỳ lạ. Và muôn đời biển vẫn mặn…
Chiều. Gã lại một mình ra biển. Gã tìm một mỏm đá để ngồi nhìn ra biển. Biển thật bao la, biển sâu thẳm và luôn động dù nhiều khi nhìn biển lặng lẽ và êm ả. Tình yêu cũng vậy. Gã chợt cười một mình. Cảm ơn em, Biển Xanh ơi!
Nhưng đó là tình yêu con người, vẫn đầy ích kỷ. Tình yêu Thiên Chúa còn bao la, sâu thẳm và động mạnh hơn nhiều, nhưng hoàn toàn vì người mình yêu, không chút gì vị kỷ. Biển chợt động, gã nghĩ đến Chúa Giêsu, có lẽ Ngài đang nhớ gã và khao khát được yêu. Gã tạ ơn Chúa về mối tình kỳ lạ của Biển Xanh.
Tiếng chuông nhà thờ vang ngân vọng lại từ ngôi nhà thờ bên sườn núi Đức Mẹ Bãi Dâu. Gã nhìn ra ngoài khơi xa, rồi gã ngước lên trời: “Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Gió hiu hiu. Gã vẫn đứng lặng nhìn ra biển, không cần biết biển xanh hay tím. Gã thấy mình như Thánh Phêrô đang dần dần chìm vào lòng biển, nhưng Chúa Giêsu đưa tay kéo gã lên, dù gã chưa mở miệng xin Ngài cứu. Gã cười một mình. Gã không điên. Gã thấy mình rất tỉnh. Gã thầm tạ ơn Chúa vì gã biết đó là đức tin, như Thánh Phaolô đã xác định: “Tôi biết, tôi đã tin vào ai” (2 Tm 1:12).
TRẦM THIÊN THU
- Tổng Hơp: