Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hãy luôn vui mừng trong Chúa!

Tác giả: 
Lm Nguyễn Ngọc Thế

 

HÃY LUÔN VUI MỪNG TRONG CHÚA !

 

Lm. Nguyễn ngọc Thế SJ

 

Nhận được một lá thư của một người quen chưa bao giờ gặp mặt, mở bìa thư, thấy một tấm card và một tấm thư. Đọc xong, lòng tôi phấn khởi vui mừng quá đỗi. Niềm vui này theo tôi từ giây phút đó cho đến khi nằm xuống để nghỉ đêm. Một ngày tràn đầy niềm vui ! Cảm tạ Chúa biết bao nhiêu ! Nhưng điều gì đem lại niềm vui này ? Niềm vui của một phụ nữ trẻ Việt Nam bên Mỹ, mà tôi được phép đồng hành một thời gian. Khi đó chị gặp nhiều khó khăn trong đời sống gia đình. Hoàn cảnh của chị thật tế nhị và đôi khi không biết phải giải quyết những khó khăn đó ra sao. Chính lúc đó, chị đã kiên tâm tin tưởng vào Chúa, phó thác vào Ngài, bằng cách luôn hướng lòng lên Chúa, cầu nguyện với Ngài, xin Ngài nâng đỡ và hướng dẫn. Cuối cùng chị cũng đã tìm được « chìa khóa » để mở « cánh cửa mới » cho cuộc đời chị và hai đứa con thơ.

 

« Cánh cửa mới » được mở ra đấy, nhưng trước mắt chị là một thế giới mới với biết bao thử thách. Dù vậy, chị vẫn sống trong tương quan thân tình với Chúa, Ngài chính là Trung Tâm Điểm đời chị, là nơi chị có thể đến nương ẩn và nghỉ ngơi, để bồi dưỡng sức lực cho từng bước đường trước mắt với những khó khăn của nó. Và đặc biệt, chị còn vững tâm để tiếp tục công việc chị làm trong hãng xưởng, và chu toàn trách nhiệm của người Mẹ nuôi hai con thơ. Vẫn còn nhớ những lúc đồng hành với chị, tôi cũng chỉ biết động viên, hướng chị về với Chúa, giúp chị tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Chúa, và luôn nhớ cầu nguyện cho chị. Sau một thời gian, chị vượt qua được những khó khăn đó. Và rồi chị đã quyết tâm vươn lên. Không chỉ vươn lên trong đời sống thiêng liêng và đạo đức, mà chị còn cố gắng đi học thêm. Vừa làm, vừa học, và vừa nuôi hai con nhỏ, cũng như phải giành giờ để dạy dỗ quan tâm đến các cháu. Và cuối cùng, với nỗ lực của bản thân, và với niềm tin vào Chúa cùng những ân sủng Chúa ban, chị tốt nghiệp tấm bằng thạc sĩ kinh doanh - MBA (Master of Business Administration) tại đại học công giáo Oklahoma – Hoa Kỳ. Ngày 18.12.2009 sắp tới đây, trong bầu khí của niềm vui chuẩn bị Giáng Sinh, là ngày chị được đại học trao bằng thạc sĩ.

 

Chị đã chia sẻ niềm vui này với tôi : « Hôm nay, con thật sự vui mừng báo tin với Cha là cuối năm nay thì con sẽ hoàn thành chương trình MBA và sẽ ra trường vào ngày 18.12. Có lẽ đây chẳng là gì so với người khác, nhưng với con thì thật đặc biệt. Đặc biệt không phải chỉ là tấm bằng thạc sĩ này, nhưng là con cảm nghiệm được rất nhiều điều trong thời gian vừa qua. Có những cái giá con phải trả quá đắt, nhưng Chúa thương con đã vượt qua những sóng gió để đứng vững được cho đến hôm nay ».

Niềm vui của người phụ nữ nhận được hôm nay là do ân sủng của Thiên Chúa, và của niềm tin, của sự cố gắng nỗ lực của bản thân chị. Niềm vui này dẫn bước tôi vào sống tinh thần Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng năm nay.   

 

Gaudete – Hãy vui lên ! 

Trong bốn Chúa Nhật mùa Vọng, đặc biệt có Chúa Nhật thứ ba là Chúa Nhật có một nét đặc sắc phân biệt với các chúa nhật mùa Vọng khác. Nét đó được biểu lộ qua màu hồng mà Linh Mục mặc trong thánh lễ. Nhưng màu hồng biểu tượng cho điều gì ? Màu hồng diễn tả sự tươi vui của cuộc sống, và trong phụng vụ diễn tả Giáo Hội vui mừng hoan hỉ trong những ngày chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh đang gần đến.

Vì thế, Giáo Hội gọi Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng là « Chúa Nhật Gaudete – Chúa Nhật của niềm vui ».

Anh chị em hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn!

Anh chị em hãy luôn vui lên,

Đấng Cứu Độ chúng ta đang đến gần. (Pl 4, 4-5). 

Đó là lời mở đầu cho phụng vụ Chúa Nhật Gaudete. Và nếu chúng ta đọc tiếp những bài đọc và lời nguyện của ngày Chúa Nhật hôm nay, chúng ta thấy Giáo Hội luôn nhắc đến niềm vui cao quý này. Trong lời nguyện nhập lễ có câu : « Lạy Chúa, xin hướng dẫn niềm vui của chúng con hướng đến niềm vui của mầu nhiệm lớn lao: để nhờ đó chúng ta có thể mừng ơn cứu độ của chúng con với trái tim thực sự mới  ».Trong bài đọc một, tiên tri Xôphônia cũng nhắc nhớ : « Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa… Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng ». (Xôphônia 4, 14-15). Ở phần đáp ca, chúng ta có câu : « Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả ». (Is 12, 6). Và bài đọc thứ hai của thánh Phaolô cũng không thiếu hương vị của niềm vui lớn lao: « Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến» (Pl 4, 4-5).

Như vậy, cả ngày Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi tất cả con cái của mình, hân hoan vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, Cha chúng ta trên trời, đã yêu thương chúng ta đến nỗi gởi người con duy nhất của mình xuống trần gian để cứu rỗi chúng ta.

Đó thật là một tin vui lớn lao. Vậy chúng ta – những người tín hữu cần phải làm gì để xứng đáng đón nhận niềm vui này, hay nói khác đi, làm thế nào để chúng ta có được niềm vui đích thực này trong đời sống chúng ta.

 

Niềm vui đích thực là gì vậy ?

Cha Alfred Delp, linh mục dòng Tên người Đức, bị giam và giết hại dưới thời phát xít Đức cũng đã đặt câu hỏi trên, trong bài suy niệm về Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng năm 1945, thời gian cha bị giam tù ở Berlin.

Với Cha Delp, chúng ta cũng hỏi niềm vui đích thật là gì vậy? Theo các triết gia, thì đó là những lúc người ta hài lòng và hân hoan với những điều tốt hay những vật chất người ta nhận được. Chẳng hạn như niềm vui của một cuộc gặp gỡ người thân sau bao nhiêu ngày xa cách. Hay niềm vui của một món quà mà người yêu trao tay. Tất cả đều là những hiện tượng diễn tả niềm vui đấy. Nhưng một cách nào đó, thì những niềm vui đó đến rồi chúng lại qua đi cách nhanh chóng theo vòng chạy thật nhanh của kim đồng hồ. Tính cách dài lâu và bền vững của chúng hình như rất « mỏng », và đôi khi chúng có thể bị « lấy mất » qua bất cứ một sự kiện và biến cố xấu nào. Vậy, chúng ta đi tìm niềm vui đích thực ở nơi đâu ? 

 

Theo Cha Alselm Grün[1], một linh mục dòng Biển Đức, thì niềm vui đích thực người ta tìm được trong lúc cầu nguyện, nghĩa là niềm vui này « chảy ra » từ trong « dòng suối tương quan » giữa chúng ta với Thiên Chúa. Niềm  vui này không mang tính cách con người, và không thể bị phá đổ hay bị lấy mất. Và đó là một niềm vui vô biên không hiển hiện rõ rệt như những niềm vui mang tính cách trần thế. Khi con người có niềm vui này, thì tự nhiên « bình an » sẽ nở hoa và kết trái trong tâm hồn của họ. Vâng, niềm vui đến từ cầu nguyện và đến từ tương quan với Thiên Chúa, chúng ta không phải  sợ hãi đến nỗi cứ khư khư « cất kỹ và giữ chặt » nó, vì sợ sẽ bị ai đó lấy mất đi như những niềm vui trần thế khác. Vẫn biết rằng, niềm vui đó qua cầu nguyện đến với chúng ta, rồi sau đó, có lúc  chúng ta cũng không cảm được niềm vui đó, nhưng dù vậy niềm vui nội tâm này không có ai và không có thể lực sự dữ nào có thể lấy mất được. Niềm vui đó luôn tiềm ẩn trong chiều sâu của tâm hồn chúng ta. Và đôi khi niềm vui đó có thể bị « mây đen » của giận dữ, của ghen tương và buồn sầu… che mất, nhưng khi « mây đen » qua đi, thì niềm vui nội tâm đó sẽ lại hiển lộ, miễn là chúng ta lại đi vào cầu nguyện, đi trở về với chiều sâu của tâm hồn chúng ta, nơi đó Thiên Chúa với niềm vui đích thực đang hiện diện và chờ đợi chúng ta đến. 

Và khi có niềm vui đích thực đó trong lòng, nghĩa là luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa, và luôn sống trong tương quan thân tình với Ngài, thì người ta sẽ tỏ lộ niềm vui đích thực này ra ngoài, đến với người khác một cách thật đơn sơ và khôi hài. Trong năm Linh Mục này, chúng ta nhớ lại hình ảnh của cha Thánh Gio-an Vianney.

 

Nơi cha, người ta bình thường đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ nạn... Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương... Thế nhưng trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn vui tươi, từ ái với hết mọi người. Ngày ngày, vào khoảng 12 giờ cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa. Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó cho mãi tới tối. Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vỏi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm biết bao công việc: thường thường ăn cơm bao giờ cũng đứng, vì ngồi thì sợ kéo dài giờ ra. Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo... Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy. Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đường, ngài cũng an ủi thăm hỏi. Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài, tàng ẩn một niềm vui không bao giờ vơi. Lúc trở lại nhà thờ, ngài cũng trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc dí dỏm, hài hước với khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.  Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài. Biết bà là người thật lắm mồm lắm mép, nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:  - Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không?  Bà ta bỡ ngỡ ấp úng thưa:  - Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào con cũng nói như nhau cả.  - Không, có một tháng con nói ít hơn. Con biết tháng nào không? Bà ngẩn ngơ:  - Tháng nào, thưa cha?   - Tháng hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28 ngày, 29 ngày thôi.  Ai nấy cười phá lên. Ngài vội vã bước vào toà giải tội.  

Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quày hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa. Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của ngài đưa lên cao cho mọi người xung quanh coi và nói: "Thiên hạ dại dột thực, cái hình nhăn nheo như con khỉ khô này mà cũng phải mua mất một đồng quan!" Các người chung quanh được dịp cười bể bụng lăn chiêng. Cha Vianney cũng cười, giao trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ. 

 

Một mẫu gương đạo đức khác, là Đức Thánh Cha Gio-an XXIII, một cụ già rất vui vẻ hài hước. Đàng sau nụ cười tiếu lâm của cụ, người ta khám phá ra một kho tàng khôn ngoan, cương nghị của một nhà lãnh đạo lỗi lạc tài ba, và một đời sống thiêng liêng sâu sắc. Sau đây là mẫu chuyện nhỏ trong cuộc sống đơn sơ bình dị của ngài: Khi còn làm sứ thần Tòa Thánh ở Paris, trong một buổi dạ tiệc ở điện Elysé, sứ thần Roncalli, tên của ĐTC Gio-an XXIII, oái oăm thay lại được xếp ngồi cạnh một bà Đại sứ ăn mặc rất hở hang. Mấy ông Đại sứ quen thân với Sứ thần Roncalli cứ nhìn sang ngài suốt buổi tiệc, miệng cười túm tím ra chiều đắc ý lắm! Về phần cụ già Roncalli, ngài vẫn đơn sơ tự nhiên, chuyện trò với khách chung quanh cách vui vẻ.  Sau bữa tiệc, lúc mọi người ra về hối hả, mấy vị Đại sứ hồi nãy quây quần Đức Cha Roncalli và thân mật hỏi ngài: "Bữa tiệc vừa rồi, ngồi bên bà ấy, Đức Cha có cảm thấy lúng túng không? » « Không! Tôi cảm thấy sung sướng là đàng khác! »  Họ lấy làm ngạc nhiên, không hiểu được ý ngài bèn hỏi tiếp:  « Tại sao mà sung sướng? » «  - Sao lại không sung sướng? các vị không thấy cả bàn tiệc ai cũng để ý nhìn tôi là một cụ già ngộ nghĩnh thay vì để ý đến bà Đại sứ xinh đẹp hở hang kia đó sao? »

Vâng, khi sống trong tương quan thân mật với Chúa qua cầu nguyện và qua đời sống đạo đức của mình, thì người ta sẽ có một niềm vui rất đơn sơ, chân thành và khôn ngoan. Nơi người đó luôn toát ra những nét tươi vui của cuộc sống, nét tươi vui phát xuất từ con tim có Chúa, Đấng là niềm vui đích thực. 

 

Đến gặp gỡ niềm vui đích thực 

Đến gặp gỡ niềm vui đích thực. Một cách diễn tả thú vị. Nhưng nẻo đường nào dẫn chúng ta đến đó đây ?

Nẻo đường mà chúng ta có thể đặt chân vào được diễn tả trong câu mở đầu của Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng, và được đọc lại trong bài đọc thứ hai :

Anh chị em hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn!

Anh chị em hãy luôn vui lên,

Đấng Cứu Độ chúng ta đang đến gần. (Pl 4, 4-5).

Lời của thánh Phao-lô loan báo nhắc nhớ chúng ta hãy bước vào « vũ trụ của niềm vui ».  Và vũ trụ niềm vui đó luôn có Chúa, nghĩa là « vui mừng trong Chúa ». Vâng, chúng ta không chỉ vui với những cái vui bình thường qua một câu chuyện khôi hài, qua một món quà nhận được, mà chúng ta vui trong Chúa. Và đúng như Alsem Grün đã nói. Niềm vui này không mang tính cách con người, mà chảy ra từ tương quan tình yêu giữa Thiên Chúa với con người chúng ta. Đây là một niềm vui nội tâm sâu sa, một niềm vui đích thực luôn cần thiết cho người Kitô hữu. Gnilka, một nhà chú giải thánh kinh người Đức nói rằng, niềm vui đích thực này chính là một điều nền tảng cho đời sống Kitô hữu chúng ta. Và theo Alfred Delp, thì niềm vui trong Chúa này chính là điều chúng ta cần đạt đến, vì chúng ta được tạo dựng nên để đạt được niềm vui đó.

Tiếp đến, Thánh Phao-lô nhắc lại : «Anh chị em hãy luôn vui lên, Đấng Cứu Độ chúng ta đang đến gần ». Đó cũng là lý do chúng ta hôm nay cần phải vui lên. Lời của Thánh Phao-lô làm tôi nhớ lại hình ảnh của Mẹ Maria trong biến cố truyền tin. Thiên Thần Gabriel hiện ra và đã chào thiếu nữ Maria như thế nào ? "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." (Lc 1, 28). Một lời chào thật đẹp biết bao ! Mẹ cần phải vui lên, vì Đức Chúa đến và ở cùng Mẹ, người phụ nữ đại diện cho nhân loại. Và với Mẹ chúng ta cũng cần phải vui lên, vì Thiên Chúa cũng đến với chúng ta, đến với từng tâm hồn chúng ta. Ngài đến và Ngài mang một cái tên thật dễ thương : « Em-ma-nu-en  - Thiên Chúa ở cùng chúng ta ».

Thiên Chúa đến gõ cửa nhà bạn và nhà tôi, Ngài xin vào để ở cùng chúng ta, vì Ngài yêu thương chúng ta. Và tình yêu đó đã thúc đẩy Ngài đến với một tính cách thật tuyệt vời. Nghĩa là Ngài bỏ hết tất cả những vinh quang của trời cao, để mặc lấy phận người như bạn và như tôi, với xác với hồn, với tâm hồn biết vui và biết buồn, với tâm trạng biết khổ đau và biết hạnh phúc.  

 

Để thấu hiểu sâu sa cách thức Thiên Chúa đến, chúng ta hãy đọc một vài hàng suy niệm của nhà thần học Karl Rahner về mùa Vọng : « Ngài đã nói với con, Chúa đã thực sự đến : Giê-su, con của Ma-ri-a, là tên của Chúa, và con biết con có thể tìm Chúa ở nơi đâu và lúc nào. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con : nhưng việc Ngài đến cần phải được gọi là cuộc lên đường. Ngài đã được bọc trong hình hài của kẻ nô lệ,  và được người ta nhìn như một người trong chúng con. Ngài là một Thiên Chúa ẩn mình, thầm lặng không có gì nổi bật, và như bất cứ một người nào đó, Ngài bước vào trong hàng lối của chúng con, cùng lê bước với chúng con một cách không ngừng nghỉ… Chúa đã mặc cho Chúa một thân phận làm người và làm cho thân phận của con người thành thân phận của Chúa, giống chúng con mọi đàng : sinh ra từ lòng một phụ nữ, chịu khổ đau dưới thời Pon-ti-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng. Chúa đón nhận những điều chúng con chối từ chạy trốn. Qua việc Chúa đến, Chúa đã bắt đầu với những điều theo thiển ý của riêng con cần phải chấm dứt : đó là cuộc sống của chúng con, là sự bất lực, là sự giới hạn bên trong sâu sa nhất và là cái chết. Chúa đã đón nhận chính bản chất của con người, nhưng không để biến đổi bản chất đó, hay để tận diệt nó,  hay để  biến đổi hình dạng của nó cho rõ ràng hơn và dễ hiểu hơn, hay để thần thánh hóa nó, hoặc ít nhất làm cho nó được trọn hảo và trở nên những hoa quả tốt lành, những hoa quả như là sự vĩnh cửu của mình, mà con người có thể đạt được từ mảnh đất nhỏ bé và đầy đá sỏi, và với sự cố gắng và tằn tiện hết sức của mình. Chúa đã làm cho cuộc sống của chúng con trở thành cuộc sống của Chúa, cuộc sống của chúng con với tất cả những thực tế của nó. Chúa đã để cho cuộc sống của Chúa cứ thế mà chạy trên trái đất này, giống như cuộc sống của chúng con. Chúa đã cẩn thận chạm vào cuộc sống này, để không có giọt nước mắt khổ đau nào, và của giới hạn đầy nặng nề nào bị trào ra, trước khi Chúa chưa đón nhận tất cả mọi khổ đau. Và cả những guồng máy đầy bạo lực và dã man của thiên nhiên đui mù này, cũng như sự ác độc vô nhân của con người đã đi vào cuộc sống của Chúa »[2].  

 

Chúa đã đến, đã chia sẻ cuộc sống với con người như vậy đấy. Và không chỉ « đã », mà Chúa « tiếp tục  trên đường đến », nghĩa là hôm nay, trong bầu khí mùa Vọng mà chúng ta đang sống, chúng ta vẫn chờ Chúa đến. Vâng, Ngài đến vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nói khác hơn Chúa đến để trao lại cho chúng ta niềm vui của ngày đầu tiên đó, ngày chúng ta vui mừng nhận được « nhựa sống » để đi vào cuộc đời này, và niềm vui đó đã bị thần dữ, đã bị tội lối che khuất, nụ cười của ngày đầu tiên đã bị chúng làm biến dạng, khuôn mặt tươi tắn đã trở nên khuôn mặt buồn sầu. Vì thế, Chúa đến để « nắn » lại hình hài, nắn lại khuôn mặt con người chúng ta, để chúng ta có lại được khả năng « cười tươi » như ngày đầu tiên Chúa đưa chúng ta vào đời, và nụ cười tươi này cần được chúng ta gìn giữ và phát triển, để nó vẫn tươi từ hôm này cho đến mãi muôn muôn đời.

Vì vậy, đạo Kitô giáo của chúng ta không phải là đạo buồn sầu thê thảm. Một trong những sứ điệp mà người Kitô giáo chúng ta cần đưa vào thế giới xung quanh là chính nụ cười, là chính niềm vui nội tâm sâu sa, niềm vui có Chúa, niềm vui trong Chúa.  

Để hiểu sâu sa hơn niềm vui trong Chúa này, chúng ta nên đọc tiếp bài đọc thứ nhất hôm nay. Ở đây, tôi chỉ xin trích dẫn câu sau : « Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi.  Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng ».

Tiên tri Xôphônia loan báo một tin tràn đầy niềm vui và ủi an cho thành Giê-ru-sa-lem ngày xưa và cho chúng ta hôm nay. Đó là Thiên Chúa, Chúa của chúng ta đang ở giữa chúng ta. Trở về lại với cha Alfred Delp, cha nhắc nhớ chúng ta điều căn bản của cuộc sống. Đó là Thiên Chúa, Đấng là Trung Tâm Điểm duy nhất, đang hiện diện trong trung tâm điểm của mỗi người chúng ta. Trong phần đáp ca của ngày Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng, tiên tri I-sa-i-a cũng thốt lên : « Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Đấng Thánh của Israel thật cao cả ». (Is 12, 6).

 

Bước vào nẻo đường đầu tiên này là bước vào trong Trung Tâm Điểm của cuộc đời, nơi Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta, nơi Đất với Trời đang thân thương trao tay cho nhau. Nhưng không chỉ là một cuộc gặp gỡ bình thường, mà cuộc gặp gỡ này mang chiều sâu của sẻ chia, của hiệp thông và của nhập thể, nghĩa là Thiên Chúa đến để cùng chia sẻ cuộc sống với con người chúng ta ngay trong nhà nguyện tâm hồn chúng ta. Và phần chúng ta thì ý thức tỏ lòng kính trọng và thờ lạy Ngài. Cha Alfred Delp trong bài suy niệm mà cha viết trong tù về Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng năm 1945, đã nhắn nhủ chúng ta : « Đền thờ Thiên Chúa không chỉ nằm trong những ngôi nhà thờ, mà các vòm của đền thờ đó hiện diện ở khắp mọi nơi, những nơi con người đang cung kính quỳ xuống, chắp tắt chiêm ngắm và thờ lạy Thiên Chúa, những nơi mà biết bao tâm hồn của con người đang mở ra cho Thiên Chúa, và những nơi đó con người, trong tâm tình là người thờ lạy và là người biết sống yêu thương, sẽ đạt được cao điểm của sự sống làm người…Và trong chính con người, tại nơi sâu kín nhất, nghĩa là tại trung tâm điểm của con người, sự sống của Thiên Chúa đang sống động »[3]

 

Và trong chính trung tâm điểm của con người, Thiên Chúa, « Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng ».Vâng, Thiên Chúa không chỉ gặp gỡ chúng ta tại trung tâm điểm đời chúng ta, và chia sẻ cuộc sống với chúng ta trong ngôi nhà của chúng ta, mà hơn nữa Ngài còn hân hoan vui mừng vì chúng ta. Ở đây, trở về với câu chuyện sáng tạo, chúng ta đọc được : « Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! » (St 1, 31). Ngay từ ngày đầu tiên, Thiên Chúa đã tìm thấy được niềm vui nơi các tạo vật, đặc biệt nơi con người chính là tạo vật cao quý được dựng nên giống hình ảnh của Ngài. (ss. St 1,27). Và niềm vui lớn lao của Thiên Chúa còn được tiên tri I-sa-i-a diễn tả rất sống động : « Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương. » (43, 4). Chúng ta một tạo vật của Chúa nhưng mang một giá trị cao quý, và chúng ta được trân trọng, chúng ta được yêu thương và chúng ta được reo mừng. Nhưng ai làm những điều đó ? Chính là Thiên Chúa.  

 

Thật vậy, trong con mắt cuộc đời hôm nay, dù chúng ta thấp hèn hay cao sang, dù chúng ta giàu có hay nghèo hèn, dù chúng ta ngu dốt hay tự coi mình là nhà trí thức, dù chúng ta tự cho mình là người đạo đức hay là người tội lỗi, dù chúng ta có dáng vè bề ngoài đẹp đẽ hay xấu xí và dù chúng ta mang màu da nào đi nữa, thì trong đôi mắt của Chúa chúng ta vẫn quý giá. Ngài vẫn hân hoan vui mừng, Ngài vẫn cảm động và yêu thương, và Ngài vẫn sung sướng reo mừng vì chúng ta. Có lẽ chúng ta nên giành thời gian để cảm nghiệm món quà cao quý này : « Nếu tôi lùn và lại không có một khuôn mặt đẹp, thì tôi  hãy đón nhận cái lùn và khuôn mặt chẳng « ăn khách » gì của mình với niềm vui trong Chúa, vì Thiên Chúa đang trân trọng, đang yêu thương, và đang vui mừng vì tôi với chính những giới hạn đó của tôi. Thật vậy, Ngài yêu tôi, Ngài trân trọng tôi và Ngài vui mừng vì tôi, không phải bởi tôi cao ráo và đẹp đẽ, nhưng ngược lại nhờ tình yêu, sự trân trọng và niềm vui của Ngài vì tôi, nên tôi trở nên cao quý và đẹp đẽ. Cho nên, nếu đời cười tôi vì những giới hạn của tôi thì cũng chẳng sao, vì tôi biết rằng, Thiên Chúa với tình yêu và lòng trân trọng Ngài đang nhảy múa mừng tôi, một người nhiều giới hạn, nhưng là người con cái yêu quý của Ngài ».

Tâm tình này đã diễn tả phần nào một vài tinh thần căn bản giúp chúng ta tìm đến được với niềm vui đích thực, niềm vui nội tâm sâu sa, niềm vui trong Chúa. Tinh thần đầu tiên là « cởi bỏ ». 

 

Cởi bỏ tất cả.

Theo Cha Alfred Delp[4], để có thể đạt tới niềm vui đích thực, con người chúng ta cần phải thành thật với chúng ta. Nghĩa là chúng ta cần phải rời bỏ những cái ghế cao mà chúng ta đang ngồi trong cuộc đời, chúng ta cần lột xuống những mặt nạ chúng ta đang đeo, mặt nạ của danh vọng, của tiền tài, của chức tước, của địa vị, của kiêu căng, của vẻ đẹp bề ngoài, và cũng phải lột xuống cả dáng điệu tri thức, và thái độ đạo đức rởm của chúng ta nữa. Chúng ta cần phải trở nên trống không như sa mạc khô cằn nhưng rất thật của nó. Vâng, sự thành thật và khiêm tốn, sự ý thức về giới hạn thân phận của mình, cũng như một cái nhìn tỉnh táo về những gì chúng ta được ban cho, là những bước đầu tiên để chúng ta đạt đến sự thật của cuộc sống. Thật vậy, sự thật sẽ giải phóng chúng ta. Và khi chúng ta được giải phóng hoàn toàn, thì chúng ta sẽ đạt được sự tự do đích thực. Sự tự do làm con cái của Thiên Chúa. 

Hành động cởi bỏ này, chúng ta cũng còn có thể hiểu trong tinh thần của sám hối và trở về như Gio-an mời gọi dân chúng, người thu thuế, các quân nhân, trong bài phúc âm của Chúa Nhật mùa Vọng thứ 3 hôm nay : « Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy… Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi…"Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình».

 

Và cũng tương hợp với tinh thần của bài phúc âm Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng (ss Lc 3, 1- 6): là thái độ của dọn đường, của vạt đi những ô đất nhu lên trên đường, của lấp đi những ổ gà có thể làm cho đời người ngã nhào, của nhặt đi những chướng ngại dễ gây ra tai nạn giữa đường đời, để nhờ đó chúng ta không chỉ có được con đường cho Chúa đi, mà đó còn là con đường để chúng ta đi đến với Chúa, đến với niềm vui đích thật.  

Hành động cởi bỏ này cũng có thể có ý nghĩa của thoát ra những tự ty mặc cảm, của tâm trạng cho mình là vô ích, của so sánh với người khác và trở nên mặc cảm không dám vươn lên. Henri Nouwen đã nhận ra được cái nguy hiểm của thái độ tự ty mặc cảm này. Với ông, xung quanh chúng ta có nhiều tiếng kêu khác nhau, tiếng kêu của danh vọng, của tiền bạc, của chức tước, tiếng mời mọc của hưởng thụ, của quảng cáo, của thông tin. Nhưng thê thảm nhất là những tiếng nói đượm màu thê lương phát ra từ chính tâm hồn chúng ta: “Mày là đứa vô dụng! Mày là kẻ đáng ghét! Mày chắng có giá trị chút nào! Mày là một kẻ vô danh! Nếu mày muốn người khác biết tới, thì hãy chứng minh mình! Hãy chứng tỏ mày là một kẻ rất đáng giá! Hãy chứng minh mày qua một công trình quan trọng của mày! Hãy làm điều gì đó mà qua đó, ai ai cũng phải “lé mắt” nhìn mày! Lúc đó mày mới là người danh giá. Khi đó mày mới xứng đáng hưởng được sự tôn trọng và lòng quý mến của mọi người giành cho mày!”

 

Những tiếng kêu thê lương này lớn và có sức “xuyên suốt”, đến nỗi chẳng mấy chốc chúng ta đã đưa lỗ tai ra và “hứng” chúng vào. Đó là một sự tồi tệ thật lớn. Một sự thất bại tồi tệ, khi chúng ta tự mình khinh dể mình, tự mình coi thường mình. Sự thất bại tồi tệ này đối với Henri Nouwen là kẻ thủ lớn nhất của đời sống chúng ta. Nó lấy mất đi nhân phẩm của chúng ta, cướp đi tự do của chúng ta, ngăn cản chúng ta hưởng một cuộc đời hạnh phúc, chèn ép chúng ta phát triển cuộc sống mình cho được dồi dào hơn. Tiếng nói thê lương đó còn muốn “xóa bỏ” cả tiếng nói trìu mến từ trời xanh nói với chúng ta: “Trong đôi mắt Cha con thật là quý giá.” Và tiếng nói thê lương đó còn đang nhăm nhe che đôi tai và che cả đôi mắt của chúng ta, để chúng ta không còn thấy được nụ cười và niềm vui của Thiên Chúa vì chúng ta.

Vì thế, chúng ta cần xin Chúa giúp chúng ta biết cởi bỏ đi chính cái tự ti mặc cảm này. Dù chúng ta thế nào, Chúa vẫn yêu thương chúng ta và chúng ta luôn có giá trước mặt Thiên Chúa, Đấng là nguồn của Chân Thiện Mỹ.

Cởi bỏ mình cũng còn là cởi bỏ đi những khổ đau đang đè nặng cuộc sống chúng ta. Vâng, vẫn biết rằng, đôi khi chúng ta đã phải chịu đón nhận biết bao nhiêu đau khổ bất nhân, dù chúng ta chẳng làm gì nên tội, nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ đắm mình trong khổ đau, trong oán hận, trong cay đắng. Chúng ta cũng đừng quên rằng, dù cuộc đời này có tàn nhẫn đến mấy Thiên Chúa cũng không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Kinh nghiệm của Đức Hồng Y Thuận nhắc nhớ chúng ta điều này: “Tôi cảm thấy niềm đau khổ mục tử sâu xa trong tất cả những điều đó, nhưng tôi có thể làm chứng rằng Chúa Cha không hề bỏ rơi tôi và Ngài đã ban sức mạnh cho tôi…

Có những đêm tối của tâm hồn, vắn hay dài đã làm tối sầm niềm tin về sự hiện diện của một vị Thiên Chúa trong ta. Thật ra, Ngài vẫn ở gần kề và mang lại cho cuộc đời chúng ta một ý nghĩaTrong thẳm sâu những đau khổ của tôi…., tôi tự nhủ: chính Thiên Chúa là Tình Thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không phải Nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. ‘Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa là không thay đổi’ ”[5].

Đức Hồng Y đã mượn lời của thánh nữ Tê-rê-sa, mà người ta đã phổ nhạc thành bài hát “Nada Te Turbe – Không có gì làm bạn sợ hãi ”. Xin được chuyển ngữ như sau: “Không có gì được phép làm cho bạn sợ hãi, không có gì làm bạn phải hãi sợ, tất cả đều sẽ qua đi, chỉ có Thiên Chúa là tồn tại. Thiên Chúa sống trong bạn, thì bạn phải sợ gì nữa? Thiên Chúa là đủ cho bạn rồi”.

Vì thế, đừng sợ hãi trước những thế lực sự dữ bên ngoài, và cũng đừng ôm ấp nỗi đau trong lòng mình nữa,  nghĩa là khi gặp đau khổ hãy chạy đến với Đức Kitô trên thánh giá, hãy nhìn lên Thánh Giá, ôm choàng lấy Thánh Giá và con sẽ thinh lặng đứng vững như Đức Mẹ [6]. Và như thế, với ơn của Chúa, và trong niềm tin và phó thác vào trong bàn tay của Ngài, chúng ta đang cởi bỏ tất cả những khổ đau của cuộc đời hôm nay gây ra cho chúng ta.

Và khi tất cả được cởi bỏ, chúng ta như trở về với trạng thái ban đầu của con người, trạng thái mà Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta, một trạng thái trống không hoàn toàn. Vâng, càng trống không, thì càng cảm thấy món quà là chính Chúa mới cao quý làm sao !  

 

Khi chúng ta cởi bỏ mình, cũng là lúc chúng ta cũng đang « chết đi chính mình ». Và theo nhà siêu việt học người Đức Angelus Silesius, thì «ai càng chết cho mình nhiều bao nhiêu, thì người đó càng gần giống Thiên Chúa bấy nhiêu ». Và khi chúng ta chết đi chính mình, cũng như cởi bỏ tất cả, thì chúng ta cũng trở về với trạng thái trắng ngần của ngày đầu tiên. Trạng thái trắng ngần sao mà đẹp đến vậy. Phải chăng cái trắng ngần đó gần giống như màu trắng của Đức Giê-su biến hình đổi dạng trên núi Ta-bo ? Cái màu trắng không vương vấn bất cứ một hạt bụi hồng trần nào. Cái trắng trinh trong, cái trắng không có hương thơm giả tạo của tội lỗi, cái trắng khiêm nhu nhưng thật giá trị biết bao nhiêu. Cái giá trị được sống gần bên Chúa, cái giá trị được trở nên trắng như lòng Chúa mong muốn. Và trong màu trắng mà Chúa mong muốn đó, có cả sắc thái của quên mình. 

Quên mình cho Thiên Chúa.

Đó là tinh thần kế tiếp để đạt đến niềm vui đích thực, mà cha Alfred Delp chú ý chúng ta[7]. Quên mình đi nghĩa là con người chúng ta vượt qua chính mình, dám quên mình đi, dám rời bỏ « kho tàng ý muốn » của mình, để đạt tới được trạng thái cởi mở hoàn toàn (offen – ouvert) cho Thiên Chúa.  Cha Alfred Delp nhấn mạnh thêm rằng, quên mình đi cũng thuộc về bản chất căn bản của con người. Thật thú vị, bản chất của con người không chỉ là đi tìm mình mà còn là quên mình đi nữa. Và nếu con người không quên mình đi, thì con người trở nên một con người cứng đầu, một kiểu tự cho mình là tri thức « hạng cao », nên biết tất cả mọi sự và biết hết tất cả về mình, đến nỗi không bao giờ muốn quên mình đi nữa. Và trong ý nghĩa tôn giáo, con người không quên mình, là con người tự cho mình đạo đức vô cùng, đến nhà thờ thường xuyên, tuân thủ mọi lề luật được đặt ra, cả luật chữ đen lẫn luật chữ đỏ. Và càng tự cho mình đạo đức bao nhiêu, thì người đó càng bám vào mình bấy nhiêu, nói đúng hơn bám vào cái « xác thân bề ngoài đạo đức » bấy nhiêu, và chờ đợi Thiên Chúa thưởng công cho sự đạo đức của mình. Một kiểu của anh chàng Pha-ri-sêu vào đền thờ cầu nguyện bắng cách so sánh mình đạo đức hơn người thu thuế đang ở góc tối của đền thở.

Như vậy, quên mình không phải dễ, nó đòi hỏi phải can đảm và dũng cảm lắm à. Vâng, can đảm và dũng cảm để chính mình vượt qua biết bao nhiêu chướng ngại vật trên đường đời đã khó rồi. Cản đảm và dũng cảm vượt trên chính mình, nghĩa là để quên mình, để bỏ đi « kho tàng ý muốn » của mình, còn khó hơn biết bao nhiêu.  

 

Đến đây tôi nhớ lại một kinh nghiệm rất đặc biệt của cha Alfred Delp. Sau khi bị tòa án phát xít Đức kết án tử một cách bất nhân, Cha Alfred Delp đã viết nhiều lá thư diễn tả tâm trạng của mình. Trong một lá thư đề ngày 11 tháng giêng 1945, cha viết :« Thiên Chúa muốn gì qua tất cả những điều vừa xảy ra ?... Phải chăng Ngài muốn có một chén dâng hiến cách hoàn toàn với cả giọt cuối cùng ? Và những giờ chờ đợi này là giờ chờ đợi gì vậy, những giờ chờ đợi của một mùa Vọng khác thường ?... Bây giờ là thời điểm của mùa gieo hạt giống vào lòng đất, chứ không phải là mùa để gặt hái. Thiên Chúa gieo và rồi cũng chính Ngài sẽ lại gặt. Vì thế, tôi chỉ muốn cố gắng làm một điều :  ít nhất xin là hạt giống khỏe mạnh và có khả năng sinh nở được, để rớt xuống lòng đất, và rớt vào trong đôi bàn tay của Thiên Chúa…Nếu Thiên Chúa muốn con đường này, thì tôi phải tự nguyện bước đi, mà không vương chút đắng cay nào cả. Qua cái chết của chúng tôi, những người khác được phép sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Tôi không muốn tự an ủi mình với những kiểu cách trần thế thấp hèn của trái đất này và của cuộc sống này. Tuy nhiên, thành thật mà nói, tôi vẫn ao ước được tiếp tục sống, ngay chính lúc này tôi có thể rao truyền nhiều điều mới mà tôi vừa cảm nghiệm và khám phá. Nhưng cuộc sống lại khác đi. Thiên Chúa đang gìn giữ tôi trong sức mạnh của Ngài, để tôi có thể lớn lên trong niềm tin tưởng và trở nên sẵn sàng cho điều Ngài muốn…Nếu qua một con người, thêm một chút Tình yêu, thêm một chút ánh sáng và thêm một chút sự thật được đưa vào thế giới này, thì cuộc sống của người đó đã tìm thấy được ý nghĩa »[8]

 

Tâm tình của Cha Delp diễn tả một tinh thần quên mình thực sự. Quên mình để sẵn sàng trở nên hạt giống rơi vào lòng đất và chết đi, để biết bao nhiêu hạt khác được sinh hoa kết trái (ss. Ga 12, 24-25). Và trong tâm tình của cha Delp, tôi khám phá được một thái độ sống. Đó là thái độ bình tâm. Bình tâm là gì ? Đây là một thái độ rất căn bản và nền tảng mà thánh I-nhã đã nêu trong sách Linh Thao số 23: “Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thọ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả.”

Như vậy, sự bình tâm hệ tại ở chỗ là chúng ta không theo ý của riêng mình nữa, và chúng ta sẽ đứng ở trong trạng thái trung dung, nhưng cái trung dung này có định hướng, chứ không phải bất cần và bất cẩn. Định hướng đó là hướng về thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là chúng ta thoát khỏi mọi ràng buộc kể cả ràng buộc bên trong của chính mình, trở nên hoàn toàn tự do, và tin tưởng cậy trông vào Chúa, và một lòng một dạ tuân theo thánh ý của Ngài mà thôi. Chính Chúa là Trung Tâm Điểm, là nền tảng và nguyên lý của đời sống chúng ta.  

Với thái độ bình tâm này, chúng ta có thể quên mình được. Đến đây, chúng ta nhớ đến kinh nghiệm của Chúa Giê-su, trong lúc Ngài rất sầu khổ và sợ hãi về cuộc thương khó và cái chết đang chờ Ngài. Đức Giê-su cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni, và Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các môn đệ đi theo mình: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy." Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." Không chỉ một lần, mà sau đó Chúa Giêsu còn nhắc lại lời nguyện này một lần nữa: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha." (ss. Mt 26, 36-46).

ĐTC Biển Đức đã nhìn thấy một cuộc chiến đấu nội tâm sâu sa của Giêsu trong vườn cây dầu: “Giêsu phải đấu tranh và chiến thắng thái độ đối kháng của con người trước Thiên Chúa. Ngài phải chiến thắng cơn cám dỗ, phải làm khác đi. Cơn cám dỗ này đạt tới cao điểm của nó. Khi sự đối kháng bị “tan nát” để trở thành lời xin vâng, thì tất cả những ý riêng của con người được hòa vào thánh ý của Thiên Chúa, và cuối cùng là lời cầu xin: “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."

 

Sống theo ý Cha hoàn toàn. Đó là thái độ bình tâm sâu sa giúp Đức Kitô vượt qua chính bản chất người của mình, và quên đi chính mình, để vâng theo ý Cha. Và khi vâng theo ý Cha, để như hạt lúa mì rớt xuống lòng đất và chết đi, thì sau đó Ngài đã đem lại biết bao hoa quả khác. Hoa quả cao quý nhất là ơn cứu rỗi giành cho nhân loại.

Vì thế, chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta có khả năng sống bình tâm và quên mình đi, để đón mời Chúa đến. Và khi chúng ta gặp Chúa trong trung tâm điểm của cuộc đời, chúng ta sẽ tìm thấy được niềm vui đích thực, niềm vui làm người con cái tự do của Thiên Chúa, mà không bị vướng bận bởi bất cứ đam mê và ước muốn trần tục nào, và nhờ đó có thể sống hoàn toàn cho thánh ý của Ngài. Thánh ý đem lại niềm vui đích thực, thánh ý mời gọi chúng ta sống yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. 

 

Niềm vui trong yêu thương.

Sứ điệp quan trọng nhất của ngày Chúa Giáng Sinh là sứ điệp gì?

Đã có khi nào chúng ta đặt ra cho mình câu hỏi này chưa? Với tôi, thì thật rõ ràng, sứ điệp của Giáng Sinh là sứ điệp của tình Chúa yêu Người, sứ điệp của Thiên với Trần đang thắm thiết hôn nhau. Để lắng nghe được sứ điệp cao quý đó, tất cả cần phải đi vào trong thinh lặng, để chiêm ngắm, để cảm nghiệm và để thờ lạy. Vì thế, lời thơ của Hàn-mặc-Tử như là một dẫn nhập thật tuyệt vời giúp chúng ta ý thức chiêm ngắm tình yêu cao quý này:

“Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,

xin hãy nín thinh chớ nói nhiều,

để nghe dưới đáy nước hồ reo,  

để nghe tơ liễu run trong gió,  

và để nghe Trời giải nghĩa yêu.

(Đà-lạt trăng mờ, Hàn Mặc Tử).

 

Thật vậy, chỉ trong thinh lặng tình yêu mới nói hết được tất cả những gì đang chất chứa trong tim. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng xác tín điều đó, nên Ngài đã nhắc nhớ chúng ta qua gương của thánh Ê-li-sa-bét: „Thánh nữ Elisabeth đã mời gọi mọi người đi vào trong thinh lặng, vì một Hài Nhi sẽ sinh ra. Điều này có thể mang chút sự đùa cợt: Hài Nhi mới sinh cần được ngủ ngon, mọi người không được quấy rầy Em Bé! Sự giả vờ đùa cợt ở đây, trong thực tế nói lên cả một tấm lòng kính trọng. Với sự kính trọng này, một con đường dẫn tới một mầu nhiệm sẽ được mở ra. Yên lặng là không gian của Hài Nhi này. Yên lặng là không gian cho sự Giáng Sinh của Thượng Đế. Chỉ khi chúng ta bước vào không gian thinh lặng, chúng ta sẽ đến được nơi mà Thiên Chúa sinh ra.Trong phụng vụ mùa Giáng Sinh, lời kêu gọi thinh lặng đã vang lên rất nhiều lần. Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan cũng diễn tả điều đó:

„Trong khi màn thinh lặng êm ru gói cả vạn vật,

và đêm nhẹ bước chạy được nửa đường,

Lời toàn năng của Người ngự đến,

ôi Lạy Chúa, từ trời cao, từ ngai vương giả“ (18, 14)[9]

Vâng, chỉ khi chúng ta bước vào không gian tĩnh lặng, chúng ta sẽ đến được nơi mà Thiên Chúa sinh ra, đến được với niềm vui đích thực, niềm vui đang nằm trong hang lừa Be-klem bé nhỏ. Và niềm vui đó sẽ tràn ngập trong tâm hồn chúng ta nhiều hơn, nếu chúng ta được phép bồng ẵm Em Bé Giê-su trên tay.  

 

Và khi bồng ẵm Em Bé Giê-su trên tay, chúng ta hãy mượn bài thơ của Roberta Flack “The First Time Ever I Saw Your Face”, được phổ nhạc và ca sĩ Celine Dion đã trình bày thật tâm tình. Ở đây tôi xin tạm chuyển ngữ lại bài thơ này :

Lần đầu tiên khi tôi nhìn thấy khuôn mặt của Bé,

tôi nghĩ rằng, mặt trời đang hiện lên trong đôi mắt của Em.

và mặt trăng cùng muôn sao như là những món quà mà Bé trao tặng,

cho đêm đen và cho bầu trời quang đãng kia, hỡi tình yêu của tôi.

Vâng, cho đêm đen và cho bầu trời quang đãng kia.

 

Lần đầu tiên khi tôi hôn lên đôi môi Bé,

tôi cảm thấy như trái đất đang xoay vòng trong bàn tay tôi,

và nhịp đập trái tim của Bé như đang muốn hòa nhịp với trái tim tôi.

Đó chính là nơi mà tôi tìm thấy được nơi ẩn náu, hỡi tình yêu của tôi.

Vâng, Đó chính là nơi mà tôi tìm thấy được nơi ẩn náu.

Thật vậy, nơi Em Bé Giê-su chúng ta khám phá được tình yêu Thiên Chúa đang chiếu sáng trong bầu trời quang đãng của thế giới chúng ta. Và nơi Em Bé Giê-su, chúng ta lắng nghe Trời đang giải nghĩa chữ yêu đang hiện diện trong bàn tay nhỏ bé của chúng ta, một Hài Nhi bé nhỏ – vì sao của Tình Yêu chiếu sáng giữa đêm đen – Thủ lãnh của hòa bình cho muôn người Chúa thương. Và nơi Em Bé Giê-su, chúng ta tìm được sự ẩn náu của tình yêu đem lại an bình và dịu ngọt. Vâng, cái an không bao giờ rung chuyển, cái ngọt không bao giờ mất hương vị.

 

Trước tình yêu cao quý đó, chúng ta cùng hiệp lời với các mục đồng và các thiên thần hân hoan reo mừng. Tiếng reo trên từng bầu trời xanh trong suốt, tiếng mừng trên từng nẻo đường chân người bước qua : « Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm ». 

Tìm thấy niềm vui đích thực là quý lắm rồi, nhưng quý hơn nữa, nếu con người chúng ta « trở nên » niềm vui đích thật đó, nói khác đi thật tuyệt vời khi chúng ta lắng nghe, cảm nghiệm và đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa giành cho chúng ta, nhưng tuyệt hơn nữa, nếu chúng ta trở nên « sứ điệp tình yêu » sống động giữa lòng đời hôm nay.   

„Thực sự Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta?“

Đó là câu hỏi cuối cùng của ký giả Peter Seewald hỏi Đức Thánh Cha trong cuốn sách „Salz der Erde – Muối của đất“. Đức Thánh Cha trả lời thế nào?

Đức Thánh Cha nói: “Để chúng ta trở nên những người yêu, và sau đó chúng ta là những người giống hình ảnh Chúa. Vì Thiên Chúa là tình yêu, như thánh Gioan đã nói. Và Thiên Chúa muốn có những thụ tạo giống Ngài. Qua đó những thụ tạo này, từ trong chính sự tự do của tình yêu, trở nên giống như Chúa, và cùng với Chúa thuộc về nhau. Như vậy thì vinh quang của chính Thiên Chúa sẽ được rạng rỡ”.

 Lời của Đức Thánh Cha dẫn tôi trở về với tin mừng của Thánh Gioan: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga 15, 9-13). 

Đoạn kinh thánh của Gioan nói đến tình yêu và niềm vui. Niềm vui mà Đức Kitô nhắc đến ở đây là niềm của ngày cánh chung, ngày con người được Thiên Chúa đón rước vào hưởng vinh quang của Ngài, và niềm vui đó cũng là niềm vui của ngày Đức Kitô phục sinh. Tuy nhiên, niềm vui này không chỉ là niềm vui của ngày mai, mà niềm vui đó cần được “khởi hành” ngay bây giờ và lúc này. Vâng, để chúng ta có thể hưởng được niềm vui của Thầy và niềm vui của chúng ta được trở nên trọn vẹn, thì chúng ta cần phải bước vào con đường của Thầy và bước đi theo Thầy, nghĩa là chúng ta luôn sống theo tinh thần của Thầy, tinh thần của tình yêu. Đúng như lời Đức Thánh Cha nói, Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên những người biết yêu. Và cha Alfred Delp, trong một lá thư viết trong tù gởi cho người con đỡ đầu mà Cha không bao giờ gặp mặt, vì người con đó được sinh ra khi cha đang ở trong tù và chuẩn bị bị phát-xít Đức xử tử, đã nói như sau: “Chỉ những người thờ lạy, yêu thương và sống theo tinh thần của Thiên Chúa mới là con người, và mới sống tự do thực sự ”[10]. Đức Hồng Y Thuận cũng nhắc nhớ chúng ta: « Phúc âm là Lời đem đến ơn phúc, lời từ Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Lời đó, vâng theo ý Chúa Cha, để làm một việc là yêu thương con người, và yêu thương đến độ hy sinh mạng sống mình.”[11].  

Yêu thương, đó cũng là tinh thần của những người có niềm vui đích thực trong lòng mình. Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta không chỉ biết đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa, mà còn biết sống yêu thương giữa trần đời, vì ơn gọi của chúng ta là ơn gọi của người biết yêu, và người luôn thờ phượng Thiên Chúa, Đấng là tình yêu. Có như vậy, thì niềm vui đích thực của Thiên Chúa trở nên trọn vẹn trong chúng ta. 

 

Thay lời kết: Gói gọn niềm vui trong thờ lạy Đấng là Tình yêu.

Đối với cha Alfred Delp, thờ lạy là một thái độ nền tảng của người Kitô hữu. Đặc biệt trong thời gian ở tù, cha đã thấu hiểu được tinh thần thờ lạy (adoro) đã đem lại cho cha niềm vui sâu sa nào. Và với niềm xác tín về tầm quan trọng của việc thờ lạy, cha đã nói rằng, trong thờ lạy, con người trở nên mình thật sự. Chúng ta đọc một đoạn suy niệm của cha về Kinh Lạy Cha: “Gần bên Thiên Chúa, con người tìm thấy quê hương thực sự của mình. Và ở nơi đó con người học được những giá trị đem lại ý nghĩa cho đời người: đó là thờ lạy, là tôn trọng, là yêu thương và là tin tưởng...Và trong thờ lạy, con người trở nên mình thật sự[12]. Trong một bức thư được viết vào thời gian ở tù, gởi người thư ký của mình, cha Alfred Delp nói rằng: “Trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa vui mừng về cuộc gặp gỡ với chúng ta. Và Ngài hỏi chúng ta và cũng ao ước chúng ta trả lời cho Ngài, câu trả lời của thờ lạy và hiến dâng”[13]

Thật vậy, niềm vui đích thật của chúng ta sẽ đạt đến cao điểm, khi chúng ta gói gọn nó vào trong thờ lạy Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, và hiến dâng đời chúng ta cho Ngài.  

Và trong thờ lạy và hiến dâng, tất cả mọi cởi bỏ của chúng ta, tất cả mọi quên mình và hy sinh của chúng ta, cũng như tinh thần của tình yêu mà chúng ta đang và sẽ tiếp tục cố gắng sống, được hội tụ.

Cuộc hội tụ của gặp gỡ giữa Đấng là Trung Tâm Điểm của đời người với phận người đơn hèn là chính chúng ta.

Cuộc hội tụ của nguốn Sáng chính yếu đang chiếu soi đến những người con cái của Ánh Sáng, đặc biệt những người con đang ngồi trong đêm đen.

Cuộc hội tụ của Đấng có tên là Em-ma-nu-en với những người con cái của Ngài trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé của thánh đường, của gia đình và của từng tâm hồn.

Và đặc biệt, cuộc hội tụ của ngày lễ hội vui mừng, vì Thiên Chúa đang hiện diện thực sự nơi đây, và Ngài hân hoan vui mừng vì chúng ta. Ngài cảm động yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, Ngài sung sướng reo mừng.

Với niềm vui reo mừng, và trong tâm tình thờ lạy, chúng ta cùng xin dâng Ngài lời Thánh Vịnh của đêm Giáng Sinh, đêm Em Bé Giê-su sinh ra cho chúng ta, đêm Thiên Chúa đã ban người con duy nhất của mình cho nhân loại chúng ta. Ôi tình yêu, ôi niềm vui, ôi vinh quang của Ngài tràn ngập trời và đất từ bây giờ và cho đến mãi muôn muôn đời: 

 

1 Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!

2 Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,

3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

4 CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,

5 vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.

6 Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.

7 Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,

8 hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,

9 và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.

10 Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

11 Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,

12 ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,

13 hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người. 
(Tv 96). 

 

 

 


[1] Ss., Anselm Grün, Die eigene Freude wiederfinden. Kreuz-Verlag, Stuttgart 1998.

[2] Karl Rahner, Lạy Chúa, Ngài cần phải đến, Nguyễn ngọc Thế SJ chuyển ngữ từ « « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian Insbruck, 1954, 6.Auflage, s.66-72).

[3] Alfred Delp, Im Angesicht des Todes,  Echter Verlag, 2007, t. 24.

[4] Xem Alfred Delp, Im Angesicht des Todes,  Echter Verlag, 2007, t. 25.

[5] ĐHY Nguyễn văn Thuận, Chứng nhân hy vọng, chương 10/ LẠY CHA, LẠY CHA, SAO CHA BỎ CON?

[6] ĐHY Nguyễn văn Thuận, Đường hy vọng, số 694.

[7] Xem Alfred Delp, Im Angesicht des Todes,  Echter Verlag, 2007, t. 26.

[8] Alfred Delp, Gesammelte Schriften IV, t.109-111.

[9] Benedikt XVI. Joseph Ratzinger, Der Segen der Weihnacht, Meditationen, Herder Verlag, Freiburg 2005, S. 74.

[10] Alfred Delp, Gesammelte Schriften IV, t.141.

[11] ĐHY Nguyễn văn Thuận, Thập Ðại Thành Công, chương 8, Ánh Sáng định hướng chúng ta là gì?

[12] Alfred Delp, Gesammelte Schriften IV, t.228.

[13] Alfred Delp, Gesammelte Schriften IV, t.26.