Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

An Tử Và Trợ Tử

Tác giả: 
Lm Trần Mạnh Hùng

 

An Tử Và Trợ Tử

 

Phỏng vấn linh mục tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng
 

Cuộc tranh luận về việc an tử và trợ tử đã diễn ra trong một thời điểm mà chủ thuyết tương đối, chủ nghĩa cá nhân, và trào lưu tục hóa đang bành trướng khắp nơi, nhất là các nước phương Tây. Trong bối cảnh đó, các khái niệm như quyền tự quyết cá nhân, quyền được chết, hành vi giết người vì nhân đạo, tính chất luân lý của việc kết liễu mạng sống con người vô tội đang có nguy cơ gây ngộ nhận và làm lung lạc những nguyên tắc luân lý cơ bản cho con người ngày nay.

Nhiều người, trong đó có cả những người Công Giáo đang tỏ ra có những ấn tượng tiêu cực đối với giáo huấn của Giáo Hội về việc an tử và trợ tử. Chẳng hạn, một trong các tranh luận thường thấy đưa ra nhằm để bài bác lập trường chống an tử và trợ tử của Giáo Hội là “Tại sao tôi phải chiụ đau đớn trong nhiều ngày tháng để rồi cuối cùng cũng phải chết, ngay khi mà tôi có thể chọn cái chết thanh thản dễ chịu hơn, hầu chấm dứt sự đau đớn ấy”.

Là cơ quan truyền thông Công Giáo, VietCatholic cảm thấy có nghĩa vụ phổ biến những nhận thức phổ quát, liên quan đến giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo về những vấn nạn hiện nay, ví dụ vấn đề an tử và trợ tử.

Trong tinh thần đó, chúng tôi xin được giới thiệu với toàn thể quý vị và anh chị em buổi phỏng vấn hôm nay với linh mục tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng. Cha Trần Mạnh Hùng hiện đang làm việc tại trung tâm Đạo Đức Sinh Học L. J. Goody của tổng giáo phận Perth, và đồng thời là giáo sư giảng dạy bộ môn Thần Học Luân Lý (Moral Theology) và Đạo Đức Sinh Học (Bioethics) tại Tiểu Bang Tây Úc và Học Viện Thần Học Công Giáo – The Good Shepherd Theological College - tại thành phố Auckland, nước Tân Tây Lan.

Lan Vy: Thưa Cha, chúng con được biết là Pauline Publications vừa cho tái bản cuốn "Advancing The Culture Of Death: Euthanasia And Physician Assisted Suicide." dịch sang Tiếng Việt là: "Phát Triển Nền Văn Hóa Sự Chết: An Tử Và Trợ Tử.” của cha tại 17 nước trên thế giới. Thật là một điều vẻ vang cho người Việt nhất là Đức Hồng Y George Pell cũng đã nhận xét rằng cuốn sách của cha “bàn đến một trong những thách đố gai góc nhất trong xã hội đương đại”. Xin cha tóm tắt sơ qua về nội dung cuốn sách này.

Cha Hùng: Trong tác phẩm này, tôi cố gắng bàn đến những vấn đề nền tảng trong các cuộc tranh luận hiện nay về an tử và trợ tử. Mục đích của cuốn sách là khảo sát và đánh giá những luận cứ chủ yếu đã được nêu ra và đã từng được tranh luận tại nhiều hội nghị ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, cũng như trên các diễn đàn công cộng, nhằm ủng hộ phong trào hợp pháp hóa an tử và trợ tử. Đồng thời, tôi cũng khảo sát và đánh giá những luận cứ phản biện của huấn quyền Giáo Hội và của thần học luân lý Công Giáo. Nói cách khác, mục đích cụ thể của cuốn sách là xem xét, đánh giá những luận cứ ủng hộ và chống đối được sử dụng trong các cuộc tranh luận đã diễn ra trong nhiều thập niên vừa qua.

Nội dung chủ yếu của cuốn sách bao gồm tối thiểu hai ý chính. Thứ nhất, tôi cho rằng vấn đề an tử và trợ tử là một thách thức lớn đối với các giá trị luân lý truyền thống của chúng ta, bởi lẽ nó đi ngược lại khái niệm đạo đức cổ truyền: “Ngươi không được giết người vô tội dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào”. Ngoài ra, nó sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bác sĩ và bệnh nhân; hậu quả là có nguy cơ mất sự tin tưởng nơi dân chúng nếu bác sĩ, ngoài vai trò là người chữa trị và chăm sóc, còn kiêm luôn vai trò người thực hiện an tử chủ động, nghĩa là chích thuốc cho bệnh nhân được chết êm dịu. Sau cùng, một khi khái niệm đạo đức bị sa thải và những hạn chế luân lý đối với an tử và trợ tử được cho phép, thì về lâu về dài, chúng ta sẽ mở cửa cho sự lạm dụng. Kinh nghiệm của nước Hà Lan là ví dụ cụ thể cho những vấn đề này.

Thứ hai, tôi sẽ xem xét và đánh giá một giả định luân lý: rằng con người có "quyền được chết" hoặc thậm chí quyền được yêu cầu bác sĩ trợ giúp kết liễu mạng sống của mình, vì một mục đích duy nhất là giải tỏa đau khổ ngoài sức chịu đựng, như trường hợp bệnh nhân vô phương cứu chữa. Để trả lời cho lý lẽ ấy, tôi muốn nêu lên một vấn nạn luân lý quan trọng: “Dựa trên cơ sở nào, nếu có, nhằm biện minh về mặt luân lý cho việc trực tiếp giết chết người vô tội?”

Tôi sẽ biện luận và cho thấy rằng, sẽ là một thảm kịch luân lý cho xã hội hiện đại, nếu chúng ta quá dễ dàng bỏ qua mệnh lệnh đạo đức: “Ngươi không được giết chết người vô tội” và thông qua đạo luật cho phép hợp pháp hóa an tử và trợ tử, nhân danh quyền tự quyết cá nhân, trong đó, con người làm chủ tất cả mọi thứ. Vì thế, tôi hy vọng với những luận cứ đầy sức thuyết phục được trình bày cách mạch lạc trong cuốn sách, sẽ giúp phần thay đổi cái nhìn của một số người, và đồng thời nhằm cho thấy cái thảm họa luân lý khi cho phép hợp pháp hóa an tử và trợ tử.

Lan Vy: Thưa cha, theo như chúng con hiểu thì việc gây nên cái chết êm dịu, hay vấn đề trợ tử, mục đích chính là giúp cho các bệnh nhân có thể chết một cách êm ái, nhẹ nhàng, không cảm thấy đau đớn. Xem ra việc làm này có vẻ như được thúc đẩy bởi lòng từ-tâm, và nhân-ái. Lập trường cơ bản của Giáo Hội về vấn đề này như thế nào thưa cha?

Cha Hùng: Một trong những luận cứ chủ yếu, thường hay được sử dụng của các nhóm ủng hộ phong trao hợp pháp hóa an tử và trợ tử, đó chính là luận cứ được mệnh danh: giết vì lòng xót thương (mercy killing).

Việc gây nên cái chết êm diụ, hay vấn đề trợ tử, mục đích chính là nhằm giúp cho các bệnh nhân có thể ra đi qua thế giới bên kia, một cách êm ái, nhẹ nhàng, không cảm thấy đau đớn, bởi lẽ đó, việc làm này, thoạt nhìn thoáng qua, thì dường như được thúc đẩy bơỉ động lực do lòng từ-tâm, quảng-đại và nhân-ái. Vì người thực hiện công việc ấy đã thi hành và làm theo sự yêu cầu của bệnh nhân nhằm giải thoát họ khỏi cơn đau đớn quằn quại trên thân xác, mà đôi khi sức riêng của họ, dường như không thể chịu đựng thấu. Cho nên, họ muốn quyên sinh, nói một cách vắn gọn là họ muốn tự tử để khỏi kéo dài những ngày tháng mà họ phải sống với bệnh tật nan y, vô phương bất trị và mỗi ngày phải đương đầu và cảm nghiệm các cơn đau đớn trên thể xác cũng như trong tâm hồn. Lẽ đó, họ muốn, tự chính họ chích thuốc cho mình chết, hoặc người bệnh cũng có thể yêu cầu các bác sĩ hay các cô y tá tiêm cho mình một mũi thuốc tử vong, có liều lượng và hóa chất làm cho bệnh nhân có thể chết liền sau đó, chừng vài phút mà không cảm nghiệm một sự đau đớn nào trên thân xác.

Điều này đã gây nên rất nhiều tranh luận và bàn tán sôi nổi trong nhiều thập niên vừa qua, cả bên tôn giáo lẫn các cơ cấu chính quyền, đặc biệt hay dìễn ra tại các đệ nhất quốc gia, ở những nước mà nền kinh tế và Dân Chủ đang phát triển nhanh và mạnh. Tỷ dụ như ở Hòa Lan, Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Úc Châu và Mỹ Châu. Theo tôi được biết, thì nước Hòa Lan vào ngày 10 tháng 4 năm 2001, Quốc hội của Hòa Lan đã thông qua và chấp thuận việc hợp pháp hoá vấn đề an tử và trợ tử. Lẽ đó, Hòa Lan đã đi vào lịch sử, vì là nước đầu tiên đã cho phép và ủng hộ việc giết các bệnh nhân bằng phương pháp chết êm dịu. Kế đến là nước Bỉ, vào tháng 2 năm 2002, chính quốc gia này cũng đã thông qua một đạo luật mới, nhằm hợp pháp hóa việc an tử và trợ tử.

Riêng đối với lập trường cơ bản của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến vấn đề an tử, dù việc giết bệnh nhân đau khổ được thực hiện thể theo yêu cầu của người ấy thì hành vi giết chết vì xót thương vẫn không thay đổi bản chất của nó. Đó vẫn là một hành vi của con người nhằm phá hủy điều tốt đẹp nơi mạng sống người vô tội. Theo nghĩa này, an tử là hành vi trái luân lý và không thể được đề nghị làm giải pháp chấm dứt sự đau khổ của bệnh nhân vô phương cứu chữa hoặc của người hấp hối. Đây là hành vi cần phải được gạt bỏ. Tuyên ngôn về an tử nêu rất rõ điểm này khi phát biểu:

Cần phải khẳng định mạnh mẽ một lần nữa rằng không ai hoặc không điều gì bằng bất cứ cách thức nào có thể cho phép việc giết chết con người vô tội, dù đó là phôi, thai, hài nhi, người trưởng thành, người già, người khổ sở vì bệnh nan y vô phương cứu chữa hay người hấp hối. Ngoài ra, không ai được phép yêu cầu hành vi giết người này, dù là cho chính mình hay cho người được ủy thác cho mình coi sóc. Cũng không được chấp thuận hành vi này, dù là minh nhiên hay mặc nhiên. Không một quyền bính nào được lấy pháp luật mà khuyên làm hoặc cho phép làm một hành vi như thế. Bởi lẽ đây là sự vi phạm thiên luật, là sự xúc phạm phẩm giá con người, là tội ác chống lại sự sống và là sự tấn công vào cộng đồng nhân loại[1].

Qua đó chúng ta thấy rất rõ lập trường của Giáo Hội là không có một lý chứng nào có thể biện minh, và có thể chấp nhận xét về mặt luân lý khi cho phép việc hợp pháp hóa an tử và trợ tử.

------------

[1]Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, “Tuyên Ngôn Về An Tử” trong The Pope Speaks 25 (1980): 292.
http://vietcatholic.com/News/Html/95921.htm

<iframe width="640" height="360" src="http://www.youtube.com/embed/pIstUAeVIcE?rel=0" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>

 

Nguồn: 
vietcatholic.net