Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ba cơn cám dỗ

 

 

 SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA CHAY ( C) (Lc 4, 1-13)

 

    BA CƠN CÁM DỖ

 

Chúa Giêsu chịu cám dỗ là nói lên thân phận con người của nhân loại, sự cám dỗ là thước đo lòng trung thành của con người đối với Thiên Chúa. Vì nếu không có sự cám dỗ, con người không có công trạng gì trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta thấy, một gương chịu cám dỗ tuyệt vời của ông Giop, một con người công minh chính trực, kính sợ Thiên chúa và xa lánh điều ác, thế nhưng Thiên Chúa vẫn để ông chịu quỷ cám dỗ. Như vậy chịu cám dỗ là một sự thử thách để chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa. Nên chi, chúng ta cần phân biệt, giữa bị cám dỗ và sa chước cám dỗ.

 

Đã mang thân phận con người không ai muốn mình bị cám dỗ, nhưng không tránh được sự cám dỗ.

 

Từ ngữ cám dỗ chỉ dành cho thế lực xấu, đó là quỷ, vì quỷ nó mới đi cám dỗ người khác, còn kẻ lành không bao giờ cám dỗ ai.

 

Vâng ! Kính thưa quý vị ! Đoạn Tin Mừng Thánh Luca hôm nay thuật lại ba cơn chịu cám dỗ của Con Thiên Chúa.

 

Câu đầu tiên là câu mở đầu quan trọng, là chìa khóa cho cả đoạn Tin Mừng hôm nay. “ Đức Giêsu được “đầy” Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa” (c 1). Như vậy, cho thấy sứ vụ làm “Người” của Chúa Giêsu một cách rõ ràng, từ sông Gio-đan, nơi mà Người cũng chịu phép rửa. Có nghĩa là đoạn Tin Mừng hôm nay liên kết chặt chẽ với đoạn ( Lc3, 21-22). Có nghĩa là phần nhân tính của Chúa Giêsu được thể hiện trọn vẹn và làm theo hướng dẫn của Thánh Thần. Điều nầy nói lên phần Thiên Tính của Người ở trong Thánh Thần. Phần nhân tính của Người hoàn toàn chịu tác động bởi Thánh Thần.

 

Kinh Thánh nói rõ : “ Bốn mươi ngày ,chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy ,Người không ăn gì cả, và  khi hết thời gian đó,thì Người thấy đói.”( c 2). Như vậy ,phần nhân tính của Chúa Giêsu là hoàn toàn chính xác, cho thấy Chúa Giêsu mặc lấy sự yếu đuối của thân phận Con Người. Chính vì vậy, quỷ lợi dụng thời cơ nầy thách thức Người. Vì nó cũng biết Người là Đấng Cứu Thế, nên lời cám dỗ của nó cũng hết sức ranh ma. Nó nói với Người: “ Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá nầy trở thành bánh đi !” ( c3). Nhưng Chúa Giêsu quả thật là Con Thiên Chúa, vì vậy Người không mắc mưu quỷ. Vì thế, Người đã đáp lại : “ Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (c 4).

 

Vâng ! Cơm bánh là phương tiện chứ không phải là cùng đích, cơm bánh chỉ mang lại sự sống tạm bợ, chứ không mang lại sự sống vĩnh cửu. Khi nói lời nầy Chúa Giêsu không chối bỏ thực tại trần thế, nhưng Người muốn dẫn chúng ta đến cuộc sống trường sinh. Vì vậy Chúa Giêsu nói Lời nầy trong lúc phần nhân tính của Người đang đói “lã”, vì theo quy luật tự nhiên, cơ thể của một người khó mà chịu đói nỗi trong một thời gian bốn mươi ngày, nhưng thực ra phần Thiên Tính của Người thì tràn đầy Thánh Thần. Điểm nầy cho thấy Lời nói của Người là hoàn toàn hữu lý, bởi vì, quả thật sự sống của con người không chỉ có phần xác, mà còn có phần hồn nữa. Phần thiên tính của con người mà có Thần Khí, có nghĩa là kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, thì con người không thể chết được dù thân xác đói khổ, hay bệnh tật. Nhưng thiên tính của người đó thì không thể chết được, như vậy sự sống vĩnh hằng không chỉ có thân xác mà còn có ơn của Thiên Chúa nữa.

 

Như vậy, lương thực của thân xác là cơm bánh, nhưng lương thực của linh hồn là Lời của Thiên Chúa, vì Lời của Thiên Chúa là Lời hằng sống, bởi vì Thiên Chúa là nguồn sống. Vì cuộc sống cùng đích chính là Thiên Chúa, chứ không phải là cơm bánh. Điều nầy cũng có nghĩa là :” sự sống của thân xác con người sẽ chấm dứt bởi cái chết, nhưng quỷ nó cũng biết điều nầy, nhưng ý của quỷ là nó muốn cám dỗ Chúa thể hiện Thiên Tính của Người ra bên ngoài. Tức là ở đây nó muốn cám dỗ Chúa về tính kiêu ngạo. Dựa vào là Con Thiên Chúa, thì muốn làm gì thì làm. Như vậy cũng chính vì là Con Thiên Chúa mà Người không mắc mưu của quỷ.

 

Thưa trên đây là cơn cám dỗ thứ nhất mà quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu.

 

Hai cơn cám dỗ còn lại cũng chính là tính kiêu ngạo, tính kiêu ngạo cũng chính là tính người, vì người ta kiêu ngạo là chính vì người ta bất toàn. Khi người ta dựa vào một tếh lực nào đó thì người ta kiêu ngạo. Nhưng kẻ cầm đầu kiêu ngạo chính là quỷ, vì chính nó biết rằng nó không bằng Thiên Chúa nhưng nó vẫn cám dỗ Thiên Chúa làm Người, vì nó là quỷ.

 

Chúng ta thấy ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu là về của ăn, quyền lực và ỷ thế cậy quyền, của chính những người là Kitô hữu, là con Thiên Chúa. Nhưng thật ra là sự kiêu ngạo, vì quỷ chính là sự kiêu ngạo, muốn hơn Thiên Chúa và không muốn tôn thờ Thiên Chúa.

 

Như vậy, tội lớn nhất chính là tội kiêu ngạo, tội mà muốn tỏ ra mình là Thiên Chúa. Biến đá thành bánh là bất chấp quy luật tự nhiên cũng như siêu nhiên, mà một vị Thiên Chúa nhập thể không thể làm. Vì Người còn làm những việc cao siêu hơn cho nhân thế, chứ không phải đợi đến lúc tự hạ rồi biến đá thành bánh, như vậy quỷ nó quá kiêu ngạo.Tuy đã nhập thể làm Người, nghĩa là Người đã trút bỏ địa vị ngang hàng cùng Thiên Chúa, nhưng Người vẫn là Thiên Chúa thật, bởi Thiên Tính Thiên Chúa trong Người và Thánh Thần ở cùng Người. Vì vậy vương quyền và toàn năng vẫn ở cùng Người

 

, vì thế quỷ nó thua Chúa Giêsu là phải. Điểm đáng chú ý ở bài Phúc Âm hôm nay là:

 

Tại sao Chúa Giêsu chịu cám dỗ?

 

Thưa vì Người đã mang nhân tính, dù là một Ngôi Vị Thiên Chúa, nhưng đã mang lấy thân xác hữu hình, thì Người phải chấp nhận sự nhục nhã, như một người bị bại trận, vì vậy, lợi dụng cơ hội nầy quỷ nó mới cám dỗ. Để xem Người có trỗi dậy tính kiêu ngạo hay không. Vì thế cám dỗ là chuyện thường xảy ra trong đời sống tu đức, nếu thiếu cám dỗ thì không thể nên thánh được. Vì không có cám đỗ thì không có chiến đấu, không có chiến đấu thì không có chiến thắng.

 

Như vậy , cám dỗ là phương tiện giúp nên thánh, nhưng sa chước cám dỗ là nghe theo quỷ bỏ Thiên Chúa. Nhờ ơn Chúa để chống lại cám dỗ là tốt, vì thế ,Thiên Chúa đã để cho cám dỗ xảy ra, nhưng không quá sức ta. Nhờ cám dỗ ta biết cậy dựa vào Lời Chúa để chiến đấu. Cám dỗ là phương tiện, nhưng lướt thắng cám dỗ hay sa chước cám dỗ mới là mục đích.

Phương tiện đưa tới mục đích. Vậy chúng ta rất cần ơn Chúa để chiến đấu, thì chúng ta mới giành chiến thắng được.

 

Lạy Chuá Giêsu, Chúa đã chiến đấu và chiến thắng quỷ dữ trong cơn cám dỗ, xin ban cho chúng con biết noi theo Chúa mà đáp trả với quỷ dữ khi phải chịu cám dỗ, để chúng con cũng gắng công chiến đấu trong mùa chay thánh, hầu trở nên môn đệ đích thực của Chúa ./. Amen

 

17/02/2013

P. Trần Đình Phan Tiến (bước theo)