Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thay hình đổi dạng

Tác giả: 
Pt Đặng Phi Hùng

 

 

Thay hình đổi dạng

 

Chúa nhật tuần nầy, T. Luca thuật lại câu chuyện “Chúa biến hình trên núi Taborê” trước mặt 3 tông đồ Phêrô, Giacobê và Gioan: “Mặt Chúa Giêsu chiếu sáng như mặt trời, áo Ngài trắng như tuyết trong lúc đàm đạo với Mosê và Êlia…rồi có tiếng phán từ đám mây ‘Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Ngài.’” Hoạt cảnh trong Tin Mừng hôm nay gợi cho chúng ta bản tính thần thiêng của Ngôi Hai TC và cũng của chúng ta, các con cái Ngài. Chúng ta được TC tạo dựng “giống như hình ảnh của TC.”

 

Bài đọc I, sách STK (sách thuật việc TC dựng nên trời đất và vũ trụ) TC dẫn Abraham ra ngoài nhà và nói với ông: “Ngươi hãy ngước mắt lên trời và thử đếm các ngôi sao xem có đếm nổi không?” Cho đến nay dù người ta vẫn đang đếm, khoa học đã khám phá trong bầu trời vũ trụ có khoảng một tỉ (billion) giải ngân hà (galaxy) và trong mỗi giải ngân hà đó có khoảng một tỉ ngôi sao hay hành tinh, mà trái đất chúng ta đang ở thuộc về ngân hà “milky.”

 

Các nhà chú giải Thánh kinh ghi nhận rằng chỉ có Phúc âm Luca đã kể lại 3 chi tiết quan trọng không được nói đến nơi hai Phúc âm của Matthêu và Matcô, đó là: a) Chúa Giêsu lên núi để cầu nguyện trong khi 2 PÂ kia chỉ nói là Ngài lên núi với 3 môn đệ; b) Hai ông Môse và Elia đàm đạo với Chúa về Sự Thương Khó mà Ngài phải chịu ở Giêrusalem; c) Phêro va các bạn ông ngủ mê mệt, vì buồn bã sau khi Chúa báo tin Ngài sẽ chết đau khổ và vì hơn sáu ngày đã cùng Thầy đi bộ từ Cêrare Philliphe đến núi Taborê, chưa kể đến việc nỗ lực trèo lên núi cao. Như vậy, các ông chỉ chứng kiến được phần cuối: “Khi thức giấc, họ xem thấy vinh quang của Chúa Giêsu và hai vị đang ở đó với Ngài.”

 

Biến cố ở núi Taborê có liên quan đến một biến cố khác cũng ở một ngọn núi khác: núi Cây Dầu. Trên núi Taborê, ba ông Phêrô, Giacobê và Gioan được mặc khải trong khoảnh khắc bản tính thần thiêng của Ngôi Hai Thiên Chúa; trong khi trên núi Cây Dầu, bản tính con người của Chúa Giêsu tỏ hiện khi Ngài lo buồn sầu não đến nỗi máu cùng mồ hôi toát ra, cũng dưới sự chứng kiến của ba ông.

 

            Hai biến cố đã thực sự tỏ hiện đầy đủ hai bản tính của Chúa Giêsu: Ngài thực sự là Thiên Chúa và cũng thực sự là con người. Biến cố trên núi Tabore thực sự đã để lại một ấn tượng sâu sắc vào tâm khảm T. Phêro, vị Giáo hoàng đầu tiên của Hội Thánh. Sau nầy vào khoảng năm thứ 70, ông đã viết thư thứ hai cho Giáo hội ở Tiểu Á để làm chứng: “Tôi đã không thêu dệt hoặc dựa vào những chuyện hoang đường để nói cho anh chị em biết về Đức Kitô Chúa chúng ta, nhưng dựa vào chính mắt “chúng tôi” đã nhìn thấy vinh quang của Ngài. Ngài đã nhận từ Chúa Cha sự tôn kính và uy phong. Tiếng nói nầy chúng tôi đã nghe thấy phán ra từ trời cao, khi chúng tôi ở với Ngài trên núi thánh.”

 

Qua Bài đọc II người Kitô Hữu thực sự được ví như một cuộc “đổi dạng, biến hình.” Sau khi chịu phép Rửa tội, họ được kêu mời biến cải tâm linh hoàn toàn, biến đổi từ thể xác bên ngoài đến thực chất bên trong. Mục đích của Người tín hữu là kết hiệp với Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên ta ở đời nầy, và trên Thiên Đàng ở đời sau. Thánh Phao lô viết: “Quê hương chúng ta ở trên trời.” Thánh nhân khuyên mỗi chúng ta hãy ăn ở theo mẫu mực của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa trong sự tin tưởng vững vàng nơi triều thiên vinh hiển mai nầy vì đời sống làm người của Kitô hữu không dừng lại ở cuối cuộc đời nầy, mà chúng ta còn tiếp tục sống và sống sung mãn với Đấng mà chúng ta tin theo ở đời sau.

 

Các bài đọc của tuần nầy thuật việc Chúa Giêsu biến hình, thay hình đổi dạng kêu mời chúng ta suy nghĩ và nhìn xuyên qua sự thay đổi của da thịt, của hình dạng bên ngoài. Để rồi với ơn Chúa, chúng ta có thể biến hình đổi dạng mỗi ngày như lời Chúa kêu gọi: “Anh em hãy trở thành hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời.” Chúa Kitô cũng kêu mời mỗi Kitô hữu suy niệm về sự thay đổi nội tại: sự biến hình của lý trí, tâm hồn và tâm linh qua việc tin vào Chúa, hy vọng vào tương lai để làm chứng nhân cho Chúa trong yêu thương, và bén nhậy với anh chị em chung quanh. Mỗi ngày chúng ta gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, trong Lời Chúa, qua các Bí Tích, chúng ta nhận ra được khuôn mặt của Chúa trong những người kém may mắn trong thế giới hôm nay. Khuôn mặt đó kêu mời chúng ta yêu thương, sống tử tế, hài hoà, kiên nhẫn và cảm thông.

 

            Vẫn biết chúng ta đang bị thử thách và nhiều lúc hoang mang trong môi trường sống, một môi trường ồn ào, bận rộn, môi trường mà hầu như từ chính quyền đến xã hội đều phò đời sống vật chất mà không nghĩ đến sự sống tâm linh và đời sau. Nhưng nếu người tín hữu biết cầu nguyện nơi tĩnh lặng, Chúa sẽ cho chúng ta thấy được Ngài.

 

LM Hồng Phúc, dòng Chúa Cứu Thế kể lại: Văn hào André Frolssard thuộc hàn lâm viện Pháp đã được ơn “trở lại” lạ thường như ông đã xác định trong cuốn sách “Có Thiên Chúa và tôi đã gặp Ngài” xuất bản đầu thập niên 1940. Cha ông là tổng thư ký của đảng Cộng sản Pháp đã từng tuyên bố: “Nếu thực sự có một Thiên Chúa thì tôi khuyên “ông ta” nên tránh mặt đi vì không ai thích ông.” Nhưng con ông thì trái lại, André đã khẳng định: “Khi người ta may mắn gặp được TC thì mọi sự khác chỉ là trò hề. Chỉ có TC là Đấng không làm cho tôi thất vọng kể từ buổi sáng hôm ấy vào năm 1935.” (Paris March April 8, 1988)

 

PT Phêrô Đặng Phi Hùng